Lễ Hội Giao Duyên, cuộc hội ngộ thân hữu giữa Ban Biên soạn Từ vựng Công giáo Việt nam, trực thuộc Ủy ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Việt nam - “những người có công” với giới doanh nhân, doanh nghiệp giáo phận Vinh - “những kẻ có của”, diễn ra vào ngày 18-01-2009, tức ngày 23-12-2008 Âm lịch, tại khuôn viên thánh đường giáo họ Mỹ khánh (thuộc giáo xứ Bảo nham, hạt Bảo nham, giáo phận Vinh), tọa lạc tại xóm Khánh hòa, xã Khánh thành, huyện Yên thành, tỉnh Nghệ an.

Đây là một lễ hội mang tầm vóc quốc gia, nhưng lại được tổ chức tại một họ đạo đồng đất quê sơ, chỉ mang tính vùng miền! Tuy nhiên, với sự khôn ngoan và tài tổ chức của Ban Biên soạn Từ vựng Công giáo Việt nam-những người trong cuộc, phối kết với sự nhiệt tâm cộng tác của Hội đồng Mục vụ, các Ban ngành, Hội đoàn và toàn thể giáo dân họ Mỹ-những người ngoài cuộc, “Lễ hội Giao duyên” đã diễn tiến thành công và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp!

Về tham dự đại lễ, có sự hiện diện tôn quý của Cha Tổng Đại Diện giáo phận Vinh-linh mục Phanxicô Võ Thanh Tâm; linh mục Gioan Nguyễn Phước-Cha Linh hướng, kiêm Giáo sư Đại chủng viện Vinh-Thanh; linh mục Phêrô Nguyễn Xuân Chính-Cha quản xứ, quản hạt Bảo Nham; linh mục Đặng Đình Sỹ-Trợ úy Dòng Phan sinh Tại thế miền Vinh, cùng Quý Cha khách; Quý thầy, Quý sơ; Quý cấp chính quyền xã Khánh Thành, cùng hai xóm Tiên Khánh và Khánh Hòa; Quý Hội đồng Mục vụ, các Ban ngành, Hội đoàn và giáo dân họ Mỹ khánh.

Đặc biệt là sự hiện diện đầy tình nghĩa của Quý Doanh nhân, Doanh nghiệp giáo phận Vinh, đã chiếu cố về đây để “giao duyên” với Ban Biên soạn Từ vựng Công giáo, trực thuộc Ủy ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Việt nam (HĐGMVN) gồm Cha Trưởng ban Phêrô Nguyễn Chí Thiết, cùng Quý vị trong Ban Nhập liệu từ Sài gòn về: xơ Maria Nguyễn Thị Hòa; chị Maria Nguyễn Thị Kim Lệ; chị Maria Trần Thị Thủy Vân; và chị Xêxilia Ngô Thụy Yến Linh. Đây quả là gặp gỡ giữa “những người có công” và “những kẻ có của” để cùng nhau thực hiện công trình phục vụ Giáo hội Việt nam về mặt văn hóa và tôn giáo.

Theo dự kiến ban đầu, Lễ Hội Giao Duyên khai mào lúc 8g00 ngày 18-01-2009 và kết thúc lúc 13g00 cùng ngày. Nhưng, vì nhiều nguyên do chủ quan cũng như khách quan, mãi đến 16g30 lễ hội mới thực sự khép lại. Sau phần tiếp tân, khai mạc lúc 8g30, Thánh lễ Đồng tế trang nghiêm và long trọng được cử hành lúc 11g00. Sau bữa cơm thân hữu lúc 12g00, lễ hội đã chính thức “giao duyên” với 7 phần chính yếu: 1) Cha Tổng Đại Diện Phanxicô Võ Thanh Tâm tuyên bố lý do Đại hội; 2) Cha Trưởng ban Phêrô Nguyễn Chí Thiết nói lời “giao duyên” cùng Quý vị tham dự; 3) Cha Tổng Đại Diện thuyết trình về tầm quan yêu của cuốn “Từ vựng Công giáo”; 4) Cha Trưởng ban tiếp tục triển khai đề tài của Cha Tổng; 5) Chị Maria Nguyễn Thị Kim Lệ sơ thiệu về kế hoạch và chương trình làm việc của Ban Từ vựng; 6) Lời chào chúc của Cha Linh hướng Gioan Nguyễn Phước; và 7) Tấm lòng vàng của Quý Doanh nhân, Doanh nghiệp giáo phận Vinh.

