E. Christian Brugger là một chuyên viên nghiên cứu kỳ cựu về đạo đức học tại Qũy Văn Hóa Sự Sống (Cluture of Life Foundation) và hiện là một giáo sư thỉnh giảng về thần học luân lý tại Chủng Viện Thần Học Gioan Vianney tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ. Ông đậu tiến sĩ triết học tại Oxford năm 2000. Bài sau đây của ông được hãng tin Zenit gửi đi từ Hoa Thịnh Đốn hôm qua, ngày 21 tháng 4.

Theo ông, các ý niệm của phong trào quốc tế mới đây, thường được gọi là nhân bản học biến hóa (transhumanism), đang bắt đầu lên khuôn cho tư duy của nhiều nhà lâm sàng học và đạo đức sinh học. Thành thử bài dẫn nhập sau đây hy vọng soi sáng phần nào óc tìm tòi của độc giả.

Nhân bản học biến hóa thực ra là một loạt các ý niệm từng được khai triển để đáp ứng các tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật sinh học trong 20 năm gần đây. Các ý niệm này cho rằng kỹ thuật có khả năng và vốn có mục tiêu thay đổi (manipulating) điều kiện vật lý, tinh thần, và xúc cảm của con người. Theo truyền thống, y khoa qui ước chỉ nhằm chữa trị các xáo trộn tác động trên con người; nó chỉ đưa ra các phương pháp như cho đỉa hút (leeching), đốt cháy (cauterising), cắt cụt (amputating), uống thuốc, giải phẫu và tới điều trị tại những vùng khí hậu khô hơn; nói cách khác, mục đích là chữa chạy, hay điều trị theo nghĩa rộng.

Ngày nay, kỹ thuật đang có khả năng can thiệp, mà nếu đi đôi với mục tiêu điều trị, sẽ gia tăng các khả năng lành mạnh nơi con người. Trong tư duy y khoa, càng ngày càng có việc mở rộng hoạt động từ nguyên tuyền chữa trị qua khả năng vừa chữa trị vừa tăng tiến. Ta đã quá quen thuộc với ý niệm “thuốc gia tăng khả năng thao diễn “ (performance enhancing drugs) trong các môn thể thao chuyên nghiệp. Nhưng kỹ thuật ngày nay còn hứa hẹn nhiều gia tăng hơn nữa bên ngoài việc gia tăng khả năng của bắp thịt.

Thí dụ, phương pháp điều trị yếu tố di truyền theo đường tế bào mầm (germ-line), hiện mới đang chập chững, là nhằm thay đổi về phương diện di truyền các “tế bào mầm” (germ-cell) nơi con người như tinh trùng và trứng chẳng hạn, hầu có thể tạo ra những đặc điểm tri thức, thể lý và xúc cảm tốt đẹp và loại bỏ các đặc điểm không tốt. Một khi đã thay đổi được các tế bào theo đường mầm như thế, thì các đặc điểm trên sẽ có tính kế thừa, có thể truyền lại cho các thế hệ, các đời con cháu về sau. Các thứ thuốc để cải thiện chức năng tri thức như Ritalin và Adderall càng ngày càng được nhiều người khỏe khoắn sử dụng nhiều hơn để gia tăng khả năng nhận thức. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy gần 7% các sinh viên đại học Mỹ đang sử dụng các thứ thuốc kích thích có toa nhằm mục đích gia tăng như thế (1). Con số này hiện đang có khuynh hướng gia tăng.

Các cuộc nghiên cứu tìm tòi đang nhanh chóng tiến vào các kỹ thuật cao cấp như trực tiếp giao diện vi tính não bộ (Brain-compouter interfacing, tắt là BCI), cấy vi cơ khí (micromechanical implants), cực vi kỹ thuật (nanotechnologies), làm bộ phận giả cho võng mạc, cơ thần kinh và vỏ não, và cái gọi là “con chíp viễn cảm” (telepathy chips). Mỗi một kỹ thuật này quả có góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều người khuyết tật, giúp họ thông đạt tốt hơn, sử dụng được máy vi tính, nhìn, bước đi, động đậy tay chân và phục hồi một số bệnh hoại sinh. Điều đáng để ý là ngành nhân bản học biến hóa coi chúng như những dụng cụ có tiềm năng thay đổi bản tính con người. Bản Tuyên Ngôn Nhân Bản Học Biến Hóa năm 2002 nói rằng: “Nhân loại sẽ được kỹ thuật thay đổi một cách căn để trong tương lai. Chúng tôi thấy trước tính khả thi của việc tái thiết kế thân phận con người, bao gồm các thông số như tính không thể tránh được tuổi già, các hạn chế về trí hiểu nhân bản và trí hiều nhân tạo, tâm lý học không ai muốn (unchosen psychology), đau khổ, và việc chúng ta phải dính chặt vào trái đất” (2).

Đề xuất căn để nhất của họ là thắng vượt chính sự chết. Dù mục tiêu trên hết sức lạ lẫm, nhưng nhiều khoa học gia và triết gia danh tiếng đang dấn thân bước theo nó. Tiến sĩ Ray Kurzweil, nhà khoa học và sáng chế trổi vượt của họ, cho rằng đối với hầu hết lịch sử con người, sự chết được chấp nhận chỉ vì chúng ta không có khả năng làm gì chống lại nó. Nhưng đang nhanh chóng tới lúc ta có khả năng cô lập được các yếu tố di truyền và prôtêin từng khiến các tế bào của ta hoại sinh, để rồi tái thảo chương cho các tế bào này. Giả thuyết cho rằng chết là chuyện không thể tránh được không còn đứng vững nữa, cần phải loại bỏ nó (3). Michael West, Giám Đốc Điều Hành của một trong những công ty kỹ thuật sinh học lớn nhất Mỹ, tức công ty Advanced Cell Technology, cũng đồng ý như vậy. Ông cho rằng: “tình yêu và lòng cảm thương đối với đồng chủng nhân bản cuối cùng sẽ dẫn ta tới kết luận này: ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để loại bỏ tuổi già và chết chóc” (4).

