New Delhi (AsiaNews) – Hôm 29/08/2008, hàng ngàn trường học Công Giáo trên khắp Ấn Độ đã đóng cửa khi các giáo viên và học sinh đồng loạt xuống đường để phản đối bạo lực chống Kitô giáo ở bang Orissa.

Đáp lại lời thúc giục của Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), hầu như 25.000 trường phổ thông, trung cấp và đại học Công Giáo do Giáo Hội thiết lập có hàng thế kỷ hiện diện ở Ấn Độ đã ngừng mọi hoạt động bình thường khi người Công Giáo tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa. Để bày tỏ dấu hiệu của tình liên đới, các trường học không Công Giáo và các tổ chức khác cũng tham gia cùng họ. Trong khi đó bạo lực vẫn tiếp diễn ở Orissa, việc dàn quân của hơn 3.000 cảnh sát đả làm cho tình hình cải thiện đôi chút.

Hôm 28/08/2008, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ đã đưa ra công bố hàng loạt những vụ phá hoại ở bang miền Đông Ấn Độ. Theo đó, có 12 người chết ở quận hạt Kandhamal cùng với 2 người bị thương rất nặng. Ít nhất 41 nhà thờ (Công Giáo và Tin Lành) bị phá hoại; hàng trăm nhà cửa bị hư hại, 4 nữ tu viện, 5 ký túc xá và nơi cư trú của giới trẻ, 6 cơ sở thiện nguyện Công Giáo bị tàn phá; thêm vào đó hàng trăm xe hơi và các vật dụng cá nhân khác bị đốt cháy trong các cuộc đột kích do các phần tử quá khích Ấn giáo tiến hành.

Đức Hồng y Osvaldo Gracias, Chủ tịch CBCI cho hay: “Cuộc phản đối mang ý nghĩa nêu lên cuộc tàn sát các Kitô hữu ở Orissa đã làm tồi tệ thêm sự bất lực của chính quyền trung ương nhằm ngăn chặn bạo lực vào thời điểm mà quan điểm chống Kitô giáo dâng cao và tín hữu bị tra tấn và giết hại”.

Đức Hồng y cũng nói rằng ngài muốn gởi “một tín hiệu rõ ràng” không chỉ cho Ấn Độ mà còn cho toàn thể thế giới về tầm quan trọng của sự hiện diện của cộng đồng Kitô giáo, vốn luôn đứng đầu trong “các vấn đề xã hội, giáo dục và trợ giúp cho người nghèo túng”. Sự đóng góp đó lại càng có ý nghĩa hơn ở Ấn Độ vì “nó không để ý đến những khác biệt đẳng cấp” và bao hàm “toàn thể người dân”.

Đóng cửa khoảng 25.000 trường học là một hành động “biểu tượng” mạnh mẽ được thiết kế để “một lần nữa đánh thức lương tâm của người dân Ấn Độ và trên toàn thế giới”