CHƯƠNG BA: Tạo Dựng Giống Hình ảnh Thiên Chúa: Quản Lý các tạo vật hữu hình



66. Giáo lý về ‘creatio ex nihilo’ (tạo dựng từ hư vô) là một xác nhận độc nhất về tính ngã vị của tạo dựng và trật tự của nó hướng về một loài thụ tạo có ngã vị, đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Chính tạo vật có ngã vị ấy đã đáp lại tiếng gọi của một tạo hóa có ngã vị, chứ không phải một thứ nền tảng, quyền lực hay năng lực nào đó. Giáo lý về ‘imago Dei’ và ‘creatio ex nihilo’ dậy ta rằng vũ trụ hiện tại chính là sân khấu được dựng lên cho một tấn bi hùng kịch tự căn rễ mang tính chất ngã vị, trong đó Tam Vị Tạo Hóa kêu gọi con người bước ra từ cõi hư vô để rồi lại được gọi mời bước vào trong tình yêu. Chính nơi đây ta hiểu được ý nghĩa sâu xa đoạn trích từ ‘Gaudium et Spes’: “Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính nó” (số 24). Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đảm trách vai trò làm người quản lý vũ trụ vật chất với tinh thần trách nhiệm. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Quan Phòng, và nhìn nhận tính chất linh thánh của tạo vật hữu hình, loài người tái tạo trật tự tự nhiên, để rồi trở thành tác nhân trong cuộc tiến hóa của chính vũ trụ. Khi thực hành quyền quản lý tri thức, các nhà thần học có trách nhiệm định vị các hiểu biết khoa học thời mới trong nhãn quan Kitô giáo về thế giới tạo vật.

67. Về khía cạnh ‘creatio ex nihilo,’ các thần học gia có thể ghi nhận rằng lý thuyết ‘vụ Nổ Lớn’ không hề mâu thuẫn với giáo lý này trong mức độ có thể nói rằng: việc giả định về một khởi đầu tuyệt đối không phải là không chấp nhận được xét về mặt khoa học. Do bởi lý thuyết ‘vụ Nổ Lớn’ không hề loại bỏ tính khả hữu của một tầng chất thể tiền hữu, nên cần ghi nhận rằng lý thuyết này dường như chỉ gián tiếp ủng hộ giáo lý về ‘creatio ex nihilo,’ vốn tự nó chỉ có thể dùng đức tin mới hiểu thấu được.

68. Về khía cạnh tiến hóa của các điều kiện thuận lợi làm nẩy sinh sự sống, truyền thống Kitô giáo khẳng định rằng Thiên Chúa, vốn là nguyên nhân siêu việt phổ quát, không chỉ là nguyên nhân của hiện hữu, mà còn là nguyên nhân của các nguyên nhân nữa. Hành động của Thiên Chúa không hề thay thế hoạt động của các nguyên nhân thụ tạo, trái lại còn khiến cho chúng tác động theo bản chất của mình, để nhờ đó có thể đạt đến các mục tiêu Ngài đã ấn định. Khi tự ý tạo dựng và bảo tồn vũ trụ, Thiên Chúa muốn tác động và tích cực hỗ trợ tất cả mọi nguyên nhân thứ yếu nhằm góp phần khai mở trật tự tự nhiên mà Ngài đã định liệu. Thông qua hoạt động của các nguyên nhân tự nhiên, Thiên Chúa tác động khai sáng các điều kiện cần có để làm nẩy sinh và hỗ trợ các sinh vật, cũng như việc sinh sản và phân hóa của chúng nữa. Mặc dù khoa học còn tranh luận về mức độ của mục đích tính hoặc của thiết kế kiến hiệu và có thể quan sát thực nghiệm trong các bước phát triển này, các khoa học gia đã ‘de facto’ (thực sự) ủng hộ việc làm nẩy sinh và triển nở mầm sống. Đối với các thần học gia công giáo, lối lý luận này hỗ trợ cho sự xác nhận của niềm tin vào cuộc tạo dựng và quan phòng của Thiên Chúa. Trong kế hoạch quan phòng của cuộc tạo dựng, Chúa Ba Ngôi không chỉ dự liệu cho con người có được một nơi ở trên dương thế này, mà còn là, và nhất là, có được một nơi chốn trong dòng sống của chính Ba Ngôi. Hơn nữa, cho dù là nguyên nhân thứ yếu, con người vẫn thực sự góp phần tái tạo và biển đổi vũ trụ.