1. Lý Do Đại Hội

Với ý nguyện của Giáo hội trong Thánh lễ Chúa nhật mở đầu cho tuần lễ cầu cho Kitô giáo hiệp nhất, Cha Tổng Đại Diện giáo phận ước mong rằng mọi thành phần trong Giáo hội, nhất là những người về tham dự “Lễ hội Giao duyên” hôm nay luôn đồng tâm nhất trí, chung sức chung lòng đắp xây Giáo hội trong tinh thần liên đới hiệp nhất, đặc biệt là đóng góp công của cho dự án trường kỳ của Hội đồng Giám mục Việt nam mà Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết-người con ưu tuyển của giáo họ Mỹ khánh, giáo xứ, giáo hạt Bảo nham, giáo phận Vinh-đang phải đảm trách.

Theo ngài, sự tham dự của bà con giáo dân họ Mỹ trong đại lễ này rất thích hợp vì trận cầu nào cũng cần những cổ động viên nhiệt thành. Ngài đặc biệt cảm kích và hoanh nghênh tinh thần của giới Doanh nhân, Doanh nghiệp giáo phận nhà đã hy sinh thời giờ về đây để “giao duyên” cùng đại hội. Thời gian Chúa ban rất quý, nhất là cuối năm! Một thần học gia đã sánh ví “thời gian quý như máu Chúa”. Chúa đổ máu ra để cứu chuộc con người; nhưng nếu không có thời giờ, chúng ta không thể nên thánh được, không thể được cứu rỗi linh hồn. Vì thế, ngài hết lòng cảm ơn mọi người đã dành thời gian đến đây để lắng nghe!

Để hoàn thành dự án đề ra, phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, vật lực, nhất là sự cộng tác từ nhiều phía. Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Đọc-Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin-đã tín nhiệm Cha Thiết và đặt ngài làm Trưởng ban dự án, và Cha Lai-tiến sĩ ngôn ngữ học-làm Phó ban. Các ngài cũng không thể hoàn thành được vì còn phải lo những phận vụ riêng ở dòng Tên Sài gòn hay ở giáo phận Versailles bên Pháp. Do đó, phải nhờ đến 120 Cha Việt nam, 150 trí giả trong và ngoài nước cộng tác và nhiều thành viên khác nữa. Những người này đều phải trả lương xứng hợp.

Động đến việc là động đến tiền. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Không có tài chính không thể hoàn thành công việc được vì “vạn sự bất chi bần”. Thời buổi cơm cao gạo kém, mỗi nhân viên làm việc thường trực cũng phải được chi trả ít nhất từ 1.200.000-1.500.000 VND/tháng. Tính sơ bộ, Cha Trưởng ban cũng phải chi trả 9.000.000-10.000.000 VND/tháng cho 6 chị nhập liệu thường trực, ấy là chưa kể 100.000 VND cho mỗi từ vựng nhờ các cộng tác viên định nghĩa. Ngoài ra, còn biết bao chi phí khác như: tổ chức hội họp, đi lại, in ấn, mua sắp sách vở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, v.v. Như thế, để hoàn thành dự án này, cần đến một khoản tiền không nhỏ chút nào!

Vì thế, giới doanh nhân góp của cho công việc này cũng là truyền giáo. Chúng ta có bổn phận phải nói cho người lương dân biết về sự tốt lành của đạo Công giáo. Nhưng, để làm được điều đó, chúng ta phải có văn hóa mà cuốn “Từ vựng Công giáo” chính là chìa khóa. Cha Tổng khẳng định: “Quý vị không làm linh mục, nhưng có thể giảng cho cả lương dân. Quý vị không viết văn, nhưng nhờ cuốn sách nêu trên, cả đất nước Việt nam vui mừng và người ta chịu đọc cho mình. Còn cứ kiểu nói cổ lỗ sĩ: ‘Ki-ri-xi-tô’ (Kitô),’làm phép biên song’ (bénédiction), ‘treo lên câu rút’, v.v. như trước đây, người ta bỏ đạo, không đến với đạo chúng ta nữa”!

