HÀ NỘI - Thánh lễ truyền thống của sinh viên Công giáo tổng giáo phận Hà Nội diễn ra trong hai ngày 29 và 30 tháng 11. Theo dự định, ngày lễ được diễn ra sớm hơn (vào ngày 8 và 9 tháng 11) nhưng do điều kiện thời tiết ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội vừa trải qua trận “đại hồng thủy” làm cho nhiều hoạt động bị ngừng trệ trong đó có thánh lễ truyền thống của sinh viên tổng giáo phận phải lùi lại tới cuối tháng.

Địa điểm tổ chức thánh lễ

Thánh lễ được tổ chức tại đền Thánh Phêrô Lê Tùy, họ Bằng Sở - xứ Sở Hạ - Giáo phận Hà Nội. Địa chỉ hành chính: thôn Bằng Sở - xã Ninh Sở - Thường Tín – Hà Tây. Đền Thánh cách Hà Nội (tính từ bến xe Giáp Bát) khoảng hơn 10 km về phía Đông Nam.

Đây là họ giáo có số lượng Giáo dân rất đông, với 1309 nhân khẩu, chiếm 90.2% dân số cả thôn. Giáo dân nơi đây luôn nhiệt tình, thân thiện, đúng như lời truyền tụng trong câu ca xưa:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An


Vì thế, khi các bạn sinh viên của tổng Giáo phận Hà Nội về đây mừng lễ đã được giáo dân tiếp đón nồng hậu, quan tâm chu đáo mọi mặt từ thể chất tới tinh thần. Trong lời cám ơn cuối lễ, Cha tổng phụ trách sinh viên tổng giáo phận (Cha Lê Trọng Cung) đã nhấn mạnh “xin cám ơn sâu sắc tới giáo dân họ Bằng Sở trong những năm qua, đặc biệt trong hai ngày qua với những ánh mắt trìu mến, những bát cơm ngon, canh ngọt, những chiếc chăn ấm để các bạn sinh viên có được bữa cơm ngon, chỗ ngủ ấm áp…”

Những hoạt động chính trong hai ngày mừng lễ

Chỉ với hai ngày mừng lễ nhưng các bạn sinh viên tổng giáo phận Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình và tổ chức rất thành công.

Cắm trại và tổ chức hội chợ

Đây là hoạt động rất lý thú và bổ ích, nó giúp các các bạn sinh viên thể hiện khả năng trang trí trại và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của quê mình.

Những đặc sản ở khắp vùng miền đã được các bạn đưa ra trưng bày và giới thiệu, nào là bánh cáy Thái Bình, nem chua Thanh Hóa, bánh mì Lạng Sơn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Phát Diệm… Với việc tổ chức hội chợ các bạn sinh viên không chỉ quảng bá được sản phẩm của quê hương mình với bạn bè khắp nơi mà nó còn giúp các bạn sinh viên tăng thêm khả năng giao tiếp, giao lưu với các bạn sinh viên khác. Đồng thời nó còn giúp “tăng thêm phần thu nhập” cho các nhóm nếu bán được hàng.

Sau khi các trại đã được hoàn thiện, ban giám khảo đã xem xét và công bố các trại được giải cao như sau: Giải nhất thuộc về trại của nhóm sinh viên Hưng Hóa, giải nhì thuộc nhóm Vinh, nhóm Phát Diệm thứ 3, nhóm Thạch Bích thứ 4, nông nghiệp thứ 5…

Cầu nguyện Taize và biểu diễn văn nghệ

Giờ cầu nguyện linh thiêng kéo dài 1 giờ đồng hồ đã đưa các bạn sinh viên trở về với lịch sử giáo hội nói chung cũng như giáo hội Việt Nam nói riêng. Những hình ảnh đau thương mà các thánh tử đạo phải gánh chịu được đội văn nghệ diễn rất xuất sắc, làm cho nhiều khán giả xúc động, rơi lệ. Buổi cầu nguyện hôm nay hướng tới chủ đề “công lý và hòa bình”, đặc biệt là cầu nguyện cho nền công lý và hòa bình mau hiển trị trên quê hương Việt Nam. Vì “Việt Nam là một đất nước nghèo với 74% dân số sống ở nông thôn và 45% dân số sống dưới mức nghèo khổ… Sự xung đột đang diễn ra gay gắt giữa nhiều tầng lớp trong xã hội: người giàu với người nghèo, người ở thành thị với người ở nông thôn, người có quyền lực với thường dân. Tất cả những người chịu thiệt thòi trong các cuộc xung đột này đang đòi hỏi công bằng. Họ đòi được trả lương xứng đáng cho sức lao động của họ, được trả lại những phần đất của tổ tiên, được hưởng những quyền lợi căn bản nhất của con người như: tự do đi lại, từ do tôn giáo, tự do ngôn luận…” (Gợi ý suy niệm trong đêm cầu nguyện của sinh viên tổng giáo phận Hà Nội). Với hiện thực của đất nước Việt Nam còn nhiều bất công nên trong buổi cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, sinh viên của tổng giáo phận Hà Nội xin dâng lên Chúa những lời nguyện cầu khẩn thiết, xin Chúa “đốt lửa kính mến trong lòng chúng con để chúng con biết yêu chuộng công lý - hòa bình. Dù phải hi sinh gian khổ, chúng con cũng nguyện một lòng trung kiên để luôn thuộc trọn về Ngài là Chân Lý, là Tình Yêu và là Sự Sống…” (Lời nguyện kết thúc buổi cầu nguyện của sinh viên tổng giáo phận Hà Nội)

