HÀNH TRÌNH TIỆP KHẮC-NGA-LỘ ĐỨC-PARIS.

THỦ ĐÔ PRAGUE TIỆP KHẮC.

Chúng tôi đi Praha - thủ đô của Cộng hoà Tiệp Khắc/ Séc (Czech Republic), vì nghe nói Praha là một đô thị đẹp nhất của Âu châu, như nhiều sách hướng dẩn du lịch khẳng định như vậy. Tiệp Khắc là tên tiếng Việt của Czechslovakia. Thành phố Praha có khoảng 1,2 triệu dân. Thành phố này được xây dựng từ nửa sau thế kỷ thứ 10, chưa từng bị chiến tranh tàn phá nên còn nguyên vẹn những kiến trúc nguyên thủy. Trên diện tích 500 km2 ở độ cao 177m đến 391m so với mặt biển nhìn xuống sông Vltava, Praha được mệnh danh là “thành phố nạm vàng” hay “thành phố 100 ngọn tháp” với nhiều tu viện, giáo đường theo kiểu Roman và Gothic cùng nhiều ngôi nhà cổ. Praha có tất cả 347 tháp, là thành phố du lịch thu hút rất nhiều du khách cả khi còn thuộc khối Cộng sản. Trước đây thì du khách phần đông là những sinh viên học sinh nhưng sau cuộc “cách mạng nhung” 1989 thì số du khách tăng vọt mỗi năm lên đến khoãng 20 triệu, và đặc biệt mùa Thu là mùa mà thu hút những cặp tình nhân đến với Praha vào những ngày cuối tuần.Từ thế kỷ thứ 9, một lâu đài tên Praha đã được xây trên 45 hécta bãi bồi gần cầu Manesuw bây giờ và đến thế kỷ thứ 10, một pháo đài được xây dựng. Praha đã có từ năm 965 và một thương gia Ả Rập, Ibrahim Ibu Yakub đã viết ca ngợi vẻ đẹp và sự buôn bán sần uất của Praha. Trào vua Wenceslas I đã cho xây những tường thành (1700m) quanh thị trấn cổ Praha, lúc ấy rộng 140 hécta, với nhiều ngôi nhà cổ kiểu Roman quí tộc mà ngày nay vẫn còn mà tầng trệt là những quán rượu. Quận 2 của Praha cũng có tường thành bao bọc, được vua Charles IV nới rộng gấp đôi từ năm 1360, như khu Hungry Wall trên đồi Petrin. Quận 3 được xây từ năm 1320 thời vua John Luxembourg và vua Charles IV, con của John, mở rộng hơn. Quận 4 cũng được vua Charles IV xây từ năm 1348 và được gọi là Praha mới với diện tích 360 hécta với 3500m tường thành, lớn hơn Paris, nhỏ hơn Roma. Các khu phố được thiết kế vuông vức bên những quảng trường lớn như quảng trường Charles rộng 80.500m2 và nhiều tu viện, nhà thờ rải rác. Mỗi bên bờ sông Vltava là 2 thị trấn, mỗi thị trấn có tòa thị sảnh và huy hiệu riêng với tường thành bao bọc và chỉ hợp nhất từ năm 1784 với vua Joseph. Một vài thắng cảnh nổi tiếng của Praha mà đoàn chúng tôi thăm viếng:

a. Lâu đài Praha: Hoàng cung này được vua Vladislav Jagellon xây từ năm 1492 -1502, thường tổ chức những lễ nghi chính thức; kể cả việc bầu cử và tấn phong Tổng thống. Trong khu này còn có nhà thờ Chư Thánh, do KTS Peter Parler xây, kế bên là nhà thờ Thánh George. Tu viện nữ tu Benadictine là 1 trong những tu viện lâu đời nhất vào thế kỷ 10 nằm trong khu này và nay là viện bảo tàng hội họa quốc gia. Đáng kể nhất là cung điện thứ 3 là phần cổ kính nhất (xây từ thế kỷ thứ 9).

b. Nhà thờ Praha: Nơi đây, vương miện của vua Tiệp được cất giữ tại nhà nguyện St Wencaslas và nhiều ông vua Tiệp cũng an nghĩ tại đây.

c. Phủ Tổng Thống là 1 trong những lâu đài cổ trên đồi Stranov. Du khách chỉ được xem một phần lâu đài, phần bên kia là nơi làm việc của Tổng thống và bộ tham mưu. Trước cửa lâu đài, 2 lính gác mặc quần áo hiệp sĩ cầm kiếm đứng gác im lìm y như bên Anh, cứ 30 phút đổi gác.

Praha, thành phố vàng của châu Âu, hàng năm đón cả chục triệu lượt khách du lịch về đây tham quan. Một trong những địa chỉ không thể bỏ qua ở thành phố trăm ngọn tháp này là chiếc cầu nối giữa phố cổ Staré Město (Old Town) và khu Malá Strana ở phía bên kia bờ sông Vitara.

Đoàn chúng tôi đến Praha vào một ngày tháng Bảy, và đi thăm Cây Cầu Trữ Tình. Tên cầu được gắn liền với tên của vị hoàng đế Charles IV. Được xây dựng năm 1357 theo kiến trúc gothic của kiến trúc sư Petr Parler, người xây dựng nhà thờ St.Vitus vĩ đại trong khuôn viên lâu đài. Cầu Charles được làm hoàn toàn bằng đá.Theo truyền thuyết, khi xây dựng cầu họ đã cho thêm lòng đỏ trứng vào vữa để nó thêm chắc chắn. Do đó, cây cầu vẫn đứng vững sau hơn 650 năm trải qua bao mùa mưa lũ, kể cả trận lũ lớn nhất trong lịch sử 500 năm gần đây, năm 2002.

