Thư ngỏ

1- Để Kỷ Niệm sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fatima mỗi ngày 13 hàng tháng, BẮT ĐẦU TỪ THÁNG 08-2008, tại Giáo Xứ Chí Hòa sẽ có THÁNH LỄ ĐÚNG 12 GIỜ TRƯA MỖI NGÀY 13 HÀNG THÁNG do cha Giuse Trần Đình Long cử hành và giảng thuyết. Các Thánh lễ theo lịch như sau: Thứ Hai 13/10; Thứ Năm 13/11; Thứ Bảy 13/12

2- Kể từ tháng 10-2008, các bạn có thể đọc những bài chia sẻ của tập san “nhờ Mẹ đến với Chúa” cũng như chia sẻ trao đổi những suy tư, cảm nghĩ của bạn trên trang blog. Địa chỉ Blog: vn.myblog.yahoo.com/doiquan_aoxanh

Nếu bạn không coi được những bài viết trên Blog bằng tiếng Việt, xin vui lòng copy những bài đó, rồi paste vào Word, và đổi qua Font VNI-Times sẽ đọc được.

3- Trong năm Giáo Dục Kitô Giáo 2008, mời anh chị em tham dự những buổi chia sẻ chuyên đề về Tâm Lý Giáo Dục của Câu Lạc Bộ Mục Vụ Gia Đình, do cha Long phụ trách:

• Thời gian: Mỗi tối thứ Ba Đầu Tháng, từ 18g30 đến 20g30
• Địa điểm: Trung Tâm Mục Vụ, số 6 Bis Tôn Đức Thắng, Quận 1 (cạnh Đại Chủng Viện Thánh Giuse)
• Chủ đề chia sẻ tối thứ ba 07-10: “Giải Tỏa Tâm Lý Mặc Cảm”
• Chủ đề chia sẻ tối thứ ba 04 -11: “Giảm Stress trong Gia Đình”

4- THÁNH LỄ CHO GIỚI TRẺ: Mời các bạn đến tham dự thánh lễ dành riêng cho Giới Trẻ do cha Long cử hành mỗi chiều Chúa Nhật tại:

• Nhà thờ An Lạc (15/2 CMT8-P.5- Tân Bình) lúc 18g15 Chúa Nhật tuần thứ I, II, III trong tháng.
• Nhà thờ Công Lý (62/147A Lý Chính Thắng-P.8- Quận 3) lúc 17g30 Chúa Nhật tuần thứ IV trong tháng.
• Nhà thơ AN NHƠN (15/173 Lê Hoàng Phái- P.17- Q. Gò Vấp) lúc 18g00 mỗi chiều Thứ Bảy (Thánh Lễ thay ngày Chúa Nhật)

5- SÂN CHƠI CHO GIỚI TRẺ: Mời các bạn đến với “Điểm Hẹn Giêsu” mỗi tháng tại:

• Nhà thờ Công Lý (62/147A Lý Chính Thắng-P.8- Quận 3) lúc 19g30 tối thứ sáu đầu tháng (tháng này là thứ sáu 3/10)
• Nhà thờ Nhân Hòa (38/24 Ngã tư Trường Chinh và Cộng Hoà, cạnh nhà hàng Thiên Thai. Q. Tân Phú) lúc 20g00 tối Chúa Nhật tuần II trong tháng (tháng này là 12/10)
• Chủ đề sinh hoạt tháng 10: MỘT BÔNG HỒNG CHO TÌNH YÊU

6- CÔNG TÁC BÁC ÁI: Nhóm Phục Vụ, Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ Chí Hoà đã thực hiện trong tháng 9-2008.

• Tặng 350 phần quà Trung Thu cho các em thiếu nhi, và 150 phần quà cho các gia đình nghèo thuộc thí điểm truyền giáo Đồng Hoà, huyện Cần Giờ.
• Tặng quà Trung Thu cho các em thiếu nhi bị ảnh hưởng HIV trong Nhóm Nụ Cười.
• Tặng quà cho các em cô nhi khuyết tật ở tỉnh Quảng Bình.
• Tặng vải, mì, tập vở, quần áo cho bà con nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
• Trợ cấp học bổng cho một số con em của những người khuyết tật bán vé số để các em có điều kiện đến trường.
• Học phí cho một số học sinh, sinh viên nghèo ở quê lên T.P trọ học.
• Thăm viếng và giúp viện phí cho một em bị phỏng toàn thân ở Sóc Trăng.
• Tặng xe ba bánh cho Mái Ấm Hoài Thương.• Trợ giúp sinh hoạt phí cho anh em Nhà Cỏ.

• Tặng hình ảnh, tượng, tràng hạt, sách, kinh và quà cho anh em dân tộc Di Linh.

7- Ngày thứ bảy 26-10-2008, Nhóm Phục Vụ sẽ đi tặng quà cho những gia đình nghèo ở Cồn Én, Đồng Tháp Mười. Xin anh chị em cùng chia sẻ công tác bác ái này như Lời Chúa nói: “Phúc cho ai biết xót thương người, thì họ sẽ được xót thương”. Các bạn trẻ muốn tham gia Nhóm Phục Vụ “Đội Quân Ao Xanh” xin liên lạc với cha Long (tusilangtu@yahoo.com), hoặc anh Chiêu (0983494714).

Kính chúc anh chị em tràn đầy ân sủng và bình an nơi Trái Tim Chúa Giêsu qua lời cầu bầu của Mẹ Maria.

Tập San “Nhờ Mẹ đến với Chúa”

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC MẸ MARIA, NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
BAN CHO TOÀN THẾ GIỚI


“Các con yêu dấu!

Hôm nay, với trái tim từ mẫu, Mẹ kêu gọi các con tụ họp quanh Mẹ để yêu thương người lân cận. Hãy dừng lại. Hãy nhìn vào đôi mắt của người anh em mình, và nhận ra Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Nếu các con thấy niềm vui, hãy vui mừng với người ấy. Nếu thấy đau khổ nơi đôi mắt của người anh em, thì với sự dịu dàng và nhân hậu, hãy xoá nó đi, bởi vì không có tình yêu là các con đã lạc lối rồi. Chỉ có tình yêu mới hữu hiệu. Tình yêu tạo nên những điều kỳ diệu. Tình yêu thương sẽ hiệp nhất chúng con trong Con của Mẹ, và mang lại chiến thắng cho Trái Tim Mẹ. Vì thế, các con của Mẹ, hãy yêu thương nhau!”

KINH MÂN CÔI SỐNG - SỐNG KINH MÂN CÔI

Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài” (Lc 1.38) Lời này, một lời này thôi đã làm thay đổi thế giới, làm thay đổi cả vị trí của loài người. Khi Đức Trinh Nữ Maria đáp trả với tất cả sự tự do của mình bằng lời trên đây, thì Thiên Chúa đã làm được mọi sự tốt lành của Ngài cho nhân loại, và cho cả chính Đức Maria nữa. Thiên Chúa dựng nên chúng ta, không cần chúng ta, nhưng khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc chúng ta, thì lại cần sự cộng tác của chúng ta với Ngài.

Đức Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa, nhưng sự cộng tác của Đức Mẹ khác với chúng ta. Sự cộng tác của Đức Mẹ là tích cực, vì Mẹ đã tin tuyệt đối, đã bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa tái tạo bằng quyền năng và lòng thương xót của Ngài, chứ không phải bằng sự cố gắng đạo đức lập công nghiệp của Mẹ. “Xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài”, đó là lời thưa của Đức Mẹ. Còn Thiên Chúa, qua lời bà Isave đã nói với Đức Maria rằng: “Phúc cho Bà, là kẻ đã tin” (Lc 1,45). Việc cộng tác của Đức Mẹ là như thế. Còn cách cộng tác của tôi với Thiên Chúa thì ngược lại. Tôi không bỏ ngỏ đời mình cho Chúa hoạt động. Tôi muốn cộng tác bằng việc làm để tự khẳng định mình, bằng niềm hãnh diện tự hào về đạo đức của mình, và đôi khi bằng cả tiền bạc, mánh mung nữa. Tôi vẫn lấy danh nghĩa là “để làm sáng danh Chúa” nhưng thực ra chỉ để theo “ý riêng” của tôi. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã gặp rất nhiều trở ngại trong việc tái tạo con người tôi. Vì ý của Thiên Chúa luôn bị tôi loại trừ, bóp méo, hoặc bị đặt xuống hàng thứ yếu.

Tháng 10, tháng Mân Côi, tôi được mời gọi đến học cùng Đức Maria và nhìn vào Thánh Đa-minh, người đã khởi xướng ra việc suy niệm những mầu nhiệm kinh Mân Côi để sống kinh Mân Côi, hay nói cách khác cho lời kinh Mân Côi được sống trong tôi.