Dù, theo thiển ý, đa số thế giới Tây Phương chưa chia sẻ được các ý niệm quá cấp tiến này của phe nhân bản học biến hóa, nhưng giả thiết liên quan tới tính tự quyết của con người (human autonomy), một giả thiết hiện đang nằm bên dưới triết lý nhân bản học biến hóa, trên thực tế, đang hết sức phổ thông trong giới y khoa và đạo đức sinh hoạt thế tục hiện nay. Các chúc thư làm khi còn sống nói rõ quyền của người ta được từ khước phương cách điều trị nhằm kéo dài sự sống, vì bất cứ lý do gì, ngay cả khi họ chưa hấp hối, hiện đang trở thành thông thường trong các bệnh viện y như các mẫu ấn chỉ tỏ ý ưng thuận lúc tỉnh táo vậy. Các tiểu bang Oregon, Washington và Montana ở Hoa Kỳ đã hợp pháp hóa các y sĩ trợ giúp việc tự tử. Tiểu bang nào cũng dùng làm mũi dùi tấn công luận chứng cho rằng tính tự quyết sẽ đảm bảo quyền của con người không những được quyết định lấy sự sống mình mà cả sự chết nữa. Nếu tính tự quyết áp dụng vào các lãnh vực ấy, thì chắc chắn nó cũng bảo đảm cả quyền tự do được gia tăng và cải thiện các khả năng của tôi.

Giáo sư Brugger sợ rằng điều duy nhất hiện có thể ngăn cản một khẳng định phổ quát đối với định đề của nhân bản học biến hóa chỉ là yếu tố ghê tởm có tính trực cảm (yuck factor), một yếu tố chắc chắn sẽ giảm dần dưới sức mạnh êm ái nhưng khó lay chuyển của dư luận thế tục. Khi trực cảm ấy tan biến đi, thì tính hợp lý của ta, từng bị cô lập hóa bởi ý niệm tự quyết cực đoan này, sẽ tự mình thấy mình bất lực trước định đề kỹ thuật này: nếu ta có thể thiết kế ra một đứa trẻ hoàn hảo (5), nếu ta có thể thông minh hơn, mạnh hơn, và đẹp hơn (6), nếu ta có thể kéo dài sự sống nhân bản đến vô định (7), thì ta nên làm như thế. Nếu phải hy sinh các phôi thai vì diễn trình thí nghiệm đòi hỏi như thế để hoàn thiện hóa kỹ thuật này, hay nếu tình trạng bất công bằng xẩy ra đem lợi cho một số người và đem hại lại cho nhiều người khác; thì đó chỉ là giá phải trả để có tiến bộ!

Huấn Thị “Dignitatis Personae” về đạo đức sinh học của Toà Thánh năm 2008, khi nói đến việc dùng kỹ thuật sinh học “để dẫn khởi các thay đổi với mục đích cho rằng để cải thiện và củng cố hệ di truyền”, đã mạnh mẽ cảnh giác chống lại “não trạng ưu sinh” (eugenic mentality) mà chủ trương trên vốn cổ vũ. Não trạng này chắc chắn sẽ ô nhục hóa các nét di truyền bất hoàn hảo và do đó, sản sinh ra những thiên kiến bất công đối với những người có các nét đó, và ưu tiên tôn trọng những ai có những phẩm tính được coi là đáng giá.

Huấn thị trên kết luận rằng: “Cũng cần phải ghi nhận điều này: trong ý đồ tạo ra một mẫu con người nhân bản mới, người ta rất có thể thừa nhận một yếu tố ý thức hệ trong đó con người sẽ ráng chiếm chỗ đứng của Đấng Hóa Công” (số 27). Cố gắng thay đổi bản tính con người theo cách đó “kết cục… sẽ gây hại cho công ích” (số 27).

Ghi chú:

(1) Xem H. Greely, B. Sahakian, M. Gazzagina, et al., “Towards responsible use of cognitive-enhancing drugs by the healthy” Nature 456 (Dec. 2008), 702-705.

(2) Xem trang mạng http://humanityplus.org/learn/philosophy/transhumanist-declaration/transhumanism-declaration-2002. Hiệp Hội Nhân Bản Học Biến Hóa, thành lập năm 1998, hiện là tổ chức lớn nhất thế giới cổ vũ cho nhân bản học biến hóa. Vì muốn có hình ảnh tốt hơn, mới đây họ đã đổi tên thành Humanity+.

(3) Xem cuộc phỏng vấn Kurzweil tại http://hplusmagazine.com/articles/multimedia/videos/immortalists-short-film-jason-silva

(4) Tài liệu vừa dẫn

(5) Xem các phát biểu của nhà đạo đức sinh học nổi tiếng của đại học Oxford, Julian Savulescu, được Peter Snow trích dẫn trong “Woe, Superman?” Oxford Today: The University Magazine, vol. 22, no.1 (Michaelmas 2009), 14. Cũng nên đọc lý thuyết của Savulescu về “từ tâm sinh sản” (procreattive beneficence) trong bài “Procreative Beneficence: Why We Should Select the Best Children," Bioethics, vol. 15, issue 5-6 (October, 2001), 413-26.

(6) Xem phương châm không tưởng của Humanity+: "Khỏe hơn, Thông minh hơn, Hạnh phúc hơn” tại http://humanityplus.org

(7) Xem mục đích của tổ chức mới, Liên Minh Kéo Dài Sự Sống https://www.coalitiontoextendlife.org/products.php