Gói bánh Chưng, bánh Tét, sinh hoạt Tết của giáo xứ Việt tại Texas

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Âm Lịch, cũng như mọi gia đình ở trong nước đang bắt đầu sắm sửa mọi thứ để đón Tết, thì cộng đồng người Việt ở hải ngoại, dù xa quê hương, nhưng hầu hết ở khắp nơi, đều bắt đầu rộn rịp chuẩn bị với những sinh hoạt truyền thống của ngày Tết như hội chợ Xuân, đại nhạc hội mừng Xuân…

Một trong những hoạt động sôi nổi ấy phải kể đến việc gói bánh chưng, bánh tét, với mục đích duy trì và bảo tồn văn hoá Việt Nam nơi xứ người, tại một giáo xứ Việt Nam ở thành phố Garland, Texas. Đó là giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nơi qui tụ khoảng hơn 1200 hộ gia đình Việt Nam đã ghi danh chính thức. Kỳ này, trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần, Phương Anh xin kể cho quí vị nghe về sinh hoạt Tết của giáo xứ này.

Thưa quí vị và các bạn, được biết, vào tháng 5 năm 1992, tại thành phố Garland, bang Texas, một giáo xứ Việt nam, với tên gọi “giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” được chính thức thành lập.

Từ đó đến nay, càng ngày, càng có thêm nhiều gia đình Việt Nam đến ghi danh sinh họat. Linh mục Giuse Trịnh Đức Hoà, thuộc dòng Chuá Cứu Thế, Hoa Kỳ, hiện là cha chánh xứ cho biết rằng: với nhu cầu sinh hoạt ngày càng đông của các thanh thiếu niên, nhất là làm sao duy trì được nét văn hoá của người Việt trong dịp Tết, từ 3 năm qua, giáo xứ đã tổ chức gói bánh chưng, bánh tét với mục đích:

Mục đích của việc gói bánh chưng đó là bảo tồn truyền thống văn hoá Việt Nam. Một trong những ngày lễ đáng nhớ của dân tộc là 3 ngày Tết. Tuy xa quê hương và Tết rơi vào ngày thường nhưng việc bảo tồn và duy trì ý nghĩa của ngày Tết càng bức xúc hơn, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Vì thế, tại giáo xứ của chúng tôi đã tận dụng tất cả nguồn nhân lực hiện có để duy trì truyền thống căn bản của người Việt Nam, chẳng hạn như mồng Một, mồng Hai, mồng Ba, tổ chức hội chợ xuân để quí đồng hương xa gần có dịp gặp gỡ nhau hàn huyên…Để chuẩn bị cho cái Tết dân tộc, chúng tôi không thể nào quên được tấm bánh chưng, bánh tét của người Việt Nam.

Vì thế, ròng rã cả một tháng trước Tết, huy động tất cả già trẻ, một ngày hai ca. Ca ngày là những người lớn tuổi, ca đêm là cho giới trẻ sau khi đi làm về vào làm cho đến 10, 11 giờ đêm để gói những tấm bánh chưng thơm ngon, trước là để duy trì lại cho giới trẻ biết thế nào là lau lá, cách làm bánh chưng, bánh tét, nấu như thế nào…gói, nén..các công đoạn…

Linh mục Giuse Trịnh Đức Hoà cũng cho biết thêm rằng: ban đầu, tưởng rằng những tấm bánh chưng, bánh tét của giáo xứ chỉ phục vụ cho bà con trong giáo xứ mà thôi. Thế nhưng, không ngờ tiếng lành đồn xa, sang năm thứ hai, thì:

Năm vừa rồi, chúng tôi bán được hơn 7000 tấm bánh chưng. Trước hết, chúng tôi phục vụ cho giáo xứ nhà và qua bà con, những tấm bánh chưng được gửi đi tất cả mọi miền trên đất nước Hoa Kỳ. Năm ngoái, chúng tôi làm thí điểm và năm nay chúng tôi tiếp tục thực hiện. Đó là việc gửi bánh chưng qua đường bưu điện… chỉ sau 3 ngày là tất cả các nơi trong Hoa Kỳ là có.

Một tin rất vui là bánh chưng của giáo xứ nhà đã qua đến tận Trung Quốc. Năm nay chúng tôi cũng cố gắng đạt được như năm vừa rồi, chỉ có điều là thời gian đến Tết còn quá gần, vì vưà xong Tết Tây là đến Tết ta ngay, nhưng chúng tôi cũng cố gắng hết sức để cống hiến cho quí đồng hương những tấm bánh chưng, bánh tét, đậm đà tìng nghĩa cho bà con xa gần.

Xây dựng một trung tâm văn hoá giáo dục

Ngoài mục đích giúp cho giới trẻ, nhất là các thanh thiếu niên Việt sinh ra hay lớn lên tại Hoa Kỳ, hiểu được ý nghĩa và truyền thống tốt đẹp của ngày Tết dân tộc, việc gói bánh chưng, bánh tét còn giúp cho giáo xứ giải quyết một vấn đề nan giải. Đó là việc xây dựng một trung tâm văn hoá giáo dục cho các em thanh thiếu niên trong giáo xứ. Linh mục Hoà cho biết:

Vật liệu, lá, đậu.. đều lên giá, nhưng chúng tôi cũng có được tiền lời đôi chút để xây dựng một trung tâm giáo dục. Hiện nay, mỗi cuối tuần, có đến hơn 800 em đến sinh hoạt giáo lý, học Việt Ngữ… nên cơ sở cũ không còn đáp ứng được nữa. Mỗi năm, chúng tôi tăng đến cả trăm em vào khối giáo dục, vì thế cần phải chuẩn bị một cơ sở mới trong tương lai về sinh hoạt giáo dục, văn hoá, tôn giáo, và nhân bản cho các em.

