SACRAMENTO - Nhân dịp tháng 5 được dành riêng là Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Binh Dương, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã cộng tác với tổ chức Asian Pacific Islander Capitol Association và Dân Biểu Tiểu Bang Michael Eng để tổ chức một buổi tiếp tân vào ngày 27 tháng 5 năm 2008 tại Quốc Hội Tiểu Bang California.

Bút họa Mẹ Yêu của hoạ sĩ Châu Thụy
Theo tin nhận được từ văn phòng Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Châu Thụy, một họa sĩ gốc Việt sẽ được vinh danh và những bức tranh “Bút Họa Việt Nam” sẽ được giới thiệu và triển lãm. Theo Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, mục đích ông giới thiệu những tác phẩm của họa sĩ Châu Thụy nhằm góp phần vào sự bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên Quốc Hội Tiểu Bang California có một cuộc triển lãm về văn hóa và truyền thống Việt Nam.

Trong những dịp Hội Chợ Tết Sinh Viên, Tưởng Niệm 30 Tháng Tư và những sinh hoạt đấu tranh cho Việt Nam, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã được biết đến nghệ thuật Bút Họa Việt Nam của họa sĩ Châu Thụy. Ðặc biệt có hai tác phẩm Thượng Nghị Sĩ Lou Correa rất tâm đắc: một bút họa có chữ “Việt” thành ba sọc đỏ ở giữa hình tròn trên nền vàng. Hiện này, bút họa chữ “Việt” này được trình lãm chính thức tại phòng Quốc Hội Thượng Viện Tiểu Bang California. Tác phẩm thứ nhì là một bút họa với khoảng một trăm tên của các anh hùng trong lịch sử Việt Nam như Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu, và Bùi Thị Xuân viết ra thành hình dạng nước Việt Nam.

Nghệ thuật Bút Họa vẫn còn mới lạ đối với cộng đồng Việt Nam cũng như Hoa Kỳ nhưng đây là một cơ hội để giới thiệu một nghệ thuật mới của người Việt Nam và lôi cuốn người tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Theo Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, “Tôi đã được cái vinh dự tham gia mật thiết trong nhiều sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam trong hơn mười năm qua. Là người dân cử đại diện cho cộng đồng Việt Nam tại khu Little Saigon, tôi luôn sẵn sàng tạo cơ hội phát huy văn hóa Việt Nam cho con em chúng ta cũng như các cộng đồng bản xứ.” Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã vận động tổ chức Asian Pacific Islander Capitol Associaiton (APICA) tổ chức buổi tiếp tân với chương trình triển lãm nghệ thuật Bút Họa Việt Nam cũng như mời họa sĩ Châu Thụy có mặt tại Sacramento.

Tên thật của họa sĩ Châu Thụy là Ðoàn Nam Sơn sinh ra tại Lâm Ðồng, Việt Nam. Sau năm 1975, anh Nam Sơn cùng gia đình đã đi vượt biên năm 1981 và định cư tại Hoa Kỳ. Trong lúc đi học đại học tại University of Louisiana, anh Nam Sơn khám phá ra sự say mê nghệ thuật và với bút hiệu Châu Thụy anh đã thực hiện nhiều bài viết, bức phác họa. Những bài viết này và những bức bút họa của Châu Thụy có thể được xem trên trang nhà www.chauthuy.com. Châu Thụy cùng các đồng nghiệp đã thành lập một Nhóm Bút Họa trong mục tiêu bảo tồn và phát huy ngôn ngữ qua nghệ thuật viết chữ đẹp tại hải ngoại với mục đích làm giàu thêm tiếng Việt, để từ đó, người Việt Nam có thể hãnh diện thêm về sự phong phú trong tiếng mẹ đẻ.

Nhiều dân cử tiểu bang California và nhân viên lập pháp sẽ tham dự buổi tiếp tân Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Bình Dương và chương trình cũng được mở rộng cho cộng đồng tham dự. Một phái đoàn từ Nam California sẽ tham dự cũng như những thân hữu của họa sĩ Châu Thụy. Ðược biết đây là lần đầu tiên một họa sĩ gốc Việt Nam được mời vào Quốc Hội Tiểu Bang California triển lãm.

Thượng Nghị Sĩ Lou Correa cùng họa sĩ Châu Thụy hy vọng qua những lần triển lãm, sự đóng góp về nghệ thuật Bút Họa Việt Nam sẽ mang đến một luồng gió mới góp phần vào văn hóa đặc thù Việt Nam, hội nhập vào văn hóa xứ người.

Thượng Nghị Sĩ Lou Correa luôn ủng hộ các sinh hoạt của đồng người Việt và tạo những cơ hội phát huy văn hóa Việt Nam. Buổi tiếp tân Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Bình Dương sắp tới tại Sacaramento là một hình thức đóng góp của Thượng Nghị Sĩ Lou Correa để giúp phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam, cũng như tiếp tục sát cánh với cộng đồng trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại quê nhà.

Buổi tiếp tân Tháng Vinh Danh Truyền Thống Văn Hóa Người Á Châu Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào Thứ Ba ngày 27 tháng 5 năm 2008, từ 5 giờ 30 đến 7 giờ 30 chiều tại Quốc Hội Tiểu Bang California, phòng 317.

Ðể biết thêm chi tiết hay tham dự, xin quý vị vui lòng liên lạc văn phòng Thượng Nghị Sĩ Lou Correa tại số điện thoại (714) 558-4400 hoặc (916) 651-4034.