Cầu Charles tuyệt vời.
Cầu Charles không phải là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Vltava ở Praha. Tại địa điểm mà nó hiện tọa lạc, cầu Judith đã đứng đó từ năm 1172-1342 thì bị sụp xuống sông sau một trận lụt. Nhưng hiện tại Charles vẫn là cầu đá lâu đời nhất châu Âu còn được sử dụng.Cầu dài 520m, rộng 9m, hai đầu cầu phía hai bờ sông là tháp Staroměstská ở phía phố cổ và tháp Malostranská ở phía Malá Strana. Dọc hai thành cầu là 30 bức tượng mang kiến trúc barocque được dựng lên từ thế kỷ 17. Phần lớn những tượng hiện được đặt trên cầu là những bản copy, những bức tượng gốc được trưng bày ở Bảo tàng Lapidarium. Bức tượng nổi tiếng nhất trên cây cầu này có lẽ là bức tượng thánh John of Nepomuk. Thánh Nepomuk là cha xứ và phó tổng giám mục Praha. Trên cương vị này ông đã không đồng tình với vua Vaclave IV trong việc cử người cho chức danh tu viện trưởng vùng Kladruby. Vì lý do đó ông bị bắt, tra tấn và bị thả trôi sông đến chết. 400 năm sau khi chết, (1729), Ngài được Đức Giáo hoàng Benedict XIII phong thánh và được người đời mến mộ.Truyền thuyết kể rằng vua Vaclave cho bắt cha xứ John of Nepomuk vì muốn biết vợ ông đã xưng tội như thế nào. Tất nhiên Nepomuk không tiết lộ nên bị tra tấn, bị giết và ném xuống sông. Ngày nay Thánh Nepomuk được dựng tượng khắp nơi. Ngài là Vị Thánh bảo hộ của những cây cầu, của các cha xứ, của sự bảo mật xưng tội và của cả Bohemia. Có lẽ vì lẽ đó mà ai đi qua cây cầu này cũng đều sờ tay vào bức tượng để cầu may mắn và mong một ngày sẽ trở lại Praha.

Tòa tháp ở đầu cầu nổi bật giữa các công trình mái đỏ của thành phố cổ Praha


Cầu Charles là một cây cầu đẹp, lãng mạn bậc nhất, do đó, các đôi tình nhân hay vợ chồng mới cưới đua nhau đến đây chụp ảnh kỷ niệm. Cầu chỉ dành cho người đi bộ và cũng như mọi lần cây cầu vẫn ngày đêm nhộn nhịp du khách, các quầy bán quà lưu niệm và những nghệ sĩ đường phố. Họ đàn, hát, vẽ và tất nhiên là không thể thiếu những nghệ sĩ diễn kịch rối. Trong khung cảnh lãng mạn như thế du khách có thể bỏ tiền mua đủ thứ mà bình thường chắc cũng chẳng mấy khi để ý tới.

Đặc biệt nhất là khi chính mình được hưởng những giây phút ngọt ngào trên cây cầu, khi chúng tôi đồng hành với mọi người, tay trong tay lang thang từ đầu cầu bên này đến đầu cầu bên, thỉnh thoảng dừng lại cùng nhau thưởng thức lâu đài Praha và cả thành phố lung linh soi bóng xuống dòng sông Vltava.

Và chúng tôi cùng nhau chạm một lần vào tượng Thánh Nepomuk để cầu mong hạnh phúc, may mắn và hẹn ngày trở lại Praha cũng như trở lại cây cầu này.

d. Quảng trường "con gà trống" là nơi chúng tôi nghe gà trống gáy vào những lúc điểm giờ từ chiếc đồng hồ lớn (Astronomical clock) đặt trên tòa nhà Town Hall ở giữa quảng trường. Không chỉ vậy, du khách còn được ngắm những cô gái zigane ngồi đánh bím tóc cho nhau trong khi nghe hòa nhạc hay xem xiếc rong như ngày xưa.

Sau đó, chúng tôi đến thăm tu viện St George, tháp Vysehrad Citadel gần Corinthia Towers Hotel (cao 200 m) và Quốc Hội. Cách đó 500m là nhà thờ St Peter và St Paul. Đi thêm 2 km là rạp hát quốc gia (National Theatre) và Charles Square, gần đó là Metro station Vysehrad. Đoàn thăm viếng Vương cung thánh đường St. Vitus (St. Vituskatedralen) được xây cất ròng rã trong 580 năm và lâu đài Hradcany (Prague Castle) là 2 thắng tích nổi danh.

Praha còn có tháp chuông cổ Orloi, Cung điện mùa hè hoàng gia Tiệp "Belle villa" (tòa nhà đẹp nhất thời phục hưng, xây từ năm 1538, với đài phun nước ngay giữa cung điện là đài phun nước đẹp nhất Praha) và những di tích của các triều đại Bohemia - Charles - Hapsburg -Rudolf II, như cầu Charles xưa nhất Praha và cầu Juditin Most, cầu đá lớn thứ 2 ở Trung Âu. Nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như trường đại học Charles, được xây từ năm 1348, Bảo tàng quốc gia, National Gallery, hay thánh đường Do Thái Jerusalem Synagogue, được xây từ 1906 -1907 bởi Wilhelm Stiassny/ Bratislava, hoặc Milunić và Gehry's Dancing House. Praha có một cộng đồng Do Thái rất đông và lâu đời. Praha ở trung tâm châu Âu nên đây là vị trí thuận lợi cho giao thương và du lịch. Từ trên đỉnh đồi Stranov nhìn xuống Praha với dòng sông Vltava mới thấy Praha là một bức tranh tuyệt đẹp. Hàng chục cầu đá, biết bao tượng đài, các khu phố cổ với nhiều tầng cao thấp bên những biệt thự nằm cheo leo bên sườn đồi và những con đường uốn lượn quanh những thung lũng xanh. Praha có sinh hoạt văn hóa rất phong phú, những nhà hát thành phố, nhà nhạc kịch quốc gia, Nationalteatre, các nhà thờ St. Nicholaus church cung ứng nhiều buổi trình diễn nhạc kịch opera, hòa nhạc và còn rất nhiều những bảo tàng viện ở Praha. Phương tiện di chuyển công cộng của Praha gồm có xe buýt, xe tram, xe lửa rất thuận tiện và rẻ tiền.

Đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở Tiệp gồm những du học sinh và công nhân thuộc diện trao đổi lao động nay được thường trú ở Tiệp, khoảng gần 100,000 người. Bên cạnh đó còn có những người từ Việt Nam xin sang kinh doanh. Đoàn chúng tôi viếng một trong những khu doanh nghiệp của người Việt là khu chợ SAPA ở Libuse. Đây là khu chợ bán sỉ, quần áo, giày dép và các thứ linh tinh nhập từ các nơi khác rồi phân phối cho bạn hàng người Tiệp lẫn Việt. Trong khu chợ này có những hàng quán bán thức ăn Việt Nam, giống như một Little Saigon ở California thu nhỏ.Nơi này còn được gọi là “Tiểu Hà Nội-Little Hanoi.” Tại đâycó đủ thứ hết: bánh cuốn, cơm tấm, tiết canh, cháo lòng, bún chả, thịt nướng, nghe nói có cả thịt “cầy”, cà phê Trung Nguyên, nhiều thứ khác nữa. Có những tiệm làm đẹp cho các cô, như tiệm uốn tóc, làm móng tay, cho thuê áo/trang điểm cô dâu. Đủ thứ dịch vụ, từ tiệm băng nhạc, sách báo, dịch vụ dạy lái xe, dạy vi tính, dạy tiếng Tiệp, tiếng Hoa… đến du lịch, giấy tờ. Đó là một chút sinh hoạt của một khu kinh doanh lớn nhưng cũng tìm thấy rải rác những tiệm ăn hoặc cửa hàng bán quần áo do người Việt Nam làm chủ. Nhiều nhà hàng Tàu Bắc Kinh mà trong menu cũng có chả giò, phở, hủ tiếu, cháo... Ăn uống ở đây rất rẻ so với giá sinh hoạt ở Tây/Bắc Âu và có lẽ rẻ hơn cả ở Mỹ nữa. Xe buýt đi về hướng khu phố cổ Staré Mesto, rẽ vào con đường lớn Wilsonova, vượt qua sông Vltava đi về hướng Prague Castle, rồi từ đây theo hướng Bắc mà rời khỏi thủ đô Prague. Càng xa ngoại ô, nhà cửa càng thưa vắng, chỉ còn những căn nhà nhỏ cô đơn, trơ trọi giữa cánh đồng. Một lúc sau đó thì chỉ là núi đồi thoai thoải, kéo dài xa tắp ngút ngàn tới tận chân trời. Con đường số 7 này có từ xa xưa, có lẽ đến hàng ngàn năm rồi, nó chạy theo hướng Tây Bắc nối Prague đến thị trấn từng là đế đô Chomutov gần biên giới Ðức mà rặng núi Krusne là biên giới thiên nhiên giữa Tiệp và Ðức.

PETERSBURG VÀ MOSCOW- NGA

Đoàn chúng tôi viếng thăm Petersburg, vùng cực Bắc của quả địa cầu gần Phần Lan, đoàn chúng tôi chứng kiến những đêm dài không ngủ vì mặt trời vẫn toả sáng đặc biệt của vùng Bắc Bán cầu này. Petersburg còn là Thủ đô của Vua Chúa Nga Sô. Với nhiều Bảo Tàng Viện. Thăm viếng các di tích lịch sử từ thời Sa Hoàng đến thời kỳ Cộng Sản chiếm đóng. Đoàn thăm viếng các tranh vẽ của Leonardo da Vinci, Rembrandt, Picasso. Sau đò, Hành Trình Niềm Tin đi xe lửa về Moscow. Thăm viếng Quảng Trưởng Đỏ với Điện Cẩm Linh, trung ương của thế giới Cộng Sản xưa kia. Thăm viếng các di sản văn hoá của Nga Sô và thời kỳ Cộng Sản Đông Âu.

Nước Nga là quốc gia rộng nhất thế giới trải dài từ miền đông châu Âu, qua trên phía bắc châu Á, sang đến bờ Thái Bình Dương. Phần lớn đất đai Nga là các đồng bằng rộng lớn, ở cả châu Âu và châu Á. Các đồng bằng này chủ yếu là thảo nguyên về phía nam và rừng rậm về phía bắc, với các tundra (lãnh nguyên) dọc theo bờ biển phía bắc. Các dãy núi chủ yếu nằm ở biên giới phía nam, chẳng hạn như Caucasus (ở đây có đỉnh Elbrus, là điểm cao nhất thuộc Nga và châu Âu với cao độ 5.633 m) và dãy Altai, cũng như ở phần phía đông, chẳng hạn như dãy Verkhoyansk hoặc các núi lửa trên Kamchatka. Dãy Ural, là một dãy núi chạy theo hướng bắc-nam, tạo ra sự phân chia cơ bản giữa châu Âu và châu Á cũng là một dãy núi nổi tiếng. Nga có đường bờ biển dài trên 37.000 km dọc theo Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, cũng như dọc theo các biển mang tính trong nội địa ít hay nhiều như Baltic, biển Đen và biển Caspi.

Thủ đô: Moscow-Maxcơva

Dân số: 143.782.338 người

Ngôn ngữ: Tiếng Nga

Tiền tệ: Đồng Rub

Tỷ giá: 01 Rub = 0,0349 Đôla Mỹ

Khí hậu: Khí hậu thay đổi từ mát mẻ dọc theo bờ biển Đen cho đến lạnh giá ở Siberia.

Từ miền Nam tới Trung và kéo lên phía Bắc, trong thành phố hay mênh mang thảo nguyên, thiên nhiên dường như chỉ bao trùm một làn khí nhẹ, trong và hòa trộn đủ hương vị của đất trời. Đã xa rồi thời của những luống cây nông trang trong các trang sách của Mirkhain

Solokhop, cũng đã lùi vào lịch sử những bó lúa được nàng Emilia nặng nhọc vác trên vai, rung rinh theo bước chân trên tấm ván gỗ chênh vênh thời chiến tranh vệ quốc, song trong tâm trí chúng tôi, mùi oải hương, ngải và mùi đất vỡ hoang bốc hơi nghi ngút vẫn như lẩn quất xung quanh.

