Cải đạo là một quyền và Giáo Hội Ấn Độ muốn phục vụ người dân

Mumbai (AsiaNews) - "Chúng tôi chỉ muốn phục vụ, để làm những gì Chúa Giêsu dạy bảo chúng tôi, sống Tám Mối Phúc Thật, yêu thương và phục vụ tất cả mọi người và làm cho thế giới thành một nơi tốt hơn."

Trên đây là phát biểu của Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục của Mumbai, khi kết thúc Đại Hội Truyền giáo lần thứ Nhất của Giáo Hội Ấn Độ: họ được sự ủy nhiệm của hơn 18 triệu giáo dân Công Giáo Ấn Độ và một sứ điệp canh tân tình huynh đệ đến với "anh chị em của các tôn giáo khác". Nhưng họ cũng đòi hỏi quyền tự do tôn giáo vốn bao gồm cả việc trở lại đạo, trong một thế giới như ở Ấn Độ, nơi mà những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo xem mọi thay đổi của tôn giáo như là "việc gia nhập đảng phái".

Sau bốn ngày làm việc, mà đỉnh cao là việc cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo hôm Chúa Nhật 18 tháng Mười, Đại Hội Truyền Giáo đã kết thúc. Phát biểu trước 1.500 tham dự viên, Đức Hồng Y của Mumbai cho hay: "Đó không chỉ là một buổi hội thảo, một khóa đào tạo hoặc một hội nghị", nhưng là một sự kiện "làm cho chúng ta trở về nhà với thúc bách làm chứng và được thay đổi bởi Chúa Giêsu".

Các đại biểu của 160 giáo phận của Ấn Độ tham gia vào những khoảnh khắc chung của cầu nguyện và suy ngẫm, tổ chức các phiên họp theo nhóm được chia theo những lĩnh vực hoặc phạm vi hoạt động "trải qua bốn ngày với sự hiện diện của Chúa và nghe câu chuyện của Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội tại Ấn Độ".

Đức Hồng Y khẳng định: "Giáo Hội không phải là một đảng chính trị, nên không tìm kiếm quyền lực và uy tín, hoặc nhằm gia tăng số lượng các tín hữu để phát huy ảnh hưởng hơn nữa". Chủ đề của Đại hội "Hãy Để Ánh Sáng Chiếu Soi" là một lời mời gọi để trở nên "ngày càng giống Chúa Kitô", "trở thành sứ giả của Chúa Giêsu, bản thân chúng ta trở thành sứ điệp bằng đời sống của chúng ta".

Trong những ngày ở Mumbai, chủ đề trở lại đạo (cải đạo) thường được nhấn mạnh đến trong những bài thuyết trình và những lời chứng của giáo dân và các linh mục, việc trở lại đạo cá nhân của mỗi tín hữu và thậm chí trước những người không Kitô hữu. Vào ngày cuối cùng của Đại Hội, Đức Hồng y Gracias cũng muốn nói đến "nỗi khiếp sợ về cải đạo" vốn lơ lửng đe dọa trong xã hội Ấn Độ, một vấn đề mà Đại Hội đã không có ý định nói đến một cách cụ thể.

Đối với các "Chính phủ của những bang muốn đưa ra Luật chống cải đạo", Đức Tổng Giám Mục của Mumbai cho hay rằng "ép buộc cải đạo", mà thường đổ lỗi cho Kitô giáo, "là vô nghĩa" đối với Giáo Hội. Không chỉ bởi vì "các tài liệu của Công đồng Vatican nói một cách rõ ràng chống lại chúng, mà còn chủ yếu là do "trở lại Kitô giáo trước hết là biến đổi tâm hồn". Đức Hồng y cũng lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên mà "Giáo Hội đặt một thời gian dài cho việc học giáo lý để trắc nghiệm mức độ chân thành của những người tìm kiếm Bí tích Rửa Tội".

Đức Hồng y Gracias khẳng định rằng tự do tôn giáo và việc cải đạo là "một quyền con người, một quyền thiêng liêng trong Hiến Pháp của chúng ta". Ngài nói thêm: "Không có thẩm quyền dân sự nào có quyền thâm nhập vào ngôi đền lương tâm của mỗi con người đơn lẻ, hãy để mỗi con người một mình quyết định những gì lương tâm lên tiếng. Không có chính phủ nào có thể bước vào tâm trí tôi và ngăn chặn lương tâm tôi mà nói rằng 'anh không thể thay đổi tôn giáo của mình'".

Sau đó Đức Hồng y nói đến Giáo Hội tại Orissa, phát biểu với Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục của Cuttack-Bhubaneshwar, ngài cho hay: "Chúng tôi ở cùng anh em, Giáo Hội tại Ấn Độ ở cùng anh em. Chúng tôi tìm thấy nguồn cảm hứng thật sự trong các sự kiện tử đạo của anh chị em... Đối với những người thống trị của Orissa, và không chỉ mình họ, chúng ta cần nói: đừng bao giờ quên tránh nhiệm hiến pháp của quý ông là để bảo vệ người thiểu số: Kitô giáo, Hồi giáo và ngay cả Ấn giáo khi họ là thiểu số. Đó là trách nhiệm và lý do tại sao quý ông được đắc cử".