Ý kiến độc giả: Thư gửi Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam

Kính thưa Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục

Mấy tuần qua trên một số trang web, tôi thấy có nhiều bài nói về vụ trường học biến thành vũ trường ở 32 bis Nguyễn Thị Diệu, Q.3. Tp HCM. Tôi cũng được đọc bản Thông Cáo Chung ký ngày 15/10/1975 giữa Sở Giáo Dục Thành Phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Giáo Dục & Thanh Niên và Uỷ Ban Liên Lạc Giáo Dục Công Giáo đại diện Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn. Đọc xong bản thông cáo chung này tôi cảm thấy cần phải viết thư cho Bộ trưởng.

Tôi rất ngưỡng mộ những gì Bộ trưởng đã làm cho cho nền giáo dục nước nhà trong những năm qua, ví dụ như chủ trương kiên quyết “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Gần đây hẳn Bộ Trưởng là một trong những người có thiện chí thao thức vực dậy nền đạo đức, nhân bản đang tụt dốc trong học đường. Để đạt được mục tiêu này Bộ Trưởng đã ban hành chỉ thị số 2516/CT-BGDĐT ngày 18/5/2007; phát động trong toàn ngành cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" từ 19/5/2007, hằng năm sơ kết vào dịp sinh nhật Bác (19/5) và tổng kết vào dịp 03/02/2011 nhằm “đẩy lùi sự suy thoái về chính trị đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội”. Nội dung: “…tập trung vào các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Như thế, Bộ Trưởng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc các thầy cô, những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục phải là người đi đầu trong việc sống các giá trị đạo đức và nhân bản. Bởi không thể giáo dục đạo đức cho học sinh khi chính bản thân giáo viên chưa mẫu mực. Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, nói: Gương thầy cô là bài học lớn nhất vì như nhà giáo dục Pháp Jean Jaures nói: “người ta chỉ và chỉ có thể dạy bằng chính con người (nhân cách) của mình”. Bác Hồ thì nói một cách nôm na dễ hiểu hơn: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.

Với tư cách là một phụ huynh học sinh, tôi xin được thưa với Bộ trưởng môt số suy nghĩ và đề nghị của tôi nhân vụ Trường mẫu giáo Măng Non đã trở thành vũ trường VIP- CLUB.

- Tôi nghĩ rằng Bộ Trưởng cần lên tiếng khi Giám Đốc một Sở Giáo Dục lớn như Thành Phố Hồ Chí Minh đứng ra mượn cơ sở để dạy học, nay chẳng biết vì lý do thôi không dạy nữa, biến mảnh đất thiêng liêng mượn của tôn giáo ấy thành vũ trường. Sở Giáo Dục muốn dạy cho người có đạo một bài “công dân giáo dục” chăng? Quý nhà giáo mẫu mực muốn dạy cho các em học sinh rằng đất đai tôn giáo chỉ đáng để làm vũ trường? Xin Bộ trưởng đừng quên chuyện mượn cơ sở này là nhân danh Bộ Giáo dục và Thanh niên (xem Thông Cáo Chung 1975)! Bộ trưởng có thể nói đây là chuyện của quá khứ không liên can gì đến tôi! Không, tôi nghĩ nó gắn liền với vấn đề trường lớp hiện nay và đạo làm người trong giáo dục. Cụ thể, Bộ trưởng có thể kiểm chứng được hiện nay đang có bao nhiêu ngôi trường mà ngành giáo dục đang sử dụng là mượn của tôn giáo. Đã đến lúc chúng ta cần giáo dục cho học sinh biết ơn về những gì mà tôn giáo đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, thay thế cho những bài học chính trị chê bai tôn giáo! Nói thế không phải vì các Vị chức sắc trong tôn giáo cần đến lời cám ơn của con em chúng ta, nhưng để người thụ ơn xứng đáng là người hơn! Tôi thiết nghĩ, Bộ trưởng cũng đã làm điều gì đó, nhưng tôi vẫn không thể không viết thư này. Tôi muốn Bộ trưởng và Giám Đốc Sở giáo dục TP HCM không làm gương cho con em chúng ta về sự dối trá, phủ nhận việc đã có một Vị đi trước mình đã ký mượn các trường tư thục của Giáo Hội Công Giáo. Tôi nghĩ những vị đứng đầu trong ngành giáo dục phải lên tiếng đồng thuận với việc trả lại trường cho tôn giáo khi đã không còn sử dụng đúng mục đích mà mình đã cam kết trên giấy trắng mực đen. Và quý vị sẽ bằng mọi cách không để xảy ra một trường hợp khác tương tự. Các Vị mang trong mình thiên chức giáo dục không thể cố tình vi phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc tôn trọng quyền sở hữu của người khác. Rõ ràng việc Vũ trường mọc lên trên mảnh đất mượn để làm trường học là có phần lỗi của cán bộ ngành giáo dục. Đất nước này chẳng lẽ không cần chỗ để dạy học nữa mà chỉ cần chỗ phục vụ ăn chơi? Thầy cô giáo đạo mạo mượn chỗ nói là để dạy học sao bây giờ lại thành chỗ nhảy đầm cấm con nít không được thấy?

Tất cả những điều ấy cần được công khai nói lên, như thế chúng ta mới có thể làm gương cho con em chúng ta về sự: “liêm, chính, tinh thần trách nhiệm” như nội dung phong trào của Chỉ Thị Bộ trưởng đã ban hành. Xin Bộ trưởng thứ lỗi vì những điều tôi nói quá thẳng thắn có thể làm Bộ trưởng phiền lòng. Thật vậy, những ngày qua tôi từng chứng kiến sự tranh luận và bất bình của con tôi cùng các bạn học của nó về sự kiện vườn trẻ thành vũ trường. Mong Bộ trưởng lên tiếng cho chúng nó thấy thầy cô giáo luôn là những người gương mẫu trong giảng dạy hơn là xuất sắc trên sàn nhảy, nhất là chuyện này lại có liên hệ đến các thầy cô cao cấp trong trong ngành giáo dục. Đó sẽ là bài đạo đức thuyết phục và sống động đối với con em chúng tôi.

Xin trân trọng kính chào và chúc sức khoẻ đến ngài Bộ trưởng!

Cà Mâu ngày 2/4/2008