Tất cả nhưng ai đã từng biết tới đất nước rộng mênh mông này đều có thể khẳng định về vẻ đẹp không gì sánh nổi của mùa thu. Mỗi khoảnh khắc nhẹ như hơi thở, một thời điểm giao mùa nhanh như cánh chim câu lướt trên quảng trường, đất trời bồng đói khác đến kỳ diệu. Chỉ trong một đêm tháng 10, có lẽ cũng chỉ trong một vài giây, con người bước ra khỏi cửa bỗng sẽ bắt gặp lá vàng rụng đầy trên các thảm cỏ, còn hai bên đường ngoại ô, phóng tầm mắt xa tít tắp, nơi nào cũng bao bọc một mầu vàng xanh. Chưa thể nhuộm vàng ngay một lúc, người hoạ sĩ thiên nhiên đành pha trộn hai sắc vàng - xanh vào nhau để tô điểm những cánh rừng.

Rừng ờ Nga bao bọc quanh thành phố, dù đó là Moscow, St. Petersburg hay Riga… Ngay cả trong thành phố, xen lẫn những khối nhà đá xám nặng nề là hàng cây thẳng tắp, thiên đường của chim câu, chim sẻ, quạ đen, quạ khoang… Cũng vào bình minh, nhưng trong mùa hạ chúng cãi cọ điếc tai, nhưng khi tiết trời đã chớm thu, dường như giọng cãi vã của bầy chim bỗng như nhẹ hơn, êm tai hơn. Hoặc chúng cũng lo sợ về tấm chăn tuyết vĩ đại mùa đông sắm trùm lên cảnh vật mà bớt cãi vã, mải miết đi tìm nơi trú ẩn? Cũng đâu chỉ bầy chim đông vô kể đó, mà bước chân người cũng như ngập ngừng hơn trong mùa thu.

Trên các đại lộ dọc ngang Moscow, xe hơi vẫn nối nhau tạo thành dòng rì rầm bất tận, còn trên hè đường, trên đồi Lênin, khoảng trời trước Đai học Lômônôxốp bỗng vụt cao vời vợi bởi hàng cây hai bên như vươn thẳng lên và thảm lá trên cỏ bỗng dầy hơn. Đất nước đã trải qua những đổi thay chóng mặt, song bước chân người thiếu phụ ôm chó vẫn như cách đây hàng chục năm. Hai bên đường, hình như lúc nào cũng đầy ắp nét lãng mạn của những thiếu phụ ôm chó bông và váy thiếu nữ tung bay trước gió. Mùa thu, tiết trời chưa giá lạnh, và tà váy của thiếu nữ Nga vẫn còn bay trong một góc công viên.

Lớp trẻ nước Nga ngày nay vẫn xứng đáng được coi là tầng lớp tiên phong của đất nước, và tính khí vui nhộn của những chàng trai cô gái mắt xanh, mắt nâu, mắt đen huyền vẫn không hề suy giảm sau một thay đổi trong Viện Duma Quốc gia. Trong công viên, người Nga thích tới ngồi trên ghế gỗ, đọc sách và ngẫm nghĩ. Thật khó ai lý giải nổi vẻ buồn phảng phất trong ánh mắt sâu thẳm của người phụ nữ Nga. Họ đã từng buồn như vậy trong biết bao năm? Vẻ sâu thẳm trong cặp mắt Nga từ xưa tới nay cũng hút hồn người hệt như sắc vàng lá vương vãi trên mỗi thảm cỏ quanh thành phố.

Đoàn Hành Hương dạo bước trong công viên của Cung điện Mùa Thu, chúng tôi đã gặp réo rắt trong không gian tiếng saxophone của người đàn ông đơn độc. Ông đơn độc trong khoảng đất trống đơn độc trong tiếng kèn bởi thính giả duy nhất lúc đó chỉ là một thiếu nữ suy tư trên ghế. Ngay cả khi đã rời xa, tiếng saxophone vẫn như níu kéo bước chân, để thảm lá dưới chân vàng hơn và hồ nước trong cánh rừng nhỏ lặng lẽ hơn. Mặc dầu vậy, nhưng trái tim nước Nga vẫn rung theo nhịp dịu dàng của thiên nhiên tươi đẹp.

Trong cánh rừng ven ngoại ô St. Petersburg, nơi nắng chiều xiên qua hàng ngàn thân cây tạo thành tấm đan ánh sáng tràn trề trên thảm cỏ, những bà mẹ trẻ đã đặt đứa con của mình vào dòng lá vàng, đệm lá dầy như bàn tay thiên nhiên nâng đỡ bầy trẻ. Cùng trong rừng - nắng - vàng - xiên, đám thanh niên ồn ào tìm lá cài lên tóc, lá vàng tạo nên hàng trăm vương miện rực rỡ tô điểm vầng trán trong trẻo.

Đôi nét về thiên nhiên Nga

Ðến với nước Nga, đoàn chúng tôi thấy thiên nhiên đất nước này sẽ khiến cho bạn luôn có cảm giác ngây ngất như trước sự hùng vĩ, mênh mang, đa dạng, huyền diệu và pha lẫn một nỗi buồn bi tráng, dịu ngọt... Bắt đầu từ tháng Tư, mùa xuân của đất nước này đã về, cây cối lá mọc xanh dần, trong các mảnh vườn, bãi cỏ, những bông hoa cuống ngắn giống như cúc dại, mọc từng đôi nở bừng. Khoảng 10 ngày đầu tháng Năm là kỳ đẹp nhất của mùa xuân.