Do vậy, Phải quy định chung trong cách dùng các thuật ngữ Công giáo. Phải minh định sao cho từ nào-nghĩa nấy, trách dùng sai, dùng lẫn lộn. Chẳng hạn, phải định nghĩa: “kinh” là gì, “bổn” là gì? “Kinh” là lời cầu nguyện của Giáo hội giúp tín hữu nâng tâm hồn lên với Chúa để cầu xin những ơn cần thiết; còn “bổn” không cầu xin, nhưng quy định những điều phải tin, những điều phải giữ, những việc phải làm, những tội phải tránh, v.v.

Tuy nhiên, để biên soạn thành công những cuốn “Từ vựng Công giáo” có giá trị như thế cần rất nhiều khối óc và nhiều tấm lòng hảo tâm. Cho nên, cần sự đóng góp của mọi thành phần dân Chúa, nhất là giới Doanh nhân Công giáo Việt nam, cách riêng giáo phận Vinh. Bỏ tiền vào Giáo hội để làm những việc chính như thế này là chính đáng nhất!

2. Lời Giao Duyên

Thay mặt Ban Từ vựng Công giáo Việt nam, Cha Trưởng ban Phêrô Nguyễn Chí Thiết có đôi lời giao duyên gửi đến tất cả những người tham dự. Trước hết, ngài cám ơn Cha Tổng Đại diện rất có tinh thần với Giáo hội, đặc biệt đối với cá nhân ngài. Trong thời gian du học ở Rôma, Cha Tổng đã thăm viếng ngài tại giáo xứ Pháp, cộng tác với tờ báo “Lời Chúa” mà ngài đã xuất bản ở Pháp quốc hơn 30 năm, bằng cách cung cấp những bài thơ, những bài viết về thời sự tôn giáo và các thể loại khác. Dịp này ngài cũng được Cha Tổng nâng đỡ tối đa vì là người nhìn xa thấy rộng, hiểu được tầm quan yếu của công việc mà ngài đang làm.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Đọc-Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin của HĐGMVN-chịu trách nhiệm về tất cả các tài liện in ấn về Giáo hội, về giáo lý cũng như tất cả những vấn đề huấn giáo. Ngài có nhiệm vụ cung cấp và kiểm soát các tài liệu này. Hơn nữa, vì muốn có một cuốn “Từ vựng Công giáo” để chuẩn hóa những từ ngữ chúng ta đang dùng (có khi dùng sai mà không biết; có khi dùng lẫn lộn khiến những ngoài Công giáo và ngay cả những người Công giáo không hiểu được), HĐGMVN đã yêu cầu ngài tìm mọi cánh để thành hình cuốn sách này.

Trong vòng 5 năm, Đức Cha Đọc đã liên hệ nhiều nơi để tìm người gửi của. Cha Phêrô Phạm Hữu Lai (dòng Tên)-tiến sĩ ngôn ngữ học-được mời làm nhiếp chính, nhưng ngài đã thoái thác vì có rất nhiều việc trong nhà dòng phải làm. Cho nên, một lần hội ngộ ở Thái Bình, Đức Cha đã đặt vấn đề này với Cha Thiết. Vì yêu mến Giáo hội và vì nhu cầu của Giáo hội, ngài đã nhận lời. Đồng thời, ngài cũng muốn nhân cơ hội này để trả ơn cho Giáo hội Việt nam đã cưu mang ngài, đã cho ngài đi du học, giúp đỡ ngài cách này thể khác, không những trong hình trình linh mục mà còn huấn luyện ngài trở nên người biết nhiều hơn những anh em khác.

Vâng lời Bề trên, ngài chấp nhận “đứng mũi chịu sào”. Theo ngài, công việc này rất khó khăn vì nó có chiều sâu, chiều rộng và chiều cao. Vì thế, một mình ngài không làm được; mất mấy cuộc đời cũng không thể làm xong. Thành ra, phải cần nhiều sự cộng tác và đóng góp tài sức, công của cho dự án này. Nhân dịp này, ngài cũng muốn chia sẻ với cử tọa một vài điểm về lai lịch của công việc, những khó khăn gặp phải, những hoạch định tương lai, và nhất là sự quan yếu của công việc ngài đang đảm trách.