Vào những năm đầu của thế kỷ XIII, khi đặt chân lên đất Pháp, Thánh Đa-minh đã phải chứng kiến cảnh hoang tàn của Giáo Hội ở miền Languedoc do bè rối Albigeois gây ra. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuyết nhị nguyên, bè rối này coi tất cả những gì thuộc về thể xác hay trần thế đều do ma quỷ làm ra và thống trị. Do đó, bản chất của nó là xấu. Lúc đó khắp vùng này bị ảnh hưởng tinh thần bi quan, yếm thế. Người ta chỉ lo hãm mình phạt xác, và thấy cuộc đời chỉ còn là một màu đen tăm tối. Liều thuốc thần diệu chữa trị căn bệnh bi quan do bè rối Albigeois gây ra đó chính là kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi bắt nguồn tại các vùng Tây Bắc Châu Âu, từ phong tục kết những vòng triều thiên hoa hồng để đội lên đầu Đức Mẹ trong những buổi hành hương, hay trong những nghi thức ngoài phụng vụ, rồi người ta nhảy múa, ca hát bằng tiếng bản xứ. Dần dần khi hoàn cảnh không cho phép, người ta đọc phần đầu kinh Kính Mừng thay thế cho những bông hoa hồng để trở thành kinh Mân Côi, với những hình thức rất phong phú, linh động. Kinh Mân Côi lúc đó mới chỉ là một hình thức diễn tả lòng sùng kính đơn sơ, chất phác, có tính cách tình cảm đối với Đức Mẹ. Tới Languedoc miền nam nước Pháp, Thánh Đa-minh thấy một bên là cảnh hoang tàn của Giáo Hội do bè rối Albigeois gây ra, một bên là lòng đạo của những người dân mộc mạc, chưa được hướng dẫn đúng cách và đúng mức. Một số nhà truyền giáo Tây Ban Nha thức tỉnh, đã lên tiếng khuyến cáo Giáo Hội địa phương vùng đó rằng: “Các ngài hãy gạt bỏ sự thánh thiện giả tạo của mình ra một bên đi. Các ngài hãy xem những người dân chất phác đang bị bọn lạc giáo lôi kéo bằng sự nghèo khó và thánh thiện của Phúc âm Chúa Ki-tô kìa!”. Thánh Đa-minh cũng là một trong những người công bố lời khuyến cáo này vào những ngày đó. Như vậy, phải công nhận rằng đời sống và cách rao giảng của các vị giáo sĩ thời đó (có thể cả thời nay nữa) đã làm cho người ta chán ngán, cho nên khi có ai dùng Kinh Thánh hay phép lạ để làm chiêu bài, thì người ta đi theo như nước chảy.

Thực ra, mọi thời và mọi nơi, chỉ có một con người duy nhất là Đức Giêsu Kitô mới có thể cuốn hút, lôi kéo người ta. Cho nên phương cách để người ta khỏi rơi vào các lạc thuyết thời xưa cũng như ngày nay chính là làm sáng tỏ chân lý Tin Mừng bằng cách trình bày một giáo lý trung thực với Lời Chúa qua phương tiện sẵn có là kinh Mân Côi. Vấn đề của chúng ta ngày nay là làm sao nâng cao tình cảm đạo đức và lòng sùng kính của người tín hữu lên bình diện một lòng tin yêu có nền tảng vững chắc trong Tin Mừng, được thể hiện qua những biến cố lịch sử của cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chính niềm vui này mới đánh tan được nỗi bi quan, yếm thế luôn ám ảnh người tín hữu, nhất là khi họ ốm đau bệnh tật, họ chạy hết nơi này đến nơi kia xin khấn mà không được như ý mình. Buồn lòng hơn nữa là có nhiều vị lợi dụng lòng tin đơn sơ của bá tánh, bày ra nhiều cách chữa bệnh mang tính mê tín. Bệnh nào cũng chỉ cần vị đó vỗ vào trán 3 cái, hoặc mua nước lã chữa bệnh mà phải do chính tay vị ấy đưa thì mới… thiêng! Nếu muốn chắc ăn hơn nữa, bệnh nhân mua tấm hình của vị đó đang ngồi thiền về cầu nguyện thì bệnh nào cũng khỏi! Vị khác thì chữa bệnh bằng cách chỉ cần đưa tấm ảnh của bệnh nhân lên đọc xầm xì vài câu rồi tuyên bố cứ về nhà là khỏi bệnh. Thậm chí đi siêu âm không hề phát hiện có thai, nhưng cứ việc đến nhờ vị đó phán mấy câu là có thai được mấy tháng liền!

Sống kinh Mân Côi là làm cho những lời kinh đó trở thành một phương tiện loan báo Tin Mừng chứ không chỉ là một hình thức sùng kính Đức Mẹ theo cảm tính. Kinh Mân Côi sống chính là phương tiện bồi dưỡng đức tin chứ không chỉ còn là một sinh hoạt đạo đức có tính cách tình cảm nhất thời. Trọng tâm của việc lần chuỗi đó phải là một cách thế để gặp gỡ, kết hợp với chính Đức Kitô, Đấng “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Và nhờ đó, con người được thoát khỏi mọi sự lầm lạc, không để người khác lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ mà gieo rắc hoang mang hay trục lợi (Ga 8,32).

Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính Ngài là Tin Mừng cho mỗi người và mọi người. Không có lý thuyết nào, không có đạo đức nào là Tin Mừng cho chúng ta cả. Vì trong sâu thẳm của tâm hồn, mỗi người chỉ có thể được nghỉ yên thanh thản khi gặp gỡ được con người Giêsu và sống với Ngài.

Những người chép hạnh thánh, thường thích tô vẽ cho ông thánh, bà thánh của mình những kỳ công nhân đức, những phép lạ khác thường mà bỏ quên đi điều rất căn bản và hết sức quan trọng, là các thánh cũng chỉ là những tạo vật tối tăm như chúng ta, nhưng biết cúi đầu khiêm tốn trước Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã tin vào tình yêu thương của Đức Giêsu, rồi phó thác, bỏ ngỏ đời mình cho Ngài dẫn dắt, điều khiển và thông ban quyền năng lòng mến của Ngài cho. Từ đó, chính sự sống, sự sáng, sự thánh thiện của Đức Kitô đến trên các vị đó. Càng bỏ ngỏ đời mình cho Đức Giêsu bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu. Càng cố gắng để hợp tác với Thiên Chúa bao nhiêu càng thánh bấy nhiêu. Đức Giêsu đã làm như thế với Cha của Ngài. Ai muốn thánh thì cũng phải làm như vậy với Chúa Giê-su. Noi gương Đức Mẹ, Thánh Đa-minh đã đi con đường nghèo hèn khiêm tốn trước mặt Chúa, cậy nhờ vào sự sống và lòng mến của Chúa Giêsu, nên đã trở thành công cụ dễ dàng để kinh Mân Côi được rao giảng.

Khi cho phổ biến một công việc đạo đức nào để thực hiện khắp hoàn cầu, ví dụ như phong trào cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa hiện nay, thì trước hết Hội Thánh phải đi về nguồn, xin Chúa Thánh Thần soi tỏ để nhìn xem việc đạo đức ấy có xuất phát từ Đức Giêsu không? Có xuất phát từ Kinh Thánh hay không?

Khi chấp thuận và cổ võ việc rao giảng và lần hạt Mân Côi đầu thế kỷ XIII, Hội Thánh cũng phải nhìn trong việc đạo đức này rọi sáng ánh phục sinh của thập giá Đức Kitô, và các tín hữu khi thực hành việc này phải hưởng nhờ được ân huệ của Chúa Thánh Thần. Ơn đó là ơn gặp được Đức Kitô.

Đức Maria khi hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima cũng khuyên nhủ giáo dân lần hạt Mân Côi, còn ở Mễ Du thì Mẹ nhấn mạnh hơn: “Các con hãy lần hạt với trái tim!”. Dạy chúng ta lần chuỗi Mân Côi là dạy chúng ta bắt chước Mẹ, bé mọn sấp mình xuống đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Đón nhận tình thương Thiên Chúa là đón nhận Đức Giêsu Kitô, để thấm cuộc đời chúng ta vào ý Cha, như Đức Kitô đã sống suốt đời Ngài bằng ý Cha, từ Nhập Thể, qua Thánh giá đau thương tủi nhục, đến Phục sinh vinh quang, và ban Thánh Thần cho cả nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng ta.

Đức Mẹ đã sống như vậy, thì hôm nay cả hồn và xác Mẹ cũng được vinh quang như Đức Giêsu Kitô. Nếu đi vào con đường Giêsu như Đức Maria, chúng ta cũng được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Phục sinh như Đức Mẹ. Tuy nhiên, nếu khi lần hạt Môi khôi mà tôi lại đi con đường khác, nghĩa là tôi đọc sao cho nhiều lần, nhiều chục trong ngày để nơi kho thiêng liêng của tôi chất đầy công phúc. Và tôi nghĩ rằng khi ra trước tòa phán xét, nếu bên cán cân tội của tôi có nặng hơn bên phúc, thì Đức Mẹ sẽ lấy những tràng hạt, nhiều vô số kể, tôi đã đọc khi còn sống, đặt vào bên đĩa cân phúc nhẹ tênh của tôi. Lúc đó phúc lộc của tôi sẽ nặng xuống, cửa nước trời rộng mở, và tôi sẽ thênh thang hoan hỷ bước vào thiên đàng trước sự bực tức của ma quỷ, và trước con mắt ngỡ ngàng của các Thiên Thần.

