Phỏng vấn giáo sư Martin Nkafu, thần học gia và triết gia người Camerun về chuyến công du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Phi châu

Trong các ngày từ 17 đến 23 tháng 3 này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm mục vụ hai nước Camerun và Uganda. Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Yaounde ngày thứ ba 17 tháng 3. Hôm sau đó ngài sẽ hội kiến với tổng thống Paul Biya và gặp các Giám Mục Camerun. Vào han chiều ngài chủ sự buổi hát kinh chiều với các Giám Mục, Linh Mục, Phó tế, tu sĩ và các phong trào giáo dân, cũng như gặp gỡ đại diện của các Giáo Hội kitô khác. Thứ năm 19 tháng 3 Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các đại diện cộng đoàn hồi giáo và với các thành viên hội đồng đặc biệt của Thượng Hồi Đồng Giám Mục Phi châu.

Thứ sáu 20 tháng 3 Đức Thánh Cha rời Camerun để bay sang Luanda thủ đô Angola. Ban chiều cùng ngày Đức Thánh Cha hội kiến với tổng thống Eduardo Dos Santos, sau đó gặp các Giám Mục Angola và Sao Tomé. Chiều thứ bẩy 21 tháng 3 Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại vận động trường Dos Coqueiros. Sáng Chúa Nhật 22 tháng 3 Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các Giám Mục toàn vùng Nam Phi châu với sự tham dự của tín hữu tại bãi trống Cimangola trong thủ đô Luanda. Ban chiều Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các phong trào công giáo để thăng tiến nữ giới. Và thứ hai 23 tháng 3 ngài sẽ lên đường trở lại Roma.

Camerun rộng 475.650 cây số vuông có 17 triệu dân, trong đó 4.842.000 ngàn người là tín hữu công giáo. Giáo Hội có 816 giáo xứ và 1493 trường học với 377.000 học sinh. Ngoài ra Giáo Hội còn điều khiển 28 nhà thương, 235 bệnh xá, 12 trung tâm phong cùi, 15 cô nhi viện và 40 văn phòng cố vấn gia đình. Camerun đã được Đức Gioan Phaolô II viếng thăm hai lần hồi năm 1985 và 1995. Camerun là quốc gia có mỏ dầu lửa, hơi đốt, và các mỏ cassiterite, titane và vàng. Mỏ bauxít và sắt chưa được khai thác.

Angola rộng 1.246.700 cây số vuông có 16 triệu dân, trong đó 8,6 triệu là tín hữu công giáo. Giáo Hội có 307 giáo xứ và 453 trường học với 211.000 học sinh. Ngoài ra Giáo Hội cũng điều hành 23 nhà thương, 269 bệnh xá, 4 trung tâm phong cùi, 45 cô nhi viện và 37 văn phòng cố vấn gia đình.

Trong thư mục vụ gửi tín hữu toàn nước các Giám Mục Camerun mời gọi tín hữu tích cực chuẩn bị tinh thần cho chuyến viếng thăm lịch sử này của Đức Thánh Cha. Các vị khẳng định rằng: ”Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng là chuyến viếng thăm của vị Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ. Người đến để củng cố các Kitô hữu Camerun và Phi châu trong lòng tin, và để bảo đảm về sự kiên trì của lòng tin đó. Vì thế chúng ta hãy quyết tâm cầu nguyện cho một nền hòa bình lâu dài trong đất nước chúng ta, một nền hòa bình hoa trái của công lý cho phép tất cả mọi người sống như anh chị em với nhau, được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và bình đẳng với nhau trong phẩm giá và các quyền lợi”.

Lời kêu gọi của các Giám Mục Camerun không phải là không có lý do. Tuy Camerun có được một sự ổn định và hòa bình nào đó, nhưng không phải là không có các căng thẳng chính trị xã hội. Chính quyền của tổng thống Paul Biya, đã tại vị từ năm 1982 đến nay, chắc chắn không phải là một trong những chính quyền dân chủ nhất tại Phi châu, bởi vì cảnh gian tham hối lộ và vi phạm các quyền con người xảy ra hằng ngày như cơm bữa. Từ nhiều năm qua người ta lo sợ cảnh bạo lực bùng nổ, như cảnh người dân xuống đường biểu tình phản đối cảnh vật giá leo thang trong tỉnh Douala hồi năm ngoái.