3. Tầm Quan Yếu Của Dự Án

Linh mục Phêrô Nguyễn Chí Thiết sinh quán tại họ trị sở Bảo Nham (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) hiện đang sinh sống và phục vụ tại giáo phận Versailles, nước Pháp. Từ năm 2007, Hội đồng Giám mục Việt nam, qua trung gian Ủy ban Giáo lý Đức tin với sự đồng thuận của Giám mục giáo phận bên Pháp, cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết-một người con của giáo họ Bảo nham, hiện đang sinh sống và phục vụ tại giáo phận Versailles, đã được bổ nhiệm làm trưởng ban điều hành công việc biên soạn cuốn “Từ vựng Công giáo” cho Giáo hội Việt nam.

Với sáu tháng mỗi năm ở Việt nam, mục đích của ngài là quy tụ giới trí thức Công giáo Việt nam gồm có linh mục, tu sĩ nam nữ và những giáo dân có khả năng và tâm huyết để cùng biên soạn cuốn “Từ vựng Công giáo”. Đây là một công việc quan yếu nhằm giới thiệu Tin mừng Chúa Kitô theo văn hóa Việt nam cho những người trong và ngoài Giáo hội. Cuốn từ vựng này sẽ cung cấp cho độc giả những khái niệm chính xác về Công giáo: từ nào-nghĩa nấy. Công trình này đánh dấu quá trình hội nhập văn hóa của Tin mừng và đẩy mạnh nỗ lực “Việt nam hóa” Tin mừng cận lai.

Theo Cha Trưởng ban, các tôn giáo như Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo, v.v. đã có những cuốn từ điển rất giá trị; trong khi đó, Công giáo, dù đã du nhập vào Việt nam từ hơn 400 năm nay, vẫn chỉ dùng 3 cuốn Từ điển cũ: cuốn thứ nhất (“Từ điển Việt-Bồ-La”) của Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) được xuất bản ở Rôma năm 1651; cuốn thứ hai với 4 thứ tiếng: Việt, Nôm, Hán và La của Đức Cha Bá Cần được xuất bản năm 1774; và cuốn thứ ba của linh mục Paulus Huỳnh Tịnh Của được xuất bản năm 1895. Như thế, gần 200 năm nay, Giáo hội Việt nam lớn mạnh và tự lập, với hàng giáo sĩ và giáo phẩm bản xứ, vẫn chưa có một sau tác cùng loại nào lưu dấu sự trưởng thành về tư tưởng và quá trình hội nhập Tin mừng; ấy là chưa kể nhu cầu cấp thiết hơn là nhất thống từ vựng Công giáo.

Đây là một công trình văn hóa tôn giáo vì đóng góp vào tiếng nói dân tộc Việt nam. Người Kitô hữu hãnh diện vì đạo Công giáo đã đẩy mạnh, hoàn thành và tiếp tục công việc “La mã hóa” tiếng nói của người dân Việt. Chữ quốc ngữ của chúng ta có từ thời cha Đăc Lộ-một linh mục Dòng Tên. Năm 1651, ngài đã in sách bằng tiếng Việt đầu tiên ở Rôma theo hệ chữ này. Dù không ưa Công giáo, người Việt thời nay vẫn phải thừa nhận một sự kiện bất khả chối cãi là chính đạo Công giáo đã thiết lập và hệ thống thống hóa cách viết Việt ngữ hiện hành. Chúng ta hãnh diện vì đạo Công giáo đã đóng góp công lớn vào trong gia tài văn hóa dân tộc.

