Chương Trình Đào Tạo Tông Đồ Giáo Dân

Khóa 2.2003:


Dành cho giáo dân nồng cốt của Giáo xứ

Đề tài 1

Từ cộng đoàn Giáo hội đầu tiên

của Sách Tông đồ Công vụ


I. Mục đích

Giúp học viên khám phá nếp sống “lý tưởng” của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên trong Sách Tông đồ Công vụ và khơi lên trong họ lòng mộ mến, tâm tình ao ước noi gương bắt chước và làm sống lại cộng đoàn “mẫu” ấy trong nhóm hay hội đoàn tông đồ và trong giáo xứ ngày nay.

II. Tiếp cận vấn đề

1. Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên là Cộng đoàn các tín hữu quy tụ quanh các Tông đồ sau ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đọc hai đoạn Sách Tông Đồ Công Vụ nói về nếp sống của Cộng đoàn này (Cv 2, 42-47 và 4, 32-35) chúng ta khám phá được những điểm đặc gì của Cộng đoàn ấy?

2. Nhờ đâu mà Giáo hội từ khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ chịu nhiều khó khăn bắt bớ mà chỉ trong vòng một thế kỷ, đã có thể có mặt khắp vùng Địa Trung Hải?

3. Các nhóm hay hội đoàn tông đồ và các giáo xứ của chúng ta ngày nay có nên làm sống lại “những đặc điểm” của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên không? Vì sao?

III. Học hỏi

Khi Đức Giêsu còn sống giữa các môn đệ, đã có một số người thuộc mọi thành phần xã hội Do Thái thời bấy giờ đi theo Người. Sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại, một cộng đoàn những kẻ tin theo Chúa được hình thành tại Giêrusalem mà Sách Tông đồ Công vụ đã ghi lại tỷ mỷ nhiều chi tiết, nhất là trong hai đoạn Cv 2,42-47 và 4,32-35. Cộng đoàn này được coi là cộng đoàn “mẫu” vì là được hình thành ngay sau khi Thánh Thần xuống trên các Tông đồ và tín hữu. Hơn nữa lúc ấy các “kỷ niệm” của Chúa Giêsu còn nóng hổi trong tâm trí mọi người. Vì thế ngày càng có nhiều người, nhiều nhóm, nhiều cộng đoàn, nhiều giáo xứ muốn bắt chước và làm sống lại các đặc điểm mang tính “lý tưởng” của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên này:

1. Lắng nghe Lời Chúa:

* “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-47).

* “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.

Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu
” (Cv 4, 32-35).

2. Các đặc điểm của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên:

Dựa vào hai bản văn trên chúng ta thấy được các điểm nổi bật của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên. Đó là (a) chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, (b) siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng, (c) hiệp thông và đồng tâm nhất trí với nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau tận tình.

2.1 Cộng đoàn gắn bó chặt chẽ với các kỷ niệm về/của Chúa Giêsu Kitô (Cv 2,42)

Đức tin có được là nhờ người giảng dậy. Các Tông đồ là những chứng nhân “tai nghe mắt thấy” của Đức Kitô nay kể lại các việc Người đã làm, các lời Người đã dậy. Không chỉ có Nhóm Mười Hai mà còn có nhóm bẩy phó tế, thánh Phaolô và các bạn đồng hành. Tất cả đều dựa trên nền tảng “Cuộc sống, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”, từ đó rút ra những giáo huấn cho hoàn cảnh cụ thể. Do cuộc sống luôn biến đổi, nảy sinh những vấn đề mới, nên CĐ tín hữu luôn chuyên cần với giáo huấn các Tông đồ, nhờ đó tránh được sự dèm pha đe doạ, giữ vững đức tin. Bên cạnh các Tông đồ còn có các kỳ mục cộng tác với các ngài (15,2-23.16,4) và thay thế khi các ngài vắng mặt hay chết (20,17). Và ngoài các Tông đồ và các kỳ mục, các tín hữu bình thường khác cũng hăng hái làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh bằng cách tích cực nói về Người cho những người chưa biết Người.

2.2 Cộng đoàn chuyên cần với đời sống Phụng vụ, Bí tích và Cầu nguyện (Cv 2,42)

* Họ siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh (2,42) để nhớ lại Bữa ăn tối của Chúa Giêsu khi Người lập Phép Thánh Thể, để nhắc nhớ họ cùng chung một Thân Mình là Đức Kitô, và tạ ơn Thiên Chúa trong niềm hân hoan. Ngày thứ nhất trong tuần trở nên quan trọng vì là ngày kỷ niệm Chúa Kitô Phục sinh. Việc bẻ bánh và trao cho nhau ăn là một bữa ăn thánh phải cử hành trong nghiêm trang, thành kính (1 Cr 10,16) và sống trong hy vọng trông đợi ngày Chúa đến lại.

