Những cái rất “TO” của các quan lớn Hà Nội

Tại thủ đô Hà Nội có nhiều chuyện đùa vui, hết chuyện này đến chuyện khác, mà chỉ loay hoay vào cách điều hành có trình độ "TO” tại một thành phố mang danh thủ đô Việt Nam. Các chuyện đùa cứ nhắc đến các bác đồng chí to lớn như đóc tờ Lê Quang Nghị với những phát biểu linh tinh phản cảm làm cho lũ đảng viên còn lại hoảng hốt vì sợ bác Nghị có nghi vấn tin vào ông Trời; rồi đến bác Thảo, chủ tịch TP Hà Nội, mang danh nghề kiến trúc sư, một nhà quy hoạch, người trực tiếp xây dựng có 2 vườn hoa tí teo thế kia mà phải sửa đi sửa lại đến 4 lần vẫn chẳng ra trò trống gì hết. Sau đấy bác Thảo lại cả gan họp các nhà ngoại giao rồi tuyên bố truất phế Tổng Giám Mục Kiệt, việc làm như thế thật "TO” vượt qua cả thẩm quyền bộ ngoại giao nước nhà. Khiếp! Tiếp theo là bản án của quận Đống Đa dành cho 8 Anh Hùng Thái Hà, điều ở đây cần nhắc đến là các đồng chí Thảo, Khanh và Thanh Hằng đều phủi tay cho bọn đàn em thực hiện như con rối trên sàn sân khấu. Đấy là một hành động của kẻ tiểu nhân, thiếu niềm tin, kẻ hèn, của kẻ trốn tránh trách nhiệm. Vì vụ gây rối cướp đất Toà Khâm Sứ và Thái Hà do bộ ba Thảo - Khanh - Hằng nhúng tay trực tiếp ăn chia với nhau. Họ nhục nhã phủi tay trốn tội!

Một bài thơ trào phúng đã được người bạn từ Hà Nội gửi sang phương Tây diễn tả tình trạng các quan lớn vĩ đại tại thủ đô Hà Nội như Nghị, Thảo, Khanh, Hằng như sau với tựa đề: ÔI VIỆT NAM TA!

Việt Nam!

Một đất nước rất nhỏ nhưng có những xếp hạng rất to.

Trong đất nước rất nhỏ đó có 1 thủ đô rất to.

Trong thủ đô rất to có những con đường rất nhỏ.

Bên những con đường rất nhỏ có những ngôi biệt thự rất to.

Trong những ngôi biệt thự rất to có những cô vợ nhỏ.

Những cô vợ nhỏ là của các ông quan to.

Những ông quan to có cái cặp rất nhỏ.

Trong những cái cặp rất nhỏ có những dự án rất to.

Những dự án rất to thì hiệu quả lại rất nhỏ.

Hiệu quả thì rất nhỏ nhưng thất thoát rất to.

Những thất thoát rất to thường phát hiện cực nhỏ.

Những phát hiện cực nhỏ đem ra xử thật to.

Những vụ xử rất to chết toàn anh “lính” nhỏ.

Ôi! Việt Nam ta đó. Suốt ngày chuyện nhỏ to...


Đọc những vần thơ trên, ai cũng nghĩ rất đúng tâm tư của các quan to tư bản đỏ, chỉ tội nghiệp cho những người nghèo thấp cổ bé họng.

Mới đây UBND thành phố Hà Nội lại thò ra thêm một vị quan TO khác, Đào Văn Bình, phó chủ tịch UBND Hà Nội đã “vả” cái đốp vào mặt các dân nghèo với lời tuyên bố thật TO vào ngày 11-12: “Dân không nên mua rau ở chợ!”. Cú vả má này làm cho tầng lớp dân nghèo chết điếng vì lấy tiền đâu ra vào siêu thị sang trọng mua rau để ăn. Được nhắc rõ rau là phần độn thêm vào cơm để no bụng cho giới dân nghèo và giới sinh viên. Muốn ăn rau an toàn, không nên mua tại các chợ cóc, chợ tạm, hàng rong. Thế đấy với lời tuyên bố này quan Bình muốn phủi tay trốn tránh trách niệm về an toàn thực phẩm, về dư lượng hóa chất trong rau gây bệnh tật tại thủ đô sau cơn lụt thế kỷ. Được chất vấn thành phố với 6 triệu dân có bao nhiêu cửa hàng rau sạch và đáp ứng được bao nhiêu phần trăm của dân chúng về rau cỏ (nhưng liệu có đúng sạch không?) thì ông Bình lúng túng câm họng. Chưa kể đến 80% dân nghèo tại thủ đô không đủ tiền mua rau trong siêu thị.