Đức Cha Antoine Ntalu, Tổng Giám Mục giáo phận Garoua, kiêm Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Muc Camerun, cho biết cảnh người bóc lột người luôn tiếp diễn. Xã hội Camerun giống như một con thuyền nổi trôi giữa sóng gió của bão táp, và đang đánh mất đi tình trạng là quốc gia pháp quyền của mình. Trong phiên họp mới đây Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Camerun đã đề cập đến các tệ nạn đang đè nặng trên xã hội Camerun như: nạn gian tham hối lộ lan tràn, thiếu trong sáng và quản trị tồi, thiếu nguyên lý về thiện ích chung, vi phạm các quyền con người, thiếu giáo dục công dân vv... Vì thế chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ là dịp giúp canh tân luân lý, xã hội và văn hóa. Thế rồi chính Giáo Hội cũng không thiếu các vấn đề nội bộ. Trong chuyến viếng thăm Tòa Thánh mới đây, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ các Giám Mục Camerun hoạt động cho sự hiệp nhất và cộng tác mục vụ để đem Tin Mừng tới cho người dân thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Liên quan tới hàng giáo sĩ và tu sĩ cần phải củng cố ”một cuộc sống khiết tịnh độc thân, việc thi hành quyền bính một cách đúng đắn và có tương quan lành mạnh với của cải vật chất”.

Đức Tổng Giám Mục Giovanni Becciu, Sứ Thần Tòa Thánh tại Angola cho biết dân chúng háo hức chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Chuyến viếng thăm này sẽ thúc đẩy họ dấn thân rao truyền Tin Mừng mạnh mẽ hơn, và nó đặc biệt ý nghĩa đối với tình trạng của Angola, là quốc gia đã ra khỏi cuộc nội chiến kéo dài 30 năm trời, gây ra biết bao nhiêu chết chóc và đổ vỡ thương đau cho người dân. Đức Thánh Cha sẽ chúc lành cho tiến trình hòa bình bắt đầu hồi năm 2002 và các nỗ lực tái thiết đất nước này, trong đó có các tiến trình phát triển kinh tế.

Đức Cha Damiao Franklin, Tổng Giám Mục Luanda, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Angola cho biết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ giúp tín hữu và người dân nước này đẩy mạnh tiến trình hòa giải trên bình diện cá nhân và xã hội tại Angola, cũng như chú ý đến đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu tới đây là hòa giải công lý và hòa bình.

Tin Mừng đã được rao giảng tại Angola năm 1491 và từ đó cho tới nay Giáo Hội Công Giáo đã là cơ cấu duy nhất hiện diện khắp nơi và có mạng lưới hoạt động hữu hiệu trong việc thăng tiến cuộc sống của người dân. Trong suốt các năm nội chiến Giáo Hội cũng đã là tiếng nói độc lập duy nhất với đài phát thanh Ecclesia. Nhưng cho tới nay Radio Ecclesia vẫn chỉ được phát các chương trình trong thủ đô Luanda và chưa được phép phát sóng tại khắp nơi trong nước.

Từ vài năm qua Angola có mức phát triển kinh tế gia tăng 25% mỗi năm nhờ có dầu lửa và các quặng mỏ khác như manganese, đồng, sắt, uranium, asphalte và kim cương. Tuy nhiên các số tiền lời khổng lồ được chia chác giữa giới lãnh đạo chính quyền của tổng thống Eduardo Dos Santos, tại vị từ năm 1979 tới nay. Đa số dân tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và chậm tiến và tuổi thọ trung bình là 40.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới các bạn bài phỏng vấn giáo sư Martin Nkafu, thần học gia và triết gia người Camerun về chuyến công du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Phi châu. Giáo sư Nkafu dậy môn Văn hóa, Tôn giáo và tư tưởng Phi châu tại đại học giáo hoàng Lateranense và Gregoriana ở Roma. Giáo sứ cũng đã từng làm việc cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu năm 1994, trong tư cách là phối hợp viên các bản dịch và chuyên viên dịch thuật. Giáo sư vừa mới từ Camerun về tới Roma.

