Nhân quyền phải là trọng tâm các chiến lược chống nạn buôn người

Vienna - (Zenit) - Để chiến đấu chống nạn buôn người, cần chú ý đến những kẻ đòi hỏi hoặc hưởng lợi từ tệ nạn đó.

Đó là nhận định của Tổng giám mục Agostino Marchetto, thư ký hội đồng giáo hoàng phụ trách Di dân và Lữ khách, phát biểu tại Diễn đàn Chống Nạn Buôn Người tổ chức tại Vienna, nước Áo, mới chấm dứt thứ sáu tuần qua.

“Tòa thánh hoan nghênh các nỗ lực ở mọi cấp bậc nhằm chống nạn buôn người, đó là một vấn đề có nhiều chiều kích và là một trong những hiện tượng đáng xấu hổ nhất trong thời đại chúng ta. Rõ ràng ai cũng biết là, nghèo đói cũng như thiếu cơ hội và thiếu liên kết trong xã hội đã đẩy con người đi tìm tương lai tốt đẹp hơn bất chấp mọi rủi ro xẩy tới, làm cho họ rất dễ dàng trở thành nạn nhân tệ nạn buôn người. Hơn nữa, nên nhấn mạnh rằng ngày nay, có một số yếu tố cũng góp phần làm lan rộng tội ác này, thí dụ, thiếu các luật lệ rõ rệt nơi một số quốc gia, sự dốt nát của các nạn nhân không biết được quyền lợi của chính họ, cơ chế văn hóa xã hội, và các cuộc xung đột có võ trang.”

Vị Tổng giám mục nói tiếp rằng mọi chiến lược chống nạn buôn người và bảo vệ nạn nhân phải đặt trọng tâm vào các quyền của con người.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng “cần đề cập đến phe có nhu cầu” của nạn buôn người, nghĩa là, trong việc khai thác tình dục, “các khách hàng” – thường là nam giới: như thanh niên, người chồng, người cha”; và trong các hình thức khác của nạn buôn người, chẳng hạn, những hình thức bất hợp pháp của các hoạt động hợp đồng phụ gây được lợi nhuận do tình trạng bóc lột lao động”.

Tổng giám mục Marchetto cũng cho biết hội nghị các Giám mục địa phương đã đề cập đến vấn đề buôn người trong các vùng địa dư liên hệ của các vị đó.

“Điều này đã đưa tới kết quả là sự liên hệ trực tiếp của các tổ chức và cơ chế Công giáo nơi nhiều quốc gia trong việc giúp đỡ các nạn nhân, như lắng nghe tiếng nói của họ, cung cấp sự trợ giúp cần thiết và yểm trợ họ thoát khỏi những bạo hành về tình dục, lập ra các ngôi nhà an toàn, đẩy mạnh công tác tư vấn để họ tái hội nhập vào xã hội hoặc giúp họ trở về quê nhà, yểm trợ các hoạt động nhằm phòng ngừa và nâng cao cảnh giác.”

Những vấn đề phức tạp

Tổng giám mục Marchetto công nhận rằng “không có những giải pháp dễ dãi” cho vấn để buôn người.

Ngài nói: “Giải quyết những lạm dụng đặc biệt về quyền con người này cần phải có một tiến độ chặt chẽ và toàn bộ.”

“Điều cần là không phải chỉ xét tới quyền lợi tốt đẹp nhất của các nạn nhân, mà còn tới hình phạt đích đáng cho những người trục lợi nhờ buôn người, và đặt ra những biện pháp ngăn ngừa, như: một mặt, đề cao cảnh giác, đề cao lương tri, một mặt xét tới các nguyên nhân căn cội của hiện tượng buôn người, trong đó cũng không nên bỏ qua tình trạng kinh tế vĩ mô (macroeconomic).

“Ngoài ra, một phương pháp chặt chẽ và toàn diện phải đề cao sự hội nhập của các nạn nhân, đặc biệt là những người hợp tác tố cáo bọn buôn người, gồm có săn sóc về y tế và tư vấn về tâm lý xã hội, thích nghi, cấp giấy phép cư trú và cho tìm việc làm. Cũng còn có nghĩa là cho hồi hương, kèm theo những dự án nhỏ hoặc cho vay tiền, như vậy đảm bảo rằng các nạn nhân không trở lại môi trường độc hại như trước.

“Thêm vào đó, có thể đưa ra các biện pháp để lập nên kế hoạch bồi thường, được tài trợ bằng cách tịch thu các lợi nhuận và tích lũy của bọn buôn người có được trong các hoạt động tội ác của chúng.”

Tổng giám mục Marchetto kết luận: “Trong bất cứ trường hợp nào, các nỗ lực chống nạn buôn người phải là nỗ lực chính yếu của toàn xã hội. Như ĐGH Bênêđictô đã công bố trong thông điệp mới đây về Hy vọng, nhân tính đích thực được chủ yếu xác định liên quan đến sự đau khổ và người chịu khổ đau. Điều này đúng cả đối với cá nhân và với xã hội.”