NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (15)

CHƯƠNG X: DÂN CHÚA VIỆT NAM
(Tiếp theo)

3. GIÁO TRIỀU

Năm 1542, Thánh Bộ Đức Tin (Saint-Office, tiếng Pháp), Thánh Bộ đầu tiên được thành lập bởi Đức Thánh Cha Phaolô III và những Thánh Bộ khác được tổ chức theo các văn kiện của Công Đồng Chung Trente trong những năm 1561 đến 1571.

Ngày 22.01.1588, Đức Thánh Cha Sixte V công bố Sắc chỉ Immensa aeterni Dei để tổ chức Giáo Triều với 15 Thánh Bộ [Congrégation (hay dicastère), tiếng Pháp, Congregation (hay dicasteria), tiếng Anh], với những lãnh vực hoạt động riêng biệt. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, qua Tông Huấn Pastor Bonus ngày 28.06.1988, đã cải tổ các định chế để phù hợp với Giáo Luật 1983.

A. Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (Secretariat of State, tiếng Anh, và Secrétairerie d’Etat, tiếng Pháp

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh điều khiển Phủ Quốc Vụ Khanh, một trong vài định chế lâu đời nhất của Giáo Triều, thành lập bởi Đức Thánh Cha Innocent VIII ngày 31.12.1487.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh giải quyết mọi vấn đề chính trị và ngoại giao của Tòa Thánh, tương đương với Thủ tướng và, đại diện Đức Thánh Cha, Quốc Trưởng Tòa Thánh, trong việc ban giao với các quốc gia khác. Quốc Vụ Khanh đương nhiệm là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone kể từ ngày 22.06.2006.

Phủ Quốc Vụ Khanh gồm hai cơ quan:

1. Đặt trách các vấn đề tổng quát có nhiệm vụ giải quyết mọi vấn đề không thuộc các Thánh Bộ khác do Đức Thánh Cha giao phó. Cơ quan này còn khuyến khích các mối quan hệ với các Thánh Bộ trong Giáo Triều và với các Đức Giám Mục khắp thế giới.

2. Đặt trách bang giao với các quốc gia có nhiệm vụ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các chính phủ dân sự, cỗ võ các mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia, liên lạc với các ngoại giao đoàn và các nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh. Ngoài ra, Cơ quan còn xử lý đến những vấn đề thời sự nóng bỏng và các hoạt động của Tòa Thánh trên bình diện quốc tế.

Đức Tổng Giám mục trách nhiệm cơ quan này tương đương với Bộ Trưởng Ngoại Giao và vị đương nhiệm là Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti.
Thứ trưởng Ngoại Giao hiện là Đức Ông Pietro Parolin. Người đã đến Việt-Nam nhiều lần để thương thuyết với Nhà Nước cộng sản về việc bổ nhiệm các Đức Giám mục và việc điều hành Giáo Hội tại Quê Hương.

B. Các Thánh Bộ của Giáo Triều

1- Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thành lập ngày 21.07.1542 bởi Đức Thánh Cha Phaolô III.

Chức năng chính của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là nhằm cổ võ và bảo vệ Giáo lý về đức tin và luân lý Công Giáo trên khắp thế giới, và những vấn đề có liên quan đến vấn đề đức tin hay luân lý. Thánh Bộ hổ trợ cho các cuộc nghiên cứu nhằm gia tăng thêm sự hiểu biết về đức tin, và để tìm ra một lời giải đáp theo đúng ánh sáng và tinh thần của đức tin về những câu hỏi mới được nêu ra từ những phát triển của khoa học và nền văn hóa nhân loại. Thánh Bộ giúp các Đức Giám Mục trong việc thực thi chức năng mà các Đức Giám mục được tín thác và trao phó như là những người thầy giảng dạy đích thực về đức tin. Các Đức Giám Mục có trách nhiệm bảo vệ và cổ võ tính xác thực và nguyên vẹn của đức tin. Thánh Bộ sẽ nghiên cứu các sách vở có liên hệ và nếu cần, sẽ đưa ra lời khiển trách sau khi tác giả được thông báo và có cơ hội để tự bảo vệ chính mình, hoặc là sau khi vị Giám Mục đã được báo trước. Thánh Bộ bảo vệ các giá trị của Phép Bí Tích Hòa Giải. Tùy theo tính chất của vấn đề mà Thánh Bộ sẽ hành động một cách tương xứng theo đúng các thủ tục về pháp lý hay hành chánh.

Thánh Bộ được điều khiển, từ ngày 13.05.2005, bởi Đức Hồng Y William Joseph Levada.

