HÃY RA KHỎI NHỮNG THÀNH KIẾN

Giáo Hội mới mừng lễ thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại Đạo. Người đã xưng danh là Chúa “biệt riêng từ trong lòng mẹ” để trở thành thầy dạy dân ngoại.

Sứ mệnh của thánh Phaolô đã cho chúng ta một đức tin. Một đức tin, một phép rửa để chúng ta được sát nhập làm con cái của Chúa, làm dân riêng thế hệ mới và đạt tới ơn cứu độ. Điều này đối với một truyền thống của dân Do Thái thì ngay trong các tông đồ hồi đầu vẫn còn rất khó vượt qua. Bởi vì các ngài được lệnh truyền thứ nhất là loan truyền ơn cứu độ cho các chiên lạc nhà Israel. Những người Do Thái vẫn coi dân ngoại là những người ngoài, và vì thế, ơn cứu độ cũng như Đấng Mêsia phải đến với dân tộc Do Thái trước. Một lối suy nghĩ ấy cộng với phong tục địa phương trở nên một bức tường sắt khiến cho người ta không nhận ra Giêsu Kitô mà chỉ nhận ra một Giêsu Nazareth.

Đức Giêsu không đến để huỷ bỏ lề luật nhưng để kiện toàn, Ngài đã chứng minh cho người dân Israel biết rằng Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho muôn dân. Ngài đã đan cử ngay trong thời Cựu Ước hai người dân ngoại như là đối tượng của lòng thương xót và ân huệ của ơn cứu độ:

- Người thứ nhất là bà goá thành Sarepta thời tiên tri Elia Khi mà trời bị hạn hán suốt ba năm sáu tháng do tội của con người gây nên, dân đói đến mức, khi tiên tri Elia gặp bà góa thành Sarepta, bà góa này có một chút dầu đựng trong bình và có một chút bột đựng trong giỏ. Tiên tri bảo bà góa hãy làm cho ông một chiếc bánh để ăn. Người đàn bà nói: “Thú thật với ngài, tôi chỉ còn một chút bột đủ để làm một chiếc bánh. Tôi đang kiếm vài que củi khô để làm chiếc bánh cuối cùng cho hai mẹ con tôi ăn đây, rồi chết thôi.” Elia nói: “Mặc dầu vậy bà cứ làm cho tôi trước vì Lời Chúa phán rằng: ‘Vò dầu sẽ không cạn và hũ bột sẽ không vơi’”. Người đàn bà này đã làm theo lời tiên tri Elia và quả nhiên từ đó hũ dầu, giỏ bột của bà đã không vơi và được cứu khỏi hạn hán ba năm(x. 1V 17, 7 - 15). Chúa Giêsu đã nói với những người Do Thái: Thiếu gì những bà góa thời đó nhưng tiên tri Elia đã được sai đến với bà góa thành Sarepta là một người ngoại.

- Người thứ hai là Naaman người Syria. Thiếu gì những người phong cùi của Israel thời ấy. Nhưng người được chữa là tướng Nahaman - một người dân ngoại. Do một người nhà của ông đã giới thiệu rằng bên Israel có người của Thiên Chúa chữa được bệnh phong cùi. Naaman đã cất công đến Israel và tiên tri Elisêô đã bảo ông hãy xuống sông Jordan tắm bảy lần. Ban đầu tướng Nahaman tự ái, tuyên bố rằng: “Những con sông Sirya lại chẳng trong lành hơn hay sao? Ta tưởng người của Thiên Chúa đặt tay chữa lành ta làm sao, chứ xuống sông tắm thì ta nhất định không!” Phải có lời khuyên kiên nhẫn của gia nhân ông mới chấp nhận xuống sông tắm bảy lần và khi lên khỏi giòng sông thì phong cùi được sạch hết, da dẻ tươi tắn hồng hào trở lại. Ông kính phục tới nỗi đã xin hai xe đất của dân Do Thái đưa về Sirya để tôn thờ. Bởi vì mảnh đất linh thiêng có người của Thiên Chúa đã chữa ông khỏi bệnh phong. (x. 2V 5, 1 – 17)