Về Nghệ Thuật Bút Họa Việt

Ðối với Việt Nam, chúng ta có một lịch lịch sử oai hùng ngàn năm chống ngoại xâm, nhưng tiếc là chúng ta không có một văn tự riêng biệt cho dân tộc mình. Tuy nhiên, cha ông chúng ta vẫn đã tạo lập được một kho tàng văn chương phong phú và đa dạng, ảnh hưởng tới đời sống tinh thần dân tộc. Dù là văn tự chữ Hán, chữ Nôm, hay chữ Quốc Ngữ, chúng ta vẫn tận dụng để phát triển và lưu truyền một nền văn hóa quý giá, để hôm nay chúng ta hãnh diện với nền văn hóa đó. Nhằm mục đích tri ân tiền nhân đã đóng góp trong dòng văn hóa Việt, chúng tôi nguyện cố gắng gìn giữ và phát huy những gì mà tổ tiên đã để lại.

Nhóm Bút Họa chúng tôi xin góp phần vào nền văn học qua nghệ thuật viết chữ đẹp và hân hạnh giới thiệu đến quý vị một trường phái mới, một trường phái đang hình thành và được đón nhận để góp phần vào sự bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đặt tên là Bút Họa Việt. Chúng tôi muốn mở rộng hơn là dùng nghệ thuật ấy vào chữ Quốc Ngữ để nói lên tính cách đặc thù của ngôn ngữ Việt.

Chưa bao giờ bốn chữ “rồng bay phượng múa” lột tả hết cái hồn, vì đường cong của rồng bay, nét uyển chuyển của phượng múa. Chỉ có chữ Quốc Ngữ thể hiện được cái không gian và thời gian và nghệ thuật Bút Họa mới thích hợp để diễn tả sự ví von đó.

Bằng nghệ thuật Bút họa, người họa sỹ dùng nhiều đường nét khác nhau, có nét thì sắc mạnh như cuồng phong bão tố, có nét thì uyển chuyển, mong manh như tơ lụa, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay. Tất cả để tạo nên cái âm hưởng, chuyển cái Hồn của chữ và Ý của câu để xúc tác tâm hồn người thưởng lãm, thấm sâu vào lòng người. Bút Họa cô đọng từng nét chữ tinh túy nói lên sự thinh lặng ảo huyền, nhưng trong thinh lặng lại chứa đựng những cơn sóng ngầm chực chờ cuốn hút người thưởng lãm vào trong cảm xúc ngút ngàn dâng tràn vô biên. Người thưởng lãm bất chợt như thấy tâm hồn mình quyện vào hồn thơ; ý đạo, để trở về với chính mình và hòa đồng cùng tha nhân và vũ trụ.

Bút Họa là một nghệ thuật sáng tạo cần được trau luyện lâu dài, đòi hỏi người họa sỹ tính đam mê và nhạy bén. Nét phóng bút chỉ đến trong một khoảnh khắc, nó lướt qua như cánh vạc bay, như một giải lụa xé, không tô vẽ, không sửa đổi như những môn nghệ thuật khác. Ðó là đặc tính thiêng liêng của Bút Họa! Người họa sỹ phóng bút, mở ra cho mình một cõi riêng tư, cho tâm hồn mình thăng hoa thoát tục; để hồn chữ nhập vào tâm rồi biến hóa qua nét cọ như đường gươm của người tráng sỹ. Bút Họa là nghệ thuật chỉ đến trong khoảnh khắc nhưng tồn tại lâu dài.

Chữ không chỉ là ký hiệu để diễn tả tư tưởng, nhưng trong chữ tự nó có linh hồn. Linh hồn là ý thơ và nét mực là máu chảy, nhưng qua nét tài tình của Bút Họa, linh hồn chữ đã được sống lại để người thưởng lãm đi vào thế giới nghệ thuật. Sự rung động sẽ tác động vào đời sống tâm linh, thay đổi cái tư duy, đạo lý, và lẽ sống hàng ngày. Mỗi lần nhìn ngắm bức Bút Họa, người ta có thể cảm nhận cái hồn của chữ vẫn cứ vang vọng như tiếng đập của nhịp tim và dòng cảm xúc chan hòa vẫn tuôn trào trong tâm tưởng.

Nhóm Bút Họa chúng tôi muốn làm bước tiên phong trong công việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ qua nghệ thuật viết chữ đẹp tại hải ngoại, khởi xướng lên với mục đích làm giàu thêm tiếng Việt, để từ đó, chúng ta hãnh diện về sự phong phú trong tiếng mẹ đẻ. Hy vọng qua những lần triển lãm, sự đóng góp về nghệ thuật Bút Họa sẽ mang đến một luồng gió mới góp phần vào văn hóa đặc thù Việt Nam, hội nhập vào văn hóa xứ người.

Ngày nào chúng ta vẫn còn hướng về quê mẹ bên kia bờ Thái Bình Dương, ngày nào tiếng Việt vẫn là lời hàn huyên, tâm sự, thì ngày đó tâm tư quý vị vẫn còn thổn thức. Còn chúng tôi vẫn miệt mài ngày đêm bên nghiên cọ, trải lòng trên trang giấy những nét Bút Họa chan chứa hồn thơ ý đạo, với bao tình tự quê hương.

(Trích từ www.chauthuy.com)

Châu Thụy (Little Saigon Tháng Chín, 2006)

Thuyết giảng trong “Chiều Nhịp Cầu Thi Ca”