Nếu hôm nay người ta chưa công nhận, thì ngày mai, 100 năm sau, 200 năm nữa cũng phải thừa nhận công việc này là một đóng góp lớn của Giáo hội Việt nam vào trong gia tài văn hóa dân tộc. Nói gì xa xôi, ngay bây giờ, chúng ta đã sản sinh ra hàng trăm ngàn từ góp giàu cho kho tàng tiếng Việt; cũng như Phật giáo đã sản xuất ra hàng vạn từ để diễn tả niềm tin Phật giáo trong tiếng nói Việt nam. Có những lý do sâu xa để diễn tả đức tin của chúng ta sao cho đúng và đủ để tránh sự nhận hiểu sai về đạo Công giáo, nhất là người ngoại. Bởi vì đa số người ngoại lầm tưởng đạo Công giáo bắt buộc mọi người phải theo nhất là dưới thời Ngô Đình Diệm-Vị Tổng thống Công giáo. Họ lầm tưởng chính phủ này là đạo Công giáo cái mà họ phải theo. Hiểu như thế là sai hoàn toàn! Công giáo có nghĩa là đạo của tất cả mọi ngươi; ai cũng có thể vào và ai cũng có thể ra, hoàn toàn tự do!

Vì tầm quan yếu như vậy, Ban Từ vựng Công giáo, trước khi ra đây, đã tổ chức cuộc họp tất cả các biên tập viên tại Sài gòn vào 16-01-2009: quy tụ nhiều tiến sĩ các ngành, nhiều thành viên của các dòng tu khác nhau và nhiều giáo hữu để luận bàn về đường lối biên soạn, thống nhất văn từ, cách viết, v.v. Trong hội thảo này, Đức Cha Chủ tịch Phaolô Nguyễn Văn Đọc rất đỗi mừng vui trước những thành quả bước đầu thu được trong suốt hơn một năm trường lao tâm khổ trí.

4. Công Khó Và Thành Quả

Là một tổ chức tôn giáo đơn thuần, Hội đồng Giám mục Việt nam không có một phương tiện tài chính tương hợp nào trong việc thực thi dự án lâu dài này. Vì thế, Cha Trưởng ban phải tự thân vận động: quyên tiền, lập văn phòng, tuyển dụng nhân viên, “chiêu hiền đại sĩ”, trả thù lao xứng hợp, cung ứng phương tiện làm việc, hoạch định chương trình làm việc, v.v. Sau bao công khó, ê-kíp biên soạn đã đi vào hoạt động ổn định và gặt hái được những thành công bước đầu rất đáng khâm phục!

Văn phòng thường trực của Ban Biện soạn Từ vựng Công giáo Việt nam được đặt tại Trung tâm Công giáo Sài gòn-Trụ sở của HĐGMVN (72/12 trần Quốc Toản, P. 8, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh), dưới sự điều phối của cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết-Trưởng ban và cha Phêrô Nguyễn Hữu Lai (dòng Tên)-tiến sĩ ngôn ngữ học-Phó ban, cùng với sáu nhân viên thường trực: xơ Maria Nguyễn Thị Hòa; chị Maria Nguyễn Thị Kim Lệ; chị Maria Trần Thị Thủy Vân; chị Xêxilia Ngô Thụy Yến Linh; chị Têrêxa Nguyễn Thị Kim Liên; và chị Agata Nguyễn Thị Cảnh Tuyết. Ngoài ra, Quý ban còn có thêm 269 cộng tác viên; trong số này, có 219 người đã và đang cộng tác và hứa sẽ duyệt lại các bản thảo, số còn lại gia hạn ba tháng sau sẽ tham gia.

Lễ ra mắt Ban Biên soạn Từ vựng Công giáo diễn ra một cách trang trọng vào ngày 18-01-2008 với sự hiện diện tôn quý của Đức Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn-Đức Tổng Giám mục giáo phận Sài gòn; Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Đọc-Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin; Linh mục Phêrô Nguyễn Chí Thiết-Trưởng ban; và Linh mục Phêrô Phạm Hữu Lại-Phó ban. Trong ngày lễ ra mắt Ban mới, còn có sự hiện diện của khoảng 80 Bề trên các Dòng tu nam nữ, các Giáo sư Đại Chủng viện và các chuyên viên mọi ngành. Trung tâm hôm đó đã tiếp đón gần 100 khách mời đã đến dự và ký tên sự hiện diện của mình.

