Cảnh phiêu bạt của các cha xứ

Năm 1949, lúc tôi về Nam Định, cảnh tượng tiêu điều. Đến các xứ, cảnh tượng chẳng hơn gì. Lúc ban đầu, tôi chưa dám ra khỏi thành phố và đi xa quá bảy cây số.

Xứ gần Nam Định nhất là Phú ốc. Tôi bạo dạn đạp xe lên đó. Nhà thờ vẫn còn nguyên, nhưng vẻ hiu quạnh. Làng xóm không rào, tuy có bốt và súng ở tháp chuông. Nơi đó gần thành phố, ở lọt vào giữa những bốt lớn của quân đội Pháp, như Lê Xá, Trình Xuyên, Nam Định, nên việc bảo vệ không cần đồn bốt kiên cố. Có súng, nhưng chỉ là lấy lệ, không biết có bắn nhau bao giờ không.

Cha già Quảng vừa mới đi sơ tán về. Một cụ già quắc thước và như ta biết và do bà con nói thì ngài rất khó tính, quá nghiêm khắc. Do đó dân làng Phú ốc trở thành rất kính cẩn, khép nép, hiền lành mà cả thế kỷ với những cuộc biến động long trời lở đất cũng không làm họ thay đổi. Tôi đến thăm cha. Ngài tiếp tôi vui vẻ, mặc dù tôi là linh mục trẻ. Mời tôi ở lại ăn cơm với ngài. Bên cạnh giường ngài có một bài thơ nói về người trượng phu. ý ngài cũng muốn sống như một nhà trượng phu. (Thỉnh thoảng tôi lên thăm ngài).

Còn cái xứ Ba Trại, cách Nam Định bảy cây số, tôi chưa dám đến. Nghe nói cha Nhượng làm nơi đó thành đồn luỹ rất kiên cố. Cha Nhượng học trên tôi một lớp. Lúc nào cũng đứng đầu sổ. Cha là con cha Hoàn. Khi cha Hoàn ở Nam Định, gia đình ông Đinh Lưu Nhàn rất thân thiết với cha, coi mình như con của cha. Bởi đó, cha Nhượng cũng trở nên như anh em với gia đình đó, đến nỗi bà giáo Nhàn muốn đổi cả tên họ của cha, gọi là Đinh Lưu Nhượng. Mỗi lần tôi ra thăm gia đình bà, là thế nào cũng nói đến cha Nhượng. Một hôm, tin gở cũng từ đó phát ra: “Cha Nhượng đi từ Nam Định về Ba Trại, không “et-cooc” (hộ vệ), trên con đường đê uốn khúc, du kích đã bắt ngài, và đưa đi đâu biệt tích từ đó”.

Dân Ba Trại rất thương tiếc ngài, vì là cha xứ, ngoài việc nhà thờ, ngài còn lo cho dân chúng được sống an ninh, bằng cách lập bốt, nhưng nhất là ngài chăm lo cho đời sống kinh tế, vì nơi này rất nghèo. Ngài cho mở lò gạch, gạch lát nhà thờ, lát sân là do công lao của ngài. Lo dạy nghề cho dân chúng, nghề dệt vải, ngài thuê thày dạy. Bà Quân sau khi ngài bị mất tích, vẫn ở Ba Trại đến nửa thế kỷ nữa, làm việc nhà thờ nhà xứ lúc vắng cha xứ. Xứ Ba Trại còn tồn tại, phần lớn nhờ bà này giữ gìn.

Cha kế tiếp cha Nhượng là cha Điển, cũng là một cha rất giỏi giang, đang làm phó xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Mới được mấy tháng cha bị nạn: Bốt chỉ huy đóng ở chái mặc áo nhà thờ, có gác. Một tên nội công người làng Ba Trại, mở cửa nhà thờ cho du kích đột nhập. Cha Điển vừa mở cửa chái mặc áo ra cung thánh nhà thờ, một quả lựu đạn nổ, làm cha mất hai mắt, và chú Thuận (sau này là Trương Linh, giáo sư dạy sử ở Sài Gòn) mất một mắt.

Tôi làm các phép sau hết cho cha, khi người ta đưa cha xuống Viện Quân Y ở Nhà máy Dệt Nam Định. Cha bị mù hẳn.

Sau đó cha lên Hà Nội, các Sư Huynh trường Puginier mời cha đến làm tuyên uý. Cha ở đó làm lễ cho nhà trường, rồi khi nhà trường di cư vào Nam, cha đi theo và sau nhiều năm, cha qua đời trong đó.

Một xứ khác ở mạn Tây, cách Nam Định bảy cây số trên con đường đi Ninh Bình - xứ Trình Xuyên, mẹ đẻ của xứ Nam Định, lúc Nam Định chỉ là một họ giáo thuộc Trình Xuyên, hồi thế kỷ 19. Nhà thờ nhà xứ bị quân đội Pháp chiếm đóng. Cha xứ không còn chỗ nương náu, phải ra Nam Định. Ngài là cha xứ đầu tiên thuộc địa phận Hà Nội “dinh tê: entrer” (nhập) Nam Định. Tính tình vui vẻ, một phần nhờ chén rượu, lúc nào cũng làm ngài đỏ mặt. Mặc cho quân đội Pháp chiếm đóng nhà thờ, làm mọi việc trong đó, kể cả bếp núc. Cung thánh đen nhẻm vì khói bếp!

