CHƯƠNG BA: Tạo Dựng Giống Hình ảnh Thiên Chúa: Quản Lý các tạo vật hữu hình



II. Trách Nhiệm đối với Thế Giới Tạo Vật

71. Các tiến bộ về khoa học và kỹ thuật trong vòng 150 năm qua đã tạo ra một hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ cho tất cả mọi sinh vật trên hành tinh chúng ta. Cùng với vật chất dồi dào, tiêu chuẩn sống cao hơn, sức khỏe tốt hơn và tuổi thọ cao hơn, thì cũng thấy xẩy ra nạn ô nhiễm không khí và nước uống, chất phế thải độc hại của kỹ nghệ, việc phá họai và đôi khi còn hủy diệt những vùng môi sinh tế nhị. Trong tình huống này, con người đã có được ý thức cao hơn rằng mình gắn liền một cách hữu cơ với các sinh vật khác. Thiên nhiên được coi như một sinh cầu trong đó mọi sinh vật hình thành một mạng lưới sự sống phức tạp nhưng có tổ chức chặt chẽ. Hơn nữa, hiện nay người ta nhận thức được rằng cái gì cũng có giới hạn, từ tài nguyên thiên nhiên cho đến khả năng khôi phục sau khi bị gây tổn hại bởi việc khai thác tài nguyên quá mức.

72. Một khía cạnh bất hạnh trong ý thức mới về mặt sinh thái học này là Kitô giáo bị coi là có trách nhiệm phần nào về cơn khủng hoảng môi trường, do bởi quá coi trọng vị trí của con người vốn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa để cai quản tạo vật hữu hình. Có những nhà phê bình còn đi xa hơn nữa khi bảo rằng truyền thống Kitô giáo thiếu mất nguồn tài nguyên hầu có thể xây dựng một nền đạo đức sinh thái lành mạnh, bởi vì nó coi con người nhất thiết cao quý hơn tất cả mọi loài trên trần gian, và vì thế, cần phải hướng về các tôn giáo Châu Á và có tính truyền thống thì mới phát huy được một nền đạo đức sinh thái cần thiết.

73. Lời phê phán này thực ra là do việc hiểu sai lệch và một cách sâu xa đối với nền thần học Kitô giáo về tạo dựng và về ‘imago Dei.’ Nói đến một cuộc ‘hoán cải sinh thái’, ĐGH Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Quyền thống trị của con người không hề mang tính tuyệt đối, mà chỉ mang ý nghĩa phục vụ, …không phải như sứ mệnh của một chủ nhân tuyệt đối và độc đoán, mà là một quản gia trong nước Chúa” (Diễn từ ngày 17 tháng 1 năm 2001). Việc hiểu sai lạc về giáo lý này có thể đã khiến một số người hành động bất chấp môi trường thiên nhiên, thế nhưng giáo huấn Kitô giáo về tạo dựng và ‘imago Dei,’ không hề mảy may cổ võ cho việc khai thác bừa bãi đi đến chỗ phá hoại tài nguyên trái đất. Lời nhận định của ĐGH Gioan Phaolô II phản ảnh một ưu tư về phía Huấn Quyền ngày càng sâu đậm trước cuộc khủng hoảng sinh thái. Mối ưu tư này bén rễ trong dòng lịch sử lâu dài thấy được trong các thông điệp về xã hội của các ĐGH mới đây. Trong bối cảnh của giáo huấn này, cuộc khủng hoảng sinh thái là một vấn đề của con người và xã hội gắn liền với sự vi phạm nhân quyền và việc khai thác tài nguyên trái đất một cách thiếu đồng đều. ĐGH Gioan Phaolô II đã tóm tắt truyền thống giáo huấn xã hội này khi viết thông điệp Centesimus Annus: “Cũng đáng quan tâm lo lắng là vấn đề sinh thái đi kèm theo và gắn liền với vấn nạn về chủ nghĩa tiêu thụ. Mang khao khát sở hữu và hưởng thụ hơn là hiện hữu và phát triển, con người tiêu dùng các tài nguyên của trái đất cũng như của cuộc sống mình một cách thái quá và bất trật tự. Nằm ở bên dưới sự hủy hoại môi sinh thiên nhiên một cách phi lý, chính là một sai lầm về mặt nhân học hiện đang lan tràn một cách đáng tiếc. Trong khi khám phá ra khả năng biến đổi, và một cách nào đó, tái tạo thế giới qua chính công việc làm của mình, con người quên mất rằng tất cả mọi sự đều là quà tặng trước tiên và nguyên thủy từ Thiên Chúa” (37)

