Chính phủ tiểu bang NSW, Úc, vừa cho thí nghiệm một chương trình 10 tuần nhằm dạy các em lớp 5 và lớp 6 các trường công lập biết phân biệt đúng sai, một thứ đạo đức học thực tiễn không dựa vào tôn giáo. Có người gọi nó là một thứ đạo đức học vô thần. Chương trình này sẽ được giảng dạy song song với chương trình giáo dục tôn giáo. Trường tiểu học Hurtsville đã được chọn làm đại diện cho vùng St George và Sutherland tham dự cuộc thí nghiệm chương trình này, trước khi nó được áp dụng tại mọi trường tiều học công lập của tiểu bang.

Đúng sai như thế nào?

Chương trình này dạy học sinh các chủ đề như bắt nạt, vẽ bậy trên tường (graffiti), ăn cắp và quyền lợi học sinh… Người phụ trách chương trình này sẽ là các thiện nguyện viên được huấn luyện, trong đó có cha mẹ.

Người khai triển chương trình này là tiến sĩ Cam, một giáo sư triết tại Đại Học New South Wales, Sydney. Ông cho rằng chương trình này sẽ khuyến khích học sinh suy xét và đưa ra quyết định liên quan tới nhiều hoàn cảnh cá biệt khác nhau. Theo tiến sĩ Cam: “Chương trình này đề cập tới nhiều vấn đề hàng ngày, như có được nói dối hay ăn cắp không, có nên dùng thú vật thử nghiệm các sản phẩm không, và phải nghĩ sao về các nguyên tắc triết học”.

Chính phủ tiểu bang đã chấp thuận chương trình này, và lần đầu tiên trong hơn 100 năm nay, coi nó như một phương thức thay thế cho chương trình giáo dục tôn giáo hiện nay. Tina Cowley, hiệu trưởng trường tiểu học Hurtsville cho hay: dù gây tranh cãi, vì bị một số các nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối, nhưng chương trình này là một bước tích cực, rất tốt cho học sinh. Verity Firth, Bộ Trưởng Giáo Dục của Tiểu Bang NSW, là bộ có nhiệm vụ thi hành chương trình này, nói rằng chương trình này chỉ nhằm bổ túc chương trình giáo dục tôn giáo, chứ không hề làm giảm tầm quan trọng của việc giáo dục tôn giáo.

Tại sao tốt, tại sao xấu

Tuy nhiên, có người cho rằng chương trình không nói gì tới việc làm thế nào để trẻ em thực sự đạt tới một thực tại đặc thù nào đó. Đúng hơn, nó chỉ nói tới các hậu quả của việc suy nghĩ mù quáng. Đàng sau từ ngữ yêu chẳng hạn, là cái gì? Là cha mẹ hay cộng đồng? Những điều như thế chưa đủ tốt vì chúng được gắn với những hữu thể hữu hạn là những hữu thể không biết đủ về nhiều sự vật. Dù đây có thể là một điều tốt, nhưng cái tốt này là cái tốt mù dựa trên một hiểu biết không có khả năng giải thích được suy tư và do đó không hiểu được một cách chắc chắn tại sao con người ta lại hành động tốt hay hành động xấu. Trẻ em cần được dạy về mối tương quan giữa các từ ngữ chúng dùng hằng ngày với quan niệm tuyệt đối như một Thiên Chúa chẳng hạn. Nếu không, ta chỉ như người nói với gió. Thế giới quan của Kitô Giáo phải là điểm khởi đầu nhờ lời giải thích của nó đối với lối nghĩ và lối làm trong câu đầu tiên của Thánh Kinh.

Một động thái đánh lừa

Trên đây là ý kiến của một độc giả tờ báo địa phương The Leader của vùng St George và Sutherland. Các vị hiện đang phụ trách các lớp giáo dục tôn giáo tại NSW bày tỏ sự quan ngại của họ đối với chương trình này, cho rằng đây là một động thái đánh lừa nhằm phá hoại công trình của những người đã và đang giảng dạy các giá trị đạo đức tại trường hơn 100 năm nay.

