Từ vài năm qua phong trào bách hại các tín hữu kitô ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có các nước như Irak, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nigeria và cả Việt Nam nữa. Đây là lý do giải thích tại sao trong tháng 4 tới này Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các tín hữu kitô bị bách hại vì Tin Mừng được Chúa Thánh Thần nâng đỡ kiên trì làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.

Hôm mùng 5 tháng 3 vừa qua trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo, Đức Cha Georges Casmoussa, Tổng Giám Mục công giáo Siro Mossul, cho biết trong các ngày từ 27 tháng 2 tới mùng 1 tháng 3 vừa qua đã có gần một ngàn gia đình gồm 4.400 tín hữu kitô bỏ Mossul để di cư đi nơi khác, vì lo sợ bị sát hại như đã xảy ra cho 8 tín hữu kitô, trong đó có ông thân sinh và hai em trai của LM Mazen Ishoa, bị sát hại ngay tại tư gia ngày 23 tháng 2. Đức Tổng Giám Mục Casmoussa cho biết đậy là thời gian đen tối đối với tín hữu kitô Irak. Và mỗi khi có các cuộc bầu cử là tín hữu lại bị đe dọa và sát hại. Các kitô hữu muốn có quyền công dân trọn vẹn và yêu cầu chính quyền bảo đảm cho các quyền con người, các quyền dân sự xã hội kinh tế, chính trị và tôn giáo của họ.

Ngày mùng 4 tháng 3 vừa qua Đức Cha Shlemon Warduni, Giám Mục Phụ tá Tòa Thượng Phụ Canđê Baghdad, cũng cho biết kitô hữu Irak là nạn nhân của các nhóm hồi cuồng tín và tình hình chính trị xã hội bất ổn tại Irak. Mục đích các vụ khủng bố sát hại là làm giảm sự hiện diện của kitô hữu, loại trừ, gạt họ ra ngoài lề xã hội và tước đoạt các quyền lợi của họ.

Kể từ khi Hoa Kỳ xâm lăng Irak và lật đổ chính quyền của ông Saddam Hussein hồi năm 2003 đến nay, đã có 2.000 kitô hữu bị sát hại. Hồi tháng 10 năm 2008 làn sóng bạo lực đã khiến cho 12.000 tín hữu rời bỏ Mossul. 40% trên tổng số 1,6 triệu người tị nạn là tín hữu kitô. Hồi năm 1987 số kitô hữu tại Irak là 1,4 triệu. Năm 2003 còn 1,2 triệu và năm 2009 chỉ còn lại 600 ngàn người, nhưng lại phải sống tản mác tại nhiều nơi trong nước vì các vụ tấn kích sát hại.

Bên Ấn Độ các nhóm Ấn cuồng tín cũng ngày càng bách hại các kitô hữu. Trầm trọng nhất là vụ tấn công các làng công giáo trong bang Orissa hồi tháng 8 năm 2008, khiến cho 35 người chết, hàng trăm người bị thương, 150 nhà thờ bị tàn phá, 4.000 tư gia bị thiêu rụi, và 50.000 người phải tị nạn.