74. Nền thần học Kitô giáo về tạo dựng trực tiếp đóng góp cho việc giải quyết cơn khủng hoảng sinh thái bằng cách xác nhận chân lý căn bản này: tạo vật hữu hình chính là quà tặng từ Thiên Chúa, món “quà nguyên thủy” vốn tạo ra một “vùng không gian” dành cho hiệp thông nhân vị. Quả vậy, ta có thể bảo rằng một nền thần học về sinh thái đúng nghĩa Kitô giáo chính là một áp dụng của nền thần học về tạo dựng vậy. Cần ghi nhận rằng hạn từ ‘ecology’ là do hai từ Hy Lạp ‘oikos’ (nhà) và ‘logos’ (lời) ghép lại, có nghĩa là môi trường hiện hữu thể lý của con người có thể được hiểu như là một ‘mái nhà’ cho con người sinh sống. Nếu đời sống thâm nội của Chúa Ba Ngôi là một cuộc hiệp thông, thì hành vi sáng tạo của Thiên Chúa chính là một tạo tác nhưng không, phát sinh ra những thành viên để chia sẻ niềm hiệp thông này. Theo nghĩa ấy, có thể bảo rằng việc hiệp thông của Thiên Chúa tìm được ‘mái nhà’ nơi vũ trụ được tạo dựng. Do đó, ta có thể nói về vũ trụ như là một môi trường của hiệp thông nhân vị.

75. Kitô học và cánh chung học cùng nhau soi sáng cho chân lý này càng thêm sâu xa hơn nữa. Trong mầu nhiệm ngôi hiệp của Ngôi Con với nhân tính, Thiên Chúa đến trần gian và mặc lấy xác thể mà chính Ngài đã sáng tạo. Trong mầu nhiệm nhập thể, qua Con Một sinh bởi Đức Mẹ Đồng Trinh do quyền năng Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi Thiên Chúa đã khiến cho có thể có được một hiệp thông ngôi vị thân tình với con người. Do lòng từ ái, Thiên Chúa đã muốn cất nhắc con người thụ tạo lên để được thông phần đời sống với Ngài, bởi thế Ngài đã hạ mình xuống ngang hàng với loài thụ tạo. Một vài thần học gia nói đến việc Thiên Chúa khiêm nhường hạ mình như là một cuộc “nhân hóa” qua đó Thiên Chúa thong dong làm cho cuộc “thần hóa” trở thành khả hữu. Thiên Chúa không chỉ biểu lộ vinh quang Ngài trong vũ trụ qua các hành vi hiển linh, mà còn qua việc mặc lấy xác thể nữa. Trong bối cảnh Kitô học này, việc “nhân hóa” của Thiên Chúa chính là một hành vi liên đới, không chỉ với các con người thụ tạo, mà còn với toàn thể thế giới tạo vật cùng định mệnh lịch sử của chúng nữa. Thêm vào đó, trong bối cảnh cánh chung, việc trở lại lần thứ hai của Chúa Kitô có thể được coi như biến cố Thiên Chúa cư ngụ một cách thể lý trong vũ trụ đã được kiện toàn để hoàn thành kế hoạch tạo dựng nguyên thủy.

76. Không những không cổ võ sự khinh miệt một cách thiếu thận trọng đối với môi sinh tự nhiên, một sự khinh miệt do chủ trương đặt con người làm trung tâm, trái lại, nền thần học về ‘imago Dei’ còn xác nhận vai trò trọng yếu của con người khi cùng góp phần hiện thể hóa việc Thiên Chúa cư ngụ trong vũ trụ hoàn chỉnh. Theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa, con người là những tác nhân của sự biến đổi mà toàn thể tạo vật hằng trông ngóng. Tất cả mọi loài, không chỉ riêng con người, mà còn toàn thể tạo vật hữu hình, đều được kêu gọi tham dự vào đời sống Thiên Chúa. “Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rom 8:23). Trong bối cảnh Kitô giáo, trách nhiệm đạo đức của chúng ta đối với môi trường tự nhiên—mái nhà hiện hữu của ta—bén rễ từ trong một hiểu biết thần học sâu xa về thụ tạo hữu hình và về nơi ăn chốn ở của ta trong đó nữa.