Chỉ nghe một ý kiến của một người dân thường tại thủ đô có thu nhập tương đối khá thì chúng ta tưởng tượng ra cái TO của ông Bình: „Sau khi đọc bài báo này tôi thực sự thất vọng bởi ông phó chủ tịch phát biểu ý kiến mà không có cơ sở thực tế. Thu nhập của dân Hà Nội bình quân đầu người là bao nhiêu? Giá bán rau trong siêu thị là bao nhiêu? Liệu một bữa ăn sẽ hết bao nhiêu tiền rau, trong khi đó tiền lương chúng tôi còn chi hàng tỷ tỷ thứ, phải chịu thuế thu nhập khi thu nhập từ 4 triệu đồng. Các vị vừa tính xong mức lương phải chịu thuế thu nhập là 4 triệu trở lên thì với thời giá hiện nay lương 4 triệu đồng chưa đủ chi phí trong gia đình và mua rau ngoài chợ cóc chứ đừng nói ăn thịt ăn cá. Đáng lẽ các vị phải có kế hoạch khoanh vùng trồng rau, hướng dẫn nông dân trồng rau sao cho thu hoạch nhanh mà vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn.”

Đúng là lời tuyên bố của quan Bình thật to! Vị quan TO nhà ta chỉ quan tâm kiểu hình thức và nói xuông mặc kệ các tầng lớp nhỏ nhoi trong xã hội có ăn được rau hay không.

Chưa hết, cũng vào ngày 11-12 dân thủ đô lại đụng chạm đến quan TO nhất Nguyễn Thế Thảo. Thành phố Hà Nội quyết định xây dựng trung tâm thương mại trên nền chợ 19-12 cũ, đây là khu đất tam giác rất nhỏ nằm ngay trước nhà hát thành phố. Điều này đang gây bức xúc to lớn cho dân Hà thành vì đó là khu đất đặc biệt đã có bề dầy lịch sử gần 100 năm. Khu chợ 19-12 là một nơi tưởng niệm những anh hùng Hà Nội đã ngã xuống trong những ngày đầu chống lại thực dân Pháp, một nơi ghi lại lịch sử hào hùng của dân Hà thành. Trong những ngày qua người dân Hà thành tức giận vì lãnh đạo Hà Nội đã cho phép xây dựng trên nền chợ 19-12 một toà nhà 17 tầng làm văn phòng và các hoạt động dịch vụ thương mại.

Quan to Nguyễn Thế Thảo trí trá lập luận đàn áp quần chúng khi được hỏi đến việc đồi bại phản bội dân tộc này: “Dự án xây trung tâm thương mại kia đáp ứng nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân”. Thế là là vị quan to này bị người dân Hà nội vả ngay cho một bát tai nẩy lửa vì lừa dối quần chúng: „Tại sao trong suốt 4 năm liền, từ năm 2004, người dân thành phố Hà Nội, kể cả giới truyền thông báo chí, không hề được biết một chút tin tức nào về dự án này?” Căn cứ vào đâu để “nguyện vọng của nhân dân kia” được đánh giá và xem xét trong dự án này, trong khi người ta dễ dàng nhận thấy đó chỉ là quyết định vì lơi ích của một nhóm người, cụ thể ở đây là công ty TNHH Thủ Đô II (theo Vietnamnet ngày 15-12-2008). Có thể đồng chí chủ tịch Thảo đang nhúng chàm quá lớn hoặc ăn chia vào dự án này và không ngờ người dân Hà Nội (có thể đã noi gương của giáo dân Thái Hà) tranh đấu mãnh liệt cho sự thật. Đáng nể nhất là sự phản đối của vị đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc.