Thưa quí vị và các bạn, hiện nay, cứ mỗi ngày, ở hội trường nhà xứ, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, lúc nào cũng có gần hai chục người, già, trẻ tất bật với công việc gói bánh, từ khâu ngâm gạo, cắt hành, ướp thịt, nấu đậu xanh để chuẩn bị nhân làm bánh, lau từng tấm lá chuối, rồi gói bánh…cho đến việc việc nấu nướng, ai ai cũng bận rộn với công việc của riêng mình.

Ở một góc nhà, một chiếc tivi chiếu liên tục các thước phim ca nhạc, phim bộ…nhưng hình như chẳng ai buồn để ý. Vì đối với họ, quan trọng nhất là làm sao sản xuất được những tấm bánh chưng xanh mướt mắt, những đòn bánh tét trông thật ngon lành. Bác Phương, năm nay 64 tuổi, ở nhóm gói bánh tét, cho biết:

Năm nào cũng đến đây giúp, có khi tôi gói, có khi tôi cột dây..năm nay là năm thứ ba…Lá chuối mua ở bên Thái Lan, mua trong các chợ…Tất cả đều gói bằng lá chuối…Tết ở đây mọi người đều tham gia, mua bánh, rồi gửi đi các tiểu bang, ngày Tết vui lắm…

Em đến làm thịt để làm nhân cho bánh tét và làm mấy cái lò để nấu bánh chưng. Mình làm việc cảm thấy rất vui và có ý nghĩa…Em sang đây lúc còn nhỏ thành ra không có biết nhiều về Tết, nhưng em thấy việc làm bánh chưng để xây trường học cho các cháu nhỏ rất có ý nghĩa. Vào dịp Tết, việc gói bánh chưng giữ được cái truyền thống của người Việt.

Anh Vinh, một thanh niên 34 tuổi

Còn bà Toàn, bên nhóm chuyên làm nhân bánh thì nói: Để đúng lượng để người ta vô lượng cho đúng một cái bánh tét..Thí dụ như cái bánh 3 pounds, thì các cô đó vô nếp, và cùng với cái nhân này thì đúng 3 pounds. Thịt heo mua ở chợ, vì mình không có thời giờ giết heo…mình không mua nguyên con heo.. . Ca sáng thì làm tới 7 giờ, ca tối thì thanh niên vô, chặt thịt…

Có ý nghĩa và cần thiết

Với anh Vinh, một thanh niên 34 tuổi, đang phụ với các bác cao niên vớt các tấm bánh chưng thì cho hay rằng năm nay, lần đầu tiên anh tham gia, và hôm nay, sau giờ làm việc, anh đến nhà xứ ngay vì:

Em đến làm thịt để làm nhân cho bánh tét và làm mấy cái lò để nấu bánh chưng. Mình làm việc cảm thấy rất vui và có ý nghĩa…Em sang đây lúc còn nhỏ thành ra không có biết nhiều về Tết, nhưng em thấy việc làm bánh chưng để xây trường học cho các cháu nhỏ rất có ý nghĩa. Vào dịp Tết, việc gói bánh chưng giữ được cái truyền thống của người Việt.

Riêng cô Anh Thư, 28 tuổi, sinh hoạt trong đoàn thanh niên của giáo xứ thì cho biết rằng: Cái văn hoá Việt Nam nó đã ăn sâu trong lòng em, những lúc làm như thế này mới thực sự thấy được cái Tết của Việt Nam ở nơi xứ người.

Một thiếu nữ khác, năm nay 22 tuổi, đến Mỹ khi mới 3 tuổi, hầu như không có ý niệm gì về Tết Việt Nam cả. Nhưng, kể từ khi tham gia vào việc gói bánh chưng, bánh tét của giáo xứ, cô đã học được rất nhiều điều cho bản thân mình. Cô tâm sự:

Em tên là Hiền, em tham gia việc lau lá chuối vì muốn đóng góp vào việc xây trường học cho các em thiếu nhi. Và qua việc này, em học được những phong tục tập quán của người Việt Nam, ngày lễ mọi người xum họp với nhau, làm những việc như gói bánh chưng, bánh tét để duy trì văn hóa Việt Nam ở xứ Mỹ…Em để ý là nếu không nấu ở nhà thờ thì ở nhà, bà ngoại em, cũng nấu bánh chưng trong cái nồi nho nhỏ…

Thưa quí vị và các bạn, vừa rồi là các thông tin sinh hoạt của giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại thành phố Garland, Texas. Từ bao lâu nay, việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết được những nét văn hoá đặc thù của Việt Nam, cùng duy trì phong tục tập quán vào dịp Tết Âm Lịch luôn là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình người Việt ở hải ngoại. Thế nên, thật cần thiết để có thêm nhiều sinh hoạt cho giới trẻ có cơ hội học tập, như lời linh mục Hoà phát biểu:

Thế hệ trước truyền cho thế hệ trẻ. Qua những việc gói bánh chưng, các bạn trẻ có cơ hội bảo tồn truyền thống văn hoá Việt Nam, có cơ hội gần gũi nhau, để chia xẻ về cuộc sống, về quê hương, về dân tộc…

Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn vào kỳ sau