Nắng sậm vàng, ấm áp, nắng và đất trời dường như thôi thúc cỏ mọc xanh mướt và nếu bạn vào bất cứ khu rừng nào ở ngoại ô các thành phố lớn Moscow, Saint Peterburg, hay ở nông thôn, bạn sẽ thấy sức sống thiên nhiên thật vĩ đại: bạch dương, thông, phong, tùng... khoác áo mới và đung đưa hát trong gió nhẹ, những bông hoa linh lan trắng muốt khoe sắc tinh khiết, hoa bướm mỏng mảnh nhiều màu, hoa bồ công anh vàng rực... tất cả dệt thành một tấm thảm kỳ diệu. Các nhà ga xe lửa như Belorutskaia, Kurxkai, Abramsevo ở Moscow, ga ở Tula, ở St Petersburg, Saratov... bắt đầu đông đúc và trong số đó du khách đến với nước Nga rất đông.

Từ tháng Sáu đến hết tháng Tám, mùa hè ngự trị. Mùa hè có hoa tầm xuân dại nhiều màu nở rộ, các bà cụ Nga rất thích hái hoa này về ướp chè để uống cho thơm. Mùa hè ở Nga nóng vừa phải, nhưng thỉnh thoảng cũng có những ngày hơn 30 độ C. Đoàn chúng tôi đi du ngoạn trên sông Moscow, Vonga...

Levintan thì dùng cây cọ vẽ nên bức “Mùa Thu Vàng” bất tử. Tháng Mười có vài tuần lá vàng rực, sáng bừng khắp những nơi có cây cối. Mùa Thu Nga là mùa của thi ca, mùa của tình yêu. Sau khi chiêm ngưỡng cảnh mùa thu vang để hãy dành một giây lát ngước lên nhìn trời ngắm những đàn chim di cư đang bay ngang về vùng khí hậu ấm để tránh mùa đông Nga đang tới gần. Ðứng trước thiên nhiên Nga, con người ta, nhất là những người con người có tâm hồn nhạy cảm bạn rất dễ xuất khẩu thành thơ.

St Petersburg.

Thành phố St Petersburg xinh đẹp nằm cạnh vịnh Phần Lan thuộc biển Ban-tích này hiện có 5 triệu dân. Trước năm 1918, St. Petersburg là thủ đô của nước Nga được Pierre Ðại đế, vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước Nga xây dựng vào năm 1703. Ðến nay, nó vừa tròn 300 năm tuổi. Với tuổi đời đó, St. Petersburg mang trên mình sức nặng của lịch sử, văn hóa và cả những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Mỗi năm, thành phố phương Bắc này có đến 8 tháng mùa đông. Vì thế, nếu bạn tới đây vào cuối tháng 5, đôi khi bạn vẫn được thưởng thức những trận tuyết đổ nhẹ vào tháng của mùa hè, song bạn cũng vẫn nhìn thấy những cây sồi, cây phong đứng đầy trên những lối đi hoặc trong các công viên đẹp như những khu rừng giữa phố chỉ vừa kịp khoác lên mình chiếc áo choàng xanh nõn của mùa xuân. Màu xanh mượt mà của lá vừa mới nhú đẹp đến nao lòng. Tháng 5 cũng là tháng bắt đầu của những đêm trắng ở St. Petersburg.

Ðêm trắng, White Nights, tại nước Nga đêm trắng là hiện tượng kỳ lạ diễn ra vào mùa hè ở nước Nga, đặc biệt là St. Petersburg. Vào những lúc như vậy, đến tận nửa đêm ánh sáng mới tắt và 4 giờ sáng lại bừng lên. Hàng ngàn người Nga, hàng trăm ngàn du khách đã thức suốt đêm, đổ ra đường để vui chơi và chiêm ngưỡng cảnh tượng độc đáo này, những đêm trắng kỳ diệu, khách du lịch như đi lạc vào một thế giới hoàn toàn khác lạ, thực thực hư hư. Và họ thức suốt đêm để tận hưởng những khoảnh khắc kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho nước Nga. Đoàn chúng tôi đi thuyền trên sông Nê-va, thức trắng với đêm trắng tại St Petersburg, nhìn ngắm ánh nắng vàng nhạt vương trên mái vòm bằng vàng của nhà thờ Thánh Isaac ở phía bên kia sông. Nhà thờ Thánh Isaac là một bảo tàng kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng của St. Petersburg. Ðây là nhà thờ cao thứ 4 trên thế giới với độ cao từ chân đến đỉnh tháp là 101m.

Nhà thờ được coi là bảo tàng kiến trúc và hội họa lớn của nhân loại với khoảng 3.000 bức họa được làm bằng cách ghép từng mảnh đá nhỏ vào với nhau, với mái vòm được dát bằng vàng thật, ước lượng khoảng gần 100kg ở độ cao gần 100m, với 112 cây cột lớn, cao vút rất điển hình của kiến trúc châu Âu thế kỷ 18-19. Peterholf, Bảo tàng Cung điện Mùa Hè và Hermintage, Bảo tàng Cung điện Mùa Ðông, cũng là những bảo tàng nổi tiếng vì những bộ sưu tập hội họa vĩ đại và những nét kiến trúc tuyệt vời được tạo nên bởi bàn tay và khối óc của con người. Ở cung điện Mùa Ðông, chỉ những bức tượng tạc bằng đá đặt trước các cửa phòng thế này thôi cũng đã cho thấy nét tinh xảo của người làm ra nó. Không như Cung điện Mùa Ðông nằm trong nội ô, Cung điện Mùa Hè nằm ở ngoại ô Tây Nam của thành phố.

Cung điện được xây dựng năm 1721, 18 năm sau khi thành phố St. Petersburg ra đời. Có người bảo Cung điện Mùa Hè có bóng dáng của Cung điện Versaille ở Pháp. Còn người Nga tự hào cho rằng Cung điện Mùa Hè của mình đẹp hơn Cung điện Versaille vì Cung điện Mùa Hè có nhiều đài phun nước lộng lẫy. Một vài nét gọi là phác họa. Vẻ đẹp St. Petersburg quả thật còn nhiều. Ðể nói cho hết, thật không dễ. Cung điện mùa Ðông được hoàn thành năm 1762 là nơi trị vì đất nước Nga của các triều đại vua chúa. Ngày nay được đổi thành Viện bảo tàng Hermitage, trong đó cất giữ những bộ sưu tập tranh vô cùng quí giá. Viện Smolny do Nữ hoàng Catherine xây năm 1700 để làm trường nội trú cho con em giới quý tộc.

