Phỏng vấn bà Catherine Horel về tình hình các quốc gia miền Trung Âu châu, 20 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ

Cách đây đúng 20 năm ngày 9-11-1989, bức tường Berlin đã sụp đổ chấm dứt cảnh chia cắt Đông Tây.

Bình luận về biến cố này Đức Hồng Y Angelo Sodano nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho rằng thật là điều đúng đắn khi kỷ niệm biến cố ấy. Hồi ấy một biểu tượng chia rẽ Âu châu sụp đổ, nhưng tại vùng Trung Âu châu cũng bắt đầu sụp đổ chế độ cộng sản đã được áp đặt bằng vũ lực trên các dân tộc vùng này. Đó đã là chiến thắng của sự tự do của các dân tộc. Và đó đã là điều Đức Gioan Phaolô II nói lên khi viếng thăm Berlin hồi năm 1996. Đứng trước bức tường Berlin và cổng Brandenburg ngài đã nói: ”Cửa Brandenburg đã trở thành cửa của sự tự do”.

Nhiều người đã thừa nhận sự đóng góp không nhỏ của Đức Gioan Phaolô II cho việc tìm lại được sự tự do ấy. Hồi năm 1992 tổng thống Gorbaciov đã nói như sau: “Ngày nay chúng ta có thể nói rằng tất cả những gì đã xảy ra tại Đông Âu trong các năm qua đã không thể xảy ra được, nếu không có sự hiện diện của vị Giáo Hoàng này, nếu không có vai trò kể cả vai trò chính trị mà người đã biết nắm giữ trên trường quốc tế”.

Đức Hồng Y Sodano khẳng định rằng biến cố xảy ra cách đây 20 năm đã mở ra một Âu châu mới cần được xây dựng trên các giá trị tinh thần với sự cộng tác của tất cả mọi Kitô hữu để xây dựng một Âu châu tinh thần. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cầm lấy ngọn cờ của các giá trị tinh thần mà vị tiền nhiệm đã giơ cao trên Âu châu và tiếp tục sứ mệnh của người là nhắc nhớ cho các Kitô hữu Âu châu và mọi người thiện chí biết sự cần thiết trao ban cho sự hiệp nhất Âu châu một nền tảng vững chắc.

Tuy con đường hiệp nhất Âu châu còn dài, nhưng nhờ ơn Chúa chúng ta có thể bước đi nhanh hơn trong bầu khí tự do hiện nay cũng như trong ý chí cộng tác. Nhưng rất tiếc tảng đá duy đời đã rơi trên con đường ấy. Cần phải cấp bách di rời nó đi để mọi dân tộc Âu châu có thể tiến bước tới sự hòa hợp.

Việc tách biệt lãnh vực chính trị và tôn giáo là nguyên tắc có giá trị nhưng nó không gồm việc không biết đến sự kiện tôn giáo và ngăn cản mọi hình thức công cộng đáng kể của lòng tin. Hôm qua tại Đông Âu đã có một chủ nghĩa chính quyền vô thần được thiết lập. Ngày nay Đông Âu có nguy cơ hướng tới một chủ nghĩa chính quyền duy đời. Trong cả hai trường hợp nhà nước đều hướng tới chỗ không biết các quyền căn bản của các công dân của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Catherine Horel giảng sư tại các đại học Paris, Vienne và Louvain về các quốc gia vùng Trung Âu châu. Bà mới cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Âu châu này mà người ta gọi là miền Trung” để đánh tan biết bao nhiêu hiểu lầm liên quan tới 7 quốc gia trong vùng là Ba Lan, Cộng hòa Tchèques, Slovacchia, Áo, Hungaria, Slovenia và Croatia.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ gì về sự kiện trong 50 năm trời thế giới Tây phương gọi các nước thuộc khối cộng sản là Đông Âu?

Đáp: Vâng, trong 50 năm các nước Tây phương vẫn quen gọi các quốc gia thuộc khối cộng sản là Đông Âu. Nhưng trong cái Đông Âu mơ hồ đó thì vùng Trung Âu bị chết chìm. Chỉ hiện nay mới có thể tái khám phá ra một cách toàn vẹn tất cả các tương đồng không phải chỉ trên bình diện văn hóa nối liền các quốc gia đã làm thành đế quốc Hasburgo với nhau. Với việc sát nhập vào Liên Hiệp Âu châu chúng thật sự trở thành miền Trung Âu châu, cho dù vẫn còn có bức tường thờ ơ của dân chúng Tây phương.

Hỏi: Thưa giáo sư, có thể nói rằng ách thống trị của Liên Xô đã là một mưu sát toàn vùng này hay không?

Đáp: Vâng, đúng thế, vì sự toàn cầu hóa liên xô đã tìm phá hủy miền Trung Âu châu. Tất cả các yếu tố trong căn tính của nó đã bị các chế độ cộng sản chối bỏ, lấy cớ là các chuyên biệt văn hóa là phản cách mạng, trưởng giả và tôn giáo. Ý thức hệ cộng sản cho rằng đa số các nét chuyên biệt ấy phát xuất từ đế quốc Hasburgo và là điều tuyệt đối xấu xa. Các liên lạc với chính quyền Áo và chính quyền Đức đều đã bị cắt đứt.

Hỏi: Thưa giáo sư Đông Âu có sống còn trong tưởng tượng của người dân Tây phương hay không?

