SEATTLE - Thành phố Seattle vốn nổi tiếng là xứ mưa buồn quanh năm, nhưng năm nay trời lại ít lạnh và cũng ít mưa triền miên hơn. Vào những ngày đầu trung tuần tháng chạp năm Kỷ Sửu tức vào khoảng cuối tháng 01 năm 2010. Không khí Tết cổ truyền của ngưòi Việt Nam lại bắt đầu ló dạng đến với những người Công giáo Việt Nam tại thành phố Seattle. Cộng Đồng Công giáo Việt Nam tại Seattle có ngôi Thánh Đường không mấy rộng được toạ lạc tại 1230 East Fir St, Seattle, WA 98122, mang tên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhà thờ này được Cung Hiến vào ngày 10 tháng 7 năm 1988 dưới thời Đức Cha Hunthausen, việc Cung hiến chỉ cách 21 ngày sau khi Toà Thánh phong Hiển Thánh cho 117 vị Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

QUÝ VỊ PHẢI ĐÁNH LỜI THIỆU VÀO ĐÂY

Ngôi Thánh Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Nam trở nên vui nhộn trong những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán năm Canh Dần. Hình ảnh mang tính truyền thống đã tạo nên một bầu khí vui Xuân rất Việt Nam đến với Cộng Đồng Đức Tin người Công Giáo Việt Nam trên đất khách quê người nói riêng và cũng để góp mặt với Cộng Đồng người Việt Quốc gia nói chung khi mỗi độ xuân về, đó là công việc gói Bánh Chưng, Bánh Tét.

Trong suốt 3 tuần lễ vào những ngày cuối của tháng chạp, vào thời điểm mà tại quê nhà đang bận rộn lo lắng trong việc kiếm tiền để chuẩn bị đón xuân, thì nơi ngôi Thánh Đường này cũng vui nhộn trong việc chuẩn bị đón xuân khá sôi nổì. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, tôi thấy có sự hiện diện từ những ông cụ, bà cụ, các anh chị trung niên, thỉnh thoảng cũng có xuất hiện vài thanh niên nam nữ, có ngày cũng có vài em học sinh rảnh rỗi đến cùng tham dự việc gói bánh chưng, bánh tét rất hăng say, mỗi ngày chừng ba bốn chục người tham gia gói bánh.

Nhìn vào việc tổ chức gói bánh cũng khoa học lắm. Khu vực gói bánh được tổ chức tại Hội trường nhà thờ nằm ở tầng trệt của ngôi Thánh Đường. Xin lần lược giới thiệu từng bộ phận có tính chuyên môn.Vị trí đầu tiên là các cụ già chuyên lo việc chọn lá, lau sạch và lau khô các lá chuối để gói bánh, lá chuối mua về được rửa sạch sẽ nên phải lau khô khá công phu. Vị trí thứ hai là khu vực đựng các thùng nếp, đậu xanh, hành và thịt heo đã thái thành từng miếng để làm nhân bánh. Nếp và đậu được chuẩn bị từ mỗi buổi chiều khi phần vụ gói bánh trong ngày tan sòng, thịt heo được thái bằng máy chứ không phải cắt bằng dao bình thường đâu nghe. Ở vị trí này vài cụ bà ngồi suốt ngày lo lột hành cũng nghề nghiệp lắm đấy, nếp và đậu xanh được chứa trong nhiều thùng để sẳn sàng lên giàn phóng để các chuyên viên gói bánh. Vị trí thứ ba là chiếc bàn dài, mỗi ngày có từ 4 đến 5 chuyên viên gói bánh rất lẹ tay. Những tay gói bánh chỉ buột sơ vài sợi dây để giữ bánh, sau đó có người chuyển bánh đã gói đến khu vực buột dây. Tôi còn nhớ thời gian trước đây, có một cụ già người Phật giáo nhưng năm nào cũng đến tham gia gói bánh chưng rất là nhà nghề và hăng say vui vẻ lạ thường, có lần tôi hỏi thì cụ nói để nhớ lại những ngày Tết khi còn ở Việt Nam.

Nếu bạn tham gia vào công việc buột dây vào bánh tét, thì cũng phải được những vị chuyên nghiệp hướng dẫn đấy, không thì cứ ngồi ôm chiếc bánh xoay qua xoay lại suốt ngày chỉ được vài cái bánh thôi nghe.

Khu vực gói bánh chưng trông khá đẹp mắt, trước hết là vị trí đặt những chiếc khung bằng gỗ hình vuông, ở vị trí này, thường ngày tôi thấy có chừng ba bốn vị, có khi có cả linh mục Quản xứ Pherô Hoàng Phượng cũng có góp tay. Những vị này chuyên lo công việc đặt lá vào khung gỗ vuông này khá công phu, công phu ở chỗ là phải biết cách xếp lá thành hình vuông vức có góc cạnh, để khi chiếc bánh chưng thành hình đem bán thì chiếc bánh phải trông đẹp mắt. Sau khi những khung gỗ được xếp lá vào, thì được chuyển đến khu vực gói bánh, nơi đây có một vị chuyên phụ trách việc bỏ nếp, đậu, và thịt vào những khung gỗ hình vuông đã xếp sẵn lá với cân lượng chính xác, sau đó là những người phụ trách gói thành chiếc bánh vuông vức trông khá đẹp mắt. Muốn có những chiếc bánh chưng đẹp thì người phụ trách gói cũng đòi hỏi cần có tay nghề nữa chứ không phải chuyện chơi đâu, và cuối cùng là những vị chuyên việc buột dây vào chiếc bánh, việc buột dây cũng đòi hỏi kỹ thuật nữa thì chiếc bánh mới đẹp.