Khi Cách mạng tháng Mười thành công, nơi đây là trụ sở chính phủ Xô-viết đầu tiên. St. Petersburg có hai công viên lớn và đẹp nhất nhì thế giới, đó là Công viên Hoàng gia, Palace Square, được xây dựng năm 1905, như một biểu trưng của vương triều Nga. Nhưng chính nơi đây đã xảy ra biến cố Ngày Chủ nhật đẫm máu, Bloody Sunday, khi hàng ngàn công nhân biểu tình dâng kiến nghị với Nga Hoàng Nicolas II đã bị binh sĩ nổ súng, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng vô sản 1917.

Công viên tháng Chạp, Decembrists Square, là công viên lớn thứ nhì ở St. Petersburg, được đặt tên theo biến cố xảy ra ngày 14-12-1825. Một nhóm sĩ quan theo chủ nghĩa cải lương đã tụ tập tại đây dự định lật đổ Sa Hoàng Nicolas II, nhưng thất bại. Hầu hết họ đã bị thủ tiêu hoặc bị đi đày. Pháo đài Peter và Paul xây năm 1703 với thánh đường cùng tên, bên trong là nơi chôn cất thi hài các Sa hoàng. Cột trụ Alexandre, The Alexander Column, được dựng vào năm 1833 như khải hoàn môn cho chiến thắng Napoleon (1812). Ðược vẽ bởi Auguste de Montferrand, bằng đá vùng Karelia trong hai năm.

Bộ Tư lệnh Hải quân, The Admiralty, xây dựng năm 1823, do Andreyan Zakharov thực hiện Tượng Peter vĩ đại, Peter the Great Statue, hay còn gọi là Tượng Ðồng Kỵ Sĩ, The Bronze Horseman, do điêu khắc gia người Pháp Etienne Falconet tạo mẫu. Năm 1833, nhà thơ vĩ đại Puskin đã làm tượng đồng này trở nên bất tử khi viết bài thơ “The Bronze Horseman.” Và còn rất nhiều, như nhà hát Mariinskim, viện đại học St. Petersburg. Hơn nữa, St. Petersburg đã là niềm cảm hứng sáng tác cho các văn thi sĩ như Aleksandr Pushkin, Fyodor Dostoyevsky, Ivan Turgenev, Nicolai Gogol. Bạn phải mất cả ngày để thăm hàng trăm gian phòng trưng bày những tác phẩm hội họa, điêu khắc nổi tiếng để cảm nhận về một nước Nga hùng mạnh với ánh hào quang văn minh vẫn còn lấp lánh.

Moscow và Đất nước Nga tươi đẹp.
Sau khi được chiêm ngưỡng thành phố thành phố St Petersburg tuyệt vời với Đêm Trắng tại đây, đoàn chúng tôi lên xe lửa tốc hành hạng business di chuyển về Moscow xinh đẹp với khoảng cách 600 km. Đoàn chúng tôi xuống mê cung dưới lòng đất “Moscow Metrol” hay tàu điện ngầm Metro. Tới Moscow, đoàn chúng tôi du ngoạn trong hệ thống tàu điện ngầm hiện đại và nổi tiếng nhất thế giới. Đoàn chúng tôi bước vào thang máy đi sâu xuống lòng đất có khi sâu tới 70 mét, người ta có cảm giác như đang đi vào tận trung tâm lòng đất. Chúng tôi tham quan hết những địa điểm nổi tiếng một cách dễ dàng bằng hệ thống tàu điện ngầm.

Hệ thống metro Moscow được xem là đẹp nhất thế giới. Hàng loạt các nhà ga của nó thực sự là những cung điện ngầm dưới đất. Tham gia tạo lập và trang trí cho chúng, có những hoạ sỹ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Liên bang Xô-viết cũ, trong số đó, có các tên tuổi đã lừng danh như Pavel Korin, Alecsandr Deineka, Vera Mukhina. Bạn nên đặc biệt lưu ý rằng, việc xây dựng hệ thống metro đã không bị ngừng trệ, ngay cả trong những tháng năm ác liệt của Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai.

Hôm nay, dưới nền thành phố Moscow đã có cả một thành phố ngầm khổng lồ, với 11 tuyến đường. Ông Ðmitri Gaev đã cung cấp mấy số liệu thú vị mới nhất: 170 nhà ga, 276 km, đó là chặng dài đường metro, trong những ngày làm việc, thủ đô ngầm dưới đất Moscow chuyên chở từ 8.5 đến 9 triệu lượt người trong ngày. Vào những ngày cuối năm 2004 khi trận bão tuyết xảy đến lưu lượng vận chuyển của metro trong một ngày đêm lên tới 10 triệu lượt người. Metro Moscow được coi là ưu việt nhất trong các đường metro trên thế giới về độ an toàn và tần xuất các chuyến tàu, đặc biệt vào những giờ cao điểm.

Theo cách nhìn hệ thống điều khiển giao thông, thì có thể khẳng định metro của Moscow là độc đáo nhất, không có gì tương tự trên thế giới. Ðộc đáo về hệ thống bảo vệ trật tự công cộng, độc đáo về di chuyển nhanh. Khoảng cách giữa các đoàn tàu chỉ có 80 giây, ngắt quãng ngắn như vậy giữa các chuyến tàu đến và đi, thì ngoài Moscow, không ở đâu có được. Nó không đơn giản là phương tiện giao thông phổ biến, mà còn là công trình văn hóa - khoa học - nghệ thuật độc đáo và là niềm tự hào của mỗi người dân Nga. Ga metro đầu tiên của Nga được khởi công vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX (1929-1933), nghĩa là cách đây hơn 70 năm.