69. Cuộc tranh luận hiện tại của khoa học về tính cơ giới tác động trong tiến hóa đòi hỏi lời bình của khoa thần học do bởi thường thấy có một hiểu biết sai lạc về bản chất của nguyên nhân đệ nhất--tức là Thiên Chúa. Nhiều khoa học gia thuộc trường phái tân-Darwin, cũng như một vài nhà phê bình của nhóm này, đã đi đến kết luận rằng: nếu tiến hóa là một tiến trình duy vật tự căn bản mang tính bất tất, bị điều động bởi nguyên tắc chọn lọc tự nhiên và biến thái di truyền ngẫu nhiên, thì tiến trình này không có chỗ cho Thiên Chúa đứng làm nguyên nhân. Ngày càng có nhiều phê bình khoa học về chủ thuyết tân-Darwin cho thấy bằng chứng về thiết kế (tỉ như các cơ cấu sinh học biểu tỏ một phức biệt tính nào đó) không thể nào lý giải được xét từ khía cạnh tiến trình thuần túy bất tất, điều mà chủ thuyết tân-Darwin đã không biết đến hoặc đã hiểu sai. Điểm trọng yếu của sự bất đồng rõ rệt hiện nay bao hàm việc quan sát và tổng quát hóa liên quan đến câu hỏi liệu xem các dữ kiện hiện hữu có hỗ trợ cho công thức quy nạp về thiết kế hay chỉ là may rủi, và là điều không thể dùng khoa thần học để dứt điểm được. Tuy nhiên, điểm quan trọng cần ghi nhận là theo cách hiểu của Công giáo về việc Thiên Chúa đứng ra làm nguyên nhân, thì tính bất tất đích thực trong trật tự thụ tạo không hề bất tương hợp với sự quan phòng có chủ đích của Thiên Chúa. Nguyên nhân tính nơi Tạo Hóa và nguyên nhân tính nơi tạo vật khác nhau triệt để về mặt bản chất, chứ không phải chỉ về mặt đẳng cấp. Do đó, ngay cả kết quả của một tiến trình tự nhiên và thực sự bất tất cũng vẫn có thể rơi vào quỹ đạo kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc tạo dựng. Theo thánh Tôma Aquinô thì: “Kết quả quan phòng của Thiên Chúa không chỉ là sự vật phải xẩy đến như thế nào đó, mà còn là chúng phải hiện hữu trong tư thế hoặc là tất yếu hay là bất tất. Do đó, bất cứ điều gì Chúa Quan Phòng định cho phải xẩy đến một cách bất khả sai lầm và tất yếu thì nó phải xẩy ra theo kiểu bất khả sai lầm và tất yếu như thế; còn điều gì xẩy đến một cách bất tất, thì đó là do Thiên Chúa đã định cho nó xẩy ra bất tất như vậy” (Summa theologiae, I, 22, 4 ad 1). Trong bối cảnh Công giáo, các vị nào đi theo chủ thuyết tân-Darwin mà chủ trương rằng biến thái di truyền ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên chính là bằng chứng cho thấy tiến hóa là một tiến trình tuyệt đối không hề được định hướng, thì các vị ấy đã vượt quá điều mà khoa học có thể minh chứng được. Nguyên nhân tính nơi Thiên Chúa vẫn có thể hoạt động tích cực ngay cả trong một tiến trình vừa bất tất lại vừa được định hướng. Bất kỳ một tính cơ giới tiến hóa nào mang tính bất tất thì chỉ có thể là bất tất bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra nó như thế. Một tiến trình tiến hóa vô định hướng—cái rơi ra ngoài quỹ đạo quan phòng của Thiên Chúa—thì đơn thuần là không hiện hữu, bởi vì “nguyên nhân tính nơi Thiên Chúa--vốn là Tác Nhân Tiên Khởi—thì bao trùm trên mọi hữu thể, không chỉ như các nguyên lý cấu thành biệt loại, mà còn như là nguyên lý cá biệt hóa…Kết luận là: tất cả mọi sự, bao lâu còn thông phần hiện hữu, thì cũng phải lệ thuộc vào Chúa Quan Phòng” (Summa theologiae I, 22, 2).

70. Về việc trực tiếp tạo dựng linh hồn con người, thì thần học Công giáo xác nhận rằng các hành động đặc thù của Thiên Chúa đều đem lại hiệu quả siêu vượt khả năng của các nguyên nhân thụ tạo khi chúng hành động theo bản tính của mình. Việc nhờ cậy đến nguyên nhân tính nơi Thiên Chúa để lý giải cho các khoảng trống mang tính nguyên nhân--để phân biệt với các khoảng trống chỉ mang tính giải nghĩa—không thể cài đặt Thiên Chúa như tác nhân hầu có thể khỏa lấp các “khoảng trống” trong tri thức khoa học của con người (do đó mà có câu: “Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống”). Các cấu trúc của vũ trụ có thể coi là mở ngỏ cho hành động không gián đoạn của Thiên Chúa trong các biến cố được trực tiếp tác động trong thế giới. Thần học Công giáo xác nhận rằng việc các nhân vật đầu tiên của loài người xuất hiện—dù là cá nhân hay tập đoàn--đều biểu hiện cho một biến cố không thể giải thích thuần túy tự nhiên được, mà chỉ lý giải được một cách thích hợp khi cho đó là việc Thiên Chúa can thiệp. Tác động gián tiếp qua từng chuỗi nguyên nhân ngay từ bước khởi đầu của lịch sử vũ trụ, Thiên Chúa đã chuẩn bị con đường cho điều mà ĐGH Gioan Phaolô II gọi là “một bước nhẩy vọt hữu thể học…, khoảnh khắc tiếp chuyển vào vùng linh thánh.” Trong khi khoa học có thể nghiên cứu các chuỗi nguyên nhân này, vai trò của thần học là phải định vị công trình đặc biệt tạo dựng linh hồn con người trong lòng kế hoạch bao trùm của Chúa Ba Ngôi, đó là kế họach chia sẻ sự hiệp thông đời sống Tam Vị với những hữu thể nhân vị đã được tạo dựng, từ hư vô, theo đúng hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Các hữu thể nhân vị này—nhân danh Chúa và tuân theo kế hoạch của Ngài--thực hiện quyền quản lý và thống lĩnh vũ trụ vất chất.

(còn tiếp)

Kỳ tới:

II. Trách Nhiệm đối với Thế Giới Tạo Vật