MỘT CHÚA KITÔ KHÁC HAY KHÁC CHÚA KITÔ

Hồng Ân Ngân Khánh Linh Mục
Kính tặng Cha giuse Trần Xuân Mạnh, Giáo phận Thanh Hóa


Mỗi khi có thánh lễ tạ ơn về thiên chức Linh mục, là lại có dịp cộng đồng dân Chúa nói đến vị thay mặt Chúa ở trần gian. Người ta gọi ngài là Linh mục, nghĩa là người mục tử coi sóc đoàn chiên thiêng liêng. Danh hiệu mục tử là do chính Chúa Giêsu đã xưng nhận: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”. Cả danh xưng “Thầy cả” cũng xuất phát điểm từ Chúa Giêsu, khi Chúa dạy các tông đồ: “Dưới đất các con đừng gọi ai là thầy, vì các con chỉ có một thầy” (Mt 23,8). Như vậy, những danh xưng tặng cho các Linh mục đều xuất phát từ những danh xưng dành cho Chúa Giêsu. Vì thế, có người gọi Linh mục là Alter Christus – Chúa Giêsu thứ hai, một danh xưng gồm tóm được hết mọi danh xưng.

Người ta gọi Linh mục là thế nhưng người ta không chịu xin ý kiến Chúa Giêsu. Nếu được hỏi, chắc người ta sẽ ngạc nhiên vì câu trả lời của Chúa sẽ giống như câu Chúa đã trả lời cho hai anh em Giacôbê và Gioan: “Chén của Thầy các con sẽ uống, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (Mt 20, 23). Như vậy đời Linh mục không phải là vinh danh tả hữu Chúa Giêsu, mà là can đảm uống Chén đắng của Thầy.

Một chức vụ Linh mục như thế là thân phận của người phục vụ, người được sai đi. chén vinh quang là chén đắng ứ tràn Chúa Giêsu trao cho các môn đệ thân tín. Hiểu ý nghĩa này, nên Giáo Hội là Mẹ, khi trao Chén thánh cho tân chức Linh mục đã ban trao với lời tâm huyết: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu Thánh giá Chúa” (Trích Lễ nghi Phong chức Linh mục).

Rập đời sống theo mẫu khuôn Thánh giá, chỉ có ý nghĩa thiết thực khi chính vị Linh mục trở nên giống Thầy chí thánh của mình, đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá. Thánh giá trên vai, Thánh giá đi vào đời, Thánh giá trên đôi tay ban phép lành hình Thánh giá. Sẽ là mâu thuẫn nếu người ta muốn lãnh nhận phép lành từ đôi tay Linh mục mà hình Thánh giá được vẽ lên từ đôi tay ấy lại khiến người ta khiếp sợ. Linh mục là người đồng hoá phép lành từ Thánh giá ấy, hay nói cách khác, Linh mục dâng thánh lễ Misa mỗi ngày là tái diễn hy tế Chúa Giêsu trên Thánh giá năm xưa. Tại sao người ta thích hình ảnh Moise giang tay trên núi, mà hình ảnh Chúa Giêsu giang tay trên Thánh giá lại khiến người ta lảng tránh?.

Hai anh em Giacôbê và Gioan, ít ra đã thưa được với Chúa Giêsu khi Chúa hỏi: “có uống được chén Ta sắp uống chăng?” (x.Ga) Và chính từ lời thưa đó mà nhiệm vụ của linh mục được trao ban. Với Đức Giêsu, Chén đắng ấy Ngài đã uống đến tận cùng. Trong tay Ngài có phủ việt, mặc áo hoàng bào, cho đến khi ở trên Thánh giá, đầu ngài còn đội mũ triều thiên, phía trên đầu còn có tấm bảng công bố: Giêsu Nazareth Vua Do Thái. Tất cả đều là sự thật, chỉ có trong đầu óc giới lãnh đạo Do thái là tấn kịch của một màn phỉ báng. Vậy mà chính trong sự thật bi thương ấy, một trong hai người trộm bị đóng đinh hai bên tả hữu Chúa Giêsu, chứ không phải là tả hữu của Giacôbê và Gioan, đã xin được điều mà hai anh em tông đồ bị từ chối, khi Chúa Giêsu trả lời với người trộm bị đóng đinh đó rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên đàng” (Lc 23, 43). Sau người trộm sám hối nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu, là viên sĩ quan đội quân hành hình, ông đã thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27, 54).