Nếu nghĩ như thế thì việc vào thiên đàng thực sự là do công của tôi, là việc riêng của tôi với Đức Maria, và cuộc Tử nạn thập giá, Phục sinh của Đức Kitô để cứu chuộc tôi, thật sự chẳng dính dấp gì vào đời tôi cả!

Trong tiệc cưới Cana, Đức Maria đã chỉ Đức Giêsu cho gia đình hết rượu mà nói: “Ngài bảo gì hãy làm như vậy”. Chúng ta là những cái bình lạnh lẽo thiếu rượu nồng của lòng mến và sự bình an. Đức Maria dạy chúng ta lần hạt Mân Côi để gặp được Đức Giêsu con của Mẹ, để chúng ta được sự bình an, lòng yêu mến, và sự sống của Đấng phục sinh nơi thân xác linh hồn già nua, khô héo, nghèo nàn của chúng ta. Như vậy là chúng ta gặp được ơn cứu độ và đã đang ở trong Nước Thiên Chúa.

Lần hạt Mân Côi nhiều mà không thay đổi lòng mình nên giống Đức Maria, không thấy lòng mình khao khát Đức Giêsu Kitô, là tôi chỉ mới làm một việc đạo đức để lập công, tôi chưa đích thực đi vào ơn cứu độ. Như thế, tôi chưa sống chuỗi Mân Côi hay lời kinh Mân Côi chưa sống trong tôi. Tôi mới chỉ yêu mến Mẹ bằng môi bằng miệng mà thôi.

“Đức Bà làm cho chúng con vui mừng. Cầu cho chúng con.”

Lạy Mẹ Maria, khi Mẹ đưa con đến được với Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì Mẹ làm cho chúng con vui mừng, và Mẹ cũng là Nữ Vương ban sự bình an cho chúng con nữa. Amen.”

Lm. Giuse Trần Đình Long, sss

-----------------------------------------------------

“ANH GÙ NHÀ THỜ CHÍ HÒA”

Victor Hugo, một văn hào người Pháp đã để lại cho đời những tác phẩm nổi tiếng như: “Những Kẻ Khốn Cùng”, “Vô Gia Đình”, “Trong Gia Đình” và “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà”. Ở đây, người viết xin mượn tựa đề đó của Victor và biến tấu lại thành “Anh Gù Nhà Thờ Chí Hoà!” Nếu đến nhà thờ Chí Hòa vào buổi chiều thứ năm ngày 04-08-08, các bạn đã gặp được anh “Toản Gù Violon”, và các bạn đã được nghe tiếng đàn réo rắt của anh ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa.

Nói theo quan niệm của con người chúng ta thì cuộc đời của Toản Gù” không được “may mắn” ngay từ nhỏ. Anh sinh trưởng ở miền Bắc. Năm lên 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt khiến anh bị liệt hai chân, lưng bị gù, đôi tay cũng yếu hẳn đi. Khi anh 13 tuổi thì mồ côi mẹ, vì mẹ anh bị chó dại cắn chết. Không gì buồn hơn một đứa trẻ tật nguyền lại mất đi sự chăm sóc dịu hiền của người mẹ thân yêu. Tuổi thơ của anh như thế, đầy những gian nan vất vả của một người khuyết tật nghèo khổ và côi cút. Thế nhưng, đúng là “có tật, có tài”! Anh rất mê âm nhạc. Những người bình thường học đàn violon đã khó, với người khuyết tật như anh lại càng khó hơn, thế mà anh vẫn kiên trì theo đuổi, luyện tập hằng ngày cho đến khi đạt được ý nguyện. Anh hiểu rằng cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng, cho nên lúc nào cũng phải cố gắng vươn lên. Điều quan trọng là anh luôn tin tưởng và phó thác trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, nỗ lực rồi cậy trông!

Năm 25 tuổi, anh theo nhóm di dân từ Bắc vào Nam sinh sống. Dù lạ nước, lạ cái và tật nguyền, nhưng anh không chấp nhận sống kiếp tầm gởi, vẫn kiếm sống bằng chính sức lực và khả năng của mình. Đôi chân lết đi trên tấm lưng gù, anh mày mò học nghề thợ mộc, rồi mưu sinh bằng nghề sửa đàn với bàn tay khiếm khuyết của mình. Nơi đất khách quê người, anh vừa làm vừa tiếp tục học đàn violon, kiên trì học thổi sáo trong một sự cố gắng phi thường. Thế rồi, chẳng bao lâu người ta thấy trong vài quán nhạc ở thành phố và trong vài ca đoàn ở nhà thờ, xuất hiện một chàng nghệ sĩ mái tóc bồng bềnh, lưng gù, chân còng, tay kéo đàn violon, miệng thổi sáo thật say sưa và điệu nghệ. Một thân một mình, “Anh Gù Nhà Thờ Chí Hoà” phiêu lãng khắp nơi kiếm sống. Dù trong gian truân, vất vả, anh vẫn cậy trông vào Lòng Thương Xót của Chúa và một lòng yêu mến Đức Mẹ. Anh là đệ tử trung thành của Nhà Chầu, nơi đặt Mình Thánh liên lỉ. Anh tâm sự: “Có những buổi cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa lúc 3 giờ chiều, chỉ có mình con và người giữ cửa, không biết Chúa có buồn không? Nếu chân tay con lành lặn, chắc con cũng chạy đi kiếm tiền chứ đâu có giờ mà ngồi một mình với Chúa ở đây, cạnh Nhà chầu này. Hiu quạnh quá!”.

Anh xin được đệm đàn cho nhà thờ. Ban đầu bị từ chối. Có thể người ta nghĩ tàn tật như anh làm sao mà có thể kéo violon và thổi sáo được? Nhưng sau đó họ nhìn ra được khả năng và vẻ đẹp từ tấm lòng anh gù luôn khát khao được ca ngợi Chúa bằng cây đàn, tiếng sáo đạt được trui qua khổ luyện của mình. Anh đã cho mọi người thấy rõ, đối với Chúa không có gì là không làm được. Đối với Chúa chẳng ai là người vô ích bỏ đi. Suốt bảy năm trời anh kéo đàn cho nhà thờ giáo xứ mình. Âm nhạc đã đưa anh đến gần Chúa. Âm nhạc đã dẫn anh đi đúng đường lối Chúa. Và một lần nữa niềm tin và sự phó thác đã cho anh gặp được “một nửa” của mình vào lúc tuổi U 50. Mối tình của hai con người nghèo vật chất, giầu tình thương kéo dài đến 6 năm. Họ không dám tiến đến hôn nhân vì thấy tương lai mịt mờ quá. Nhưng cuối cùng họ quyết định sống mãi với nhau “có rau ăn rau, có muối ăn muối”. Vì tin tưởng vào sự quan phòng kỳ diệu của Cha trên Trời. Anh lập gia đình năm 49 tuổi. Người đời bảo đó là năm tuổi, năm xui xẻo vì “bốn chín chưa qua, năm ba đã tới!”. Nhưng với “Anh Gù Nhà Thờ Chí Hoà”, một người khuyết tật chẳng còn biết cậy dựa vào ai, chỉ còn biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, thì đây lại là năm hạnh phúc nhất của mình. Từ đây, anh có thể mỉm cười kéo đàn bài ca “Tôi Không Còn Cô Đơn”. Niềm hạnh phúc càng trào dâng khi Chúa thương cho vợ chồng anh dù tàn tật, dù đã luống tuổi, nay có một bé gái 14 tháng tuổi, dễ thương tên là Trần Giáng Mi.

Để tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ, dù nghèo, phải cần cù hơn để kiếm tiền lo cho gia đình, nhưng anh vẫn không quên dùng thời gian và khả năng Chúa trao ban để phục vụ. Anh vẫn thích được kéo đàn trong nhà thờ, kéo đàn cho ca đoàn, để được cùng cộng đoàn dâng tiếng đàn lời ca chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Buổi chiều thứ năm ấy, anh đã khơi dậy niềm rung cảm từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người bằng tiếng đàn violon réo rắt, bằng tiếng sáo du dương ngất ngây. Hàng ngàn con tim trào dâng xúc động khi được nghe, được thấy một người khuyết tật nhưng có một tâm hồn nguyên vẹn đặt trọn vào tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, say sưa ca ngợi: “Con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi Ngài. Con hy vọng vào Ngài, đời con nương bóng Chúa thôi…”.