Văn phòng Từ vựng Công giáo được chia làm hai Phân ban. Thứ nhất là Ban Dữ liệu và Hành chính (phòng số 13)-nơi chị Thủy Vân, chị Hòa, chị Yến Linh, chị Kim Liên, chị Cảnh Tuyết và chị Kim Lệ miệt mài nhập liệu mỗi ngày từ 8g00 đến 11g45 và từ 14g00-17g004, kéo dài trong hơn 1 năm qua để có được bản sơ thảo bước đầu. Thứ hai là Tiểu Thư Viện và Ban Soạn Thảo (phòng số 14)-nơi soạn thảo và định nghĩa của các chuyên viên, và là Văn phòng thường trực của Cha Trưởng ban.

Sau hơn một năm cật lực làm việc, văn phòng đã lập xong “Bảng Các Mục từ Căn bản và Phổ thông”. Các hạng mục từ vựng này đã được phân phối cho 210 trí giả trong và ngoài nước; trong số đó, có Quý Cha giáo sư của Đại Chủng viện Vinh-Thanh và những nhân tài xứ Nghệ-Tĩnh-Bình. Với sự tài trợ của ông Nguyễn Thanh Bình-Giám đốc Công ty Thanh Bình (Khánh thành, Yên thành, Nghệ an) và bà Võ Thị Thảo (Nghi lộc, Nghệ an), cuốn “Sơ thảo Từ Vựng Công Giáo đối chiếu Việt-La-Anh-Pháp-Hoa-Hán Việt” đã được trình làng. Bản sơ thảo dày 197 trang với 2310 hạn từ được sắp xếp đối chiếu theo sáu cột: tiếng Việt, tiếng Latinh, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và âm Hán Việt. Khi hoàn thành, mỗi hạn từ Việt ngữ sẽ được định nghĩa và giải chú cách rõ ràng cụ thể.

Dù chưa phải là một cuốn sách đúng nghĩa, sự khai sinh của cuốn từ vựng này đánh dấu một chặng đường và cho thấy kết quả sơ khởi của công trình biên soạn nhiều năm với 3 giai đoạn: 1) Cuốn “Từ Vựng Công Giáo Căn bản và Phổ thông” (2007-2010); 2) Cuốn “Từ vựng Công giáo Nới rộng” (2010-2013); và 3) Cuốn “Bách khoa Từ điển Những từ Công giáo Việt Nam” (2013-2016), như Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN yêu cầu. Công trình này đỏi hỏi nhiều nhiều người cộng tác, nhiều năm cùng thực hiện qua nhiều giai đoạn.

Trước mắt, việc biên soạn cuốn “Từ vựng Công giáo Căn bản và Phổ thông” sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn: 1) Kê khai tất cả các thuật từ Việt ngữ mà Giáo hội Công giáo Việt nam đang sử dụng trong giảng dạy cũng như trong các tài liệu, sách vở đã được in ấn; 2) Lựa chọn các thuật từ theo những tiêu chuẩn khoa học để lập bảng mục từ; 3) Định nghĩa và giải thích các mục từ đã chọn lựa. Công việc kê khai sẽ đem đến một khối lượng khổng lồ, ít nhất phải trên 13.000 từ. Việc định nghĩa hết các hạn từ này lâu hay mau, tùy theo khả năng cộng tác và cung ứng tài chính từ bên ngoài.

Để đi sát với tình trạng thực tế và cụ thể, sau nhiều lần hội thảo, nhóm đã quyết định khởi đầu từ những thuật từ trong bảng “Index Analyticus, Catechismus Catholicae Ecclesiae” (Mục lục Phân tích cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo) của nhà in Vatican. Từ các thuật ngữ Latinh, các nhà biên soạn đã tìm các thuật từ Việt ngữ tương thích trong hai bản dịch hiện hành của cuốn “Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo” để định nghĩa trước hết.

Tuy nhiên, các thuật từ này không thể bao hàm đủ các từ Công giáo căn bản và phổ thông đang được dùng trong Việt ngữ hiện hành. Vì thế, cần phải bổ túc thêm nữa. Công việc bổ túc này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và sẽ được thực hiện trong các giai đoạn kế tiếp. Ngay cả các mục từ tiếng Việt tương ứng với thuật ngữ Latinh của “Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo” vẫn chưa thể kê khai được vì một mục từ Latinh có khi có nhiều thuật ngữ tương đồng trong tiếng Việt. Do đó, bản “Sơ thảo Từ Vựng Công Giáo đối chiếu Việt-La-Anh-Pháp-Hoa-Hán Việt”-tiền thân của cuốn “Từ Vựng Công Giáo Căn bản và Phổ thông” tương lai sẽ có số lượng từ vựng nhiều hơn, tương đối đầy đủ hơn, và dĩ nhiên kèm theo các định nghĩa bằng tiếng việt dành cho từng hạn từ và các thuật từ ngoại ngữ tương ứng.

