VINH - Đến nay, đã một tháng trôi qua kể từ ngày hàng ngàn Giáo dân xứ Kẻ Mui, thuộc xã Sơn Trung, Huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh kéo lên Ủy ban Nhân dân huyện đòi được giải quyết trả lại đất đai của Nhà thờ xứ và bị “nhóm côn đồ” hành hung ngay trong khu vực UBND Huyện, ngay trước mắt các Công an bảo vệ, hậu quả là giáo dân bị đánh trọng thương cả chục người, một Giáo dân đã phải vào viện.

Đồng thời những hiện tượng khủng bố trắng trợn với Giáo dân, Giáo xứ diễn ra công nhiên ngay xung quanh nhà xứ bằng côn đồ đe dọa, bằng xe máy gầm rú cả đêm, đâm vào bất cứ ai đứng xung quanh hoặc ra vào Nhà xứ, chị Phùng Thị Liễu đã bị đâm gãy xương sườn.

Nhưng đã không có không một dòng tin, không một tiếng nói nào của Giáo dân và Giáo quyền được cất lên nhằm động viên, an ủi họ, đẩy họ vào tình thế cô đơn, để mặc họ phó mình cho kẻ dữ.

Giáo Phận Vinh là một Giáo phận có gần nửa triệu Giáo dân thuộc ba tỉnh Nghệ - Tĩnh – Bình. Lịch sử Giáo phận là lịch sử của sự khốc liệt và bách hại qua nhiều thời kỳ. Cũng qua những thời kỳ đó, đã nảy sinh nhiều chứng nhân của Đức Tin, làm nên một lịch sử vẻ vang và quật cường của Giáo Phận.

Người ta còn nhớ những kỷ niệm của một thời đau thương ngay từ thời Đức Giám mục Gioan Baotixita Trần Hữu Đức (1951-1971) là Giám mục người Việt đầu tiên của Giáo phận đã trải qua một thời kỳ đen tối của lịch sử nhưng sáng ngời gương đấu tranh khôn ngoan và bất khuất qua những trận đấu tố của cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) và cả giai đoạn khốc liệt sau này dưới chế độ Cộng sản thời chiến tranh. Nhưng Ngài đã đưa Giáo phận ngày càng phát triển với con số linh mục luôn thuộc hàng cao nhất các Giáo phận miền Bắc thời bấy giờ và tấm lòng người Giáo dân Giáo phận vẫn luôn kiên trinh với Giáo Hội, bất khuất trước bạo quyền.

Giáo Xứ Kẻ Mui, một Giáo xứ thuộc miền sơn cước của vùng Hà Tĩnh, cũng không ngoài hoàn cảnh đó. Liên tiếp những cuộc đấu tố Linh mục trong CCRĐ và những hàng động, những chủ trương nhằm xóa bỏ Giáo xứ đã không thành công.

Đến nay, những người đã trọng tuổi ở Kẻ Mui vẫn còn nhớ những buổi đấu tố mà nạn nhân là Linh mục Phùng Mai Lĩnh (1903 – 1994). Người ta còn kể lại chuyện một nông dân được gọi lên đấu tổ Cha Lĩnh đã bắt Ngài cúi đầu xuống và tố:

- Mày đã hiếp dâm cả 100 người đàn bà

Ngài chỉ thủng thẳng trả lời nhỏ nhẹ:

- Có mà sức voi

Người đó đấu tiếp:

- Mày đã đưa cho con cháu cả bao tải tiền giấy

Ngài vẫn thủng thẳng:

- Có mà lá mít.

Sau CCRĐ, nhân tuần chầu lượt, Giáo xứ được đón Đức GM Trần Hữu Đức về kinh lý, giáo dân hết sức vui mừng đã làm một câu đối hai bên cổng chào như sau:

- Con cái hân hoan mừng Cha Hữu Đức

- Cháu chắt buồn rầu vì Bác Bất Nhân.

Kết quả của câu đối đó là 14 năm tù dành cho tác giả.

Những câu chuyện đó, là những câu chuyện của ngày xưa. Còn câu chuyện ngày nay thì vẫn còn khốc liệt và trắng trợn không kém.

Năm 1978, chính quyền chủ trương đưa toàn bộ giáo dân vào rừng để ‘lấy đất sản xuất’(!). Toàn thể giáo dân quanh nhà thờ bị dồn vào rừng bên kia sông, chỉ còn duy nhất Cha Phùng Mai Lĩnh trụ lại ở Nhà Thờ với muôn vàn khó khăn, khổ sở vì tự mình phải tồn tại không giáo dân, không người giúp việc với cuộc sống hết sức khổ cực. Nhưng Ngài đã vượt qua tất cả và chiến thắng để bảo vệ ngôi Thánh đường cho con cháu hôm nay.

Năm 1991, do hoàn cảnh rùng sâu nước độc, dân sốt rét nhiều, không thể chịu được cảnh đem dân bỏ rừng, dân đã phải trở về nơi cũ, nhưng nơi cũ còn đâu.

Năm 1988, sau khi đưa giáo dân đi để lấy đất sản xuất, chắc không còn nhu cầu ‘đất cho sản xuất’ nữa’ (?) nên chính quyền xã Sơn Trung đã đưa năm hộ dân ngoại giáo vào đất của Nhà thờ. Đặc biệt có hai hộ là gia đình Bà Hóa và Bà Huê đặt sát vào ngay cung Thánh của nhà thờ (Hiện tại chỉ cách cung Thánh Nhà thờ mới khoảng 2 mét).

