Sài Gòn - Củ Chi. Với 300 Euro của một gia đình vùng Bắc Đức và 1.000 Euro của một bạn trẻ gửi mang về tặng người mù tôi đã bắt đầu đến với thế giới u tối của người khiếm thị sau tuần lễ đầu tiên đi thực tập tại bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn trong năm học cuối của y khoa ở Đức quốc.

Xem hình ảnh

Mái ấm đầu tiên với cái tên „Mây Bốn Phương“ ở Củ Chi mà chúng tôi đến thăm diễn tả thật chính xác cho những người khiếm thị đang sinh sống tại đây, vì họ là những đám mây từ nhiều phương trời của dải đất Việt Nam đã tìm đến được mái ấm này để cùng các bạn khiếm thị đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ chén cơm manh áo trong cuộc sống.

Trước khi đến đây tôi đã liên lạc với chị Loan, một người bị khiếm thị, nhưng cũng là người cùng với người chồng khiếm thị là anh Đến hiện đang chăm lo cho 37 người khiếm thị sống tại mái ấm „Mây Bốn Phương“ này. Khi được biết tôi muốn đến thăm và mang qùa, Chị có ngỏ lời xin hiện kim vì mái ấm đang cần xây một bức tường xung quanh để tránh kẻ trộm vào nhà. Đối với chúng ta, những người sáng mắt thì không mường tượng ra được tại sao 37 người trong nhà mà không thể trông chừng không cho kẻ trộm vào nhà. Tôi thiết tưởng khi chúng ta nhắm mắt lại môt hồi lâu thì chắc chúng ta sẵn sàng thông cảm cho khó khăn mà các bạn khiếm thị tại đây đang gặp phải. Kẻ sáng mắt có cửa cổng khóa an toàn còn bị trộm thăm viếng thường xuyên huống gì người mù chẳng có gì rào lại chung quanh nhà cho mình. Nỗi lo sợ của họ là vậy.

Chỉ một ví dụ đơn sơ khi tôi xin chụp hình với hai mẹ con người khiếm thị. Thói quen của người sáng mắt như tôi lúc chụp ảnh xong là tự động đi đứng tự do làm cho hai mẹ con vẫn còn đứng yên tại chỗ vì họ nghĩ rằng chúng tôi vẫn còn đang chụp hình với họ. Tôi đã đi khỏi hơn 10 bước thì những người quen mới nhắc khéo cho biết điều này. Thật là tắc trách cho sự vô ý này thế là tôi nhẹ nhàng trở lại nói với họ đã chụp hình xong rồi.

Con đường từ Sài Gòn đến Củ Chi cách khoảng 30 cây số. Theo sự yêu cầu của Cha Tuấn chúng tôi dùng 300 Euro để mua 2 tạ gạo, 20 thùng mì, 30 ký đường, 100 lon sữa, 6 chai dầu 5 lít và 10 ký bột gia vị đến với mái ấm „Mây Bốn Phương“. Vì mủi lòng khi nghe chị Loan kể ra sự lo lắng cho nên tôi cũng xuất quỹ sinh viên nghèo của mình ra và chia sẻ với mái ấm 1 triệu rưỡi tiền VN (55 Euro) và đưa cho chị Loan, phụ Chị xây bức tường tránh trộm.

Nơi mái ấm tôi đã có dịp làm quen đến những cô chú, anh chị và các em khiếm thị đang sống nơi đây. Họ tường thuật cho tôi nghe hoàn cảnh đưa họ vào tình trạng khiếm thị cũng như sinh hoạt hàng ngày tại mái ấm. Phần đông anh em học và làm nghề chơi nhạc, ca hát cho đình đám, làm Massage (xoa bóp) hay làm chổi lông gà quét bụi. Ao ước của chị Loan là muốn mua thêm miếng đất bên cạnh nhà để có chỗ chứa rơm bó chổi quét nhà.

Trong mái ấm hiện nay có 3 người sáng mắt, trong đó có một cô bé bị người chồng bỏ sau khi sinh con. Biết được mái ấm này em xin vào ở và được anh chị Đến- Loan đón nhận. Em ở đây giúp trông coi nhà cũng như công việc cần người sáng mắt phụ giúp.

Hiện nay trong mái ấm có ba cô đang mang thai. Những vợ chồng hiện đang sống thật chật chội sau căn nhà trong những túp lều đơn sơ được che bằng những tấm chiếu. Vì sống trong thế giới u tối cho nên họ không nhìn thấy những đống rác xung quanh họ. Tôi thật mủi lòng nhưng không nhìn thấy ra giải pháp nào tốt hơn cho họ. Trong thâm tâm chỉ mong họ đầy nghị lực để vươn lên những khó khăn họ đang gặp phải.