5. Lời Mừng Chúc

Với tư cách là khách mời danh dự của của hai lần Đại hội, Cha Linh hướng Gioan Nguyễn Phước chân thành cảm ơn và cáo lỗi cùng Quý Ban Biên soạn Từ vựng Công giáo về lần họp mặt hôm 16-01-2009 tại Trung tâm Công giáo Sài gòn ngài không hiện diện được vì xa xôi quá. Hôm nay, ngài cũng cố gắng thu xếp công việc mục vụ đến giao duyên cùng mọi người.

Trước hết, ngài chúc mừng Nhóm Biên soạn chỉ sau 1 năm thôi đã ra được một “Bản Sơ Thảo” cụ thể như vậy. Điều này cho thấy Cha Trưởng ban và Quý Chị trong Ban Nhập liệu đã phải lao tâm khổ trí như thế nào! Đây là một thành quả rất lớn lao. Việc quy tụ người Việt lại để làm việc chung rất khó, nhưng Quý ban đã làm được và làm rất hữu hiệu. Hy vọng rằng những bông hoa cuối cùng sẽ nở rộ và đem lại nhiều hương sắc khác mới cho Giáo hội và cho đất Việt thân yêu của chúng ta.

Thứ đến, ngài chúc mừng Quý vị Doanh nhân giáo phận Vinh đã về với “Lễ hội Giáo duyên” hôm nay. Sự hiện diện thân hữu này cho thấy Quý vị rất yêu mến Giáo hội. Quý vị đã hy sinh thời gian, công sức và cả tiền của cho công thiện công ích của Giáo hội cũng như xã hội. Đặc biệt hôm nay, dù bận bịu trăm công ngàn việc, nhất là dịp cuối năm Mậu Tý này, Quý vị đã dành thời gian quý báu về đâu để lắng nghe, để thấu hiểu và để rồi hiệp lòng, chung tay với Cha Trưởng ban và các thành viên trong Ban để hoàn thành xuất sắc phận vụ Giáo hội giao phó.

Sau nữa, ngài có lời chúc mừng giáo họ Mỹ Khánh. Dù chỉ là một miền thôn đồng đất quê sơ, giáo họ Mỹ khánh đã tổ chức thành công “Lễ hội Giao duyên: 18-01-2009”-một Đại lễ Công giáo mang tầm vóc quốc gia. Đây quả là một kỳ tích mà không phải bất kỳ giáo xứ hay họ đạo nào cũng lập được. Ngài cũng mong muốn rằng giáo họ tiếp tục phát huy tinh thần này để sớm trở thành xứ đạo mới nay mai!

Hiệp lời với Cha Linh hướng, Cha Trưởng ban cũng có lời khen ngợi Mỹ Khánh-một vùng quê thắm tình trời, đượm tình người! Giáo họ đã đi tiên phong trong việc tổ chức một đại lễ hội tầm cỡ như thế này. Buổi hội ngộ ở Sài gòn năm trước cũng có sự hiện diện của giới Doanh nhân Công giáo, nhưng chưa mang tính đoàn thể. Xin nhiệt liệt chúc mừng Hội đồng Mục vụ, các Ban ngành, Hội đoàn, cùng toàn thể bà con họ Mỹ Khánh thân thương!

6. Những tấm lòng vàng

Với tư cách là đồng hương và đồng hữu của giáo phận Vinh, trong bức tâm thư đề ngày 05-01-2009, Cha Trưởng ban Phêrô Nguyễn Chí Thiết- Biên soạn Từ vựng Công giáo Việt nam-đã gửi tới giới Doanh nhân, Doanh nghiệp giáo phận nhà những lời mừng chúc trân trọng và nồng nhiệt nhất. Đồng thời, trong tinh thần đồng lý tưởng, ngài đã chia sẻ với họ sơ bộ về dự án và công tác mà ngài cùng Quý Ban đang đảm trách với bao công khó và sự thiếu thốn tư bề về nhân lực lẫn vật.