Ngày nay không phải là hai người mà là hai tỉ người đã nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu. Người Linh mục của Chúa cũng cần được từ bỏ đến tận cùng noi gương Đức Giêsu. Các ngài cần bị tiêu hao đến hết cuộc đời vì nhiệm vụ, bị vắt kiệt sức vì đoàn chiên, bị trút hết tiền của vì người nghèo…Nhưng trên thực tế, các Ngài còn quá giàu vì bao nhiêu những điều chưa được từ bỏ. Người ta phải lặp lại: Alter Christus – Một Chúa Giêsu Kitô khác hay khác Chúa Giêsu Kitô? Giáo hội ngày nay, rất khó tìm được những linh mục dám từ bỏ đến cả danh dự như câu chuyện sau:

“Thời Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên “cụ Thanh” cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, Huế. Ban ngày làm việc lam lũ, tối về trú ngụ nhà bà Tham, thuộc xứ Gia Hội. Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, cho họ chịu các phép Bí tích, giải tội cho các tín hữu bị giam ở khám đường, nhất là cho (t. 124) những ai sắp ra pháp trường lãnh phúc Tử Đạo. Cụ thường trà trộn trong dân chúng, làm dấu sao đó để các giáo hữu nhận ra mình.

Lúc linh mục Đặng Đức Tuấn bị bắt đưa ra Huế để xử, ngài được tự do tạm một thời gian để làm bản điều trần nổi tiếng về đạo Công giáo. Trong những tháng ngày ấy, thỉnh thoảng ngài ghé thăm nhà bà Tham ở Gia Hội. Trong nhà bà có tên đầy tớ hầu hạ cơm nước rất lễ phép, kính cẩn. Sau đôi ba lần thăm viếng, cha Đặng Đức Tuấn để ý suy nghĩ:

“Anh này sao thấy có vẻ quen quen”.

Một hôm đang ngồi ở bàn ăn, cha Tuấn đăm đăm nhìn vào mắt tên đầy tớ ở góc phòng, rồi bạo dạn hỏi:

“Phải mày không Thanh?”

“Thưa phải!”

“Trời đất! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra!”

Nói đoạn cha Tuấn ôm choàng lấy cụ Thanh, nước mắt chảy ròng ròng… Thì ra hai anh em đã học cùng nhau một trường ở Penang (Malaysia), sau bao nhiêu năm dài xa cách giờ đây mới gặp nhau lại!

Cụ Thanh vẫn tiếp tục nghề gánh nước thuê như cũ … Cho đến một hôm, sắc tha đạo được triều đình ban bố, Đức Cha Bình (Sohier) bấy giờ mới ra mắt công khai và chọn ngày làm lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi có Tòa Giám Mục. Giáo dân khắp nơi tựu về mừng lễ thật đông đảo. Cả những vị quan trong triều và người bên lương ở Kinh đô cũng đến xem. Trong lễ hát trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Cha Bình mà là … Cụ Thanh. Giáo dân xôn xao, người bên lương thì ngạc nhiên khen ngợi và trầm trồ bảo:

“Ngỡ là ai, hóa ra cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ca La tinh thật hay mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa…”

Cụ Thanh đã tìm ra phương pháp tông đồ cho thời đại mình dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Linh”. (Lữ hành Đường Hy Vọng)


Nói cho cùng, Linh mục thời đại nào cũng vẫn luôn là một thách đố lớn giữa thời đại. Một thách đố đã được cụ già tiên tri Simeon đã nói về Hài Nhi Giêsu: “Con trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng dậy, và còn là dấu hiệu cho người ta chống đối” (Lc 2,34).

Ngã xuống hay đứng dậy vì đoàn chiên, khởi đi từ chính mình. Một của lễ hiến tế diễn ra hàng ngày trong cuộc đời Linh mục chưa kể tới dấu hiệu cho người ta chống đối. Lối nhìn này có vẻ bi quan nhưng có lẽ nó đúng hơn với cuộc đời Linh mục. Từ đó cái nhìn của mỗi người chúng ta không chỉ là tôn kính, nhưng còn là đồng cảm và đồng hành với vị chủ chiên của mình.

