Giới thiệu Cộng Đồng Công Giáo Tổng giáo phận Atlanta

Ngày 2 tháng 2 năm 2004, tôi đã được Đức Tổng Giám mục Atlanta, Đức Cha John F. Donoghue bổ nhiệm làm “Vicar for Clergy”, tức là làm đại diện cho Ngài nơi anh em linh mục Việt Nam và các cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Atlanta. Với chức vụ đó, tôi đã trở nên thành viên của Hội Đồng Linh Mục và Hội Đồng Cố Vấn trong Tổng Giáo phận. Hàng tháng tôi cùng với các thành viên khác đi hội họp và đóng góp những ý kiến khi Đức Tổng Giám mục cần thiết để điều hành Tổng Giáo phận hoặc là khi Ngài muốn biết về Cộng đồng Công giáo Việt Nam và các nhân sự trong Cộng đoàn.

Trong những năm phục vụ với trách nhiệm trên đây, tôi đã lắng nghe, suy nghĩ và ghi lại những sinh hoạt của người Việt Nam trong Tổng Giáo phận. Hôm nay tôi muốn cống hiến đến quý vị cái nhìn chung về thành phố Atlanta trong tiểu bang Georgia, về Tổng Giáo phận Atlanta và sau cùng về các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Tổng Giáo phận Atlanta. I. Về thành phố Atlanta trong tiểu bang Georgia

Tiểu bang Georgia được mệnh danh là “Tiểu Bang Đế Quốc Của Miền Nam” (The Empire State of the South). Tiểu bang này rộng 58,060 dặm vuông, đứng hàng thứ 21 trong số 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Dân số có vào khoảng 9,363,000 người và đứng hàng thứ 10. Trong tổng số đó, người da trắng chiếm 65%, người da đen 29%, gốc Á châu 2.3%, gốc Latinh 5.5%, gốc da đỏ 0.3%. Khí hậu được coi là ôn hòa vừa phải, không nóng như Texas, cũng không lạnh như New York. Thủ đô của tiểu bang là Atlanta, các thành phố lớn khác là Savannah, Augusta, Macon, Columbus, Valdosta, Albany, Warner Robins, Roswell, Marietta, Athens…

Trong cuộc nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam, thành phố Atlanta đã bị tàn phá rất nặng nề. Stone Mountain là bãi chiến trường và là chứng tích của lịch sử. Đại tướng Sherman dẫn 100,000 quân liên bang từ Bắc đi qua Tennessee rồi tiến thẳng vào Atlanta, đốt phá bình địa, sau đó đoàn quân tiến sang Sanvannah. Ngày nay, Fort Pulaski hoang tàn là dấu tích lịch sử chống lại ngoại bang để dành lấy độc lập. Cuốn tiểu thuyết và phim chuyện nổi tiếng “Cuốn Theo Chiều Gió” (Gone With The Wind) của tác giả thời danh Margaret Mitchelle có nguồn gốc tại Atlanta.

Sau cuộc nội chiến, thành phố Atlanta tức khắc được đổi mới và luôn luôn trên đà phát triển. Ngày nay khi thăm viếng Atlanta, du khách còn có thể xem các thắng cảnh khác như: Martin Luther King Center, Coca Cola World, Đài Truyền hình CNN, Presidential Library của cựu Tổng Thống Jimmy Carter, Stone Mountain Park, Sở Thú, Bảo Tàng Viện, Tòa Nhà Quốc Hội của Tiểu Bang, Aquarium mới được xây cất...

Sau Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1996 nhịp độ phát triển càng mạnh mẽ tại Atlanta. Người ta dự đoán rằng trong tương lai thành phố Atlanta không có một ranh giới thiên nhiên, sẽ trở thành một thành phố quốc tế phồn thịnh phát triển vô giới hạn cả về thương mại, kỹ nghệ và ngoại giao.

Có rất nhiều sắc dân thiểu số hiện đang sinh sống tại thành phố Atlanta, mà cộng đồng người Việt Nam là một sắc dân đặc biệt hoạt động và thành công.

II. Tổng Giáo phận Công giáo Atlanta

Cách chung, các tiểu bang Miền Nam Hoa Kỳ có tỉ số người Công giáo rất thấp và được coi là miền đất truyền giáo. Do đó, những tín hữu Công giáo sống tại đây được bao vây bởi nếp sống văn hóa của anh chị em Tin Lành chia làm nhiều giáo phái. Chính vì sự kiện ấy mà anh chị em Công giáo luôn được huấn luyện và khích lệ trong cuộc sống đức tin tích cực và trung kiên hơn nhiều miền khác trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Tiểu bang Georgia được chia làm 2 Giáo phận: Giáo phận Savannah ở phía Nam và Tổng Giáo phận Atlanta ở về phía Bắc.

