WASHINGTON (CNS) – Một cuộc triển lãm có đề tài “The Sacred Made Real” được tổ chức tại National Gallery of Art ở Washington để trưng bầy 22 tác phẩm điêu khắc và hội họa của Tây ban nha vào thế kỷ 17. Những tác phẩm này mô tả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và mấy vị thánh bằng các chi tiết rất mực sống động.

Theo các viên chức viện bảo tàng cho biết, những công trình này, khi được sáng tạo 400 năm trước đây, có mục đích “khích động cảm quan và khuấy động tâm hồn”. Người phụ trách cuộc trưng bầy hy vọng những tác phẩm này hôm nay cũng sẽ gợi lên được sự đáp ứng tương tự như thế.

Trong 4 căn phòng triển lãm, các họa phẩm – gồm có những tuyệt tác của hai nhà danh họa Diego Velazquez và Francisco de Zurbaran -- được trưng bầy lần đầu tiên trước công chúng, bên cạnh những tác phẩm điêu khắc nhiều mầu sắc (polychrome) bằng gỗ (tượng được tô vẽ như người thật). Trong số những tượng điêu khắc này, nhiều tác phẩm chưa từng rời khỏi nước Tây ban nha trước đây, và vẫn còn được tôn kính trong các tu viện hoặc giáo đường trong các cuộc rước vào Tuần Thánh.
Ecce homo


Cuộc trưng bầy chỉ được tổ chức tại hai địa điểm, lần này khai mạc ngày 28 tháng 2 tại Washington và kéo dài tới ngày 31 tháng 5. Lần tổ chức trước là tại National Gallery ở London.

Các phòng trưng bầy được để sáng lờ mờ, tạo ra không khí nơi đây giống như trong một ngôi thánh đường, và chính các tượng ảnh trưng bầy cũng tạo ra cảm giác đó.

Người phụ trách cuộc triển lãm, ông Xavier Bray thuộc National Gallery ở London, nói với Thông tấn xã Catholic News Service rằng, hệt như các công trình nghệ thuật, khi được sáng tạo, “mang ý nghĩa muốn lên tiếng nói với con người” như thế nào, thì ngày nay tiếng nói của những tác phẩm đó vẫn còn “vô cùng mạnh mẽ, ngay cả khi được đem ra khỏi môi trường cố hữu” để trưng bầy ở khung cảnh của viện bảo tàng.

Ông thấy điều đó xảy ra tại London,khi nhiều người, đứng trước các tác phẩm nghệ thuật này, đã giữ im lặng và dường như đang cầu nguyện. Ngay cả những người không theo tôn giáo, khi ra về cũng mang theo một chút gì đó gây nên bởi phong cách miêu tả rõ rệt cái chết với những hình ảnh về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Ông Bray đã từng được thấy những tác phẩm điêu khắc này trong các thánh đường và tu viện mờ tối và cả khi được trang hoàng lộng lẫy trong những đám rước. Ông tin chắc về khả năng của những tác phẩm này có thể cất lên tiếng nói với lớp khán thính giả thời hiện đại, và ông dùng lý do đó để kêu gọi các viên chức có thẩm quyền trong giáo hội xin cho mượn các tác phẩm đó nhằm đem trưng bầy trước công chúng. Ông cũng nhấn mạnh đến ảnh hưởng lớn có thể tạo ra được tại Washington trong mùa Chay này.

Ông cho biết đã “liên tục viết thư” xin được mượn bức tượng Thánh Phanxicô nơi phòng thánh Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ ở Toledo.

Đó là một bức tượng nhỏ cao chừng 3 feet (khoảng 95 cm), chưa từng được đưa ra khỏi nhà thờ chính toà, tuy “nhỏ nhưng thật có mãnh lực.” Tượng mô tả thánh nhân trong phút xuất thần, và được cho biết là ĐGH Nicholas V đã tìm thấy 200 năm sau ngày thánh nhân qua đời.

Tác phẩm điêu khắc này có một dung mạo rất thực, với đôi mắt làm bằng thủy tinh, lông mày làm bằng tóc người thật và một sợi dây thắt lưng đong đưa từ chiếc áo – tức là mọi thứ dụng cụ chính trong nghề của nhà điêu khắc. (Họ cũng thường dùng những giọt nước mắt làm bằng thủy tinh, răng bằng ngà, tóc bằng sợi dây mây, và dùng sừng thú vật để làm móng chân). Bức tượng có hình dung tương tự như bức tranh vẽ thánh Phanxicô của họa sĩ Zurbaran được trưng bầy kế bên.
Tượng Thánh Phanxicô
Tranh Thánh Phanxicô


Xuyên suốt cuộc triển lãm, khách xem có thể thấy những hình ảnh tương tự: các tranh họa và tác phẩm điêu khắc đặt bên cạnh nhau. Việc trưng bầy cận kề nhau như thế không chỉ có mục đích nhấn mạnh đến phong cách tương tự của các nhà nghệ sĩ mà còn chứng tỏ rằng các họa sĩ và nhà điêu khắc đã cùng cộng tác với nhau và ảnh hưởng nhau thế nào.

