ĐÂU LÀ TIÊU CHÍ GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM

Những ngày này, những vị có trách nhiệm về giáo dục của Việt Nam đã ngồi lại với nhau để xây dựng tiêu chí về thể chất, thể lực cho trẻ. Những tiêu chí ấy đã gây ra nhiều xôn xao trong dư luận vì lẽ nó còn nhiều bất cập của nó.

Những vị hữu trách đưa ra tiêu chí cho trẻ 3 tuổi thì biết rót nước, với trẻ 5 tuổi thì phải bậc cao 50 cm, chạy 150 m …

Với tiêu chí 3 tuổi biết rót nước thì nó nảy sinh ra vấn đề là vật dụng rót nước là gì ? bình có nước có vòi như bình trà hay không ? nếu rót bằng bình trà có vòi thì rót được vào ly nhưng nếu bình đó không có vòi thì làm gì trẻ 3 tuổi có thể rót được.

Tiêu chí 5 tuổi bậc cao 50 cm thì với những trẻ hơi béo chiếm đa phần ở thành thị làm sao có thể bậc được 50 cm ? Chạy 150 m cũng vậy, với những trẻ ở nông thôn thì dễ dàng còn trẻ ở thành thị là một vấn đề không đơn giản chút nào cả.

Cũng giống như Bộ Y Tế, Bộ giáo dục và Đào Tạo cũng đang lúng túng trước những tiêu chí cho trẻ 5 tuổi mà các vị hữu trách đang xây dựng. Bộ Y Tế đã đưa ra những quy định chung cho mọi người khi cấp bằng lái nhưng những quy định chung ấy đã được rút lại sau khi còn nhiều bất cập hay nói đúng hơn là quy định ấy đã không quan tâm để ý đến những con người bất hạnh với chiều cao khiêm tốn và vòng số 1 nhỏ bé !

Đành biết là cần phải xây dựng một chuẩn nào đó về thể chất, về tri thức cho các em nhưng thiển nghĩ cần thiết hơn là phải xây dựng một tiêu chí cho trẻ về nhân cách làm người.

Nhìn quả thì biết cây để rồi những ai bận tâm đến con người, bận tâm đến chuyện “trăm năm trồng người” không khỏi phải suy nghĩ.

Chẳng hiểu với tiêu chí như thế nào ấy, theo đạo đức nào ấy mà nhân cách của con người ngày hôm nay cư xử với nhau làm cho nhiều người thấy khó hiểu và thậm chí cũng chẳng buồn hiểu chi cho mệt.

Sáng sớm vừa bước chân ra khỏi nhà thì lại phải ngán ngẫm với cái chuyện kẹt xe. Một phần do đường sá hẹp, do đường sá cần phải nâng cấp, sữa chữa … nhưng phần lớn là do ý thức cũng như cách cư xử của con người. Đừng bao giờ đổ lỗi cho đường hẹp mà quên đi ý thức của con người khi tham gia giao thông. Những quy định về đường: về tốc độ, về vạch sơn, về phần đường lưu thông, về tín hiệu giao thông có đó nhưng hỏi còn được mấy người giữ được cái quy định ấy. Nguyên nhân do đâu thì mọi người đều biết được do ý thức của con người quá kém !

Đang chạy xe trên đường ấy bỗng dưng một bãi nước bọt bay vào người mình, một bọc xốp sau khi ăn xong của người chạy bên mình vất ngay đầu xe mình … Rồi vừa chạy xe vừa ê a cái điện thoại trên tay hay mãi miết nghe bài nhạc trong máy của mình để gây hoảng sợ cho bao nhiêu người chạy gần mình vì tay lái lúc ấy làm gì có thể làm chủ được …

Rồi đến nạn cướp giật xảy ra không biết bao nhiêu mà kể.

4 anh bạn đang ngồi ăn tối ở đường Lý Chính Thắng. Chiếc máy tính xách tay để dưới chân bàn bỗng dưng biến mất một cách nhanh chóng bởi hai anh chàng tông vào bàn ăn giả vờ mất thắng ! 4 anh bạn vội vàng chạy theo kêu cướp cướp nhưng nào có được với những kẻ ác tâm.

Anh bạn đang chia tay với người thân cách chiếc xe máy của mình vài mét bỗng dưng nghe tiếng máy bên tai, chợt nhìn lên sau tiếng máy ấy thì chiếc xe ấy đã cao bay xa chạy. Chàng ta cũng chột miệng kêu cướp cướp nhưng chiếc xe nay đã bặt chim tăm cá.

Mới đây nhất, sau cái ngày tình yêu tuyệt mỹ thì người ta đón nhận tin dữ của cô sinh viên có khuôn mặt sáng sủa vùng Cao - Lạng phạm cái tội giết người. Thể chất tốt đấy chứ ! Học lực cao đấy chứ ! Nhưng thử hỏi nhân bản và nhân cách làm người của cô còn không khi cô đi giết người đồng loại và cách riêng là người mà cô đã hơn một lần chung sống ? Còn nhiều cách để đối thoại, nhiều cách để trao đổi chứ đâu phải đụng đến là giết và giết !

Những ngày này, bỗng dưng xã hội lại hiện lên những băng cướp 9x. Phải nói rằng chúng “hỷ mũi chưa sạch” mà lại phạm những cái tội đến người lớn cũng còn gớm tay ! Chúng chẳng làm ra tiền mà người thì đã nghiện thì làm sao tránh khỏi những vụ cướp táo tợn.

Tình trạng nghiện xì ke ma tuý trong xã hội còn ở mức báo động đỏ nữa hay chăng hay nó là nỗi lo rình rập của từng nhà và từng người. Nỗi lo ấy Chính phủ vừa yêu cầu báo cáo tệ nạn ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh (Tuổi trẻ - 20.2.2009).

Nhìn những sự kiện, vụ án xảy ra hầu như liên tục trong cuộc sống chắc lòng nhiều người dâng lương thiện không khỏi chạnh lòng. Cũng không gọi là chạnh lòng nữa mà là phải gọi là lo, lo vì không biết tương lai những đứa trẻ trong gia đình mình sẽ ra sao khi ra đường nhan nhản những con người thừa tri thức lủng nhân cách. Tri thức có đó, bằng cấp có đó nhưng cách cử xử với nhau sao mà thiếu lòng nhân quá, sao mà thiếu tình người quá !

Những tiêu chí về tri thức, về thể lực, thể chất cần có nhưng nên chăng phải có tiêu chí của một con người thật sự.

Con người thật sự ấy phải chăng có một tiêu chí cơ bản nhất là nhân bản. Con người ấy phải biết cảm ơn sau khi nhận ơn của người khác, con người ấy phải biết xin lỗi và nhận lỗi sau khi mình đã sai phạm, con người ấy phải biết vui với người vui, biết khóc với người khóc chứ không thể nào vui khi người thân cận mình đau khổ. Con người ấy phải biết phân định và phải có một lương tâm trong sáng khi hành xử với người thân cận.

Những vị hữu trách về giáo dục nên chăng phải ngồi lại với nhau để dạy cho lớp trẻ cái nhân cách làm người và là người. Con người nếu đạt về thể chất, về tri thức thôi thì chưa đủ. Con người phát triển toàn diện đời mình nếu như sống tròn vẹn thân phận là người và làm người.