Đáp: Phong trào du lịch đông đảo đã đặc biệt tràn vào thủ đô Praha và thủ đô Budapest, và nó cũng đang thay đổi tâm thức của người dân, mặc dù có sự đồng nhất trong các đề nghị lưu hành bên trong các xã hội này. Nhưng không phải mọi người dân Tây phương đều đi du lịch. Nhưng cũng đúng thật là bên cạnh các mẫu cố định của một Đông Âu như là một vùng xa lạ với Âu châu, cũng có các mẫu cố định mới xuất hiện. Đặc biệt là mẫu cố định tự động coi tất cả các nước Trung Âu như là các nước tội phạm mafia, buôn bán ma túy, mại dâm, và là sắc tộc Rom.

Hỏi: Trong các nền văn chương của vùng này người ta hay gặp đề tài ”tử đạo”. Nó có thật sự là một nét nổi bật thuộc căn tính của miền Trung Âu châu không thưa giáo sư?

Đáp: Thật ra tử đạo là một đề tài cổ điển của vùng Trung Âu châu, là vùng đã luôn luôn bị bao vây bởi các cường quốc lớn. Vì không thể cử hành các chiến thắng, kết cục là nhiều quốc gia đã cử hành các chiến bại. Nỗi bất hạnh và các danh sách tử đạo đã được sát nhập vào căn tính quốc gia. Đây là một vấn đề thực sự, vì cho tới nay các xã hội này đã gặp khó khăn trong việc tưởng tượng ra cho mình một vai trò tích cực và thành công.

Trong một nghĩa nào đó đây là phản đề tuyệt đối so với các quốc gia như Pháp chẳng hạn. Từ năm 1989 đã có một sự biến chuyển khổng lồ, nhất là tại Ba Lan, Hungaria và Cộng Hòa Tchèques. Các giới lãnh đạo mới đã vượt qua sự tưởng tượng truyền thống tiêu cực, và tìm cách trở thành những người chiến thắng sự chuyển tiếp dân chủ.

Hỏi: Như thế 20 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ việc tìm kiếm một căn tính mới vẫn tiếp tục, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Sức nặng của lịch sử vẫn còn đó. Nhưng có một thế hệ mới đang chuẩn bị xây dựng tương lai. Những người đang trưởng thành đều sinh ra sau năm 1989. Một phần của hàng lãnh đạo muốn sang trang, cả khi có các nhóm lãnh đạo cũ tìm cách bám víu vào quyền bính. Đồng thời cũng không thiếu các người chủ trương khuynh hướng duy quốc gia. Chính vì thế nên có lẽ còn qúa sớm để có thể nói tới sự chín mùi của nền dân chủ.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại Praha Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc nhớ rằng khuôn mẫu lịch sử chung của vùng này là khuôn mẫu Kitô. Gia tài này hiện nay ra sao rồi?

Đáp: Các người dân của đế quốc Hasburgo đã có thói quen đối chọi các tôn giáo với nhau. Vì thế đây là một truyền thống Kitô có tính cách khoan nhượng. Tín hữu công giáo chiếm đa số sống chung với các tín hữu tin lành, chính thống hy lạp, và các anh chị em đã trở về hiệp nhất với Giáo Hội công giáo, cũng như tín hữu do thái theo nhiều hệ phái khác nhau. Ý thức về tôn giáo đã rất là mạnh. Và không phải vô tình mà các thống kê duy nhất đáng tin cậy là các thống kê tôn giáo. Trong khi các thống kê có tính cách quốc gia và ngôn ngữ thì thường không đúng. Sau năm 1918 với một sự đồng nhất hóa quốc gia, sự khoan nhượng biến thành sự thờ ơ đối với các người khác. Thế rồi chế độ cộng sản đã vô thần hóa hay vô Kitô hóa một phần rộng lớn của vùng Trung Âu châu này.

Hỏi: Ngày nay người ta có thừa nhận sự nghèo nàn tinh thần đó hay không thưa giáo sư?

Đáp: Càng ngày người ta càng thừa nhận sự nghèo nàn tinh thần này. Người ta thừa nhận rằng sự đô hộ của Liên Xô đã san bằng và khiến cho tất cả đi xuống thấp, nhất là trong lương tâm con người hơn là trong lãnh vực kinh tế. Nếu Công giáo Ba Lan đã có thể chống trả được, thì tại các nơi khác các hậu qủa tàn hại hơn nhiều.

Hỏi: Sau nỗi vui mừng hồi năm 1989 khi bức tường Berlin sup đổ và người đân Đông Âu tìm lại được sự tự do, sự tự do có là gía trị hướng dẫn cuộc sống của các quốc gia vùng Trung Âu châu không thưa giáo sư?

Đáp: Nó vẫn là một giá trị rất quan trọng, đặc biệt đối với những người biết các chế độ độc tài cộng sản. Cả khi người ta không muốn nhắc đến qúa khứ đó nữa. Giới trẻ ngày nay nhậy cảm đối với sự tự do quyết tâm làm ăn và du hành.

Hỏi: ”Sự thật sẽ thắng” đó là câu viết trên lâu đài Praha. Khẩu hiệu này có còn thời sự không thưa giáo sư?

Đáp: Đà tiến của sự thật hồi năm 1989 đã tập trung nơi các gương mặt lớn của chính quyền. Nhưng rồi khi việc tìm kiếm sự thật gõ cửa nhà của các công dân đơn sơ, thì nó đã tạo ra các xung khắc bất tận và đã tàn phá nhiều gia đình. Cũng vì thế mặc dù có thể tra cứu các văn khố, nhưng có một tâm tình hai mặt thống trị: Người ta muốn biết sự thật, nhưng lại sợ hãi khám phá nó.

(Avvenire 6-11-2009 RG 9-11-2009)