* Khác với tín đồ đạo Do Thái thường chỉ cầu nguyện trong đền thờ, các tín hữu Kitô đầu tiên cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh: sau khi Chúa lên trời (1,14), lúc chọn người mới (4 24-39), cầu cho các tông đồ phải ra trước Hội đồng, khi bị ném đá (9.40), cầu cho các Tông đồ đi truyền giáo (8,15; 12,12). Các Tông đồ cũng cầu nguyện trước khi rao giảng (6,4; 9,40), cầu nguyện cho các Cộng đoàn khác (8,15; 10,9) v.v. Có thể nói cầu nguyện luôn là việc đầu tiên trước mọi công việc của Cộng đoàn và không có cầu nguyện không có đời sống Giáo hội. Cách cầu nguyện có thể là tập thể (4, 24) nhưng thường khi một người cầu nguyện cho một sự kiện nào đó, sau đó tất cả Cộng đoàn đáp lại Amen như thánh Justinô (Thế kỷ thứ 2) gọi đó là kinh nguyện chung, thể hiện sự hiệp thông đồng lòng của cộng đoàn. Đây cũng là nét đặc trưng trong việc cầu nguyện của Kitô giáo.

2.3 Cộng đoàn hiệp thông, đồng tâm nhất trí và chia sẻ (Cv 2,42)

Đây là điểm hết sức đặc biệt của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên. Vì cùng tin vào Đức Kitô nên họ sống với nhau trong tình Bác ái Huynh đệ một cách đậm đà (20,35). Ai nấy đều đồng tâm nhất trí (4,32; 2,44; 6,1; 5,12; 15,25). Hơn nữa các tín hữu còn để chung của cải (2,42; 4,32) để chia sẻ trong Cộng đoàn (9,36; 20,34) và trợ giúp các Cộng đoàn khác (11, 29), cảm thông giữa tín hữu cắt bì và không cắt bì. Từ “hiệp thông” (tiếng Hy Lạp là Koinonia) tác giả sách Tông đồ Công vụ chỉ dùng trong đoạn này cho thấy tính cách đặc biệt của nó. Trong Tân ước từ này có 4 nghĩa khác nhau nhưng bổ sung cho nhau:

1o) Là liên kết tất cả mọi người trong cùng một niềm tin, cùng chia sẻ một Tin Mừng (Pl 2,1).

2o) Là chia sẻ của cải đời sống (tương trợ) (2,44).

3o) Là cùng thông phần vào Thân Mình Đức Kitô (1 Cr 10,16).

4o) Là quyên góp giúp đỡ các Cộng đoàn khác phát triển (2 Cr 8,3-4. 9,12-13).

2.4 Kết quả của nếp sống độc đáo của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên.

Nhờ nếp sống độc đáo trên mà các Cộng đoàn đã gặt hái nhiều kết quả kỳ diệu:

* Được toàn dân thương mến, (2,46) bảo vệ (5, 26), và kiêng nể (bởi các thượng tế, kỳ mục Do Thái).

* “Ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần, và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (4,31).

* Làm chứng về Đức Kitô và về một Cộng đoàn Giáo hội mới đầy tình thương yêu anh em, đến độ người ta gọi Đạo mới (Kitô giáo) là đạo của những người thương yêu nhau.

* “Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay của các Tông đồ” (5,12).

* Số tín hữu mỗi ngày một tăng: “Hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo“ (2,41). ”Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên, và tại Giêrusalem, số môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (7,7).

IV. Áp dụng

1. Suy gẫm và học hỏi về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, về tính cộng đoàn của Giáo hội để có lòng ước ao sống hiệp thông với Chúa và với anh em, sống chia sẻ với tha nhân, nhất là với những người thiếu thốn.

2. Năng đọc lại các đoạn Sách Tông đồ Công vụ nêu trên để “hiểu và cảm” mỗi ngày mỗi sâu sắc hơn về cộng đoàn Giáo hội đầu tiên ấy với ba tính chất tuyệt vời là:

(1o) Cộng đoàn gắn bó chặt chẽ với các kỷ niệm về/của Chúa Giêsu Kitô;

(2o) Cộng đoàn chuyên cần với đời sống Phụng vụ, Bí tích và Cầu nguyện;

(3o) Cộng đoàn hiệp thông, đồng tâm nhất trí và chia sẻ?

V. Chia sẻ

1. Nhờ đâu mà Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên tại Giêrusalem làm nổi bật 3 tính chất (1) gắn bó chặt chẽ với các kỷ niệm về Chúa Giêsu Kitô, (2) siêng năng cử hành phụng vụ, bí tích và cầu nguyện, (2) hiệp thông, yêu thương, đoàn kết, chia sẻ với nhau?

2. Nếp sống của Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên tại Giêrusalem có thôi thúc, mời gọi các bạn muốn xây dựng đời sống nhóm hay hội đoàn tông đồ, đời sống giáo xứ của mình nên giống như đời sống của Cộng đoàn Giáo hội ấy không? Theo các bạn thì phải bắt đầu từ đâu?

3. Với tư cách là giáo dân nòng cốt của nhóm hay hội đoàn tông đồ, của giáo xứ, các bạn thấy mình phải làm gì để giáo xứ của mình nên giống như Cộng đoàn tín hữu đầu tiên của Tông đồ Công vụ?

Với sự cộng tác của FX Nguyễn Văn Ái

Ngày 18 tháng 04 năm 2003