CÁO “CÁO TRẠNG”

Ngày 24/10/2008 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Quận Đống Đa đã công bố bản Cáo trạng liên quan tới các “bị oan” là giáo dân giáo xứ Thái Hà. Bản cáo trạng gồm 16 trang. Nội dung bản cáo trạng mơ hồ, chung chung, thiếu cơ sở và nhất là phản ánh một thái độ làm việc thiếu nghiêm túc, áp đặt, không phản ánh đúng bản chất sự việc.

Sự lúng túng của cơ quan công quyền

Ngay phần đầu bản cáo trạng, theo các căn cứ mà Viện Kiểm sát đưa ra, người đọc dễ dàng nhận thấy sự lúng túng của cơ quan bảo vệ pháp luật. Các quyết định về tội danh liên tục thay đổi. Thực tế, như một số cán bộ điều tra cho biết họ chỉ muốn kết thúc thật nhanh vụ án, bởi cứ kéo dài vụ án thì lương tâm họ không được yên ổn. Họ biết các giáo dân vô tội, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành phải làm một việc mà như họ nói, họ không được thoải mái chút nào.

Những ai theo dõi sát vụ án sẽ thấy đây là một vụ án được tiến hành trong một thời gian kỷ lục và tội danh thay đổi liên tục. Các bước tố tụng tiến hành vội vã, không theo bất cứ qui định nào.

Theo thông tin từ phía nhà thờ Thái Hà, ngày 15/10/2008 Cơ quan Điều tra quận Đống Đa chính thức ra quyết định huỷ bỏ tội “phá huỷ tài sản”.

  • Ngày 20/10/2008, Cơ quan điều tra công bố kết quả điều tra và chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát.
  • Ngày 24/10/2008, Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng.
  • Ngày 27/10/2008, Viện Kiểm sát chuyển Cáo trạng qua Toà án.
  • Ngày 28/10/2008, Toà án quận Đống Đa trả hồ sơ cho Cơ quan Điều tra yêu cầu điều tra bổ sung vì Toà án thấy Cơ quan điều tra đã bỏ sót tội và đề nghị thêm vào cáo trạng tội “Huỷ hoại tài sản” mà Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát đã huỷ trước đó ngày 15/10/2008.
Điều đáng nói là chỉ khi nào xét xử thì Toà mới công bố người nào có tội hay không và Toà án chỉ được quyền xử bị can dựa trên bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã đề nghị. Ở đây, Toà chưa xử những đã tuyên án. Không chỉ tuyên án dựa trên cáo trạng, Toà án Nhân dân quận Đống Đa còn khép cho các bị can tội mà Cơ quan điều tra đã phải huỷ bỏ vì không đủ yếu tố cấu thành tội. Điều này cho thấy, dù chưa được xử, nhưng thực chất vụ án đã được xử rồi và ở đây không phải Toà xử mà là Đảng chỉ đạo, Đảng xử.

Do đó, đây chắc chắn là một vụ án oan sai.

Sự thiếu trung thực của bản Cáo trạng

Phần kết quả điều tra thể hiện tại bản cáo trạng phản ánh một thái độ làm việc thiếu trung thực, áp đặt, bóp méo sự thật, nâng cao quan điểm, thiếu sơ sở pháp lý.

Nhiều sự thật liên quan tới khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng đã bị Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát cố tình bỏ qua.

Bản cáo trạng đã không nêu đầy đủ những tình tiết, qua đó, có thể khẳng định các bị can vô tội.

Việc chính quyền cưỡng chiếm khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng bất chấp sự thật và công lý đã không được nêu lên.

Việc công ty May Chiến Thắng phá huỷ các tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà hiện hữu trên khu đất, không được quan tâm cứu xét.

Việc Công ty May Chiến Thắng, dưới sự bảo kê của một số đơn vị cá nhân, bán chác khu đất nhằm tư túi đã không được cơ quan điều tra nói tới.

Việc chính quyền thành phố Hà Nội vội vã xua quân, gồm cảnh sát và chó nghiệp vụ canh chừng cho công nhân thi công công viên cây xanh, bất chấp các qui định pháp luật liên quan tới Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đã được Cơ quan Điều tra chiếu cố cố tình bỏ qua.

