Khủng Hoảng Lúa Gạo: Cần Một Giải Pháp Rõ Ràng

Genève, 26 Tháng Năm, 2008 (CNA).- Đức Tổng Giám Mục Silvano M. Tomasi, trong bài phát biểu trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã cho hay muốn giải quyết cuộc thách thức lớn lao hiện nay do cuộc khủng hoảng lúa gạo đem lại, người ta cần có một giải pháp rõ ràng. Phương thuốc cần thiết phải là một não trạng mới “đặt nhân vị vào trung tâm chứ không chỉ chú mục vào lợi nhuận kinh tế”.

ĐTGM Silvano M. Tomasi
Đức Tổng Giám Mục Tomasi, đứng đầu phái bộ quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các Tổ Chức của Liên Hiệp Quốc và Các Cơ Quan Quốc Tế khác ở Genève, nói rằng nạn đói kinh niên có thể tạo ra các tranh chấp bạo lực, các cuộc di dân không kiểm soát, các vấn đề môi sinh, các dịch bệnh và cả các cuộc khủng bố nữa.

Theo ngài, các cơ quan liên chính phủ ‘vốn xác nhận một cách đúng đắn rằng nạn đói không phải là hậu quả của hiện tượng thiếu lương thực”. Đúng hơn, nó do hiện tượng người ta không với tới được các tài nguyên nông nghiệp cả về phương diện vật lý lẫn tài chánh.

Cuộc khủng hoảng lúa gạo hiện nay buộc người ta phải nghĩ tới số phận của 854 triệu con người đang bị đe dọa bởi nạn đói kinh niên, mà hàng ngũ của họ mỗi năm mỗi tăng lên hàng bốn triệu người.

Ngài cho hay: “Giá cả tăng lên có thể gây phiền phức cho các gia đình tại các quốc gia mở mang vì họ phải chi tiêu 20% lợi tức của họ vào thực phẩm. Tuy nhiên, cái thứ giá cả gia tăng ấy đe dọa chính sự sống của một tỷ con người hiện đang sống trong các nước nghèo, vì họ buộc phải chi tiêu trọn cái lợi tức 1 đô-la một ngày để mua thóc gạo”.

Ngài bảo rằng vấn đề sản xuất lương thực không phải chỉ có tính cách khẩn trương tạm thời. Đúng hơn, bản chất của nó có tính cấu trúc và phải được giải quyết trong một bối cảnh phát triển kinh tế công bằng và lâu dài.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhấn mạnh rằng giao thương quốc tế và việc tự do hóa các sản phẩm nông nghiệp hiện có khuynh hướng làm lợi cho các đại công ty liên quốc hơn là các nông trại địa phương nhỏ bé, vốn là cơ sở an toàn về thực phẩm tại các quốc gia đang phát triển. Ngài nói rằng phương thuốc phải là đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời liên đới với những người yếu đuối nhất. Điều quan trọng nữa là phải lên án tích trữ và đầu cơ giá cả, một điều “không thể chấp nhận được”, và phải nhìn nhận quyền tư hữu.

Đức Cha Tomasi kêu gọi phải loại bỏ các trợ giá (subsidies) nông nghiệp bất công và phải tổ chức cho bằng được cấu trúc hợp tác cho các nông trại nhỏ. Việc sử dụng sản xuất lương thực cuối cùng phải được cân bằng “bởi các cơ chế biết đáp ứng ích chung” chứ không phải thị trường.

Ngài kết thúc bài tham luận bằng cách kêu gọi phải có một não trạng mới biết “đặt nhân vị vào trung tâm và đừng chỉ chú mục vào lợi nhuận kinh tế”.