Chúa Nhật 6 sau Phục Sinh

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU(1Ga 4,8)

Khởi đi từ định nghĩa củaThánh Gioan và dựa vào Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu của Đức Thánh Cha Bênêdictô 16, phải chăng Tin Mừng của chúa nhật VI Phục sinh cũng là đề tài về”Tình yêu”. Nhưng tình yêu thì có muôn vàn cách để hóa giải, Xuân Diệu cũng đã có lần bất chợt thốt lên rằng:

Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu


Con người thì không thể, nhưng Thiên Chúa thì có thể, bởi vì Ngài chính là Nguồn của mọi tình yêu. Là con người, ai cũng cũng biết yêu thương,chỉ trừ ra những người không còn khả năng, không có lý trí, hay bị mất trí, bị tâm thần…thì không biết yêu là gì, còn tất cả, bao lâu tim còn đập là bấy lâu con người vẫn phải yêu:” Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4, 8). Khi nói như vậy thì có quá lắm không, vì những anh em theo các tôn giáo khác hoặc không theo một tôn giáo nào, họ đâu đã biết Chúa, vậy họ không biết yêu? Không hẳn như vậy, tình yêu cũng như những cơn sóng cuồn cuộn trong đại dương bao la bất tận. Nó cũng như những thác nước ầm ầm vượt mọi chướng ngại vật đổ xuống. Tình yêu là trừu tượng, nhưng con người là cụ thể. Người Hy lạp dùng động từ”Eros” để diễn tả tình yêu. Còn Kitô Giáo thì dùng động từ” Agapê”. Ở giữa hai từ này còn có từ” Philia.

Eros là tình yêu vụ lợi, là một sự ham muốn, một tình cảm lôi cuốn của người khác khi nơi họ có điều gì đó hợp với mình. Eros là một khát vọng, một sự thèm muốn để chiếm đọat. Eros như những nấc thang giúp con người đi từ thế giới khả giác đến thế giới tâm linh. Đức Thánh Cha trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu đã sử dụng động từ Eros rất nhiều lần. Còn philia là tình yêu vô vị lợi, thường dùng để chỉ tình bạn, tình bạn này chỉ căn cứ ở sự hợp tính nhau, nó giới hạn trong một số người. Còn tình yêu của người Kitô Hữu, nó có sức mạnh và vượt lên trên thứ tình cảm của eros và Philia. Đó chính là AGAPÊ, Agapê là tình yêu vô vị lợi, tự do và dựa trên sự tín nhiệm, không căn cứ trên sự hợp tính nhau. Người kitô hữu thương mến nhau không chỉ là bạn hữu, nhưng còn là chi thể, là anh em trong Chúa Kitô. Tình yêu này phổ quát, vì mọi người là chi thể của Chúa Kitô. Như vậy phải có yếu tố mến Chúa như là lý lẽ tối hậu của lòng yêu người. Người Kitô Hữu nhìn thấy Chúa trong con người anh em. Vậy đối tượng của đức mến là Thiên Chúa và anh em là tạo vật của người. Agapê không nằm trong sự chiếm hữu mà là sự cho đi. Thiên Chúa là tình yêu cho đi một cách trọn vẹn nhất. Tình yêu Agapê xuất phát từ Thiên Chúa, nó không đòi hỏi một sự đáp đền, Agapê là tình yêu dâng hiến hòan tòan và trọn vẹn cho tha nhân, tình yêu vô vị lợi. Chính tình yêu này( Agapê) đã làm cho Đức Giêsu chịu chết trên thập tự Giá để mang lại ơn cứu độ cho con người:” không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”( Ga 15, 13).

“Tình yêu chính là đặc thù của nhân bản con người”, “ Con người không thể thiếu tình yêu và con người được kêu gọi để trở nên những người có khả năng yêu”( Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu). Suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, triết gia KierKegaard viết:”Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu có tương quan đảo ngược với sự vĩ đại và cao cả của đối tượng. Kẻ bị bỏ rơi ở trần gian là người được Thiên Chúa yêu thương nhiều nhất.