Trong lá thư ngỏ gửi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo được công bố qua báo chí vào ngày 10-12, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là vị đại biểu quốc hội đã dạy ông Thảo hay đúng hơn muốn nhục mạ nghề nghiệp kiến trúc sư của ông Thảo: „Dư luận đã nêu, đơn từ của nhân dân đã gửi đến, nhưng quan trọng hơn là với con mắt nghề nghiệp của một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch ông (Nguyễn Thế Thảo) đủ hiểu những bất hợp lý về công trình này. Nó đã làm mất đi một con đường đã tồn tại ngót một thế kỷ tạo nên sự hoàn chỉnh về quy hoạch đô thị khu vực xung quanh một kiến trúc có công năng cần đến sự uy nghi và uy nghiêm là toà án tối cao.”

Sau đấy được phỏng vấn trực tiếp về lý do viết lá thư trên, ông Quốc cho chúng ta thấy nhìn rõ những cái TO VĨ ĐẠI của Hà Nội như sau: „Tôi cảm thấy chạnh lòng khi Hà Nội mà ta vẫn tự hào là “thủ đô nghìn năm văn hiến” lại ít được quan tâm phát triển những thiết chế văn hoá và còn quá thực dụng trong tư duy lãnh đạo. Kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội mới xây lại Thư viện mà qui mô của nó chỉ đáng là thư viện của một quận chứ không phải là một thủ đô giờ đây thuộc loại lớn nhất thế giới! Đến bây giờ Hà Nội mới đầu tư xây bảo tàng nhân 1.000 năm. Các không gian vốn là những không gian văn hoá có từ thời thuộc địa như rạp chiếu phim, rạp hát đến nay nhiều nơi đã chuyển công năng phi văn hoá. Nếu bạn đã thăm vườn thú của một doanh nghiệp tư nhân ở Bình Dương (Lạc cảnh Đại Nam) thì thấy xấu hổ khi đến thăm vườn thú thủ đô. Hở ra một không gian nào có thể phục vu công cộng (công viên, mặt hồ, bãi tập...) là lấp đi xây nhà hay cho thuê kinh doanh. Có bao nhiêu chợ truyền thống thì biến thành siêu thị cao ốc... Không gian mà tôi đề cập trong bức thư chỉ là một ví dụ và cũng là cái cớ để tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình với lãnh đạo mà thôi.”

Ông Quốc trong ý tưởng phát biểu có phần nghi ngờ về tài năng kiến trúc sư của quan Thảo: „.. Với nhà lãnh đạo lại là một kiến trúc sư như ông Chủ tịch Hà Nội đương nhiệm thì chỉ với con mắt nghề nghiệp và trách nhiệm chính trị biết lắng nghe dân cũng đủ hiểu rằng tại không gian ấy Hà Nội cần một con đường, một không gian tưởng niệm những người đã chết cho Hà Nội phát triển hôm nay hay là cho thuê đất để xây một siêu thị cao tầng phá vỡ cảnh quan tại một không gian đã bị phá vỡ.”

Tầng lớp dân chúng Hà Nội đã công khai chống lại DỰ ÁN TO của chợ 19-12, khách quan so sánh về sự bức xúc này thấy không khác những gì giáo dân Thái Hà đã chống lại bọn tham quan cướp đất nhà thờ, theo độc giả Trần Minh từ Hà Tĩnh: „Tất nhiên đây là lợi ích của một nhóm người rồi, khỏi phải bàn nhiều. Tôi lấy làm lạ không hiểu các vị lãnh đạo HN đã bao giờ công khai việc xây dựng TTTM 19-12 cho dân chúng biết đâu mà có thể phát biểu: “đa số nhân dân đồng tình...” Chỉ có một số quan chức và nhân viên bộ máy công quyền của các cơ quan xét duyệt và cấp phép mới đồng tình thôi vì nghe nói chủ đầu tư đã phải tốn kém tới 11 tỷ VND cho công đoạn trước thi công cơ mà ! Xin đừng bán nốt lương tâm và tương lai, hậu quả sẽ không lường được đâu. Nhân dân không chấp nhận những kẻ mạo danh họ để tư lợi. Không bao giờ!”