Còn các linh mục khác lục tục kéo về Nam Định. Cha Hoá xứ Đồng Chuối, cha Thăng xứ Kẻ Sông. Cha Chính Tịnh Bói Kênh, đã chạy lên phía Hà Nội từ lâu. Cha Đỗ Diệu Kỳ xứ Đào Duyên (Đống Đất), cha người lùn nhất Địa phận, tiếng to, võ giỏi, chạy nhanh. Người bé thường hay huyênh hoang. Bốt của ngài không biết to tát thế nào, nhưng có súng bazôka, một khí giới hạng nặng, một thứ đại bác bắn gần. Thỉnh thoảng ngài xuống Nam Định xin nhà binh cung cấp mấy hòm đạn bazôka, và theo ngài diễn tả, những trận thắng của ngài thật oanh liệt. Mặc dù có bốt của Pháp đóng ở núi Yên L•o, ngài cũng không trụ ở Đào Duyên được lâu, phải xuống Nam Định.

Cha già Nến, xứ Khoan Vỹ, con người điềm đạm, trầm tĩnh và kiên gan, có tư cách xứng đáng làm xếp bốt. Ngài đã chứng tỏ điều ấy, và khi người bị bao vây trong nhà thờ, nằm trên trần, nhất định không xuống, cho đến khi họ toan đem mồi lửa đốt nhà thờ, ngài mới chịu ra hàng để chúng trói điệu ngài đi. Đêm đến họ giam ngài vào một ngôi chùa. Thế mà rồi làm thế nào lại thoát tay họ. Ông già một mình an toàn chạy về nghỉ ngơi ở nhà xứ Nam Định, cùng với một số cha già khác.

Như cha già Thính, không chính trị, không quân sự, thế mà nhà thờ Vĩnh Đà cũng bị Việt Minh thiêu rụi, chỉ còn cây tháp. Xuống Nam Định, ngài lân la làm quen với các cha Tây Ban Nha ở Chủng Viện Khoái Đồng và học được mấy tiếng Tây Ban Nha.

Rồi đến lượt cha Dương, cha Lễ xứ Đại Lại cũng về Nam Định. Cha Lễ trá hình làm khách đi buôn. Lúc ngồi hàng nước, ngài vén quần cao, khách ngồi bên cạnh nói: “Bác này ống chân trắng thế?”. Cha Lễ nhanh trí vội vàng nói văng tục mấy câu, để đánh lạc người khác khỏi nghĩ mình là ông nọ ông kia, chứ không phải nông dân.

Nhóm các cha già quây quần trong xứ trở thành vui. Cha Lễ rất nhiều tài. ở xứ ngài cho đốt lò gạch làm giầu. Bây giờ ngài làm thợ may, ai mặc áo gì, ngài mượn làm mẫu rồi may đúng thợ. Tôi có chiếc donilette, ngài xin mượn; mấy hôm sau ngài cho tôi chiếc donilette mới ngài may. Tài làm thuốc nữa, nhất là thuốc hen xuyễn. Cha già Thuỳ ở bên nói: “Còn tôi?”. Vì cha già Thuỳ mắc bệnh đó lâu năm rồi. Cha Lễ trả lời: “Tại cha già không uống đủ thuốc”. Dù sao khách đến lấy thuốc rất đông. Tiền nong không biết được bao nhiêu, song luôn luôn, lúc người này tặng két bia, người kia cả két rượu sâm banh. Có lẽ cũng nhiều người khỏi. Xem ra có cả người ngoại quốc cũng lấy thuốc, nhất là mấy bà sơ người Pháp ở Hà Nội.

Song cái tài làm vui mọi người hơn cả, là ngài làm gỏi rất ngon, thỉnh thoảng tôi được ngài gọi đến chia vui. Cả món ốc luộc, ngài làm cũng khéo. Cũng là những giây phút giải sầu cho các vị đang “thất cơ lỡ vận”, để lại nhà xứ tan hoang để đến ru rú ở một góc buồng hẹp hòi trong nhà xứ Nam Định.

Ở nhà xứ Nam Định, lòng lúc nào cũng hướng về xứ của mình, lắng nghe từng tin tức. Lúc này ở hai vùng khác nhau, xem ra còn xa hơn ở ngoại quốc với nhà. Đôi khi có những tin tức làm bực mình. Cha Lễ bỏ Đại Lại. Cha Hạnh đang “chu du” khắp Địa phận, sang cả Bùi Chu, nay dừng chân Đại Lại. Nghe biết cha Lễ có ngâm một số gỗ lim ở ao, cha Hạnh cho vớt một ít lên, làm cổng nhà xứ. Nghe tin, cha Lễ “uất lên” mất cả tính người, chỉ muốn tự tử!