Cuốn danh mục cuộc triển lãm cho biết nghệ sĩ Francisco Pacheco là người đã chỉ dẫn cả một thế hệ các nhà nghệ sĩ, gồm cả danh họa Velazquez, cách thức vẽ tượng bằng mầu sắc như da thịt người. Kỹ thuật này được gọi là “encarnacion" hay hiện thân, nguyên ngữ là “làm thành da thịt”. Pacheco đã vẽ trên một số tác phẩm điêu khắc gỗ của Juan Martinez Montanes. Ông này có tài điêu khắc nổi tiếng, được mệnh danh là “ông thần tạc gỗ.”

Các tác phẩm hiện thực do những nghệ sĩ này sáng tạo có mục đích tôn giáo và nghệ thuật.

Bà Elizabeth Lev, giáo sư khoa lịch sử nghệ thuật trường Đại học Duquesne tại Rome, trong một điện thư gửi cho CNS ngày 2 tháng 3 cho biết rằng các tác phẩm điêu khắc nhiều mầu sắc (polychrome) có mục đích “nhấn mạnh đến hình ảnh Thiên Chúa nhập thể làm người, đi giữa con người, và chịu khổ đau do bàn tay của con người, do đó tính hiện thực và nội dung có cảm xúc cao độ là những định chuẩn của những hình thái nghệ thuật này, trong khi đó các bức tranh mang cùng đề tài có phần hạn chế hơn.”

Bà nói nghệ thuật của Tây ban nha vào thế kỷ 17 rõ rệt chuyên chở những tín điều tôn giáo, “đặc biệt vào thời gian mới xuất hiện phong trào Cải cách của Tin lành, lúc đó yếu tố siêu nhiên của đức tin bị đem ra bàn cãi – chẳng hạn như vai trò của Đức Mẹ, quyền năng cầu bầu của các thánh, vai trò quan trọng của giáo hội.” Một tác phẩm điêu khắc có thể góp phần làm được điều đó, “bằng cách đem cái siêu nhiên lồng vào trong thế giới tự nhiên.” Các tượng điêu khắc về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã nâng cao nhịp điệu bằng cách sử dụng vững vàng các chi tiết sống động như vẽ các giọt máu, các vết thương, và vết thâm tím trên da thiịt.

Những hình ảnh Chúa bị đóng đinh trong cuộc triển lãm này gồm có họa phẩm “Chúa Kitô trên Thánh giá” vẽ năm 1627 của họa sĩ Zurbano, mượn từ Học viện Nghệ thuật Chicago. Họa phẩm này được trưng bầy bên cạnh bức điêu khắc polychrome “Chúa Kitô trên Thánh giá” do Montanes tạc và vẽ năm 1617, mượn của một tu viện Camêlô ở Seville.

Bà Lev nói rằng họa sĩ Zurbano “dùng mầu sắc bóng láng và các chi tiết sống động làm người thưởng ngoạn thảng thốt vì những hình ảnh hai chiều do ông tạo ra”, trong lúc đó, các tượng điêu khắc với cách thể hiện “da thịt Chúa vàng vọt như sáp, những giọt máu đậm, đôi môi xanh xám hé mở, đưa ra bằng chứng xác thực về sự khổ đau của Chúa Kitô vào trong không gian của chúng ta, đặt ngay trước cửa chúng ta.”

“Đối diện với những bức điêu khắc Chúa chịu đóng đinh này, với những chi tiết tàn nhẫn, không chút xót thương, sẽ đặt ra câu hỏi cho người xem, phải công nhận cụ thể cái giá của sự cứu độ Chúa trả cho mình.”

Hay như lời người tổ chức cuộc triển lãm: “Những hình ảnh này nhập thẳng vào người bạn.”

Về bức điêu khắc polychrome “Chúa Kitô trên Thánh giá”, ông Bray phát biểu: “Bạn biết đó là một tượng điêu khắc, thế nhưng bạn có cảm tưởng như mình đang chứng kiến trước mắt. Tác phẩm này vượt thời gian và không gian.”

Trang mạng của cuộc triển lãm là:

www.nga.gov/exhibitions/sacredinfo.shtm.

Nơi đây chúng ta có thể coi một video clip về cách tạc và tô vẽ nhiều mầu sắc (polychrome) các tượng gỗ.