Khác với không khí trang nghiêm của buổi cầu nguyện Taize là buổi biểu diễn văn nghệ sôi động, náo nhiệt với đủ các thể loại từ nhạc trữ tình tới nhạc rốc, từ những lời ca về Chúa, về quê hương tới những bài hát về tình yêu trai gái, về tình cảm gia đình… Tuy đều là những nghệ sĩ nghiệp dư nhưng với sự chăm chỉ luyện tập mỗi tiết mục đều thể hiện nét đặc sắc riêng, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Bạn Hiền (sinh viên trường Cao đẳng Giao thông vận tải), một sinh viên không theo đạo Công giáo cũng tới tham dự buổi biểu diễn văn nghệ với sinh viên tổng giáo phận Hà Nội cho biết: “ buổi diễn văn nghệ hôm nay rất tuyệt vời. Tiết mục nào cũng được các đội chuẩn bị chu đáo nên thể hiện rất thành công. Tới dự buổi biểu diễn văn nghệ hôm nay tôi thấy hiểu hơn về đạo Công giáo, về người Công giáo nói chung trong đó có các bạn sinh viên. Tôi rất phục các bạn sinh viên Công giáo, các bạn không chỉ là những người con ngoan trong gia đình, trò giỏi trên giảng đường, con chiên đạo đức của Chúa mà còn là những người rất yêu văn nghệ, rất có tài biểu diễn văn nghệ”.

Cuộc thi “rung chuông vàng” và thánh lễ tạ ơn

Cuộc thi “rung chuông vàng” đã một lần nữa khẳng định thêm tầm hiểu biết trên nhiều phương diện của các bạn sinh viên Công giáo tổng giáo phận Hà Nội. Các bạn không chỉ thông thạo kiến thức về khoa học xã hội mà còn am hiểu sâu sắc về Kinh Thánh từ Cựu Ước tới Tân Ước. Cuộc thi nào cũng sẽ có hồi kết và cũng sẽ tìm ra được chủ nhân của người thắng cuộc. Cuộc thi “rung chuông vàng” của các bạn sinh viên Công giáo tổng giáo phận Hà Nội hôm nay cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sau những câu hỏi hóc búa, sau hàng loạt các thí sinh phải rời đấu trường thì bạn Maria Nguyễn Thị Liễu (thuộc nhóm Bùi Chu) vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bạn đã lần lượt loại được 69 thí sinh và là người “rung được chuông vàng” (tuy chẳng có chuông vàng để rung). Phần thưởng giành cho bạn là 1 triệu đồng và 1 cuốn Kinh Thánh Tân Ước viết bằng tiếng Anh.

Thánh lễ tạ ơn được diễn ra long trọng vào lúc 10 giờ. Với sự hiện diện của Cha tổng phụ trách –Lê Trọng Cung, cha xứ Cẩm Cơ - Vũ Quang Hùng, Cha Nguyễn Văn Khải (DCCT) và Cha Phạm Bá Quế (vừa du học bên Rôma về).

Trong bài giảng hôm nay cha chủ tế nhấn mạnh tới chủ đề “hãy tỉnh thức” vì đây là Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ chuẩn bị bước vào mùa vọng, mùa mong chờ Chúa đến. Cha cũng không quên nhắc nhở các bạn sinh viên Công giáo cần tỉnh thức để nhận ra đâu là sự thật trong xã hội đầy ô nhiễm. Các bạn cần góp mình vào việc cải tạo môi trường đang bị ô nhiễm đó. Các bạn cần trở nên như những bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Mỗi bạn sinh viên Công Giáo cần tin vào Chúa, dũng cảm làm chứng cho sự thật, cho công lý để mỗi người biết “đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Thánh lễ truyền thống của sinh viên Công giáo tổng giáo phận Hà Nội năm 2008 đã kết thúc nhưng dấu ấn của ngày lễ truyền thống đã in sâu trong trái tim mỗi bạn sinh viên. Sau thánh lễ, các bạn tiếp tục trở lại cuộc sống thường nhật với nhiệm vụ chính là học tập, phấn đấu cho sự nghiệp để góp phần xây dựng xã hội cũng như Giáo hội Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh. Và mong rằng lễ truyền thống của sinh viên Công giáo tổng giáo phận sang năm mỗi bạn sẽ được trở lại với Cha Thánh Phêrô Lê Tùy để “báo cáo” những thành tích mà mình đạt được trong năm qua và xin Người tiếp tục ban ơn cho cuộc hành trình trong năm tới.