Mục sư Allan Beaven, hiện là phối trí viên Chương Trình Giáo Dục Tôn Giáo Đặc Biệt của St George’s Hurtsville Church cho rằng chương trình này không cần thiết. Ông bảo: “Nói rằng cần một lớp đạo đức học để dạy trẻ em biết phân biệt đúng sai là đặt nghi vấn đối với công việc hiện chúng tôi đang làm. Chúng tôi chưa bao giờ ta thán và hoàn toàn cam kết tổ chức chương trình to lớn về giáo dục tôn giáo do giáo hội tài trợ, trong đó yếu tố đạo đức học rất trổi vượt”

Mục sư Beaven, người từng dạy chương trình giáo dục tôn giáo hơn 20 năm qua, cho hay: Bộ Giáo Dục Tiểu Bang đã tự mâu thuẫn với chính chính sách của mình: “Năm ngoái, Bộ bảo chúng tôi là các lớp đạo đức học sẽ không được đề nghị cho các học sinh đã đang học về tôn giáo. Bây giờ, không tham khảo chi cả, trường lại bảo chúng tôi là các học sinh đó cũng sẽ tham dự các lớp đạo đức học”. Theo ông, phải để cho các phụ huynh quyết định có nên để con em họ tham dự hay không. Dù sao, sự mâu thuẫn trong việc chọn lựa này cũng làm phụ huynh học sinh bối rối, mù mờ. Ông bảo “đến 90% các học sinh tại Trường Công Lập Hurtsville thuộc các gia đình gốc Trung Hoa, và phần đông không hiểu các lớp học mới này dạy điều gì. Những chuyện như bắt nạt hiện trở thành một vấn đề lớn trong một số trường học, nhưng không hiểu một mình chương trình này có chỉnh đốn được việc ấy không. Vả lại, học sinh trường Hurtsville vốn được tiếng là những học sinh có tác phong rất tốt”.

Theo Pauline Pang, một cô giáo dạy Thánh Kinh, khía cạnh thiêng liêng của giáo dục vẫn còn rất quan trọng. Cô bảo: “Trẻ em vẫn đặt những câu hỏi như Thiên đàng ở đâu? Chuyện gì xẩy ra khi em chết? Chúng tôi cho các em các câu trả lời cho các câu hỏi về cuộc đời, những câu hỏi mà đôi khi cha mẹ các em không giúp các em hiều được”.

Đe dọa chương trình giáo dục tôn giáo

Tưởng nên nhắc lại chính sách giáo dục hiện nay của chính phủ tiểu bang NSW. Chính sách này ngăn cấm các học sinh không học lớp “thánh kinh” (một kiểu gọi chương trình giáo dục tôn giáo) không được chính thức huấn luyện về điều gì khác khi các lớp “thánh kinh” đang diễn tiến. Nhưng Simon Longstaff, Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm Đạo Đức Học St James, cơ quan cùng đứng ra tổ chức các lớp đạo đức học với Bộ Giáo Dục NSW, cho rằng chính sách trên phản ảnh một thỏa thuận thuộc thế kỷ 19 giữa giáo hội và nhà nước. Nay đã tới lúc phải canh cải thoả ước ấy. Ông bảo: “Xã hội đang thay đổi và tại một số trường, khỏang từ 50% tới 80% các em quyết định không theo các lớp thánh kinh, chịu ngồi chơi không trong khoảng thời gian đó… cho qua giờ, coi video, tô hình hay làm bài tập… Chúng tôi hy vọng chương trình thí nghiệm này, một thí nghiệm sẽ được lượng giá một cách độc lập, sẽ lót đường cho việc thay đổi chính sách hiện nay, hầu mang lại cho trẻ em cơ hội làm một điều gì đó có ý nghĩa trong khoảng thời gian trên, như học cho biết những thế lưỡng nan mà cuộc đời có thể đem đến cho các em”.

Các đại biểu của Giáo Hội Công Giáo, từng bàn thảo với Bộ Giáo Dục NSW về chương trình này nhiều lần, nói rằng các lớp đạo đức học có thể phá hoại tương lai của chương trình giáo dục tôn giáo tại các trường nếu được chấp thuận vĩnh viễn.

