Nhân đọc bài viết “Ưu tư truyền giáo tại một vùng ở Việt Nam” của tác giả Thanh Tâm, trong đó có nêu lên hiện trạng sống đạo của các tín hữu mỗi khi có “chuyện” và đặt dấu hỏi về công trạng của “kẻ gặt người gieo”, tôi xin mạn phép chia sẻ đồng cảm với ưu tư của tác giả, và cũng xin gởi chút đánh động tới những ai trăn trở ơn gọi “gieo-gặt”, qua kinh nghiệm người thật việc thật mà bản thân người viết đã và đang phải đau lòng chứng kiến.

Cách đây vài năm về trước, trên một vùng lãnh thổ nọ, nơi hiện đang thu hút nhiều di dân lao động, một nhóm nhỏ người đồng hương Công giáo và tu sĩ truyền giáo đã gặp nhau. Họ bắt đầu ước mong được gặp gỡ thường xuyên hơn; và nếu tổ chức được Thánh lễ ít ra mỗi tháng một lần thì không còn gì hơn nữa. Đức tin của người tín hữu nghèo quả thật đơn sơ và thánh thiện! Ý tưởng thành lập cộng đoàn đã thu hút đáng kể sự chú ý của đồng hương, số người tham gia ban đầu có khi lên đến hơn cả trăm người.

Thời gian trôi qua. Số lượng thành viên trong cộng đoàn hiện nay dường như không gia tăng thêm, ngược lại còn có dấu hiệu sụt giảm. So với cánh đồng truyền giáo còn bát ngát ngoài kia, đó là những di dân lao động đồng hương mà con số thống kê có thể lên đến cả chục ngàn người, biết đâu trong số đó còn rất nhiều chiên lạc chưa tìm thấy bầy, nhóm cộng đoàn với chỉ vài chục người “cốt cán” này quả thật là quá nhỏ. Phải chăng có một điều gì đó không ổn!?

Nhóm cộng đoàn có thể được xem là hội đoàn Công giáo và đồng hương duy nhất trên vùng lãnh thổ mới này. Tất cả di dân lao động đến đây đều là người nghèo ngay trên chính quê nhà của họ, và dĩ nhiên là càng nghèo hơn giữa chốn phồn hoa đô hội này. Nói thế để biết khả năng đóng góp tài chánh của họ cho kinh phí hoạt động của nhóm là vô cùng hạn hẹp. Đúng hơn, nhiều người trong số họ có thể là “đạo gạo” – từ ngữ mà người ta thường dùng để nói về những ai đi nhà thờ hoặc theo đạo chỉ vì miếng cơm manh áo. Và điều này cũng nhằm để giải thích vì sao một số người ngại đi nhà thờ, nơi mà họ cảm thấy thêm mặc cảm trước những lời kêu gọi đóng góp. Cộng đoàn nhỏ càng nhỏ hơn trong những sinh hoạt định kỳ.

Ấy vậy, như tác giả Thanh Tâm đã phản ảnh, mỗi khi có “chuyện” thì con số người “xem lễ” lại tăng vọt. Những “chuyện” ấy là gì? Đó là những ngày lễ lớn, những dịp sinh nhật, bổn mạng, khấn dòng, tái khấn dòng, ngân khánh, kim khánh của các thầy, các cha (cho dù họ chỉ là khách vãng lai), hoặc khi có ca sĩ, nghệ sĩ nào đó ghé thăm.

Lễ lớn thường đi kèm với “hội”, vì sau lễ thì có ăn uống, vui chơi. Còn những lễ kỷ niệm của tu sĩ, linh mục: hoặc do tu sĩ, linh mục tổ chức mà họ đến vì nể nang; hoặc do các thành phần “cốt cán” tổ chức để mọi người được dịp chụp ảnh với “những người nổi tiếng”, những người mà ở quê nhà họ đừng hòng có dịp bén mảng đến gần (theo lời kể của một Chị ở giáo phận Mỹ Tho)!

Dĩ nhiên bên cạnh các động cơ chính mà không đáng trên còn có nhiều động cơ phụ khác, như niềm tin vào việc bố thí cho các linh mục, tu sĩ chẳng hạn, và trên hết tất cả đó là lòng quảng đại đơn sơ của tín hữu dành cho các “đấng”, “bậc”. Phải chăng đây chính là hậu quả của tâm lý mặc cảm tự tôn hay là thói khoa trương dường như đã trở thành một dạng tiểu văn hóa của một bộ phận người Công giáo Việt? Nói như Descartes, nếu tôi không chứng tỏ mình ra, nếu tôi không làm gì đó cho bằng chị bằng em thì người khác không biết sự hiện hữu của tôi! Hay nói như kiểu nhà đạo bình dân mà tôi học được, đó là giữ đạo kiểu “bùi chu” (thật sự tôi không biết tính từ ấy liên quan như thế nào với giáo phận Bùi Chu!).

Thật là một nghịch lý tại một vùng đất truyền giáo, khi mà các giáo phái khác đang hoạt động và làm chứng cho Chúa bằng đời sống giản dị và năng động, thì một số người Công giáo chỉ có nhu cầu hội họp để xum xuê với "truyền thống" không mấy chính thống của mình. Thật là một nghịch lý rất khó chịu khi những người nhân danh Chúa mà đến lại được tôn vinh nhiều lần nhiều cách trước Chúa, còn tín hữu nghèo lại được chiều chuộng theo não trạng bỏ tiền “mua vui một vài trống canh”, hơn là chăm lo học hỏi và sống đạo (như người Philippines chẳng hạn).

Thiết nghĩ, việc truyền giáo và tử đạo ngày nay đối với người Công giáo có lẽ cũng khó khăn không kém gì ngày xưa. Với các giáo sĩ, đó là giảng dạy những gì mình tin và thực hành những gì mình giảng dạy. Với các giáo dân, đó là cộng tác với các giáo sĩ và can đảm giúp họ thoát khỏi ảnh hưởng bởi tâm lý quần chúng, để họ thật sự được tự do làm việc cho Chúa, không còn phải bám víu vào chút danh còm, tiền còm, tình còm, quyền còm của thế gian nữa. Truyền giáo trước hết là đặt "chuyện" của Chúa phải lên trên mọi “chuyện” của thế gian.