Do có hệ thống thông gió tốt, bản thân tàu chạy đã thông gió rất mạnh, lại sâu trong lòng đất nên mùa hè trong metro rất mát, còn mùa đông thì ấm áp. Metro Nga là sự kết hợp một cách hài hòa giữa hiện đại và cổ kính, và không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tour du lịch của Nga đều dành chương trình đi tham quan các ga metro. Hầu như ngày nào người ta cũng bắt gặp du khách chụp ảnh, quay video và miệng luôn thì thào thán phục. Trước hết, mỗi ga metro thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang tính lịch sử và rất... Nga.

Bàn tay, khối óc của các nhà bác học, kỹ sư, công nhân và cả nghệ nhân Nga đã tạo nên nhiều công trình nghệ thuật về kiến trúc. Những bức họa khổng lồ trên trần ga, các pho tượng, biểu tượng, hoa văn, họa tiết cả cổ kính lẫn hiện đại, đan xen cùng màu sắc hài hòa. Người ta có cảm tưởng đây là một góc của bảo tàng nghệ thuật chứ không phải công trình giao thông công cộng. 163 ga là 163 kiến trúc khác nhau và mang rõ nét từng chặng đường lịch sử hào hùng của nước Nga và Liên bang Xô Viết trước đây, đặc biệt lịch sử cận, hiện đại: Puskinskaia, Komsomolskaia, Park-Kultur, Cách mạng Tháng Mười, Thư viện Lenin...

Các quầy sách, báo, tạp chí và quầy hoa tươi càng làm cho metro thêm phần đẹp rực rỡ. Có thể nói rằng tàu điện ngầm là phương tiện công cộng sạch nhất ở Nga. Người ta thường xuyên lau chùi, quét dọn, không bao giờ thấy rác hay bụi bặm ở đây. Ðể giữ được sự sạch, đẹp như thế, ngoài công sức của các nhân viên phục vụ, còn phụ thuộc vào ý thức cao của hành khách. Người ta ví rằng trúng xổ số độc đắc còn dễ hơn bắt được ai đó hút thuốc lá khi bắt đầu vào cửa Metro. Bắt đầu từ nhà ga xây dựng đầu tiên ngay trên mặt đất trước khi xuống tàu điện ngầm bạn cũng được chiêm ngưỡng tu viện Zagorsk và rửa tội bằng dòng suối linh thiêng Zagorskdu.

Điện Kremlin - Một pháo đài vững chắc.
Quảng trường Đỏ là trung tâm văn hóa và chính trị đã trải qua nhiều mốc lịch sử, cho đến nay nó vẫn đứng sừng sững và nguy nga giữa thủ đô của nước Nga. Chữ "Đỏ" ở đây đã xuất hiện từ thế kỷ 16 và trong tiếng Nga cổ, chữ Đỏ có nghĩa là Đẹp...

Quảng trường Đỏ là trung tâm văn hóa và chính trị đã trải qua nhiều mốc lịch sử, cho đến nay nó vẫn đứng sừng sững và nguy nga giữa thủ đô của nước Nga. Chữ "Đỏ" ở đây đã xuất hiện từ thế kỷ 16 và trong tiếng Nga cổ, chữ Đỏ có nghĩa là Đẹp. Sở dĩ có tên như vậy là vì nó nằm ngay trước một Đại giáo đường có kiến trúc đẹp nhất nước Nga.

Đại giáo đường này được xây dựng từ thế kỷ 16. Nga Hoàng đã cho thiết kế 8 đỉnh tháp để tượng trưng cho 8 cuộc chiến thắng lớn của quân Nga và cũng là lúc thoát khỏi ách đô hộ hơn 300 năm về trước. Bên cạnh Quảng trường Đỏ là một bức tường cao sừng sững của điện Kremlin cũng được xây dựng từ thế kỷ 16. Còn phải kể đến ông tổ đã xây dựng tòa thành đầu tiên ở vị trí này hơn 850 năm trước là Penkaruki. Nhưng tòa thành ngày nay không phải được xây dựng từ thời đó, mà được xây dựng lần thứ 3 toàn bằng gạch đỏ.

Còn tòa thành xây dựng đầu tiên là bằng gỗ, lần thứ hai là bằng đá trắng... nhưng đã bị tàn phá. Điện Kremlin cũng là một pháo đài kiên cố và còn là nơi dừng chân của Nga Hoàng khi đến Moscow. Từ khi giành được cách mạng, Điện Kremlin vừa là nơi làm việc của các lãnh đạo cấp cao, vừa là nơi đón tiếp, gặp gỡ đối ngoại. Cho đến nay, Kremlin vẫn còn nguyên vẹn từ những nghi thức cũ cho tới nguyên hình của bên trong Cung điện.

Còn trong Viện Bảo tàng của Hoàng gia, du khách có thể chiêm ngưỡng những cỗ xe ngựa lớn bằng vàng, những bộ quần áo nạm kim cương và muôn vàn những tạo vật làm bằng vàng và đá quý của Đế chế Nga trước đây. Trong Cung điện, du khách có thể nhìn thấy chiếc "chuông vua" cao như một toà nhà 3-4 tầng, thật là một kỳ quan của nghệ thuật đúc đồng từ thế kỷ 16-17. Bên cạnh "chuông vua" còn có một "tháp chuông" với khoảng vài chục quả chuông lớn nhỏ đang ngân vang hàng ngày hàng giờ như bao thế kỷ trước đây.

Có rất nhiều "cổ pháo" được đúc với những hoa văn tinh vi, bởi vì trước đây Kremlin như một toà thành vững chắc cho nên vẫn còn những "pháo đài", những đài quan sát, những giếng hút nước ngay trong Thành. Phía dưới chân Thành có những đường hầm thông thẳng ra sông Moscow và có một toà Đại giáo đường Đấng Cứu thế để đề phòng khi có giặc bao vây. Người ta còn đồn rằng trong những đường hầm này còn cất giấu cả một thư viện đồ sộ của Nga hoàng Ivan và hiện nay người ta vẫn đang tìm kiếm kho báu này.