Hơn 100 năm nay, các lớp Thánh Kinh tại các trường vốn đem lại cho trẻ em phương tiện để học hỏi về Thánh Kinh, về Chúa Giêsu và về nền đạo đức vốn xây nền cho nước Úc. Điều ấy hoàn toàn thích hợp. Không một sử gia đứng đắn nào, bất luận có tôn giáo hay không, lại hoài nghi ảnh hưởng đào luyện của Kitô Giáo, của nền đạo đức học và các giá trị của nó đối với việc phát triển luật lệ, văn hóa và chính trị của nền văn minh Tây Phương. Quả thế, chính nền đạo đức học của Do Thái và Kitô Giáo đã làm cách sống của ta khác với cách sống của các nền văn hóa khác.

Đòn chính trị

Đã đành có những cha mẹ phản đối theo lương tâm việc con mình học Thánh Kinh. Đó là quyền của họ. Nhưng vì muốn lợi dụng số phụ huynh này, nên năm ngoái, cựu thủ hiến Nathan Rees đã công bố sẽ tổ chức các lớp dạy đạo đức học, chỉ để phủ lấp nhiều tai tiếng về đạo đức của nhiều thành viên trong nội các của ông ta, như muốn chứng tỏ rằng chiếc la bàn luân lý của chính phủ ông vẫn chỉ về hướng bắc.

Vào lúc đó, chính phủ nói rõ các lớp đạo đức mới, không có tính tôn giáo này sẽ không cạnh tranh với các lớp Thánh Kinh cổ truyền. Nhưng với việc thí nghiệm vào tuần tới, khi các trường nhận học sinh trở lại cho học kỳ hai, người ta thấy rõ các lớp này được dựng lên với một mục tiêu hiển nhiên là lôi kéo học sinh khỏi các lớp Thánh Kinh, dù chính phủ quả quyết cách khác.

Theo nhận định của Jim Wallace trên theage.com.au, mục tiêu là “cung cấp một bổ túc thế tục cho cuộc thảo luận về chiều kích đạo đức trong cuộc sống học sinh”. Như thế, theo định nghĩa, chương trình này sẽ loại bỏ việc thảo luận về các giá trị của Kitô Giáo, vốn là các giá trị xây nền cho khuôn khổ đạo đức của xã hội Úc.

Để xem các giá trị như yêu người lân cận, hy sinh, giúp đỡ người nghèo v.v… sẽ được nói tới ra sao khi các trình thuật Thánh Kinh, vốn lên khuôn cho cái hiểu của ta về các ý niệm ấy cả hàng trăm năm nay, bị loại ra khỏi cuộc thảo luận. Xem ra nền đạo đức học của Thánh Kinh và của con người Chúa Giêsu nay đã bị coi là thiếu đầu thiếu đuôi đến nỗi chính phủ phải tìm ra một khóa trình đạo đức riêng và dùng các tài nguyên của mình để lôi kéo học sinh ra khỏi các lớp Thánh Kinh, vốn được biết bao thiện nguyện viên tận tụy giảng dạy nhiều thập niên qua.

Jim Wallace cho rằng dù chủ nghĩa thế tục có thể tốt, nhưng không một ai cho rằng các giá trị của nó tự không mà có. Ý niệm yêu người lân cận như chính mình, hay hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho bạn, là một ý niệm của tôn giáo. Nói đúng hơn, đó là một ý niệm của Kitô Giáo.

Chủ nghĩa thế tục chắc chắn không trung lập, nên những ai muốn xua đuổi các giá trị của Kitô Giáo ra khỏi các trường và định chế công cộng nên giải thích đầy đủ hơn thế giới quan từ đó họ rút tỉa ra các giá trị thay thế của họ. Trong khi ấy, nếu ta còn tiếp tục nhìn nhận và cử hành gia tài Do Thái và Kitô Giáo của ta, thì chính phủ NSW không nên phá hủy ảnh hưởng của các lớp Thánh Kinh vì chúng chính là cơ may duy nhất mà các người trẻ của ta có ở trong đời để hiểu thế nào là cuộc đời.

Bài học hay nhất đối với phụ huynh Kitô giáo là cần thận trọng trong việc quyết định chọn trường cho con em mình. Không thể tin tưởng được học trình của những người càng ngày càng đi theo con đường duy tục, bề ngoài thì hô hào tự do, nhưng lại không ít nhất đưa ra một học trình phản ảnh nhiều quan điểm đạo đức khác nhau để người học có thể tự do quyết định.