Vào ngay chiều hôm ấy tôi cầm 1.000 Euro do một bạn trẻ vùng Bắc Đức nhờ tôi trao lại cho người bạn học của anh hiện làm giám đốc Mái Ấm Thiên Ân. Khi đến Mái Ấm Thiên Ân ấn tượng đầu tiên mà tôi có là Mái Ấm này thật là thiên đường so với mái ấm „Mây Bốn Phương“ mà sáng nay tôi đã đến thăm: cũng một tật nguyền nhưng hai nơi sống quá cách biệt về vật chất, vì Mái Ấm Thiên Ân đang được hai cơ quan nhân đạo của Thụy Sĩ và Đức tài trợ. Tôi so sánh và cảm thấy số tiền 1.000 Euro qúa lớn đáng lẽ phải được phụ giúp cho mái ấm Mây Bốn Phương mới phải.

Nhưng sau khi tiếp chuyện với thày Phong, giám đốc Mái Ấm Thiên Ân tôi nhận ra sự đón nhận tài trợ của hai cơ quan từ thiện thật xứng đáng. Mái ấm này được tổ chức một cách quy củ. Hiện nay trong mái ấm có 3 người phục vụ chính. Môt chị quản gia, lo luôn giấy tờ sổ sách, một chị nấu cơm và một chú lo canh gác mái ấm cũng như tu sửa những hệ thống điện nước trong nhà.

Mái Ấm Thiên Ân sạch sẽ gọn gàng, cấu trúc Mái Ấm có kỹ thuật và trật tự. Hỏi ra thì biết các em đươc đào tạo từ ban đầu. Các em chia nhau lau chùi làm vệ sinh, lau bàn ăn, phụ nấu cơm dọn dẹp.

Các em được đào tạo trong mái ấm và khi lên trung học các em có thể học chung với tất cả các bạn sáng mắt ngoài trường công cộng. Theo thày Phong kể thì từ thuở ban đầu mái ấm cũng rất vất vả. Nhưng đến hôm nay với sự „may mắn“ như Thày nhấn mạnh thì mái ấm đã giúp được nhiều em lên bậc đại học và đã ra trường. Những em này vẫn thường trở lại mái ấm để giúp lại những em mới đến. Các em giúp các bạn học căn bản những môn sử dụng nhạc khí, xoa bóp mà trước thày Phong phải mất tiền mời các nhà chuyên nghiệp về dạy. Qua hình thức này mái ấm vừa tiết kiệm tiền lại tạo cho những em được may mắn từ mái ấm có cơ hội trả ơn lại và giúp đỡ những em mới lên học.

Tôi ra về lòng hớn hở và vui sướng vì đã được làm quen với hai mái ấm của người khiếm thị. Thiết nghĩ mình chẳng làm được gì nhưng tôi nghĩ những giây phút làm cho tôi suy nghĩ những gì tôi đang có là đôi mắt sáng khiến cho tôi ít nhất cũng biết yêu quý và mang ơn.

Trong thế gìới u tối của những người khiếm thị ở đâu đó tôi vẫn thấy những tâm hồn trong sáng tràn đầy hy vọng. Các em đã thể hiện cho tôi thấy qua những giọng hát thật hay không kém các ca sĩ nhà nghề.

Tôi cầu chúc thày Phong nhiều sưc khỏe để hướng dẫc các em trên con đường nhiều tương lai và hy vọng, tôi cầu chúc chị Loan và anh Đến mau gặp may để có điều kiện giúp những người đang sống trong Mái Ấm Mây Bốn Phương.

Hôm nay vào dịp đầu Xuân Tân Mão 2011, tôi nhận được một cú điện thoại chúc Tết cùa hai gia đình quen biệt với cha Tuấn đang sống bên Hoa Kỳ khi họ đọc vài hàng viết của tôi nói về hoàn cảnh khó khăn của người khiếm thị ở Mái Ấm Mây Bốn Phương. Những người bạn của cha Tuấn bàn với nhau trao tặng 2.500 đô la Mỹ để cất lại các mái nhà che nắng mưa và xây tường chung quanh tránh trộm cho họ.

Đúng là một quà lì xì lớn nhất vào dịp Tết Ta mà tôi nhận được trong cuộc đời. Cám ơn tất cả các ân nhân. Xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho công việc bác ái của quý vị.