Văn phòng làm việc của Tổng thống Nga Putin cũng nằm trong khuôn viên của Điện Kremlin. Du khách không được vào bên trong phòng làm việc của Tổng thống, nhưng ai cũng có thể đứng từ phía ngoài để ngắm nhìn. Trước đây trong Cung điện này Chính phủ đã cho xây thêm một công trình, đó là "Cung Đại hội", nơi diễn ra các kỳ Đại hội Đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đến nay "Cung Đại hội" này vẫn tồn tại nhưng đã bị rạn nứt một vài chỗ. Thế mới biết công trình xưa của ông cha thật kiên cố và vững chắc, mà Điện Kremlin là một trong những công trình vĩ đại - một kỳ quan - một pháo đài vững chắc "bất khả xâm phạm" của nước Nga.

Từ giã nước Nga, Hành Trình Niềm Tin cùng Mẹ trên chuyến máy bay về Lộ Đức qua ngả Paris. Hành Hương Hành Trình Niềm Tin cùng Mẹ dâng Thánh lễ tại Hang Lộ Đức, nơi Mẹ hiện ra với Thánh Bernadette ngày 11 tháng 2 năm 1858. Có dịp tắm suối Lộ Đức và cầu nguyện tại đây với trung tâm của nhiếu phép lạ do Mẹ Lộ Đức yêu thương con cái loài người. Theo sử liệu, Lộ Đức, một thành phố nằm gần dãy núi Pyréneé nước Pháp, dân số khoảng 17,425,000 người. Mỗi năm có tới 2,000,000 người đến đây hành hương. Đức Mẹ hiện ra tại đây với Bernadette từ ngày 11.2.1858 đến ngày 16.7.1858 tất cả 18 lần. Sứ điệp của Mẹ tại đây kêu gọi nhân loại siêng năng lần hạt và làm việc đền tội thay cho các tội nhân. Theo văn phòng Y tế Lộ Đức, có tới 1200 phép lạ xảy ra tại Lộ Đức. Trong một buổi rước kiệu Đức Mẹ Lộ Đức Vĩ đại, đoàn chúng tôi đã cùng cả 100,000 người đọc kinh Mân Côi bằng tiếng Việt Nam, để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam.

Sau đó, Hành Trình Niềm Tin tiến về Paris, Kinh Thành Ánh Sáng của thế giới. Đoàn thăm viếng Tháp Eiffel nổi tiếng, Giòng sông Sein muôn thuở.Đoàn cùng nhau thưởng ngoạn du lịch trên sông Sein bằng Bateaux Mouche, với nhiều di tích như Bảo Tàng Viện Le Louvre, Đại Học Sorbonne, Các Cung Điện Vua Chúa của nước Pháp, nơi chôn cất Hoàng Đế Napoléon. Đoàn thưởng ngoạn Paris by night với Arc de Triomphe, Champs Elysées nổi tiếng, công trường Concorde chứng kiến những lịch sử thăng trầm của Nước Pháp. Đoàn chúng tôi lên núi Mont Martre và dâng lễ tại Nhà Thờ Sacré Coeur Thánh Tâm, kỷ niệm những đau thương mất mát của nhân loại sau những trận thế chiến. Mont Martre, một khung cảnh vĩ đại nhìn về toàn thành phố Paris với lịch sử oai hùng. Đoàn viếng thăm Nhà Thờ Đức Bà của “Thằng Gù” và thưởng ngoạn những kỹ thuật và mỹ thuật xây dựng tinh xảo từ thời Trung Cổ. Hành Trình Niềm Tin thăm viếng hành hương kính nhớ Thánh Vincent de Paul với trái tim nguyên vẹn của Ngài và kính viếng Thánh Nữ Catherine Labouré với xác còn nguyên vẹn. Kính viếng các di tích của các Thánh Tử Đạo Việt Nam anh hùng tại đây với nhiều di tích lịch sử như gông cùm, hình ảnh, xương Thánh của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Những di tích nhu chén lễ, giây thừng hành hình, gươm đao chém Đầu các Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam anh dũng...Tất cả như làm sống lại thời Tử Đạo, làm chúng tôi thật xúc động.Đoàn cùng nhau lên tháp Eiffel với niềm mong đợi tột cùng.Đoàn lên tới tầng cao nhất của Tháp cao tới gần 300 mét.

Tháp EIFFEL cao 320 mét được xây dựng vào năm 1889, làm toàn bằng sắt, do kỹ sư Eiffel kiến trúc, để kỷ niệm cho cuộc hội chợ lớn tại Paris. Tháp này nặng 8090 tấn, có 1792 bậc lên.

So sánh Tháp Eiffel với những tháp cao nhất trên thế giới.

1. Tháp CN Tower Toronto Canada cao 553m.

2. Ostankino Tower Moscow cao 540m

3. Sears Tower Chicago USA cao 476m

4. Twin Tower New York USA cao 448m

5. Empire State Building New York USA cao 443m

6. Tokyo Tower Japan cao 333m

7. Eiffel Tower France cao 320m

8. Sydney Tower Australia cao 308m

9. Transco Tower Houston USA cao 277m

10. Donauturm Holland cao 252m

Sau 33 ngày đêm Hành Hương Hành Trình Niềm Tin theo với 33 năm hoạt động của Chúa Giêsu, Đoàn Hành Trình Niềm Tin trở về Hoa Kỳ USA Los Angeles, để cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Hiền Maria cho những chuỗi ngày xa quê hương Việt Nam, nhưng được hưởng sự tư do an bình.Giờ đây,mọi người đã về với gia đình, nhưng hồng ân và tình thương của Chúa, của Mẹ Hiền Maria, và tình thương đại gia đình hành hương vẫn còn trào dâng trong mỗi trái tim, để cùng nhau sống và thắp sáng Niêm Tin trong cuộc sống, và chia sẻ Tin Yêu cho mọi người, với những hồng ân đã lãnh nhận.

TẠ ƠN CHÚA,

TẠ ƠN MẸ HIỀN MARIA,

CÁM ƠN MỌI NGƯỜI.

TẤT CẢ LÀ TẠ ƠN.

Linh Mục Paul Văn Chi.

HÀNH HƯƠNG HÀNH TRÌNH NIỀM TIN 2009.