Hai mươi lăm năm trong đời sống Linh mục, nếu hôm nay được hỏi điều gì ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm hồn của cha Giuse, chắc chắn cha sẽ trả lời như lời ca thánh vịnh:

Giữa lòng đại hội, con sẽ tạ ơn Chúa

Trước mặt quần chúng, con sẽ tán dương Ngài.

Tv 35,18

Chúng ta hãy hợp với ngài tạ ơn Chúa trong tâm tình thành kính nhất, cầu nguyện cho ngài luôn là người mục tử như lòng Chúa mong muốn. Ngân khánh, Kim khánh và Ngọc khánh đón chờ ngài trong vòng tay yêu thương của Chúa.

“Ông nói đúng, tôi là vua!” - Chúa nói
“Nhưng Nước tôi siêu vượt khỏi trần gian”
Lời Chúa xưa nay sống lại rộn ràng
Và dần thấm mọi tâm can Linh mục.
Chức Tư tế, Tiên tri đầy ơn phúc
Thay Chúa Trời luôn chúc phúc trần gian
Lại còn thêm Vương đế rất cao sang
Nhưng Linh mục đâu vinh quang trần thế?
Vì Nước Chúa trải dài muôn thế hệ
Vượt trần gian và luật lệ loài người,
Nên Linh mục đại diện Đức Chúa Trời
Không tìm kiếm vinh quang đời mục nát.
Vâng Linh mục, không phải là ai khác
Vinh dự làm điểm tựa các linh hồn.
Những sâu kín trong quá khứ đau buồn
Hay thổn thức đời hoàng hôn hiện tại.
Tuổi thanh niên bao bước đi vụng dại,
Tuổi thơ ngây cần dẫn lái yêu thương.
Cả tương lai mờ mịt những bất thường.
Đây Linh mục, người bạn đường tín nhiệm !
Ngài không đến trong uy quyền vương miện,
Nhưng như người mục tử đến vì chiên.
Ngài không đến mang gấm vóc, bạc tiền,
Nhưng phân phát kho thiêng liêng: Bí tích.
Thế gian hứa cho vui chơi thoả thích,
Ngài giúp ta lo phần ích linh hồn.
Giữa thế gian đầy đau khổ u buồn,
Đây dấu chỉ về cội nguồn hạnh phúc !
Đời trinh khiết, khó nghèo và vâng phục,
Hoạ lại đời của chính Đức Kitô
Đấng đã từng đi trên mặt biển hồ
Mặc bão tố và sóng xô trần tục.
Ôi Linh mục – Alter Christus
Nối bước chân lướt trần tục năm xưa.
Hãy về đây bao mong mỏi đợi chờ,
Hãy gìn giữ đừng xoá mờ hình Chúa.
Tim mở rộng để ấp ôm muôn thuở,
Giang đôi tay thánh hiến giữa loài người.
Nở trên môi đẹp lời Chúa ngàn đời,
Chân rảo bước và Nước trời rộng mở.
Kính mến Chúa hoà trong từng hơi thở,
Yêu tha nhân bừng nở trọn tâm hồn.
Là muối đất: ngài phải chịu đau buồn,
Là ánh sáng: ngài phải luôn phân phát.
Là men bột: phải canh tân người khác
Nhưng đèn ngài không được tắt dưới thùng.
Là Mục tử: hiến mạng sống đến cùng
Là Tư tế: ngài phải chung hy tế.
Vác Thập giá để trở thành môn đệ,
Thành rốt hèn mới được kể làm đầu.
Vâng Linh mục một Thiên chức nhiệm mầu,
Không thể hiểu, chỉ cúi đầu lĩnh thụ.
Chúa Thánh Thần hoạt động luôn phong phú
Là khôn ngoan, là hội tụ tình yêu
Nguyện dẫn cha: đời Linh mục sớm chiều
Luôn xứng đáng niềm tin yêu Giáo phận.
Thánh hoá cha - thánh vụ thiêng lãnh nhận
Thành chứng nhân được đóng ấn Nước trời
Là Alter Christus giữa đời
Đầy hạnh phúc chức sáng ngời Linh mục.