Ảnh hưởng của Thánh Phaolô trên Kitô Giáo quá vĩ đại đến nỗi một số người đã coi ngài như “nhà sáng lập thứ nhì” của Kitô giáo. Chắc chắn rằng những bài viết của Thánh Phaolô đã có một ảnh hưởng sâu đậm, nhưng chính ngài cũng đã ở trong một dòng truyền thống Kitô giáo đang được phát triển và hoàn toàn lệ thuộc vào truyền thống này. Khi các đối thủ thách thức quyền bính của ngài, Thánh Tông Đồ đã phải nhấn mạnh đến việc ngài được ủy nhiệm như một Tông Đồ của Chúa Giêsu và là một người cũng đã được thị kiến Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta thấy rõ ràng điều này trong những lời mở đầu bức Thư đầy xúc động mà ngài gửi tín hữu Galatê: “Phaolô, một Tông Ðồ không phải do loài người, hay nhờ một người nào, nhưng bởi Ðức Chúa Kitô và Thiên Chúa Cha, là Ðấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Gal 1:1). Sau đó trong cùng một Thư ấy, ngài quả quyết: “Giờ đây, thưa anh em, tôi cho anh em biết rằng, Tin Mừng do tôi loan báo không phải từ loài người. Vì tôi đã không lãnh nhận Tin Mừng ấy từ một người nào, hay được ai truyền dạy cho, nhưng là từ mặc khải của Ðức Giêsu Kitô.” (Gal 1:11-12).

Trong khi Thánh Phaolô xác nhận đúng là Tin Mừng chung quy đến từ Đức Chúa Giêsu Kitô, nhưng cũng thật sự là Ngài được đào luyện và giáo huấn từ cộng đoàn Kitô hữu mà ngài là một phần tử. Có một vài nơi Thánh Phaolô đã nói rõ rằng ngài mang nợ truyền thống Kitô giáo. Trong chương 15 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, khi bàn về sự sống lại, Thánh Phaolô đã dẫn chứng điều có lẽ là công thức tuyên xưng đức tin hoặc giáo lý đã được dùng trong Hội Thánh Sơ Khai: “Vì trước tiên, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà tôi đã cũng nhận được là, Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Thánh Kinh, Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại theo như lời Thánh Kinh” (1 Cor 15:3-4). Sau đó ngài liệt kê những cuộc hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh với một số Tông Đồ và nhân chứng khác nhau, và sau cùng là với chinh ngài.

Một thí dụ quan trọng khác là việc Thánh Phaolô truyền lại cho các tín hữu Côrinthô truyền thống về những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, là nguồn gốc chính của Bí Tích Thánh Thể khi ấy được cử hành trong cộng đoàn Côrinthô: “Điều tôi đã nhận được từ Chúa, thì tôi truyền lại cho anh em, rằng Chúa Giêsu, trong đêm mà Người bị nộp, cầm lấy bánh…” (1 Cor 11;23). Mặc dầu Thánh Phaolô nói rằng ngài “nhận được từ Chúa”, nhưng ngài đã nhắc lại những lời rất giống như những lời truyền phép được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Marcô, Matthêu và Luca, là những lời chắc chắn là được truyền lại trong cộng đoàn Kitô hữu.

Thánh Phaolô cũng trích những bài thánh thi Kitô giáo thời sơ khai ca tụng Đức Kitô Phục Sinh bằng những từ ngữ tôn vinh. Một thí dụ là bài ca tuyệt mỹ dâng cho Đức Kitô trong Thư gửi tín hữu Philipphê: “Hãy có tâm tư này trong anh em, đó cũng là tâm tư ở trong Ðức Giêsu Kitô; Ðấng đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, mà không nghĩ phải giữ cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ chính mình, để mặc lấy hình dạng của một tên nô lệ” (Phil 2:5-7). Đoạn văn thi vị này được kết thúc bẳng những lời tôn vinh: “Mọi miệng lưỡi phải xưng tụng rằng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha” (Phil 2:11). Thánh Phaolô trích dẫn bài thánh thi này như một phần của lời khích lệ tín hữu Philliphê rằng họ phải độ lượng và tha thứ cho nhau.

Chắc chắn rằng Thánh Phaolô cùng đọc những bản tuyên xưng Đức Tin và những thánh thi này với các Kitô hữu khác. Thánh Phaolô là một tông đồ và một vị thầy vĩ đại, nhưng chính ngài cũng được hình thành và giáo huấn bởi cộng đồng Đức Tin.

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để thảo luận: Tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào người khác trong đời sống Đức Tin của mình. Là Kitô hữu chúng ta không thể là “những anh hùng đơn thương độc mã”. Ân sủng của Thiên Chúa đến với chúng ta qua Đức Tin và tình yêu của người khác, như gia đình, bạn bè, giáo xứ chúng ta cùng truyền thống vĩ đại và việc phụng tự của chính Hội Thánh. Cộng đồng đã củng cố Đức Tin của bạn thế nào? Bạn đã nâng đỡ Đức Tin của người khác ra sao?

LM Donald Senior, C.P.

từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=173

----------------------------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.