77. ĐGH Gioan Phaolô II đã ám chỉ trách nhiệm này trong một đoạn văn quan trọng của Evangelium Vitae: “Như một người được mời gọi trồng tỉa và vun xới mảnh vườn thế giới (x. Gen 2:15), con người đảm nhận một trách nhiệm biệt loại đối với môi sinh của mình, đối với muôn loài thụ tạo được Thiên Chúa đặt định phục vụ cho phẩm gía con người. Từ việc bảo trì các môi sinh tự nhiên của các loài vật và các hình thái khác, cho đến “sinh thái học nhân bản” đúng nghĩa, câu hỏi mang tính sinh thái chính là: ta tìm thấy được trong Thánh Kinh một chiều hướng đạo đức rõ ràng và mãnh liệt, dẫn đến một giải pháp dựa trên việc tôn trọng sự thiện hảo của đời sống, của từng nếp sống…Khi nói đến thế giới tự nhiên, ta không chỉ bị lệ thuộc các quy luật sinh học, mà còn lệ thuộc cả các quy luật luân lý mà nếu vi phạm thì sẽ không thể tránh được sự trừng phạt” (số 42).

78. Cuối cùng, cần ghi nhận rằng tuy thần học không thể cống hiến cho ta một bản liệt kê mang tính kỹ thuật về biện pháp giải quyết cơn khủng hoảng sinh thái, nhưng, như đã thấy, nó có thể giúp ta nhìn môi sinh tự nhiên bằng đôi mắt của Thiên Chúa, như là ‘vùng không gian’ của hiệp thông nhân vị, trong đó, vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải tiến đến hiệp thông với nhau và kiếm tìm sự thành toàn sau hết của vũ trụ hữu hình.

79. Trách nhiệm này trải rộng sang đến thế giới loài vật. Loài vật là thụ tạo của Thiên Chúa, và theo Thánh Kinh, Thiên Chúa hằng quan phòng che chở chúng (Mt 6:26). Con người phải đón nhận chúng trong niềm tri ân, với thái độ tạ ơn đối với từng yếu tố của cuộc tạo thành, cùng cảm tạ Thiên Chúa thay cho chúng. Loài vật muông thú chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính sự hiện diện của chúng. “Chúc tụng Chúa đi, hỡi muôn loài chim chóc. Chúc tụng Chúa đi, hỡi gia súc lẫn thú rừng” (Dn 3:80-81). Thêm nữa, sự hài hòa mà con người phải tạo lập hoặc phục hồi trong toàn thể tạo vật, bao gồm chính mối tương quan của nó với loài vật. Khi Chúa Kitô đến trong vinh quang, Ngài sẽ “thâu tóm” toàn thể tạo vật trong một khoảnh khắc hài hòa mang tính cánh chung và dứt khoát.

80. Tuy nhiên, giữa con người và loài vật, có một khác biệt hữu thể học, bởi vì chỉ duy con người mới được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và được Thiên Chúa ban quyền thống trị trên loài vật (Gen 1:26, 28; Gen 2: 19-20). Suy tư về truyền thống Kitô giáo liên quan đến việc đối xử chính đáng đối với loài vật, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng: “Thiên Chúa giao phó việc trông coi loài vật cho những người Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Do đó, việc dùng loài vật làm thức ăn và áo mặc là điều chính đáng. Chúng có thể được nuôi trong nhà để giúp con người làm việc và giải trí” (số 2417). Đoạn văn này cũng cho thấy sự chính đáng trong việc sử dụng loài vật cho các thí nghiệm y học và khoa học, nhưng luôn phải nhìn nhận rằng “làm cho loài vật phải đau đớn không cần thiết là điều trái với phẩm giá con người” (số 2418). Do đó, bất cứ việc sử dụng loài vật nào cũng phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc vừa nói: đó là quyền thống trị của con người trên loài vật chủ yếu là một sự quản lý mà con người phải tính sổ một cách đúng nghĩa nhất đối với Thiên Chúa là Chúa muôn loài.

(còn tiếp)