2- Thánh Bộ Đặc Trách Các Giáo Hội Đông Phương, thành lập năm 1862, phụ thuộc Thánh Bộ Rao Giảng Đức Tin, và được tách rời năm 1917 bởi Đức Thánh Cha Biển Đức XV. Thánh Bộ có thẩm quyền đến những vấn đề có liên quan tới tín hữu, kỷ luật hay các nghi lễ của các Giáo Hội Đông Phương, ngay cả khi vấn đề được trộn lẫn bởi điều kiện tự nhiên của sự vật hoặc bởi những người có liên hệ theo nghi lễ La Tinh.

Thánh Bộ được điều khiển, từ ngày 05.06.2007, bởi Đức Hồng Y Leonardo Sandri.

3- Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích được Đức Thánh Cha Phaolô VI thành lập năm 1975 bằng kết hợp hai Thánh Bộ Kỷ Luật Bí Tích, thành lập bởi Thánh Giáo Hoàng Piô X năm 1908, và Thánh Bộ Phụng Tự, được Đức Thánh Cha Phaolô VI đổi tên từ Thánh Bộ Nghi thức nhân dịp cải tổ Phụng vụ sau Công đồng Vatican II. Thánh Bộ có nhiệm vụ cổ võ cử hành phụng vụ thánh, đặc biệt là các phép bí tích, theo thẩm quyền của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Thánh Bộ khuyến khích và bảo vệ tính nguyên tắc của các phép bí tích. Thánh Bộ có thẩm quyền về các nghĩa vụ vốn có liên quan đến các dòng tu chính và xem xét đến tính pháp lý của việc phong Chức Thánh.

Thánh Bộ được điều khiển, từ năm 2007 đến nay, bởi Đức Hồng Y Francis Arinze.

4- Thánh Bộ Phong Thánh có thẩm quyền trong các vấn đề có liên quan đến việc phong Chân Phước cho những tôi tớ của Thiên Chúa hay phong Thánh cho các Chân Phước cùng bảo tồn đến các di tích Thánh.

Tổng trưởng Thánh Bộ là Đức Hồng Y José Saraiva Martins, từ năm 1998.

5- Thánh Bộ Truyền Giảng Phúc Âm Cho Các Dân Tộc có trách nhiệm:
- hướng dẫn và phối hợp các công tác Phúc Âm hóa các dân tộc và truyền giáo trên khắp thế giới, trong tinh thần tôn trọng đến thẩm quyền của Bộ Đặc Trách Các Giáo Hội Đông Phương;
- về những vấn đề có liên quan đến sứ vụ thành lập và làm lan truyền Vương Quốc của Chúa Kitô trên khắp thế giới, các vấn đề liên quan đến việc phân công hay chuyển nhượng giáo sĩ cần thiết để phân định các ranh giới truyền giáo và đề nghị những giáo sĩ cai quản vùng đó;
- khuyến khích việc đào tạo và phát triển số giáo sĩ bản xứ. Thánh Bộ bảo trợ các sáng kiến truyền giáo và cổ võ những ơn gọi thiêng liêng về truyền giáo. Tại các lãnh thổ thuộc thẩm quyền mình, Thánh Bộ tổ chức ra những công hội và các hội đồng, việc thành lập ra các Hội Đồng Giám Mục, cho đến việc duyệt xét lại các qui chế và sắc lệnh tại các lãnh thổ thuộc thẩm quyền mình. Hội Đồng Tối Cao của Thánh Bộ điều hành Công Cuộc Truyền Giáo của Tòa Thánh, dù tùy thuộc vào các Tổng Hiệp Hội về Truyền Giáo của Các Tu Sĩ, Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Phêrô Tông Đồ, và Hội Chúa Hài Đồng.

Đức Hồng Y Ivan Dias đang là Tổng trưởng Thánh Bộ từ ngày 20.05.2006.

6- Thánh Bộ Giáo Sĩ được thành lập bởi Đức Thánh Cha Piô IV ngày 02.08.1564, chuyên trách những vấn đề đời sống, kỷ luật, quyền lợi của giáo sĩ;
- phụ trách việc đào tạo và thánh hóa các Linh mục;
- chuyên việc giảng Lời Chúa và dạy Giáo lý;
- lo việc gìn giữ và quản trị tài sản Giáo Hội, đời sống vật chất của giáo sĩ, đặc biệt là lo cho các giáo sĩ đi hưu và bệnh tật.