Biết bao người lành lặn như chúng tôi nhưng tâm hồn lại què quặt héo hon. Biết bao người có những phương tiện, khả năng Chúa trao ban, thay vì làm ích lợi cho anh chị em, phục vụ cộng đoàn thì lại ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, thu lợi về mình. Biết bao người đã không dám bỏ một buổi làm ăn, bỏ một công việc, thậm chí chỉ bỏ một cuộc vui để đến với Chúa. Họ tính toán, cân đo đong đếm với Chúa từng chút thời gian. Tiền của làm bác ái thì họ tiếc xót, nhưng ăn nhậu và tiêu xài thì họ rất thoải mái. Còn người anh em này, “Anh Gù Nhà Thờ Chí Hoà” phải lo kiếm sống cho gia đình từng bữa, nhưng vẫn dành thời gian cho Chúa, dành khả năng phục vụ cộng đoàn. Chính qua đó mà anh cảm nhận được Lòng Thương Xót Chúa đã yêu thương và chăm sóc gia đình anh từng ngày.

Antôn Trần Quốc Toản là tên của anh, giống như tên một vị anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử Việt Nam. Trong cái nhìn của tôi, anh cũng là một người “anh hùng” của Thiên Chúa. Một “anh hùng” đã kiên cường chống lại “số phận nghiệt ngã”, đã không đầu hàng “số mệnh”, đã dùng chính đời sống đơn sơ của mình để minh chứng quyền năng và Lòng Thương Xót của Chúa trong đời thường. Vợ chồng anh đã có một cô con gái xinh xắn, đó là quà tặng Chúa ban cho người “anh hùng” khuyết tật này. Người “anh hùng” vẫn luôn chiến đấu với “tham, sân, si” để dành thời gian phục vụ Chúa, để cuộc đời anh luôn là khúc nhạc dành cho Chúa như nốt nhạc Mi Giáng dễ thương, cái tên của con gái anh.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng sẽ là một nốt nhạc nhỏ bé trong khúc nhạc vô biên luôn ca ngợi quyền năng và Lòng Thương Xót Chúa, lòng mến yêu Mẹ Maria.

“Con luôn trông cậy Chúa, khác nào em bé ngủ yên, trong tay Mẹ hiền, bên lời yêu mến. Tình Chúa mãi mãi theo con cho tâm hồn dù trong mưa gío, mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên.. .”

Lãng Tử

-------------------------------------------------

ĐẸP THAY NHỮNG BƯỚC CHÂN...

Sáng sớm tinh sương hạ tuần tháng bảy, những cánh chim xanh không mỏi, lại dong duổi đường dài với vị linh mục lãng tử, lên vùng cao nguyên rừng núi bạt ngàn, xanh ngát đồi nương, đỏ gay thớ đất. Đội Quân Ao Xanh đem theo những món quà trĩu nặng ân tình của Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hòa, để chia sẻ với những anh chị em dân tộc đơn sơ, chân chất.

Điểm dừng đầu tiên của đoàn là giáo xứ Tích Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Cha sở cùng hơn hai trăm người có hoàn cảnh khó khăn đã đứng đợi tự lúc nào! Vừa bước xuống xe, chúng tôi bắt gặp những cái nhìn nồng ấm, trông chờ từ mọi người, hoà trong cái nắng rực nồng của nương rẫy núi rừng.

Trước khi phát quà, chúng tôi quy tụ trước nhà truyền giáo để sinh hoạt và giao lưu cùng cha sở. Tại giáo điểm Phú Cường này, cha phải chăm lo cho gần 40.000 người đồng bào sắc tộc Stiêng-Khmer, trong số này có hơn 1.000 người đã theo Đạo Công Giáo. Họ yêu nghiệp mục đồng hơn cầm nghiên nảy mực. Có lẽ vì vậy mà có hơn 95% người mù chữ. Vị linh mục phụ trách ở đây dí dỏm chia sẻ với chúng tôi:

“Cuộc sống của những người dân tộc ở đây rất vô tư, chẳng có gì phải lo. Nhà cửa trống toác nên khỏi cần khoá, cũng chẳng lo mất trộm. Vì có gì đâu mà mất! Họ rất thích câu Lời Chúa: “Các con đừng lo gì ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo” (Mt 6, 34). Chính vì hiểu theo sát nghĩa đen như thế, nên họ không bận tâm lo lắng gì hết. Cứ vô tư mà sống, có tiền thì ăn, không tiền thì…..nghỉ. Những người dân tộc theo Chúa rất chân thành. Biết Chúa thương mình, nên mình theo Chúa. Tất cả niềm tin và giáo lý chỉ có vậy. Do mù chữ, cho nên giáo lý viên dạy giáo lý Một Chúa Ba Ngôi cho họ phải mất đến một tháng mới thuộc! Bà con cũng rất nhiệt tình, đói khổ cũng mặc, cứ theo Chúa. Nghe thông báo nhà thờ có tổ chức tĩnh tâm, dù đang gặt lúa, cũng bỏ đó để vợ con lo, đi với Chúa cái đã. Ở xã An Khương, mỗi lần đọc kinh liên gia phải xin phép. Nhà nước cử người theo quan sát, giữ trật tự. Tuần nào cũng vậy, mệt quá, thế là họ mời bà con lên trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã mà đọc kinh và học Lời Chúa cho dễ kiểm soát. Thật ngoạn mục, Thánh Giá Chúa đã hiện diện ngay trong ngôi nhà của chính quyền địa phương”.

Sau phần giao lưu, nắm bắt tình hình truyền giáo ở vùng sâu vùng xa này, đến phần trao quà, bà con xếp hàng nô nức, trật tự và có hẳn một danh sách kêu tên từng gia đình. Tiêu chuẩn của mỗi người là một bao quần áo, mì gói, đường, bột ngọt, sách và hình Lòng Thương Xót Chúa, đặc biệt một cỗ tràng hạt được đeo vào cổ từng người. Sau hết, bà con nhận được một bao lì xì tương đương cả tháng lương họ làm rẫy. Những gương mặt vô tư, chân chất của người con núi rừng, nở nụ cười rạng rỡ, mừng vui tay xách nách mang khệ nệ ra về. Còn cha sở, nụ cười nhẹ nhõm, đôi mắt hoe hoe đỏ, phảng phất nỗi trăn trở không yên. Ngài còn đang canh cánh lo làm sao cho hàng trăm em nhỏ có sách vở, cặp táp để các em có thể tựu trường vào những ngày sắp tới. Thật kịp lúc, người linh mục lãng tử, chim đầu đàn của Đội Quân Ao Xanh, dốc hết hầu bao giải toả ngay nỗi lo của người mục tử núi rừng.

Chia tay giáo xứ Tích Thiện, chúng tôi lên xe đến giáo điểm thứ hai là xứ Lộc Thiện. Ngôi thánh đường nhỏ bé được xây từ thời Pháp thuộc (khoảng hơn 100 năm), nằm khiêm tốn cách lộ khoảng 800 mét. Đường vào quá hẹp, xe chở hàng không vào được. Thế là những cánh chim Ao Xanh ào ra khỏi xe, xoải cánh cắp theo những bao quần áo, thực phẩm, băng qua con đường đất đỏ mấp mô, chỗ thấp, chỗ cao để đem quà đến điểm tập kết.

Khi những thùng đồ được chuyển đến sân nhà thờ, bên trong bà con đã ngồi chật kín giáo đường. Sau khi đội quân áo xanh chuẩn bị xong các phần quà, chúng tôi hiệp dâng thánh lễ cùng đồng bào sắc tộc Stiêng-Khmer. Trước khi phát quà, thánh lễ đồng tế giữa người linh mục “bụi đời” của Sài thành với linh mục “bụi bặm” nơi núi rừng, kết thành một tấm bánh Giêsu. Bữa tiệc Thánh Thể thật ý nghĩa, khi thánh lễ được tiếp nối bằng việc sẻ chia. Nét đơn sơ, mộc mạc của người giáo dân hòa quyện với nét phong sương của người linh mục “bụi đời”, làm cho thánh lễ thêm phần ý nghĩa. Bài giảng thật dung dị, dễ hiểu được lồng vào những minh họa sinh động do các bạn trẻ nhóm Ao Xanh thể hiện, với bài múa, hát tập thể “Con Đường Giêsu”.

Sau khi mỗi người được nhận một tấm hình Chúa Thương Xót kèm với chuỗi tràng hạt, người linh mục “lãng tử” mời một em thiếu nhi lên đọc kinh Kính Mừng. Chất giọng lơ lớ nửa Kinh nửa Stiêng của em pha trộn đoạn đầu kinh Kính Mừng, phần kết lại là kinh Lạy Cha, làm bầu không khí chợt rộn rã hẳn lên. Dù lời kinh em đọc lọng ngọng, nhưng chắc rằng Đức Giêsu và Mẹ Maria đang mỉm cười với nét hồn nhiên ngây thơ ấy. Mỗi em nhỏ, mỗi anh chị, cô bác run run cầm trong tay cỗ tràng hạt và bức hình Lòng Thương Xót Chúa. Họ còn vụng về lắm, ngỡ ngàng lắm. Còn chúng tôi thì hạnh phúc hướng về Chúa Giêsu, Người không bỡ ngỡ chút nào vì trái tim đầy lòng xót thương của Chúa đã trải dài trên những người con này, và bàn chân Người đã đồng hành cùng họ lâu lắm rồi.