Giáo phận Savannah đã được thành lập sớm vào năm 1850 bao gồm toàn thể tiểu bang Georgia. Đến năm 1937, Giáo phận được đổi thành Giáo phận Savannah-Atlanta. Năm 1956, Atlanta được tách ra khỏi Giáo phận Savannah và trở thành Tổng Giáo phận Atlanta. Như vậy, năm 1956 được coi là năm thành lập Tổng Giáo phận Atlanta.

Đức Tổng Giám mục Công giáo Atlanta hiện nay là Đức Cha Wilton D. Gregory. Sách Niên Giám chính thức của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ (The Official Catholic Directory) xuất bản năm 2007 cho biết trong Tổng Giáo phận hiện nay có 259 linh mục triều và dòng (priests), 181 thầy sáu vĩnh viễn (permanent deacons), 5 tu sĩ nam (brothers), 110 tu sĩ nữ (sisters), 84 giáo xứ (parishes), và 15 họ đạo (missions), 49 chủng sinh.

Số giáo dân Công giáo khoảng 650,000 người trong tổng số 6,393,796 công dân, vào khoảng 10% giáo dân Công giáo trong cả Tổng Giáo phận. Chính vì sự kiện là thiểu số như vậy, cho nên tinh thần anh chị em Công giáo rất hăng say và vững mạnh trong cuộc sống đức tin tích cực vừa để sống đạo vừa để truyền giáo cho những người chung quanh.

Tổng Giáo phận là một cơ chế được quy định bởi giáo luật và các luật lệ của Tổng Giáo phận. Do đấy, người Công giáo ngoài dân luật của trung ương, tiểu bang và thành phố, chúng ta còn có những luật lệ của Tổng Giáo phận như:

- Các luật lệ về điều hành hành chánh
- Các luật lệ về phụng vụ
- Các luật lệ về tài chánh
- Các luật lệ về hàng giáo sĩ
- Các luật lệ về nhân sự phục vụ trong các giáo xứ v.v…

III. Về Cộng đồng Công giáo Việt Nam

Năm 1975, sau khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ đã có một số anh chị em người Việt Nam di tản sang Hoa Kỳ và đến thành phố Atlanta. Khoảng đầu thập niên 80’ đợt sóng di cư thứ hai đến Hoa Kỳ và đến thành phố Atanta là những anh chị em vượt biên mà thế giới gọi là “thuyền nhân”. Tiếp đến thập niên 90’, các diện HO, diện con lai, diện làm sở Mỹ tiếp tục đến Atlanta, nâng tổng số dân chúng lên mỗi ngày một đông đảo thêm. Hiện nay tại Atlanta có giáo xứ, giáo họ và các cộng đoàn như sau: Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam tại Riverdale

Ngay từ năm 1976, Đức Tổng Giám mục Thomas A. Donnellan đã cho phép và khuyến khích người Công giáo Việt Nam thành lập Cộng đồng Công giáo Việt Nam đầu tiên. Lúc ấy tôi là linh mục Công giáo Việt Nam duy nhất tại đây để hướng dẫn cộng đoàn này. Cộng đoàn này sinh hoạt tại nhà thờ St. John the Evangelist và đã được nhà thờ này bảo trợ trong vòng 13 năm cho tới năm 1979.

Đến thời Đức Tổng Giám mục Eugene Marino, Ngài đã cho phép tạo mãi khu thánh đường mới và đến làm phép khánh thành ngôi thánh đường nhỏ bé ấy tại Forest Park và nâng Cộng Đồng thành Họ đạo Đức Mẹ Việt Nam vào năm 1979.

Sau chín năm thờ phượng tại Forest Park, thành viên Họ Đạo mỗi ngày một đông thêm, và đã được Đức Tổng Giám mục John F. Donoghue nâng lên thành Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam và được di chuyển về thành phố Riverdale vào năm 1998. Đến nay là đúng 10 năm kỷ niệm ngày mà Giáo xứ đã được thành lập theo giáo luật. Anh chị em giáo dân đang chuẩn bị mừng Kỷ Niệm 10 năm và những năm hồng ân khác.