Bản cáo trạng này thực chất chỉ là những luận điệu đã được đăng trên các Báo Hà nội mới, An ninh Thủ Đô, Công an Nhân dân - những tờ báo mà gần đây đã bị công luận lên án vì sự thiếu trung thực, về tính cách nô bộc của các tờ báo này. Giống như nội dung của các tờ báo, bản cáo trạng các giáo dân Thái Hà tiếp tục những màn vu khống, một chiều, không tôn trọng sự thật khách quan, cố tình bóp méo sự thật, nhằm che đậy những bất công và nhằm phục vụ cho một nhóm quyền lợi đang thao túng xã hội.

Phần luận tội các bị can chung chung, thiếu và yếu về cơ sở pháp lý, không đủ cơ sở để kết tội người giáo dân.

Vấn đề cốt lõi của vụ án là vấn đề khiếu kiện đất đai, trong đó nhà thờ Thái Hà đòi lại quyền sử dụng đất đã bị nhà nước cưỡng chiếm bất hợp pháp không theo bất cứ chủ trương, chính sách nào. Nhà nước thay vì tôn trọng luật pháp đã bất chấp pháp luật dùng mọi thủ đoạn để hợp pháp hoá khu đất. Thực tế, việc khiếu kiện quyền sử dụng đất vẫn chưa kết thúc. Do đó, những hành vi của người giáo dân không thể bị truy cứu hình sự. Nếu có phải bị truy cứu hình sự, thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải truy cứu hình sự UBND thành phố Hà Nội đã bất chấp pháp luật cướp đoạt các cơ sở thờ tự tôn giáo và phải chứng minh cho được tính hợp pháp của việc Nhà nước đã quản lý khu đất này cách hợp pháp. Cho tới giờ này, chính quyền vẫn chưa thể chứng minh và sẽ chẳng bao giờ có thể chứng minh được rằng nhà nước đã quản lý khu đất này đúng luật.

Việc khép các giáo dân Thái Hà vào tội “gây rối trật tự công cộng” càng không có cơ sở để kết án. Vấn đề là họ đã gây rối thế nào, gây với ai, biên bản xử phạt hành vi gây rối… Do đó, không thể khép người giáo dân vào tội gây rối. Theo như bản cáo trạng, cơ quan điều tra đã cố tình áp đặt và coi việc cầu nguyện là một hành vi gấy rối. Đây là một sự áp đặt thiếu cơ sở bởi cầu nguyện thì không phải hành vi gây rối. Nếu cầu nguyện bị khép vào tội gây rối thì mọi người dân công giáo sẽ phải nói như Đức Giám mục Thái Bình: “Chào các bạn tôi đi tù”.

Tất cả những sự kiện này cho thấy Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Viện Kiểm sát Đống Đa đã không có sự độc lập trong qua trình tố tụng. Tất cả đã được cấp trên sắp đặt, chỉ đạo. Các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ có một nhiệm vụ làm nô bộc cho Đảng Cộng sản, cho một nhóm quyền lợi cá nhân.

Cần phải mạnh mẽ lên lên tiếng cho công lý và sự thật

Vụ án oan dành cho các giáo dân Thái Hà sắp sửa được đưa ra xét xử. Mặc dù chưa xử nhưng bản án đã được Toà án Nhân dân Quận Đống Đa tuyên án khi trả lại hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra với yêu cầu điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ sót tội.

Giống như vụ xử các nhà báo chống tham nhũng, vụ xử các giáo dân Thái Hà không phải do ngành tư pháp xử nhưng do “Ban tư tưởng Văn hoá” xét xử. Do đó, có một điều chắc chắn rằng một lần nữa công lý và sự thật sẽ bị chà đạp. Những công dân Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - những người yêu chuộng công lý và sự thật, sẽ phải ra trước vành móng ngựa vì tội “dám yêu nước hơn yêu Đảng”, dám tố cáo sự bất công, sự bất nhân của chế độ chuyên chính vô sản. Những người giáo dân - những chiến sĩ đấu tranh không vì quyền lợi cá nhân, nhưng vì lý tưởng vô sản thực sự, sẽ bị những người cộng sản giả hiệu bịt miệng bằng một bản án oan sai, bất chấp nhân tâm con người và dư luận xã hội.

Vì thế, hơn bao giờ hết, đã đến lúc, mọi người có lương tri phải cùng nhau lên tiếng cho công lý và sự thật, để đẩy lùi những bất công trong xã hội, để cùng nhau xây dựng một xã hội Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu và nhất là để người dân thấp cổ bé miệng không phải chịu oan ức, chịu cảnh tù đầy bất công.

Án đã tuyên, nhưng công lý và sự thật sẽ không thể bị cầm tù.

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2008