Ủy Ban Giáo Hoàng về Bảo Tồn các Di Sản Thánh và Nghệ Thuật nằm dưới sự điều khiển trực tiếp của Bộ.

Tổng Trưởng Thánh bộ hiện nay là Đức Hồng Y Claudio Hummes, O.F.M. từ ngày 31.10.2006.

7- Thánh Bộ Giám Mục được thành lập bởi Đức Thánh Cha Sixte V ngày 15.01.1588, có nhiệm vụ, ấn định nơi điều 77 Tông huấn Pastor Bonus:
- lo mọi việc liên quan đến các Đức Giám mục và quyền tài phán của Giám mục, kể cả các Giám mục Giáo phận Quân đội, việc thăm ‘ad limina’.
- đề nghị Đức Thánh Cha chấp thuận về hiến pháp của các địa phận, các giáo tỉnh hay các vùng mới; cũng như về việc hợp nhất, phân chia hay điều chỉnh lại các giáo phận sau khi đã tham khảo với các Hội Đồng Giám Mục có liên quan.

Tổng Trưởng Thánh bộ hiện nay là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re từ ngày 16.09.2000.

8- Thánh Bộ Tu sĩ. Đời Sống Tận Hiến và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, được thành lập bởi Đức Thánh Cha Sixte V ngày 27.05.1586, có thẩm quyền đối với các tổ chức tu trì đời sống tận hiến, các tu hội đời, các tu hội sống đời tông đồ và cả các hội dòng ba.
Ngoài ra, Thánh Bộ phụ trách các việc liên quan đến sự thành lập, bải bỏ, chuyển đổi các tổ chức tu trì; chế độ, kỷ luật, nội quy và quy chế của các hội dòng; canh tân và thích nghi các hội dòng; khuyến khích các tu nghị và việc giao hảo, hiệp thông giữa các Bề trên thượng cấp của các tổ chức tu trì đó.

Tổng Trưởng Thánh bộ hiện nay là Đức Hồng Y Franck Rodé từ năm 2004.

9- Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo (trong các Chủng viện và Học Viện) được thành lập bởi Đức Thánh Cha Sixte V ngày 15.01.1588, có thẩm quyền ấn định bởi đoạn 112 tới 116 Tông huấn Pastor Bonus, về ba lãnh vực:

- phụ trách các vấn đề liên quan tới chủng viện, đào tạo giáo sỉ cho Giáo phận, tu sĩ và thành viên tu hội đời;
- phụ trách các trường đại học, học viện và cao đẳng Công giáo, cổ vũ sự hợp tác với nhau và với cá tỏ chức ngoài Công giáo;
- phụ trách các trường Công giáo dưới bậc đại học.

Thánh bộ còn phụ trách việc cổ vũ ơn gọi Linh mục.

Tổng Trưởng Thánh bộ hiện nay là Đức Hồng Y Zenon Grocholewski từ ngày 15.11.1999.

C. Các Tòa Án Giáo Hoàng.

1- Tòa Án giải Tối cao có quyền hạn trong phạm vi tòa trong (bí tích hay ngoài bí tích, ra phán quyết về những vấn đề lương tâm, xá giải án phạt dành cho Tòa Thánh và Đức Thánh Cha, miễn trừ nghĩa vụ, tháo gỡ lời khấn, tha thứ và lo về giáo lý của ân xá và ban các ân xá.

Chánh Án: Đức Hồng Y James Francis Stafford, từ ngày 04.10.2003.

2- Tối cao Pháp Viện giải quyết những vụ việc liên quan đến thủ tục tố tụng, kiểm tra việc tuân thủ luật lệ và các quyền lợi ở mức độ cao nhất. Đây cũng là tòa án tối cao của quốc gia Vatican.

Chánh Án: Đức Hồng Y Agostino Vallium, từ năm 2004.

3- Tòa Thượng thẩm (Roman Rota, tiếng Anh, và Rote romaine, tiếng Pháp)
phúc thẩm mọi vụ kháng án lên Tòa Thánh. Tòa quyết định chung thẩm về các vụ án liên can đến giá trị pháp lý hôn phối.

Các thẩm phán do Đức Thánh Cha chỉ định và vị cao niên nhất trở thành Niên trưởng.

D. Các Hội Đồng Giáo Hoàng.

1- Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo dân, được thành lập bởi Đức Thánh Cha Phaolô VI ngày 06.01.1967, có thẩm quyền trên các hoạt động tông đồ của giáo dân và việc họ tham gia vào đời sống và sứ mạng cho Giáo Hội. Hội đồng có 32 thành viên, gồm Giám mục, Linh mục và giáo dân đến từ nhiều miền trên thế giới và dấn thân vào việc tông đồ khác nhau.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, từ ngày 04.10.2003.

