Vatican (VIS) – Sáng hôm 26/10/2009, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các thành viên của Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Học viện. Học viện này được Đức Giáo Hoàng Piô X thành lập ngày 09/05/1909.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chào mừng Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, và bày tỏ lòng biết ơn của ngài đối với Cha Adolfo Nicolas Pachon S.J., Bề trên Tổng Quyền Dòng Tên. Ngài cho hay các tu sĩ Dòng Tên "đã có những nỗ lực hết sức to lớn, đầu tư tài chính và nhân lực vào việc điều hành Khoa Đông Phương Cổ Đại, Khoa Kinh Thánh ở học viện tại Rôma và văn phòng của Học Viện ở Giêrusalem". Ngài cũng dành sự chào đón của mình đối với Hiệu trưởng, các giáo sư và sinh viên của Giáo Hoàng Học Viện Kinh Thánh.

Đức Thánh Cha đưa ra lời huấn dụ thêm: "Lễ kỷ niệm bách chu niên này thể hiện một mục tiêu và đồng thời là một khởi điểm. Được làm phong phú nhờ kinh nghiệm của quá khứ, chư huynh đệ tiếp tục cuộc hành trình của mình bằng lòng nhiệt thành canh tân, nhận thức được sự phục vụ cho Giáo Hội mà Giáo Hội đòi hỏi: đó là đưa Kinh Thánh vào đời sống Dân Chúa để họ có thể biết làm thế nào đối mặt với những thách đố chưa từng có mà thời hiện đại đặt ra cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Hy vọng sẻ chia của chúng ta, trong thế giới tục hóa này, là Thánh Kinh không chỉ có thể trở thành trung tâm của thần học mà còn là nguồn lực cho tu đức và là sức sống của đức tin giữa tất cả những người tin vào Chúa Kitô".

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa của Công đồng chung Vatican II ("Dei Verbum") đã nêu bật "tính hợp pháp và tầm quan trọng của phương pháp phê bình lịch sử, trong đó xác định ba yếu tố quan trọng: sự quan tâm đến thể loại văn học, nghiên cứu về bối cảnh lịch sử; và xem xét đến những gì thường được gọi là 'Sitz im Leben' (bối cảnh sinh sống)... Bản văn của công đồng cũng cho biết thêm một phương pháp luận biểu thị khác cho rằng Kinh Thánh là điều duy nhất bắt nguồn từ một Dân Chúa, vốn đã mang nó xuyên suốt lịch sử, tiếp sau là việc đọc Kinh Thánh như là một thể thống nhất có nghĩa là đọc Kinh Thánh trên nền tảng của Giáo Hội,... và duy trì đức tin trong Giáo Hội như là chìa khóa đích thực để giải thích Kinh Thánh.

Đức Thánh Cha đi đến kết luận: "Nếu khoa chú giải Kinh Thánh cũng mong muốn là thần học, thì nó phải công nhận đức tin của Giáo Hội là hình thức 'đồng cảm', không có điều này Kinh Thánh vẫn còn là một cuốn sách đóng kín. Truyền Thống không đóng kín cách tiếp cận Kinh Thánh, nhưng là mở ra cho nó. Hơn nữa, Giáo Hội, trong cách tổ chức của mình, đã diễn tả quyết tâm giải thích Kinh Thánh. Thực vậy, Giáo Hội vốn được trao phó công việc giải thích một cách chân thực Lời Chúa bằng văn tự và thông truyền, thực thi quyền bính của mình nhân danh Chúa Giêsu Kitô".