VATICAN CITY (CNS) -- Vào trung tuần tháng 9 sắp tới đây, khi Đức giáo hoàng Benedict XVI viếng thăm Anh quốc, ngài sẽ mang theo một đoàn tùy tùng những người phụ tá để giúp điều hành trôi chảy mọi việc cho vị giáo chủ 83 tuổi này mỗi khi ngài du hành ra nước ngoài.

Một “Vatican thu nhỏ”, nhỏ gọn để vừa đủ chỗ trên chiếc máy bay riêng của ngài, nhưng đa dạng để có thể đáp ứng được mọi tình huống trong những địa hạt chiến lược – như những cuộc khủng hoảng về ngoại giao, hỗn loạn về an ninh, lộn xộn về lễ nghi phụng vụ, trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí, và ngay cả những cứu cấp về y tế.

Nhiều người giữ những vai trò theo chốt trong đoàn tháp tùng của Tòa thánh, đã là những nhân viên kỳ cựu, có kinh nghiệm tại chỗ từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, trên chuyến bay tới Anh quốc lần này cũng mang theo ít nhất một người “lính mới” lần đầu tiên đi theo Đức giáo hoàng trong chuyến tông du.

Có lẽ nhân vật nổi bật nhất trên chuyến bay là người đứng cạnh Đức giáo hoàng mỗi khi ngài trả lời những câu hỏi của phóng viên báo giới: đó là cha Federico Lombardi, người phát ngôn của Tòa thánh. Cha Lombardi là một linh mục Dòng Tên, 68 tuổi, đã từng chia sẻ những thử thách về giao tế công cộng với Đức giáo hoàng trong các cuộc du hành, kể từ khi ngài đọc bài diễn từ về Hồi giáo tại Regensburg ở Đức năm 2006.

Những lời bình luận ứng khẩu của Đức giáo hoàng trên chuyến bay cũng đã từng khơi dậy bao nhiêu cuộc tranh biện công khai, về những vấn đề từ các cuộc hiện ra của Đức Mẹ cho đến bao cao su ngừa thai. Tuy các câu hỏi trong cuộc họp báo trên những chuyến bay này nay đã được lựa chọn trước trong số những câu báo chí đệ trình, nhưng rõ rệt là cha Lombardi đã cố gắng không sửa chữa, thêm bớt.



Hồng y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa thánh, là người không rời xa Đức giáo hoàng trong suốt những cuộc tông du ra nước ngoài, và tham dự phần lớn những cuộc gặp gỡ riêng của Đức thánh cha với các nhà lãnh đạo chính trị, các nguyên thủ quốc gia. Hồng y Bertone không nói được nhiều tiếng Anh, nên trợ tá ngài trong cuộc thăm viếng này sẽ có Đức ông Leo Cushley, một người Ái nhĩ lan 49 tuổi, đứng đầu bộ phận ngôn ngữ Anh của phủ quốc vụ khanh.

Ngoài ra, vì đây là một cuộc thăm viếng ngoại giao, Đức giáo hoàng sẽ mang theo Tổng giám mục Dominique Mamberti, bộ trưởng của Tòa thánh phụ trách liên lạc với các quốc gia, người thường xuyên điều hành những chi tiết về các liên lạc với nước ngoài.

Đức ông Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức giáo hoàng Benedict, được khán thính giả các đài truyền hình trên khắp thế giới quen mặt, với mái tóc vàng hoe. Đức ông là người hướng dẫn Đức giáo hoàng vào ghế ngồi, trao cho ngài các văn bản, và thường luôn để mắt theo dõi mỗi khi ngài hiện diện nơi sân khấu công cộng.

Trên các bàn thờ nơi Đức giáo hoàng sẽ cử hành thánh lễ, dường như lúc nào cũng có mặt Đức ông Guido Marini, người phụ trách điều hành các lễ nghi phụng tự. Đức ông Marini, người cao lớn và mảnh khảnh, thái độ thật đạo hạnh, đã chuẩn bị hàng tháng cho các phụng vụ sẽ cử hành tại Anh quốc, và đích thân đến Scotland cũng như Anh để giám sát các địa điểm hành lễ.

Một nhân vật khác quen thuộc trong cuộc tông du là Alberto Gasbarri, viên chức thuộc Đài Phát thanh Vatican, người tổ chức các cuộc viếng thăm nước ngoài của Đức giáo hoàng. Gasbarri, người đảm nhiệm công tác này ngay từ những ngày đầu trong triều đại giáo hoàng Gioan Phaolô II, là một giáo dân ăn mặc chải chuốt, thường đi trước Đức giáo hoàng khoảng 10 bước – tiện để bảo đảm không có những tình huống bất ngờ xảy ra.

Domenico Giani chỉ huy công tác an ninh của Tòa thánh, chắc phải là người bị nhiều áp lực nhất trong các cuộc tông du của Đức giáo hoàng. An ninh tuy được bảo vệ do phía quốc gia đứng mời, nhưng vai trò của Giani là điều hợp bề mặt chung giữa toán an ninh của Anh và con số ít ỏi những nhân viên của Vatican tháp tùng Đức giáo hoàng. Mặc đồ lớn, đeo cà-vạt, Giani và nhóm của ông đi sát cạnh Đức giáo hoàng Benedict mỗi khi ngài di chuyển, rồi sau đó, khi ngài đã an vị, họ mờ khuất vào phía hậu trường.

Một thành viên trong đoàn tuỳ tùng rất ít khi lộ diện là bác sĩ Patrizio Polisca, y sĩ riêng của Đức giáo hoàng. Ông túc trực sẵn sàng 24/7 suốt cuộc du hành. Tuy nhiên, lần đi này Polisca còn một nhiệm vụ đặc biệt khác nữa: ông còn là chủ tịch nhóm các y sĩ đã cố vấn cho Bộ Phong Thánh của Vatican, nên ông có vai trò trong việc chuẩn nhận phép lạ cần thiết để tuyên phong chân phước cho Hồng y John Henry Newman – đây là biến cố chính yếu trong cuộc tông du này.

Tổng giám mục Kurt Koch, tân chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo, sẽ lần điều tiên tháp tùng Đức giáo hoàng. Tuy cuộc thăm viếng này rõ rệt có những hình thái đại kết, nhưng sẽ không thấy tổng giám mục Koch xuất hiện ở trung tâm hiện trường: lý do là vì Vatican coi cuộc tông du này như là một cơ hội để chú tâm vào nhu cầu làm chứng tá cho Kitô giáo nói chung, không phải là một phiên làm việc để giải quyết các vấn đề đại kết.

Một nhóm khoảng 20 viên chức khác được cộng chung vào danh sách của Tòa thánh sẽ đáp chiếc máy bay của Đức giáo hoàng. Các phụ tá của ngài ngồi phía trước phi cơ, còn số khoảng 70 ký giả báo chí đi theo chuyến bay ngồi ở phía sau – đây là một thứ trật tự vẫn giữ nguyên từ hơn 40 năm qua trong các cuộc tông du của giáo hoàng.