Với những bằng chứng rõ ràng của Cựu Ước, Chúa Giêsu mở cho thấy những người Do Thái biết ơn cứu độ của Chúa là ơn dành cho muôn dân. Không phải vì định kiến, không phải vì ích kỷ mà bó khung trong nhà của dân Do Thái. Nhất là những người Do Thái này lại buộc chặt Chúa Giêsu trong Nazareth. Sau này chúng ta cũng thấy Nathanael tức là Batolomeo cũng còn mang quan niệm đó: “Nazareth có cái gì tốt đâu?” (Ga 1, 46). Và vì nhìn như thế nên họ không nhận ra Chúa Giêsu Kitô. Đó chính là cái nhìn cần được giải thoát. Chúa đến là để giải thoát những kẻ bị giam cầm và định kiến cũng chính là một cách cầm tù. Những người bảo lưu ý kiến của mình, hãy ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình, hãy ra khỏi những định kiến tại quê hương xứ sở là tâm hồn mình để đón nhận Nước Trời, mang một chiều kích không gian vô biên giới và thời gian đến vô cùng vô tận. Có như vậy thì người ta mới nhận ra một sứ điệp Tin Mừng được Chúa loan báo rằng “Nước Trời đã gần đến” (Mt 4, 17). Nước Trời gần đến nhưng không vượt qua được lòng ích kỷ của con người. Bởi vậy người nào cố tình giữ lại biên giới của ích kỷ thì người đó sẽ không thể đón nhận Nước Trời. Những người Do Thái cố chấp, những người nhìn Chúa Giêsu bằng lăng kính của định kiến quê hương và họ đã đưa Chúa Giêsu lên ngọn đồi và định xô Ngài xuống vực vì đồi Sion được xây dựng Đền Giêrusalem, bởi vậy đưa lên nóc đền hay đưa lên đỉnh đồi Sion để xô xuống vực thì đó cũng là một án tử mà thôi. Họ đã định làm như vậy với Chúa Giêsu vì họ đã bị kết án trước, cho nên họ muốn lấy án tử để kết án lại Chúa Giêsu.

Con người cố tình đối chọi với Thiên Chúa. Đức Giêsu tuyên bố “Không tiên tri nào được trọng nơi quê hương mình” (Lc 4, 24). Ngài không xử theo cách ích kỷ của con người, Ngài chỉ tuyên bố cho họ biết là họ hãy ra khỏi những định kiến, hãy ra khỏi những bảo thủ để đón nhận hồng ân Nước Chúa. Vì vậy Chúa không làm phép lạ không phải vì Chúa tiếc lòng thương xót, cũng không phải quyền năng của Chúa bị hạn chế do điều kiên của con người tham gia. Chúa muốn cho mọi người thấy rõ Nước Trời chỉ ban phát cho những người mở rộng lòng trong yêu thương. Vì vậy, bất kể là Do Thái hay Dân ngoại, nô lệ hay tự do, người nam hay người nữ, những người có lòng tin vào Thiên Chúa, những người mở rộng lòng đón nhận Nước Trời họ đều nhận lãnh được những ơn trọng đại. Còn những người nào giữ lại cho mình những ý riêng và ích kỷ, những cái tôi của đầy mặc cảm, những con người đó không bao giờ đón nhận được nước Tình Yêu.

Lời Chúa hôm nay không chỉ đến với dân Do Thái nhưng còn đến với cả chúng ta nữa. Thời đại của chúng ta không thiếu những ích kỷ, không thiếu những bảo lưu ý kiến, không thiếu những cố chấp và không thiếu những độc tài. Con người luôn luôn độc tài, độc quyền và họ luôn luôn muốn biến mình là trung tâm của vũ trụ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, đã nói một câu hài hước mà rất sâu sắc tính triết lý: “Thế giới này đầy những người muốn lấy cái rốn làm trung tâm của vũ trụ”. Đó là một kiểu nói cho chúng thấy con người thời đại của chúng ta cũng cần ra khỏi cái rốn:

- Ra khỏi cái rốn của trung tâm vũ trụ để nhận biết có Thiên Chúa quyền năng;
- Ra khỏi cái rốn ích kỷ của mình để nhận thế giới là anh em;
- Ra khỏi cái rốn tự phụ tự kiêu tin tưởng chỉ có một mình mình mà xoá đi tất cả những giá trị của chân lý;
- Ra khỏi cái rốn là sự tham lam vật chất, bụng ăn bụng chịu mà đón nhận những giá trị của tinh thần thiêng liêng.

Lạy Chúa Giêsu,

Lời Chúa vẫn là lời cảnh báo
cho thời đại của chúng con trong thế kỷ 21
Lời Chúa vẫn là lời cảnh tỉnh
cho chúng con là những người mang đầy ích kỷ và định kiến.
Xin cho chúng con
ra khỏi cái tôi ích của mình,
ra khỏi hàng rào luỹ sắt
bao bọc bởi những thành kiến của mình
để chúng con đón nhận Nước vĩnh cửu yêu thương
và chân lý ngời sáng Chúa đã đem đến cho trần gian.
Xin cho chúng con
ra khỏi đoán xét để khỏi bị đoán xét,
ra khỏi kết án để khỏi bị kết án
nhưng với tất cả tấm lòng rộng mở,
chân thành khiêm tốn và rộng lòng để lắng nghe.
Chúng con nhận được Chúa đến với chúng con,
Chúa đem âm hưởng của Nước Trời,
Chúa đem hình ảnh của quyền năng
và Chúa đem hạnh phúc của vĩnh cửu đến cho chúng con. Amen.