Hỏi: Thưa giáo sư Nkafu, bầu khí chờ đợi Đức Thánh Cha tại Camerun như thế nào?

Đáp: Có sự chờ đợi rất lớn cũng như có rất nhiều tò mò. Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viếng thăm Phi châu, vì thế người ta thực sự chờ đợi người như là Chủ Chăn. Đặc biệt là tại Camerun tín hữu và dân chúng rất là háo hức.

Hỏi: Người dân Camerun chờ đợi gì nơi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thưa giáo sư?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha trước hết có tính cách mục vụ. Các dân tộc Phi châu, do người dân Camerun và Angola đại diện, chờ đợi được Đức Thánh Cha an ủi, khích lệ, nâng đỡ và củng cố trong lòng tin. Và mọi người cũng chờ đợi Đức Thánh Cha Nâng đỡ họ trong cuộc sống bằng lời nói, các lời cầu nguyện và phép lành của người. Thế rồi họ cũng biết là Đức Thánh Cha đến Phi châu là để công bố Tài Liệu Làm Việc cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II, và họ cảm thấy bị lôi cuốn vào trong biến cố này.

Hỏi: Thưa giáo sư, đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II là ”Giáo Hội tại Phi châu phục vụ sự hòa giải, công lý và hòa bình”. Giáo sư có nhận xét gì về việc chọn đề tài này?

Đáp: Đề tài chọn cho Thượng Hồi Đồng Giám Mục Phi châu rất là tích cực và thích hợp. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ I hồi năm 1994 đã có tính cách mục vụ và thần học hơn. Trong một nghĩa nào đó nó đã có mục đích “kiểm thực” sự trưởng thành của Phi châu trong lòng tin Kitô, hay cùng nhau suy tư về điểm chúng tôi đã đạt tới, về gương mặt của Chúa Kitô bên Phi châu.

Ngày nay cần phải đương đầu với các vấn đề cụ thể hơn như hòa bình, hòa giải, công lý và phẩm giá con người vv... Còn có rất nhiều chiến tranh bên Phi châu, rất thường khi vì các lý do lợi lộc kinh tế nước ngoài. Không thể có hòa bình khi có sự khai thác bóc lột. Và bởi vì việc rao giảng Tin Mừng tại Phi châu cũng trùng với việc thăng tiến nhân bản, nên không thể đem Tin Mừng tới cho các dân tộc Phi châu và loam báo Tin Mừng, nếu không có hòa bình và nếu không chú ý tới sự phát triển của tất cả mọi yếu tố góp phần thăng tiến thiện ích và hạnh phúc cho các dân tộc Phi châu.

Hỏi: Người ta cũng thường nói rằng công tác rao giảng Tin Mừng tại Phi châu cần phải đi sâu hơn nữa vào trong các nền văn hóa của các dân tộc của đại lục này, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Vâng, người ta thường khẳng định rằng vấn đề rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội và vì thế là của vị thừa sai. Trong tình hình Phi châu hiện nay công tác rao truyền Tin Mừng không thể chỉ do các thừa sai nước ngoài hay các linh mục tu sĩ đảm trách, mà là bổn phận của tất cả mọi Kitô hữu. Không cần phải tái truyền giảng Tin Mừng, nhưng cần một chứng tá mới cho Lời Chúa, một chứng tá sống thực và cụ thể. Chúng ta phải là các chứng nhân của Nước Chúa. Vì thế mỗi một Kitô hữu đều phải trở thành một thừa sai trong môi trường sống thường ngày, trong công xưởng và nơi làm việc của mình, cũng trong khu xóm và đối với tất cả mọi người.

(Avvenire 8-3-2009)