Sau bữa cơm thân tình với bà con giáo dân, trời bắt đầu đổ mưa, chúng tôi chấp nhận đội mưa khăn gói lên đường. Còn hai trăm phần quà phải được đưa đến hai giáo điểm nữa là An Bình và Long Điền. Xe lăn bánh, một vài thành viên còn ngoái lại trông theo bóng vị chăn chiên dần xa khuất. Kẻ ở người đi vẫn chung niềm trăn trở, lo toan cho “sứ vụ loan báo Tin Mừng” nơi vùng đồi núi, chập chùng muôn vàn thử thách, chỉ một niềm tín thác vẹn toàn vào Lòng Thương Xót Chúa.

Mặc cho gió bụi mưa tuôn, xe vẫn lăn bánh. Đội Quân Ao Xanh dù mệt nhoài vẫn hát vang: “Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường… Ôi đẹp thay những bước chân tiến vàogiữa lòng thế giới loan tình thương, tình thương Chúa Trời, loan niềm vui, niềm vui cứu đời cho mọi người và mọi nơi…”. Say sưa ca hát, đoàn công tác áo xanh đi lạc đường. Phải dừng lại hỏi thăm nhiều lần mới tìm được đường đến giáo xứ An Bình. Chúng tôi dừng lại mua bắp luộc nóng hổi bên đường của bà con dân tộc ăn dặm cho đỡ cơn đói. Điểm dừng chân cuối cùng để trao những phần quà cho anh chị em dân tộc là giáo xứ Long Điền. Trời đã về chiều, hai bên đường chập chùng rừng núi chìm khuất trong mưa. Phong cảnh hữu tình hoà với lời ca: “Ôi đồng lúa mênh mông phơi mình dưới nắng hồng, lúa đã trổ bông dâng ngàn sức sống. Người đi trong nước mắt, và người về trong câu ca, tay ôm bó lúa lòng mừng bao la…”

Quả thật, cánh đồng truyền giáo mênh mông như một bức tranh ghép hình, nhiều mảnh, mà bản thân mỗi Kitô hữu phải vuông tròn sứ mạng của mình. Đó là loan báo và làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống dấn thân phục vụ trong yêu thương, để tình yêu Giêsu được thắp sáng lên trong tim mọi người. Chỉ khi dấn bước phục vụ theo chân Giêsu để ghép đến mảnh cuối cùng, ta mới ngỡ ngàng vui mừng nhận ra bức tranh Lòng Thương Xót Chúa tuyệt hảo biết chừng nào!

Đức Giêsu mến yêu ơi! Qua những chuyến công tác bác ái xã hội mùa hè, của Đội Quân Ao Xanh và cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà, chúng con chợt nhận ra rằng mình không chỉ là người đi trao tặng hay chia sẻ, mà còn là người được lãnh nhận trao ban. Chúng con nhận ra Ngọn Lửa Giêsu mang xuống trần gian ngàn năm xưa đang lan toả, đang bùng lên, rực cháy nồng nàn nơi những con người chân quê, nghèo khổ nhưng hồn nhiên trong sáng tận núi thẳm, rừng sâu. Chúng con được sưởi ấm, được thiêu đốt bằng chính ngọn lửa tình yêu ấy qua chính những chuyến trải nghiệm thực tế này. Giêsu ơi, con muốn hát vang mãi lời nguyện cầu: “Thắp sáng lên trong con tình yêu Chuá. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời. Để con hân hoan đem tin yêu đi về muôn lối, tựa như mưa tuôn, mưa hồng ân Chúa trên trần đời…”

IN GOD WE TRUST

Hoa Hướng Dương
Cảm nghiệm sau chuyến đi Lộc Ninh- Bình Phước
Mùa hè xanh 2008

-----------------------------------------------------------

KHI VỮNG TIN, HẠNH PHÚC SẼ TUÔN TRÀN

“Khi Vững Tin, Hạnh Phúc Sẽ Tuôn Tràn”. Đấy là bài học mà tôi rút ra được khi đến tham dự buổi cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ tại nhà thờ Chí Hòa vào chiều thứ năm vừa qua.

Câu chuyện về cuộc sống của tôi thì các phương tiện truyền thông cũng đã đăng tải nhiều rồi. Ngay tự bản thân mình, tôi cũng rất lấy làm ngỡ ngàng.

Khi có thể viết được cuốn sách “Hành Trình Xương Thuỷ Tinh” mà độc giả cho là rất hay, vì chỉ sau không đầy mười ngày, khi tác phẩm có mặt trên thị trường, nhà xuất bản đã phải nghĩ đến phương án tái bản. Sẽ không thể giải thích theo cách lý giải thông thường, vì tự bản thân mình, tôi biết rõ tôi yếu ớt, tầm thường, chưa làm được gì cho cuộc đời này. Vậy chỉ còn một cách lý giải thôi: Ấy là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Tôi thấm thía điều ấy khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ Chí Hòa, nơi tôi và các con sinh ra từ trong bãi rác của mình, nhận được sự yêu thương, trìu mến của cộng đoàn cầu nguyện hàng mấy ngàn người. Nơi ấy, nhờ ơn Chúa, tác phẩm đầu tay, đứa con tinh thần của tôi mang tên “Hành Trình Xương Thủy Tinh” đã được cộng đoàn đón đọc một cách hào sảng, rộng lượng.

Tôi nghiệm ra rằng, nếu người ta cố gắng chỉ bằng sức riêng mình mà không có đức tin, thì sự cố gắng ấy làm cho tinh thần cảm thấy nặng nề, và sự khổ nhọc xác thân là rất lớn. Nhưng nếu ta cố gắng trong tin tưởng và phó thác, thì mọi sự sẽ lướt đi nhẹ nhàng, và thú vị lắm. Những vấn đề ta vẫn thường gặp như tai họa, khó khăn, thiếu thốn chỉ còn là sự nêm nếm vào, như gia vị cho cuộc đời thêm nhiều cung bậc. Chúa chỉ cần sự tin tưởng, như lời nguyện ở dưới mỗi tấm hình Lòng Thương Xót Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Vâng! chỉ cần thế thôi, chúng ta sẽ cảm nhận được ân sủng tuôn xuống cuộc đời mình một cách rất đặc biệt và lạ lùng lắm các bạn ạ.

Đã có nhiều người hỏi tôi: “Động lực nào giúp chị vượt qua từng ấy khó khăn trong một đời người? Bệnh tật của đứa con mang chứng xương thủy tinh, sự thiếu thốn vật chất, phải lo lắng mỗi ngày, nỗi đau buồn khi bị cuộc đời vùi dập chà xát…”. Xin thưa với các bạn rằng, tôi không có gì để bám víu nơi cõi thế tục này. Những khi ấy, tôi bám víu vào hai tiếng “xin vâng” giản dị mà nhiệm mầu của Đức Mẹ, Đấng cao trọng trên tất cả mọi bà mẹ trên thế gian này. Mẹ đã đoạt vinh quang chỉ bằng sự vâng phục và tín thác, chứ không phải bằng nỗ lực riêng của Mẹ.

Hãy kêu xin Mẹ thì sẽ được bạn ạ! Cuộc đời tôi là một minh chứng rất rõ ràng. Cứ tin tưởng cầu xin trong niềm tín thác và yêu mến thì một người bán dạo rau muống lầm than, hay một người đi dọn rác ở tòa cao ốc cho những người giàu sang, cũng có thể viết nên những dòng chữ từ những câu chuyện rất đời thường, như những chứng nhân sống động làm cho người nghe, người đọc thấy thú vị và suy gẫm.

Cứ tin tưởng, và kiên trì cầu nguyện, Mẹ sẽ xin với Chúa ban cho bạn một sức mạnh và ý chí phi thường. Bằng chứng là cậu bé con tôi dù mắc chứng bệnh nan y “xương thủy tinh” đã có thể vượt qua mọi đau đớn, bệnh tật, đứng trên đôi chân của mình, để hôm nay có thể bước những bước chân vững vàng tới thánh đường Chí Hoà mà làm chứng và tôn vinh chúc tụng Chúa.

Và thưa bạn, nếu tin tưởng, Chúa sẽ gởi đến cho bạn những người có tấm lòng và trí tuệ để cùng bạn đi tiếp cuộc hành trình. Chúng ta sẽ không còn lẻ loi đơn độc nữa. Bởi vậy thay vì kêu khóc, thở than và oán trách cuộc đời mỗi khi gặp chuyện không may, tốt nhất là hãy cùng nhau phó dâng hết cho Mẹ, cho Thiên Chúa. Nếu tĩnh trí, ta sẽ nhận ra qua biến cố ấy, Thiên Chúa muốn trao ban cho ta một điều gì đó. Không chừng chúng ta sẽ gặt hái cả một kho tàng vô giá trong cái sự tưởng chừng như khốn nạn đen tối nhất.