Trở về nơi cũ với cảnh Nhà thờ và nhà xứ tan hoang, Giáo dân Kẻ Mui đã cũng nhau xây dựng lại ngôi Thánh đường mới. Nhưng đất đai của Nhà thờ đã bị chiếm đoạt. Do vậy từ đó, giáo dân đã liên tục từ đó có lời kêu xin đến các cấp, các ngành. Nhưng tít mù rồi lại vòng quanh, không một cấp nào giải quyết cho họ thỏa đáng.



Đoàn kiểm tra được phái về đã bất chấp các chứng cứ về đất đai của Giáo xứ, phủ nhận những chứng cứ sống động của họ mà người ta nghĩ rằng không thể chối cãi.

Giáo dân chỉ yêu cầu: Nhà nước cấp đất mới cho các hộ đã được đưa vào ở đất Nhà thờ, đặc biệt là hai gia đình ở sát ngay cung Thánh mà những sinh hoạt của họ ảnh hưởng không nhỏ đến nơi tôn nghiêm của Thánh đường, nhất là với sinh hoạt gia đình không đồng tôn giáo, hỗ trợ kinh phí cho họ di chuyển để Nhà thờ xin lại đất của mình đã bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, các cơ quan Nhà nước trả lời ráo hoảnh: ‘Nhà nước không có chủ trương giải tỏa gia đình Bà Hóa và Bà Huê’.

Qua một quá trình dài tiếng kêu không thấu, ngày 2 tháng 5 năm 2008, 300 giáo dân đã kéo lên Ủy ban Nhân dân huyện Hương Sơn đề nghị được tiếp và giải quyết.

Ngày 5/5/2008, sau những bức xúc đã dồn nén lâu ngày, có khoảng 2000 người đã kéo lên UBND huyện để thúc đẩy giải quyết nguyện vọng của mình nhưng cơ quan của dân đã không tiếp, đoàn người đến 10 giờ tối phải kéo nhau về.

Ngày hôm sau, 2000 giáo dân lại kéo nhau lên huyện, nhưng UBND huyện vẫn không có ai tiếp dân.

Theo tường thuật của giáo dân Kẻ Mui, và cả những người không phải là giáo dân đã chứng kiến, thì đên 3 giờ chiều, một nhóm du côn khoảng 20 người được phái đến, mà những người này thì người dân không còn lạ. Đa số bọn chúng là bọn lưu manh ở khối 9 thị trấn, không mâu thuẫn, không oán hờn với một giáo dân hay giáo xứ nhưng được đưa đến đánh đập tàn nhẫn những giáo dân lành vô tội.

Trong khi chúng hành hung, những công an canh dân kia đứng nhìn không can thiệp, mà chỉ giả vờ nhân nghĩa nói những lời đạo đức: ‘đừng đánh người ta, người ta cũng là người…’ và bỏ mặc dân cho côn đồ hành hung. Kết quả của cuộc tiếp dân ở UBND huyện Hương Sơn là 10 giáo dân bị thương và chị Hợi đã phải vào viện.

Đến đêm, xung quanh Nhà xứ có 3 – 4 tốp du công nẹt pô xe máy ầm ỹ, kéo vào dọa giết cả cha xứ, Cha xứ phải cắt liên lạc điện thoại. Chúng đâm xe máy vào bất cứ ai đến nhà xứ, kết quả là giáo dân Phùng Thị Liễu đã bị gãy xương sườn.

Những sự việc đó đã xảy ra trước sự chứng kiến của nhân dân lương giáo của huyện Hương Sơn, nhưng điều lạ là không một sự hiệp thông nào chia sẻ với họ.

Khi hỏi một linh mục ở xứ lân cận, đã nhận được câu trả lời: Có nghe nói nhưng chưa biết chi tiết. Hỏi một Linh mục ở Tòa GM Xã đoài, được trả lời: ‘TGM thì ủng hộ giáo dân, nhưng đưa thông tin lên thì giải quyết được gì đâu, như vụ Tòa Khâm sứ đấy thôi. Chúng tôi đã điện vào Công an tỉnh Hà Tĩnh nói về việc đánh đập giáo dân nhưng được trả lời; Chúng tôi đảm bảo với cụ là không có chuyện đó’ (?)

Trong khi một lương dân trực tiếp chứng kiến tại chỗ việc đánh đập giáo dân khi chụp những cảnh đó, bị nhóm côn đồ đe dọa cướp máy ảnh và hành hung đã hết sức bất bình rằng kêu lên: ‘Không thể chấp nhận những hành động như vậy’.

Đã một tháng kể từ ngày Giáo dân Kẻ Mui cùng nhau đòi lại đất đai của Nhà Thờ và bị khủng bố, họ vẫn cô đơn, tiếng kêu của họ vẫn tắc nghẹn và chìm lẫn giữa tiếng gào rú của gió rừng đại ngàn Hương Sơn. Chính quyền đã không thèm nghe tiếng kêu của họ hoặc có nghe nhưng đã đối xử với họ theo luật rừng rú.



Giáo hội có biết đến tiếng kêu của họ? Người Giáo dân nghĩ gì về một Giáo hội Hiệp thông, một Giáo Hội hiệp nhất và tình thương mà Chúa đã dạy chúng ta cần phải làm theo? Những người lương dân nghĩ gì về tình đoàn kết của con cái Chúa, về những vấn nạn mà Giáo dân, Giáo hội đang phải đối mặt không phải chỉ ở một nơi mà là nhiều nơi khác nhau trên toàn cõi Việt Nam này?