Độc giả Vũ Thị Bích Hằng thuộc trường mầm non Bình Minh thao thức: „Nay phá chợ đi theo tôi nên trả lại thành một con đường như nó vốn có và dựng nên một đài tưởng niệm những chiến sỹ và đồng bào thủ đô đã ngã xuống trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Nếu không có trung tâm thương mại 19/12 thì cũng không thiếu nơi mua sắm và tiêu tiền, mà làm đường thì giữ nguyên giá trị con đường lịch sử cho Thủ đô vốn đã ít còn giữ được những nơi như vậy. Xin hãy lắng nghe ý kiến của những người thiết tha yêu mảnh đất này.”

Độc giả Đỗ Lễ tại Hà Nội phê bình nghiêm khắc hành động ru ngủ của các quan lớn: „Không thể đặt “đại đa số người dân” trước một sự việc “đã rồi” như vậy. Một trong những lập luận của những người lãnh đạo khi mong muốn mở rộng Hà Nội là “chống ùn tắc” và “mở rộng diện tích cây xanh”. Vậy ngày nay, Hà Nội đã được mở rộng rồi, người ta lại định làm ngược lại hay sao?„

Độc giả Lê Thị Kim Chi Ngọc Châu thách thức tài năng của ông Thảo: „Nếu có thể thành phố Hà Nội tổ chức một nơi ghi nhận chữ ký ghi đầy đủ thông tin, địa chỉ, nơi làm việc,... để ký về việc ủng hộ giữ lại con đường 19/12 và là nơi tưởng niệm các liệt sỹ đã không uổng công khi ngã xuống cho Hà Nội, thì tôi tin rằng các anh chị lãnh đạo Hà Nội sẽ thấy hết được lòng dân yêu Hà Nội như thế nào và đó mới là số lượng người Hà Nội chính xác có nguyện vọng giữ lại con đường là bao nhiêu.”

Ối chao! Đấy là những cái rất „TO” của các quan lớn Hà Nội đã nổ tung ra trong vài ngày qua tại thủ đô. Không biết khi nghe được những lời bình phẩm như thế ông Thảo có nhục nhã với cương vị chủ tịch thành phố hay không? Khi đọc được các tâm tư yêu quê hương, thành phố với lịch sử hào hùng chống thực dân Pháp, hay nói đúng hơn dân Hà Nội muốn tố cáo trực tiếp bọn tham quan Hà Nội đã tối mặt về đồng tiền, về cái lợi cho từng cá nhân của chúng mà bán rẻ các chứng tích lịch sử của người dân Hà thành. Nhục nhã lắm thay cho hành động phản bội lịch sử này!

Nơi đây chúng ta được biết các chức vị rất TO của các quan lớn của Hà Nội mở rộng:

- Đồng chí Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP lãnh đạo, quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm toàn diện các mặt công tác của UBND TP trước chính phủ, thành ủy và HĐND TP; Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các Sở: kế hoạch - đầu tư, quy hoạch - kiến trúc, nội vụ.

- Đồng chí Vũ Hồng Khanh phụ trách lĩnh vực tài nguyên, môi trường; tư pháp, hộ tịch, hộ khẩu; chính sách GPMB, bồi thường hỗ trợ tái định cư; công tác đặc xá; công tác cải cách tư pháp, pháp chế, kỷ cương hành chính; chỉ đạo công tác tiếp dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn 14 quận, huyện Hà Nội.

- Đồng chí Đào Văn Bình phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, y tế, dân số, gia đình và trẻ em; tôn giáo, dân tộc; chỉ đạo công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Nữ đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng phụ trách lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, thể dục-thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản; chỉ đạo thực hiện chương trình chính phủ điện tử của TP...