Lạy Chúa Giêsu, con xin tạ ơn Chúa đã yêu thương con, đã ban cho con được anh chị em trong Cộng Đoàn Cầu Nguyện Chí Hòa hết lòng đùm bọc yêu thương. Con cũng tạ ơn Chúa cho con được có dịp lên làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ với anh chị em mình. Xin Chúa ban cho con đức tin vững mạnh, không bị lung lay, vì hành trình trước mặt con còn rất dài và cam go không ít.

Thu Hương
Cảm nghiệm sau buổi lên làm chứng tại Chí Hoà
tháng 8-2008

------------------------------------------------

NGƯỜI THỢ GIỜ THỨ MƯỜI MỘT

Kính thưa Cha và cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ xứ Chí Hoà.

Con tên là Maria Huỳnh Thị Mỹ Dung - 48t, ở giáo xứ Tân Định. Gia đình con là Phật Giáo chính gốc. Con có 7 anh chị em, tất cả đều có gia đình và ở riêng, chỉ mình con đôc thân ở với ba mẹ. Từ nhỏ con được theo học trường các sơ nên cũng được biết về đạo Công Giáo chút chút. Năm 11 tuổi, con bị một căn bệnh thập tử nhất sinh. Nếu không được Chúa ban ơn, nhờ lời bầu cử của Mẹ thì con không có cơ hội lên đây làm chứng trước cộng đoàn.

Sau biến cố được cứu sống, con xin học Đạo, rửa tội và vui sướng được trở thành con Chúa. Tuy nhiên ba mẹ và anh chị em con rất sùng đạo Phật nên việc sống đạo con gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Có nhiều lúc niềm tin của con cũng bị lung lay chao đảo. Con luôn thao thức mong ước sao cho ba mẹ và anh chị em con được phúc nhận biết Chúa. Thực sự, con không biết làm gì hơn là cầu nguyện và kiên nhẫn đợi chờ giờ Chúa đến gọi người thợ giờ thứ mười một vào làm vườn nho Chúa. Khi nào đến giờ thứ mười một? Con hoàn toàn không biết!

Cho đến một ngày sức khoẻ ba con ngày một yếu. Con túc trực bên ba, chăm sóc mỗi ngày. Thấy ba yếu lắm rồi, con cầu nguyện và khuyên ba rửa tội để làm con Chúa hầu chuẩn bị về với Chúa. Thật ngạc nhiên, ba con đồng ý và anh chị em con không ai phản đối, chỉ có mẹ con chống đối kịch liệt làm ba con nản chí. Con buồn quá bèn chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa và xin cha cùng cộng đoàn cầu nguyện. Chính nhờ đó, một biến cố xảy đến với ba con.

Ngày 30/6/2008 ba con bị hôn mê, lưỡi thụt vào không nói, không ăn uống được. Tối hôm đó, một mình con ở bên ba cầu nguyện, và dưới sự hướng dẫn của Cha Tân Định, con rửa tội cho ba. Con có mời chị hai con chứng kiến giây phút đặc biệt quan trọng đó. Mẹ con lúc đó đã ngủ không hay biết gì. Con chọn thánh Giuse làm bổn mạng cho ba con. Đến 3 giờ sáng ngày 01/6/2008, ba con hồi tỉnh, nói được và ăn đuợc một chén cháo. Con mừng quá. Tạ ơn Chúa đã thương đến ba con.

Ba mẹ con giận nhau hơn 20 năm nay. Hai người không nói chuyện, không nhìn mặt nhau, mặc dù ở chung một nhà. Cho đến sáng ngày 25/7/2008, ba con lại mệt và con quyết định mời một linh mục đến xức dầu cho ba con, dù mẹ con phản đối kịch liệt. Một Cha ở Dòng Thánh Thể đã đến ban phép xức dầu, thêm sức và cho ba con rước Chúa. Một lần nữa điều lạ lùng xảy ra. Khi vị linh mục đó chào ba con đi về thì ba con nói được “cám ơn Cha”. Ngay sau đó, mẹ con lên nắm tay ba con hôn một cái trước sự ngạc nhiên của những người bà con và anh chị em trong gia đình. Ba con xúc động đến phát khóc, vì từ lâu ba con ao ước đuợc làm hoà với mẹ con. Mọi người đều tin vào quyền năng và việc Chúa làm, ngoại trừ mẹ con vẫn chưa nhận biết Chúa.

Hai biến cố trên giúp con thêm vững tin vào Chúa. Việc Chúa làm, con không thể nào hiểu thấu được, nhưng con vững tin rằng những gì con người không thể làm được thì đối với Chúa đều có thể.

Mỹ Dung

--------------------------------------

ĐỒNG HÒA VUI TRUNG THU

Tết Trung Thu, đội quân áo xanh chúng tôi theo chân người linh mục Lãng Tử đến với các em thiếu nhi thuộc vùng sâu, vùng xa ở giáo điểm truyền giáo Đồng Hoà, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Có thể nói đây là chuyến công tác để lại trong tôi nhiều ấn tượng và niềm vui thật đặc biệt. Nơi vùng xã nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn này không ai ngờ lại có được ngày Hội Trung Thu tưng bừng nhộn nhịp đến thế! Niềm vui trên gương mặt trẻ thơ trong ngày này thực sự đã làm cho tôi được sống lại tuổi thơ của mình. Tuổi thơ dù đã qua đi nhưng vẫn còn đó ước mơ thời thơ ấu của mỗi người, chúng tôi dường như nhanh chóng đọc được những ý nghĩ và mong muốn của các em, làm cho các em vui hơn, hạnh phúc hơn.

• Nỗi Lòng làm Mẹ làm Cha

Lòng thương xót của Chúa làm sao không yêu thích những tâm hồn trẻ thơ, ngây ngô và đơn sơ như thế! Cuộc sống thường ngày là sự đối mặt với những eo hẹp, thiếu thốn. Cha mẹ các em đa số đi làm nghêu thuê để sống qua ngày, chạy cơm từng bữa. Ngặt một nỗi, thời gian vừa rồi nghêu chết sạch vì ô nhiễm, nên đời sống người dân ở đây càng rơi vào bế tắc hơn, đâu ai dám nghĩ đến quà bánh trung thu gì cho con cái mình. Một người mẹ đứng ngoài cổng nhà thờ vừa chăm chú dõi theo con mình đang vui chơi trong đó, vừa trả lời những lời thăm hỏi của tôi.

Tấm lòng của cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hòa, đã chia sẻ được nỗi băn khoăn của những người làm cha, mẹ ở đây. Đặc biệt là đã đem niềm vui đến cho các em nhỏ trong ngày Tết Trung Thu. Tất cả là 500 phần quà, gồm 350 phần quà trung thu cho các thiếu nhi, và 150 phần quà cho các gia đình nghèo khó.

Vui mừng hơn nữa, khi được biết đa số người dân sống ở đây là chưa biết Chúa. Gần 400 thiếu nhi đến nhà thờ nhận quà và vui trung thu, thì chưa tới 10 em được rửa tội. Nhà thờ cách giáo điểm truyền giáo gần 2km (đó là một căn nhà cấp 4), nếu không chú ý đến tấm bảng và cây thánh giá thì sẽ không biết đó là ngôi nhà thờ. Đây là nơi dâng lễ thờ phượng Chúa của gần 100 giáo dân trong vùng này. Phần lớn người dân ở đây là anh em Cao Đài và lương dân. Cuộc sống không được ổn định, họ sống bằng nghề đi biển hoặc làm thuê, rất bấp bênh. Người lớn đa số không biết chữ, nên việc học hỏi giáo lý cũng khó khăn hơn.

• Hãy Để Trẻ Thơ Đến Với Thầy

Sau khi chuyển hết hàng hoá từ xe vào, chúng tôi được phân chia phụ trách từng món quà một, để phát cho các em sao cho thuận tiện và hợp lý nhất, đảm bảo trật tự và không sót em nào. Trong nhà thờ, dưới sự hướng dẫn và quản trò của các anh chị Áo Xanh, các em thiếu nhi (đại đa số là không có đạo), được sinh hoạt, ca múa vui vẻ thoải mái. Tiếng hát, tiếng cười dòn dã và ánh mắt rạng rỡ của các em làm cho chúng tôi thêm hăng say phục vụ. Tôi nghĩ, hôm nay người vui nhất là Chúa Giêsu. Rất đông trẻ thơ đến với Chúa, chúng đang vui tết Trung Thu với Chúa.