Phần kết thúc để có được những chiếc bánh Chưng, bánh Tét ngon lành hầu ngồi nhâm nhi để gợi nhớ những ngày Tết khi còn ở quê nhà, đó là khu vực nấu bánh.

Khu vực nấu bánh hàng đêm đều có từ 2 đến 3 vị trực bánh từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng. Các vị trực ban đêm để lo việc nấu bánh đều là nam giới. Tôi bước vào khu vực nấu bánh thấy một dãy bếp Gas được thiết kế khá công phu gồm 20 thùng nấu bánh bằng tôn, mỗi thùng chứa khỏang 60 chiếc bánh chưng hay bánh tét. Hàng đêm thường sử dụng từ 13 đến 15 thùng để nấu bánh trong đó có 2 thùng chuyên nấu nước sôi.Trung bình mỗi ngày làm được chừng năm sáu trăm cái bánh vừa bánh chưng, vừa bánh tét, có khi lên đến 900 bánh. Người trực bánh ban đêm cũng thường được anh Nguyễn Kiên trong Uỷ Ban Thường Vụ Cộng Đồng hướng dẫn kỹ lưỡng về việc canh chừng các thùng bánh như bao lâu thì thêm nước, cách thay các bình Gas. Cái hay là việc giữ các thùng bánh ở độ sôi liên tục trong khi thêm nước, đó là việc duy trì thường xuyên có 2 thùng nước sôi sùng sục suốt đêm, nên mỗi khi thêm nước sôi vào các thùng bánh đang nấu thì vẫn giữ được độ sôi bình thường, điều này cũng giúp cho bánh được ngon.

Tôi trở lại khu vực gói bánh và đang nhìn quanh, thì anh Nguyễn Thanh Lâm người buột dây bánh tét chuyên nghiệp kéo vai tôi nói nhỏ, đàng kia có một người từ Việt Nam mới qua thăm bà con cũng đến gói bánh với mình đấy. Tôi nhìn theo hướng tay của anh Lâm chỉ, đúng vậy, tôi thấy một người đàn ông hơi là lạ đang ngồi buột dây bánh chưng, tay thoăn thoắt buột bánh có vẻ nhà nghề, tôi đến hỏi thăm thì đúng là một một vị khách du lịch mới từ Việt Nam qua thăm bà con tại Seattle. Tôi liền làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi:

- Chào anh, xin lỗi anh, hình như anh mới từ Việt Nam qua đây, anh qua du lịch được bao lâu? Anh có thể cho biết tên ?
-Vâng, tôi là Nguyễn Lợi, tôi đi du lịch qua thăm bà con được 6 tháng.
-Anh ở đâu? thuộc giáo xứ nào?
-Tôi ở Quảng Nam thuộc Giáo Hạt Hội An.
-Anh có biết xứ Cồn Dầu không? Cách xa anh bao xa?
-Cồn Dầu cách Hạt Hội An chừng mười cây số, ở đó cảnh đẹp lắm?
-Anh có nghe tin gì về Cồn Dầu không?
- Không ? Anh Lợi nói tiếp, qua đây thấy Cộng Đồng ở đây gói bánh vui quá nên cũng đến tham gia cho vui.
Xin cám ơn anh và chúc anh có những ngày vui với bà con tại Seattle.

Cồn Dầu cách Hạt Hội An chừng 10 cây số, ở đó cảnh đẹp lắm. Lời anh Nguyễn Lợi nói rất tự nhiên với tôi, điều đó làm tôi liên tưởng đến nổi đau của giáo dân Cồn Dầu khi nhà nước VC đang muốn tống cổ giáo dân Cồn Dầu ra khỏi vùng mà giáo dân đang sống yên lành để chiếm đất, để chia nhau làm giàu. Ôi nổi đau của những người anh em.

Trở lại chuyện gói bánh, thật đầm ấm và đầy tình thân thương nơi Cộng Đồng Đức Tin mang truyền thống văn hoá Việt Nam của những người Công Giáo Việt Nam tại Seattle khi mỗi độ xuân về. Công việc gói bánh chưng bánh tét mang ý nghĩa đó. Nhìn quanh sân Thánh đường vào những ngày Thứ bảy, Chúa nhật trong những ngày cận Tết, tôi thấy các em thiếu nhi với nét mặt hớn hở mời giáo dân mua bánh, nghe đâu các em bán thì được Cộng Đồng tặng mỗi cái bánh bán được 2 đô bất cứ bánh chưng hay bánh tét để các em gây quỹ. Việc gói bánh sẽ kết thúc vào ngày thứ sáu ngày 12 tháng 02 năm 2010 tức ngày 29 Tết.

Chuẩn bị Mừng Xuân bánh thơm ngon.
Bánh Chưng, bánh Tét gói vuông tròn
Cộng Đồng Công giáo dâng lên Chúa,
Chúa chứng lòng thành của chúng con.

(thơ Nguyễn Thanh Lâm)