XÚC ĐỘNG VÀ ẤN TƯỢNG
VỀ CUỘC HỘI NGỘ LINH MỤC TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
( Từ ngày 03 đến 05/03/2010, tại linh địa Lavang)


Điều khiến tôi xúc động tận đáy lòng và không thể quên – không phải là những bài chia sẻ bác học của các giám mục, hay những suy niệm sốt sắng của anh em linh mục – mà chính là bầu khí của nghi thức sám hối, hòa giải, buổi tối khai mạc cuộc Hội Ngộ linh mục Giáo tỉnh Huế. Đó là cảnh tượng làm “rúng động các Thiên thần”, khi chứng kiến các Giám mục cùng quỳ xuống thú tội với người anh em của mình. Các linh mục cũng lần lượt nhận và ban bí tích hòa giải cho nhau trong tâm tình thành khẩn và thống hối. Không còn phân biệt cha trẻ với cha già, giáo phận này với giáo phận kia, người quen và không quen. Tất cả tìm đến nhau trong tình huynh đệ và khiêm tốn. Hơn bao giờ hết, người ta cảm thấy như “sờ” vào mầu nhiệm an bình và bình đẳng của bí tích Hòa giải. Khi chết mọi người đều giống nhau, dù là Giáo hoàng, Giám mục hay giáo dân, vua chúa hay là hàng lê thứ. Giống nhau vì không thể làm được gì. Dù khi sống, giàu có và quyền uy. Nhưng ở bí tích Hòa giải, mọi người bình đẳng vì cùng cảm nhận sự yếu hèn, mong manh, tội lỗi của bản tính con người, và cùng đón nhận ơn tha thứ rộng lượng của Thiên Chúa giàu lòng thương xót …Có những giọt nước mắt âm thầm, có những vòng tay ấm áp biểu bộ sự hân hoan, thành khẩn của một tâm hồn vừa được hòa giải với Thiên Chúa và anh em mình.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng đẹp và ấn tượng như thế. Toàn thân tôi rân ran một cảm giác, vừa xúc động vừa sợ hãi, khi một anh em linh mục đứng bên, xin tôi giải tội. Tôi nghe lời thú tội mà lòng bồi hồi tủi hổ khi nghĩ đến sự yếu hèn bất xứng của chính mình. Trừ một vài trường hợp hạn hữu, trong mấy chục năm linh mục, tôi chỉ giải tội cho giáo dân như một người ban ơn…Đôi khi còn cảm thấy mình như bị quấy rầy, khi giáo dân đến xin xưng tội ngoài giờ và chương trình ấn định. Lần này, khi nghe lời thú tội của người anh em linh mục như mình, có khi thánh thiện hơn mình, và có thể là bậc thầy của mình, tôi thật xấu hổ… Với cảm thức về mình như vậy, tôi đến xin xưng tội với một linh mục bạn mà từ lâu không gặp. Tôi nhận được những lời khuyên thật khích lệ. Tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân. Tôi đọc kinh Magnificat đền tội với tâm tình vừa thống hối, vừa tạ ơn Thiên Chúa là Cha yêu thương, đoái nhìn đến phận hèn của tôi cũng như của những anh em linh mục đồng nghiệp với tôi.

Viết đến đây, tôi sực nhớ một giai thoại trong cuộc đời của Thánh Giê-rô-ni-mô, tiến sĩ Hội thánh. Truyện kể: vào một đêm Giáng sinh, Thánh Giê-rô-ni-mô quỳ bên máng cỏ, suy niệm về Mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể. Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra. Người hỏi thánh nhân: “ Gie-rô-ni-mô, con có gì làm quà cho ta trong ngày Giáng sinh không”? Thánh nhân đáp: “ Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng trái tim nhỏ bẻ của con”. Chúa đáp: “ Được lắm. Nhưng còn gì nữa không?”. Thánh nhân thưa: “ Con xin dâng tất cả những gì con có thể làm được”. Chúa hỏi tiếp: “ Ngoài những cái đó ra, còn gì khác nữa không?”. Thánh nhân khẩn khoản thưa: “ Nào con còn có điều gì khác để dâng cho Chúa đâu?”. Chúa bảo: “ Này con, con hãy dâng cho ta tội lỗi của con”. Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại: “ Ôi! Làm sao con có thể dâng cho Chúa những tội lỗi của con được?”. Chúa nói: “ Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta tha thứ cho con. Đó là điều Ta hằng mong đợi”. Nghe thế, thánh nhân bật khóc nức nở vì vui mừng sung sướng. Sung sướng vì tình yêu của Thiên Chúa muốn chia sẻ những gì thuộc về bản tính yếu đuối của con người.

Dâng lên Chúa con tim nhỏ bé chưa đủ, nếu trái tim đó không chứa đựng cả cuộc sống với thân phận con người yếu đuối và bất xứng. “ Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con, để Ta tha thứ cho con. Đó là điều Ta hằng mong đợi”. Chúa nói như thế để khẳng định lại những gì Người muốn trình bày trong Tin Mừng Lc 18, 9-14.

“ Lạy Chúa xin thương xót con vì con là người tội lỗi” ( Lc 18,3)

Tôi lặp đi lặp lại câu này của người thu thuế như là một lời van xin Chúa thanh tẩy tôi, để tôi xứng đáng đứng trong hàng ngũ những tư tế của Ngài.

Bầu khí huynh đệ của nghi thức hòa giải sám hối, buổi tối khai mạc cuộc Hội Ngộ linh mục Giáo tỉnh Huế, đã khiến tôi vô cùng xúc động và không thể quên, thì cuộc rước kiệu Đức Mẹ Lavang và lần chuổi Môi khôi đêm bế mạc cuộc “Gặp Gỡ Vĩ Đại” cũng đã ghi khắc trong tâm trí tôi những hình ảnh đậm nét không bao giờ phai lạt. Thật vậy, khoảng 450 linh mục và giám mục trong lễ phục áo dài trắng (áo alba), cùng với một đoàn giáo dân hành hương, tay cầm nến sáng, xếp hàng bốn, chậm rãi bước đi dưới bầu trời cao vút không một ánh sao, uốn lượn theo một lộ trình dài khoảng vài trăm mét từ nhà Trung tâm đến linh đài Đức Mẹ, tạo nên một dòng ánh sáng lung linh huyền ảo, nhiệm mầu… Cứ mỗi chục hạt, đoàn rước dừng lại, tay trái giơ cao nến sáng, miệng ca vang điệp khúc Ave Maria, đậm đà tình cảm hiếu thảo mẹ con… Ai tham dự và chứng kiến, cũng khó có thể giữ được những giọt nước mắt cứ hồn nhiên trào ra …

Tiếp sau cuộc cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Lavang là giờ chầu Thánh Thể. Một lần nữa, tôi lại được nghe những lời cầu thống thiết, nhờ Mẹ chuyển cầu, xin Chúa Giêsu giữ gìn hàng linh mục của Ngài được bền vững trong ơn gọi, nêu cao sự tinh tuyền của những người được chọn lên hàng tư tế vương giả.

Giờ chầu kết thúc. Tôi vẫn con thấy một số đông linh mục lưu luyến ở lại dưới chân tượng đài. Mắt hướng lên như nhìn ngắm Mẹ lần cuối, dường như muốn nói với Mẹ:

“ Mẹ ở, con về Mẹ Maria ơi
Mẹ ở, con về lòng con thương nhớ” ( Huyền Linh)

từ Giáo phận Ban Mê Thuột