Sau giờ sinh hoạt chung đến phần quan trọng nhất đối với các em là nhận quà Trung Thu. Nào là bong bóng vừa to, vừa đẹp. Nào là quần áo, bút, thước, tập vở để đi học. Nào là bánh trung thu, thạch dừa và món quà đặc biệt không thể thiếu trong ngày vui trung thu là lồng đèn. Mỗi em đều được một phần như nhau. Gần 9 giờ tối, khi Đội Quân Ao Xanh hoàn tất nhiệm vụ phân phát quà, thì cái bao tử cũng réo rắc vì đói và mệt. Dù vậy, ai cũng cảm thấy vui khi nhìn thấy đám trẻ rước đèn đi dọc theo con đường phía trước nhà thờ. Con đường trở nên lung linh, huyền ảo, đầy màu sắc và kiểu dáng lồng đèn di chuyển theo bước chân của các em. Tiếng các em nói cười rộn rã vang cả góc trời. Xóm lao động nghèo (đời sống thường nhật khó khăn), nay có một buổi tối trở thành đêm phố hội đẹp lạ thường. Các cụ, các bậc phụ huynh, ai ai cũng vui vì con em mình được hưởng ngày Tết Trung Thu đầy ý nghĩa và hạnh phúc.

Chúng tôi thật xúc động khi nghe vị linh mục phụ trách giáo điểm chia sẻ về đời sống bà con nơi đây. Hơn 100 năm trước, các vị thừa sai đã đến đây truyền giáo, xây dựng được ngôi nhà thờ, nhưng sau đó chiến tranh đã phá huỷ tất cả. Mãi về sau, các cha đã mua lại mảnh đất này và tiếp tục công cuộc truyền giáo ở đây. Truyền giáo không phải chỉ là nói suông, tuyên truyền, sáo rỗng, nhưng làm cho người khác nhận biết Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Sống tốt mối tương quan của mình với anh em để qua đó họ nhận biết Thiên Chúa - một Thiên Chúa của tình yêu. Thiên Chúa thật dễ thương, dễ gần, dễ mến. Đâu ai ngờ, chỉ cách Sài gòn chừng vài chục cây số, mà đời sống người dân nơi đây lại quá nhiều bất cập đến thế!

• Lửa Thiêng

Đêm hôm đó ở lại giáo điểm, chúng tôi có một đêm lửa trại, cùng cầu nguyện với nhau dưới ánh trăng, rất ấn tượng. Tạ ơn Chúa vì thời tiết quá tuyệt vời, ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Vì trước giờ khởi hành cũng như trên đường đi, mưa tầm tã, nhưng khi đến nơi thì trời quang mây tạnh. Tạ ơn Chúa cho trăng thanh gió mát để đêm Trung Thu ở vùng đất Cần Giờ này được vui trọn vẹn.

Ấn tượng nhất là nghi thức lửa trại. Nhiều bạn lần đầu được tham dự lửa trại, nên còn chút bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua phần chuẩn bị lửa trại đến màn hoá trang và văn nghệ tự phát, thì tất cả như được hun nóng lên. Màn đêm âm u của núi rừng hòa vào bầu khí trầm lắng cầu nguyện của mọi người di chuyển đến khu lửa trại, sao mà linh thiêng thế!

Trong khi lắng nghe lời dẫn ý Chúa Kitô như ánh sáng đến phá tan màn đêm u ám của tội lỗi, mọi người quỳ sấp xuống thầm thĩ nguyện cầu, bằng lời ca rộn rã lập đi lập lại trong đêm thâu: “Lửa thiêng ơi! hãy đến bùng sáng lên trong đêm âm u, soi đời tăm tối bao nhiêu âu lo. lửa thiêng ơi hãy đến bùng cháy lên mang cho đời ngàn ánh vinh quang vui hân hoan…”. Cuộc chiến đấu căng thẳng giữa Thần Bóng Tối và Thần Lửa (ánh sáng) kết thúc trong tiếng vỗ tay tưng bừng. Thần Lửa đã chiến thắng. Đức Kitô Phục sinh đã chiến thắng khải hoàn. Bài hát nhảy lửa lúc này thật ý nghĩa khi được quyện với ánh lửa trại bập bùng trong đêm khuya: “Anh em ơi mau cố chất cây khô vào đây đốt chung. Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa trời… Anh em ta đùa vui ca hát… vui vui thật vui…”

Sau hơn hai giờ vui chơi, ca hát, nhảy múa quanh ngọn lửa hồng giữa rừng sâu, đêm lửa trại được khép lại bằng nghi thức “Đem Lửa Về Tim”. Ngọn lửa đêm nay rồi cũng dần tàn, nhưng ngọn lửa thiêng trong tâm hồn chúng tôi được thắp sáng hơn qua chuyến công tác nơi này. Ngọn lửa yêu thương mà Giêsu từ Trời đem xuống và hằng khắc khoải cho ngọn lửa đó bùng cháy lên khắp cõi nhân gian này đang được chúng tôi tiếp nối. Mỗi thành viên trong Đội Quân Ao Xanh, nguyện đem ngọn Lửa Thiêng ấy vào trong tim mình để ra đi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, bằng đời sống chứng tá yêu thương, phục vụ.

Biển Mặn
Đêm Thu 2008

---------------------------------------------------------------------------

CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA VÀ MẸ MARIA

Mỗi tuần chúng tôi nhận được hàng ngàn lá thư viết tay “Nhờ Mẹ đến Với Chúa”. Có những lá thư viết nguệch ngoạc, bình dị, và sai lỗi chính tả. Có những lá thư với nét chữ và giọng văn đơn sơ của các em thiếu nhi. Có những lá thư tâm tình rất dạt dào cảm xúc của các bạn trẻ. Có những là thư chứa chan nước mắt của các bà mẹ, của những người vợ đau khổ chất chồng. Có những lá thư hồn nhiên của những anh chị em ngoài Công Giáo…

Dù dưới hình thức nào đi nữa, những lá thư đó đều phát xuất từ trái tim ắp đầy tin yêu, gói ghém cả tâm tình của những người con thảo dâng lên Chúa từ nhân qua Mẹ hiền Maria. Xin trích đăng một vài tâm tình “Nhờ Mẹ đến với Chúa”, như những chứng nhân sống động, để anh chị em cùng cảm nghiệm được lòng tin, cậy, mến mạnh mẽ của cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hoà:

1. “Tạ ơn Chúa đã ban cho con nhiều đau khổ.
Tạ ơn Chúa đã cho người ta khinh bỉ con vì con túng nghèo.
Tạ ơn Chúa đã cho con có người chồng nóng tính, dữ tợn.
Xin Chúa cho con ơn bền đỗ, ơn nhịn nhục, và ơn khiêm nhường vì con còn yếu đuối lắm.
Xin Chúa thánh hoá gia đình con. Xin Chúa ban ơn can đảm để con biết chấp nhận những gì Chúa trao và làm theo Thánh Ý Chúa
”. (Maria N.H, Sàigon)

2. “Con cám ơn Chúa vì Ngài đã ban cho con:
- Một người chồng khó tính, hay cáu kỉnh và than phiền.
- Một đứa con tính tình ngang ngược, hay cáu gắt.
- Nợ nần chồng chất. Đây là dịp con tạ ơn. Con tạ ơn Chúa.
Con xin bằng lòng đón nhận những gì Chúa đã gởi cho con, những vui buồn sướng khổ. Tất cả là Hồng Ân của Chúa
.” (Gabriel Kim Hồng- Hốc Môn).

3. “Gia đình con gặp những rủi ro liên tiếp: Con mất mẹ. Các con của con mất cha. Bệnh tật đeo bám nơi con. Chị em phiền trách nhau. Nhưng con vẫn tạ ơn Chúa và Mẹ, vì qua những biến cố ấy, con càng được biết Chúa và Mẹ hơn, để cho gia đình con thêm đức tin nơi Chúa và Mẹ” (Maria Kim Thoa, tân tòng).

4. “Con cám ơn Chúa và Mẹ đã ban cho con muôn vàn Hồng Ân: Chúa đã cho con một người chồng bạc tình, một đứa con khờ và hai đứa con dại. Con xin dâng lên Chúa món quà mà Chúa đã ban cho con. Con xin cảm tạ Chúa” (Têrêsa Hoa, TPHCM).

5. “Cám ơn Chúa đã ban cho con nơi ăn, chốn ở: một nơi toàn là người xa lạ. Con đã chịu sự chèn ép, sự ăn hiếp của hàng xóm quanh con, vì nhà con “mẹ góa con côi”, cô đơn, yếu đuối. Nay con xin tha thứ cho một người mà con đã oán hận tận đáy lòng, dù người ấy làm hại gia đình con mà chưa hề xin lỗi con.” (Cecila X. Gò Vấp)

6. “Ba mẹ con quay về với nhau sau mười mấy năm ly thân. Chúa đã ban cho gia đình con được bình an. Nhất là một thời gian dài, con bỏ lễ và chơi ma tuý. Nay con đã bỏ được ma tuý và năng đi lễ. Con cảm ơn Chúa và Mẹ”(Vincentê B. Saigon).

7. “Cháu con đã từ bỏ hút chích. Em con từ bỏ nghiện ngập.
Cám ơn Mẹ cho con của con bỏ được ma tuý.
Cháu con từ bỏ ma tuý, và em con nữa.
Anh con đã trở về với Chúa và từ bỏ ma tuý. Ba con đã biết lo lắng cho gia đình. Xin đừng để con rời xa Chúa, và mỗi ngày yêu Chúa nhiều hơn” (Nhiều gia đình).