Hôm nùng 5 tháng 3 vừa qua 3 Giám Mục công giáo thuộc bang Tamil Nadu đã bị cảnh sát tỉnh Chennai bắt giữ 5 giờ đồng hồ cùng với các linh mục nam nữ tu sĩ và giáo dân, vì tham dự ngày cuối cùng của chiến dịch một tháng tuần hành bênh vực quyền lợi của các anh chị em kitô thuộc giới cùng đinh Dalít. Đó là Đức Cha Anthonisamy Neethinathan, GM Chinglepet, Đức Cha Malayappan Chinnappa, Tổng Giám Mục Madras Mylapore, và Đức Cha Peter Fernando, Tổng Giám Mục Madurai. Mục đích chiến dịch 1 tháng tuần hành vượt qua đoạn đường 800 cây số tới Chennai là để yêu cầu chính quyền Ấn Độ chấm dứt sự kỳ thị đối với các kitô hữu Dalít chiếm 60% tổng số kitô hữu Ấn Độ. Theo luật có từ năm 1950 chính quyền chỉ trợ cấp cho người Dalít thuộc Ấn giáo, sau đó vào năm 1956 nới rộng cho các tín đồ đạo Sikh, và năm 1990 cho các tín đồ Phật giáo, nhưng nhất định không trợ giúp các người Dalít theo Kitô giáo. Hôm mùng 6 tháng 3 Đức Cha Albert D'Souza, Tổng Giám Mục Agra, Tân Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ tuyên bố với hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo rằng các Giám Mục ủng hộ cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của các anh chị em kitô Dalít. Giáo Hội sẽ luôn luôn đứng về phía người nghèo và những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Vì thế Giáo Hội yêu cầu chính quyền liên bang và địa phương, các cơ quan và nhân viên nhà nước cũng như các lực lượng cảnh sát tôn trọng giới lãnh đạo tôn giáo dấn thân thăng tiến các quyền con người.

Bên Indonesia là quốc gia có 250 triệu dân đa số theo Hồi giáo cũng đã xảy ra nhiều vụ bách hại các kitô hữu, đặc biệt khi phong trào Hồi giáo cuồng tín gia tăng hoạt động giữa các năm 1998-2008. 60% trên tổng số 1.140 vụ bách hại các kitô hữu đã xảy ra trong thời gian này. Tệ hại nhất là các vụ bạo động xảy ra tại Ambon và Poso trên quần đảo Maluku, khiến cho hơn 2.000 người thiệt mạng hàng trăm nhà thờ bị đốt phá và 300.000 người phải di cư tị nạn. Chỉ nội trong các năm từ 1999-2002 đã có 200 nhà thờ bị đốt phá.

Tại Nigeria trong các bang miền Bắc nơi có đa số dân theo Hồi giáo các kitô hữu cũng bị bắt bớ và kỳ thị. Các vụ bạo động xảy ra hầu như hàng năm khiến cho hàng trăm người thiệt mạng. Mới nhất là vụ sát hại 500 tín hữu kitô trong ba làng gần tỉnh Jos thủ phủ bang Plateau, bắc Nigeria ngày mùng 7 tháng 3 vừa qua.

Bên Trung Quốc Nhà Nước cộng sản liên tục bách hại các Giám Mục, Linh Mục tu sĩ nam nữ và giáo dân trung thành hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Tại Việt Nam Nhà Nước cộng sản cũng không ngừng ăn cướp đất đai của các Giáo Hội, thuê các băng đảng xì ke, cao bồi, du đãng ma túy, tội phạm đánh đập giáo dân và cả các linh mục tu sĩ nam nữ. Nghiêm trọng nhất là vụ Nhà Nước còn huy động hàng trăm công an cảnh sát đặt mìn giật sập Thánh Giá trên nủi Thờ ở Đồng Chiêm, rồi phong tỏa, đấu tố, khủng bố, bắt bớ hành hạ giáo hữu và đánh đập cả tu sĩ nam nữ chủng sinh và những người muốn đến thăm cha xứ và giáo dân của họ đạo nghèo nàn xa xôi hẻo lánh này. Sau các vụ Thiên An, Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Bát Nhã, Đồng Chiêm, Vĩnh Long và nhiều nơi khác, giờ đây tới lượt đất của 2.000 tín hữu giáo xứ Cồn Dầu và đất của dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Các cuộc bách hại và cưỡng đoạt tiếp tục leo thang.

Trước làn sóng bách hại các kitô hữu ngày càng gia tăng tại nhiều nước, trong tháng 4 tới đây hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu xin cho các tín hữu kitô bị bách hại vì Tin Mừng được Chúa Thánh Thần nâng đỡ kiên trì làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.