Được biết giới Doanh nhân, Doanh nghiệp giáo phận Vinh là những người có địa vị trong xã hội-nhờ bàn tay cần lao, đã và đang ghóp phần thăng tiến đời sống vật chất của gia đình và xã hội-lại rất quan tâm đến đời sống tinh thần, góp phần kiến tạo quê hương trên căn bản đạo đức liên đới, qua công thiện công ích trong tinh thần bác ái Kitô giáo, ngài mong muốn được liện đới với họ trong nỗ lực làm chứng cho Tình thương của Chúa Kitô nơi sông Lam núi Lĩnh này. Hơn hết, ngài rất cần Doanh nhân giáo phận Vinh tiếp tay trong mức độ có thể cho công trình của Giáo hội Việt nam-công trình của mọi thành phần dân Chúa-mà ngài đang đảm trách.

Hưởng ứng lời gọi mời chính đáng và phải đạo này, Quý vị Doanh nhân hai tỉnh Nghệ an và Hà tĩnh, kể cả những Doanh nhân ngoài Công giáo, đã về đây để ủng họ cho dự án của HĐGMVN, như ông Nguyễn Thanh Bình, bà Võ Thị Thảo, ông Công (Nghi lộc), bà Nguyễn Thị Xoan, ông Nguyễn Văn Thành, bà Nguyễn Thị Mai, v.v. Số tiền quyên thu được trong đợt này khoảng 400-500 triệu VND. Vì bận công tác đột xuất, một số doanh nhân vắng mặt đã gọi điện đến chúc mừng Đại hội và hứa sẽ đóng góp vào tài khoản của Quý ban.

Trước đó, Quý ban cũng đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, kể cả những chức sắc cấp cao trong Giáo hội, chẳng hạn như Đức Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn-Tổng Giám mục Sài gòn: 2.000 USD; Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Đọc-Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin: 10.000 USD; Đức Cha Thuyên: 10.000 EU; Đức Cha Tiếu: 10.000 USD; Đức Cha Nhơn: 3.000 USD; Hiệp Sĩ Đại Thánh Giá: 10 triệu VND; v.v. Mọi sự trợ giúp lớn bé đều được ghi nhận. Dù người thi ân không mong đến đáp, nhưng Quý ban có bổn phận phải trân trọng ghi danh vào Sổ Vàng của công trình dài lâu này những ai đã đóng góp 20 triệu VND trở lên.

Trước muôn tấm lòng vàng, Cha Trưởng ban thành tâm ghi nhận: “Chúng tôi vui mừng không phải vì quà tặng, nhưng vì tinh thần đồng lao cộng tác; quý vị coi chúng tôi như đứa con đỏ-đứa con mới sinh ra, cho nên phải có tã, có sữa, có mọi sự cho con. Chúng tôi cảm thấy mình như những người con được anh chị em dưỡng dục, nâng nưu, chăm sóc! Điều đó rất quan trọng! Được các bậc cha anh của mình để ý đến, đó là nguồn động viên khích lệ cho chúng tôi, cách riêng là tôi-người của anh chị em người Vinh-người của sông Lam, núi Lĩnh”.

Giáo họ Mỹ Khánh, giáo xứ Bảo Nham và giáo phận Vinh luôn tự hào rằng mình có một người con xa xứ ưu tuyển-Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết-đảm đương trách nhiệm chính trong việc biên soạn cuốn “Từ vựng Công giáo Căn bản và Phổ thông”, cuốn “Từ vựng Công giáo Nới rộng” và cuốn “Bách khoa Từ điển Những từ Công giáo Việt Nam” mà Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin cũng như HĐGMVN giao phó. Đây là một công việc có chiều dài lịch sử, có chiều sâu và chiều rộng về tri thức, văn hóa và tôn giáo. Do đó, cần nhiều lời cầu nguyện, nhiều khối óc, nhiều con tim và nhiều ban tay tiếp tế!