Hiện nay, Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam có vào khoảng 700 gia đình đã đăng ký hoặc khoảng 3000 nhân danh. Giáo xứ có cơ sở thờ phượng, bãi đậu xe và cả nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho các thành viên của Giáo xứ qua đời. Giáo xứ còn đang trên đà gia tăng và phát triển. Hiện tai, Giáo xứ có hai cha, hai thầy phó tế và ba sơ dòng thánh Đa Minh, cùng với một Hội Đồng Mục Vụ phục vụ rất hữu hiệu. Giáo Họ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Norcross

Trong khi ở phía Nam thành phố Atlanta, Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam đã phát triển, thì tại phía Bắc, Sơ Mỹ Hạnh và Cha Tôma Nguyễn Thái Thành đã qui tụ những người Công giáo đến dâng thánh lễ thờ phượng và sinh hoạt tại nhà thờ Holy Cross, Norcross, từ mười mấy năm qua. Đến khi Cha Phêrô Vũ Ngọc Đức, tân linh mục của Tổng Giáo phận Atlanta được phong chức và được đặc cử làm Cha Quản nhiệm của cộng đoàn này vào năm 1996, thì sự sinh hoạt càng phát triển và nhân số càng gia tăng mau lẹ.

Với sự hăng say và lòng nhiệt thành, Cha Đức đã lãnh đạo Cộng đoàn Công giáo trong việc tạo mãi cơ sở riêng cho cộng đoàn và dọn ra khỏi nhà thờ Holy Cross. Ngày đáng ghi nhớ ấy là ngày 10 tháng 6 năm 2006, khi Đức Tổng Giám mục Atlanta, Đức cha Wilton D. Gregory đã đến làm phép thánh đường và khánh thành cơ sở bao gồm nhà thờ, hội trường, các lớp học và bãi đậu xe khang trang rộng rãi, trị giá đến mấy triệu Mỹ Kim. Ngài cũng đã chính thức nâng Cộng đồng Công giáo lên Họ đạo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngày khánh thành thật rực rỡ và vui tươi! Tôi nhận thấy các cha Mỹ đã hết lời thán phục Cha Đức và những người thiện chí đã cùng với Cha Đức thực hiện được cơ ngơi như vậy!

Gần đây, Cha Phanxicô Xaviê Trần Quốc Tuấn đã về phục vụ thay thế Cha Phêrô Vũ Ngọc Đức. Với sự trợ giúp đắc lực của Cha Phó, hai Sơ dòng Thánh Đa Minh và Hội Đồng Mục Vụ phục vụ hữu hiệụ, Cha Tuấn đang lo thực hiện việc củng cố và nhắm tới phát triển trong tương lai. Hiện nay, Họ Đạo có vào khoảng 900 gia đình hoặc 4000 giáo dân thành viên.

Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam St. Michael tại Gainesville

Ngay từ những năm 1978-1980, một số đông anh chị em người Việt Nam đã định cư tại Gainesville và làm trại gà hoặc canh tác nông nghiệp. Nơi đây, rất nhiều anh chị em đã tới rồi đã đi. Chính tôi cũng đã đến dâng thánh lễ với anh chị em rất nhiều lần trong quá khứ.

Hiện nay, Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Gainesville có vào khoảng trên 100 gia đình. Kể từ khi Cha Chánh Xứ cho phép lập Đài Đức Mẹ và đặt thánh tượng Đức Mẹ La Vang và được Đức Tổng Giám mục Wilton D. Gregory đến làm phép, thì tinh thần đức tin và lòng sống đạo của anh chị em có sự gia tăng rõ rệt và mạnh mẽ.

Cộng Đoàn Công Giáo tại Toccoa

Gần đây, một số gia đình phần đông từ California đến định cư tại Toccoa và Commerce trong tiểu bang Georgia. Phần đông quý anh chị em làm trại gà và ở xa cách các thành phố lớn. Tuy vậy, đây là những gia đình xem ra có số tiền vốn rất lớn trong tay. Ngày ra mắt anh chị em đã cho tôi biết tên gọi là Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang và có vào khoảng 50 gia đình.

Trên đây là tình hình các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Atlanta. Ngoài các cộng đoàn Công giáo Việt Nam, trong bang Georgia còn có các cộng đồng người Việt khác như cộng đồng Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành,… Nói chung về tình hình cộng đồng Người Việt Nam tại Atlanta thì không ai có thể biết rõ có bao nhiêu người Việt Nam hiện đang sinh sống tại thành phố Atlanta. Các cơ quan làm việc với người Việt Nam ước tính có vào khoảng 40,000-50,000 người Việt Nam đang sinh sống trong Tổng Giáo phận Atlanta, tức là nửa tiểu bang về phía bắc. Trong đó, số đồng bào ngoài Công Giáo chiếm phần lớn, vào khoảng ba phần tư, tức là vào trên 30,000 người. Số người Công Giáo vào khoảng 25-30 phần trăm tức vào khoảng trên 10,000 người.

Trên đây là những thông tin tổng quát về tiểu bang Georgia, về Tổng Giáo phận Atlanta và các cộng đoàn Công giáo Việt Nam. Ước mong các thông tin này giúp chúng ta biết thêm tình hình về vùng đất này.