2- Hội Đồng Giáo Hoàng cổ vũ Hợp Nhất Kitô hữu lo thiết lập mối quan hệ với các thành viên của các cộng đoàn Kitô giáo khác, giải thích đúng và thực hiện tốt các nguyên tắc đại kết, tổ chức và thúc đẩy các nhóm đại kết Công giáo và phối hợp trên bình diện quốc gia và quốc tế, để cổ vũ cho Hợp Nhất Kitô hữu; tổ chức đối thoại đại kết với các cộng đoàn tách rời khỏi Tông Tòa; gửi quan sát viên Công giáo đến dự họp với các anh em Kitô giáo hay mời đại diện của các Giáo Hội khác đến dự họp.

Ủy ban đặc trách về các quan hệ tôn giáo với người Do Thái liên hệ chặt chẽ với Văn phòng Thư ký của Hội Đồng này.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Hồng Y Walter Kasper, từ ngày 03.03.2001.

3- Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình có trách nhiệm thăng tiến mục vụ cho các gia đình để họ có thể chu toàn sứ mệnh dạy dỗ, rao giảng Tin Mừng và truyền giáo, đồng thời giúp cho ảnh hưởng của gia đình tác động vào môi trường họ đang sống, bảo vệ sự sống con người, sinh sản có trách nhiệm theo lời dạy của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Alfonso López Trujillo đang là Chủ tịch Hội Đồng, từ 1990. 15 Đức Giám mục hợp thành Chủ tịch đoàn và 19 đôi vợ chồng đến từ nhiều miền trên thế giới và đại diện cho nhiều văn hóa khác nhau.

4- Hội Đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, được thành lập bởi Đức Thánh Cha Phaolô VI ngày 06.01.1967, có nhiệm vụ cổ vũ Công lý và Hòa bình trên thế giới theo lời dạy của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, từ ngày 01.10.2002.

5- Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục vụ cho người Di dân và Du mục trợ giúp mục vụ cho những người phải rời khỏi quê hương như dân di cư, du mục, du lịch và hành khách di chuyển bằng phi cơ, tàu thủy.

Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino đương kiêm Chủ tịch Hội Đồng này.

6- Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm cung cấp các dịch vu, thông tin cho các tổ chức cùng phối hợp các cơ quan bác ái Công giáo, các dự án giúp đỡ và phát triển về phương diện nhân bản của Công giáo trên toàn cầu.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Hồng Y Paul Josef Cordes, từ ngày 02.12.1995.

7- Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục vụ cho Nhân viên Y tế xúc tiến công tác đào tạo, nghiên cứu hành động do các tổ chức Công giáo quốc tế khác nhau trong lĩnh vực y tế.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán.

8- Hội Đồng Giáo Hoàng Giải thích Văn bản Luật Giáo Hội có nhiệm vụ giải thích xác thực các luật phổ quát của Giáo Hội.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, từ ngày 15.02.2007.

9- Hội Đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn có nhiệm vụ cổ vũ việc nghiên cứu và đối thoại, nhằm gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tín hữu Kitô giáo và ngoài Kitô giáo. Hội Đồng này liên hệ với Uũy ban đặc trách về quan hệ với các tín hữu Hồi giáo.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, từ ngày 01.09.2007.

10- Hội Đồng Giáo Hoàng Văn Hóa, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thành lập ngày 20.05.1982, có nhiệm vụ thúc đẩy mối quan hệ giữa Giáo Hội, Tòa Thánh và nền văn hóa thế giới, xây dựng cuộc đối thoại giữa những ai không tin vào Thiên Chúa hay tuyên bố vô tôn giáo, miễn là họ có thiện chí cộng tác Hội đồng nhằm 2 lĩnh vực: Đức Tin và văn hóa và đối thoại với các nền văn hóa.

Chủ tịch Hội Đồng là Đức Tổng Giám mục Gianfranco Ravasi, từ ngày 15.10.2007.

11- Hội Đồng Giáo Hoàng Truyền Thông Xã hội dấn thân vào các vấn đề liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội, để nhờ đó sứ điệp cứu độ và thăng tiến con người được nuôi dưỡng và hội nhập vào nền văn hóa quần chúng cũng như vào các tập quán xã hội.

Ghi chú: Bài nầy được viết dựa theo « Giáo Hội Công giáo Việt-Nam niên giám 2004 ».

(Còn tiếp)