8. “Tạ ơn Chúa và Mẹ đã ban cho cuộc sống gia đình con đầy đủ. Mặc dù con cái trong gia đình ăn chơi hoang đàng (xì ke + cờ bạc), nhưng nay đã có sự thay đổi tìm công ăn việc làm, siêng năng đọc kinh, đi lễ
...” (Catarina Kim A. và Giuse Văn N.)

9. “Qua lời bầu cử của Mẹ, gia đình con đã được Chúa ban cho 5 người con trai trở lại với Chúa. Các con của con hoà thuận lại với nhau, và một đứa đã được Chúa chữa lành bệnh tật, nay đã khỏe mạnh” (Anna Th. miền Tây).

10. “Con cảm thấy thích tham dự lễ Lòng Thương Xót Chúa mỗi chiều thứ năm tại nhà thờ Chí Hoà. Mỗi ngày con biết cầu nguyện nhiều hơn. Mẹ đã cầu cùng Chúa cho con sau ba lần xét nghiệm không bị khối u ác tính. Con cám ơn Mẹ” (Một thiếu nữ trẻ).

-----------------------------------------------

MƯA MÙA THU- MƯA HỒNG ÂN

• Mái Ấm Tình Người

Khu nhà nằm khiêm tốn và bình an nơi cuối con hẻm nhỏ là nơi Đội Quân Ao Xanh thường họp nhau để chuẩn bị quà cho những chuyến công tác bác ái đến những vùng sâu vùng xa.

Buổi chiều mưa tầm tã trước tết Trung Thu một ngày, tôi đến “Mái Am Tình Người” này, khi người linh mục lãng tử đi giảng lễ kính Đức Mẹ lúc 12 giờ trưa ngày 13 mỗi tháng tại nhà thờ Chí Hoà vừa về. Cùng về với cha là Đội Quân Ao Xanh với ba chiếc xe lớn chở hàng. Tất cả không kịp nghỉ ngơi, họ đội mưa chuyển lên xe những bao quần áo, mì gói, bánh trung thu, lồng đèn, sách vở... Những con người tình nguyện ấy sẽ cùng nhau đến thí điểm truyền giáo ở Cần Giờ. Vùng đất ấy còn rất nhiều khó khăn. Trẻ con chắc cũng chẳng mấy khi biết tới khái niệm trăng rằm, khi mà cái ăn, cái mặc cha mẹ chúng còn lo chưa xong. Tôi rất hiểu điều đó.

Vị linh mục tranh thủ lót dạ ngay chiếc bàn gỗ ở hành lang, một tô mì chế nước sôi, chỉ đơn giản thế thôi. Tôi được đánh động khi Cha nhắc nhở những người trẻ cẩn thận, giữ gìn những bao đồ mang đi trong cơn mưa để tới với bao người còn đang khó nhọc thiếu thốn. Dù vậy người linh mục của những em bụi đời vẫn không quên những em thiếu nhi nơi bãi rác của tôi. Ông chia cho tôi 90 chiếc bánh trung thu thơm phức, tập vở học trò và hai bọc lồng đèn thật lớn. Tôi bỗng thấy vụng về và ngơ ngác trong sân “Mái Am Tình Người” chiều mưa này. Tôi gọi xe ôm, chất đồ chở về khu bãi rác làm quà trung thu cho các em. Ba chiếc xe đưa Đội Quân Ao Xanh lao mình đi trong cơn mưa to gió lớn.

Tôi đứng trông theo đoàn xe, thầm nhủ với người linh mục bụi đời ấy: “Con về bãi rác đây cha ạ! Dù mưa gió, con cũng sẽ về nơi bãi rác của con, để làm ngay những điều dù rất nhỏ; mang niềm vui trăng rằm cho các em vùng ven thành phố. Con sẽ hò hát, sẽ nhảy chân sáo cùng đám tiểu yêu của con, vì nếu đợi ngày mai e rằng quá trễ! Chúc cha và Đội Quân Ao Xanh đi Cần Giờ bình an, may mắn. Đêm nay trăng sẽ tỏa sáng ở khắp nơi để soi những bước chân đi âm thầm mang niềm vui cho cuộc đời, âm thầm mà bền bỉ. Khi nhìn Đội Quân Ao Xanh của cha đi Cần Giờ trong xôn xao mưa chiều thu, con vui lòng đi một mình dưới mưa về bãi rác. Thật là vui và hạnh phúc, vì chẳng có ai cô đơn trong mưa thu hôm nay. Con cái Chúa luôn có Cha trên trời đi cùng. Phải đi thôi. Đừng chần chừ! Vì ngày mai e rằng quá trễ! Phải không cha?”.

• Bãi Rác Đêm Thu

Tôi day dứt khi vừa đọc một tài liệu và biết rằng: tám mươi phần trăm con người trên trái đất này chỉ được hưởng thụ hai mươi phần trăm của cải trên trần gian. Có nghĩa là có rất nhiều người còn nghèo, còn đói. Tôi gấp sách. Tôi nhìn, tôi thấy, và tôi trăn trở phải làm được chút gì cho bãi rác Đêm Thu này!

Nơi tôi ở còn nghèo, còn tối tăm. Người lớn tăm tối đã đành, trẻ con ngây thơ hồn nhiên cũng quẩn quanh nơi cái vũng lầy ao tù nước đọng. Tôi ngước trên cao thấy trăng sáng. Tôi dạo phố thấy những quầy bánh thơm tho. Tôi nuốt vào bụng cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng. Tôi thèm khát thay đám trẻ bãi rác của tôi. Vâng! có Chúa biết, thực ra là tôi thèm khát đấy!

Thế nhưng, tôi làm gì được chứ ? Tôi chỉ là một người phụ nữ nghèo hèn, kém cỏi và mong manh. Và tôi cũng nghèo, cũng chẳng dễ cho đi, bởi vì tôi không có. Nhưng mà tôi lại không chịu như thế. Tôi tin vào lòng Chúa yêu thương và quan phòng. Người quan phòng cuộc đời tôi, Người sẽ quan phòng ước mơ của tôi nữa chứ?

Tôi lọc cọc viết blog. Tôi thì thầm với người quen. Tôi lỳ lợm hỏi xin những mạnh thường quân hỗ trợ cho Đêm Hội Trăng Rằm của các em nơi bãi rác này. Tôi quả là không biết xấu hổ ! Nhưng tại sao mà lại xấu hổ khi mà Chúa bảo tôi: “Này con ơi! Hãy xin thì sẽ được. Hãy tìm thì sẽ thấy. Hãy gõ sẽ mở cho!”

Mà tôi được thật!

Qua vị linh mục lãng tử, cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ xứ Chí Hoà vẫn nhớ về cái đám trẻ con bãi rác này, đã tặng chúng những cái bánh vàng ươm, thơm phức, những lồng đèn và sách vở.... Thế là trẻ con khu nhà tôi phen này được ăn bánh. Bởi vì trẻ con thì thích bánh, mà đứa chưa được ăn bánh thì còn thèm, còn thích hơn nữa.

Có lẽ vì tôi là đứa con bướng bỉnh và “cố đấm ăn xôi” mà Chúa lại thương hơn chăng? Thế là Chúa sai đến cả chị Hằng, chú Cuội nữa kìa. Có cả một con lân to, cái đầu lắc lư ngộ nghĩnh! Nghe nói là có một nhóm tên là Vạn Xuân, sinh hoạt với các bạn trẻ ở nhà thờ đường Quang Trung, họ tình nguyện đến nơi này, chơi chung với tôi và đám trẻ.

Lạ nhỉ ! Nhưng mà không lạ, vì Chúa có thể làm được mọi sự lạ kỳ. Đức Mẹ đã cầu bầu với Chúa cho Xương Thủy Tinh có thể bước đi được, thì có tiếc gì Mẹ lại không xin với Chúa cho mẹ của xương thủy tinh và đám trẻ con nơi xóm nghèo này hả hê một bữa.

Trung thu đẹp quá! Sống như trẻ nhỏ mới vui sướng làm sao? Chúng nó đứa nào đứa nấy mặt mũi hồng hào, nhảy cà tưng dưới trăng và dưới nến. Chúa vốn nhân lành, từ bi, và yêu con nít. Chính vì thế mà Chúa mới nhắn nhủ chúng con rằng: “Nếu các con không hoán cải để trở nên trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước trời!”.

Con xin dâng lời tạ ơn thay cả lũ trẻ của con. Và con tin, Chúa luôn thương con, thương từng người chúng con. Ngay cả khi con mê mải cuốn theo vui thú trần gian, mà sao lãng bổn phận làm con, thì Chúa vẫn thương chúng con, chẳng nề hà, phiền trách, chỉ cần chúng con biết hối hận, biết trở về kêu xin Lòng Thương Xót Chúa.

Tạ ơn Chúa cho con một đêm trung thu thật ý nghĩa, thấm đậm tình Chúa, tình Người.

T.H
Mùa Thu 2008