Buổi thuyết trình “Hãy Cứu Lấy Mẹ Đất!”

Chăm sóc môi trường là một thách thức đối với toàn thể nhân loại hôm nay. Đó là một vấn đề thuộc nghĩa vụ chung và phổ quát, nghĩa vụ tôn trọng một tài sản chung, được dành cho hết mọi người, bằng cách ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác - như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên - hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình”. Đó là một trách nhiệm phải được thi hành cách chín chắn trên cơ sở cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay đã mang phạm vi toàn cầu, và từ đó dẫn tới nhu cầu cần phải đối phó với cuộc khủng hoảng sinh thái này trên cấp độ thế giới, vì tất cả mọi hữu thể đều sống lệ thuộc lẫn nhau trong trật tự chung do Tạo Hoá sắp đặt. “Ta cần phải xem xét bản chất của mỗi vật mỗi loài và mối tương quan của nó trong một hệ thống có trật tự, hệ thống này gọi chính xác là ‘vũ trụ’” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo, số 466).

Con người đã chứng kiến biết bao thảm họa, từ động đất, sóng thần cho đến lũ lụt, ô nhiễm... nhưng trên hết, con người không chỉ đối mặt với những thảm hoạ do thiên nhiên gây ra, mà còn phải đương đầu với lòng vô cảm trước sự sinh tồn của thiên nhiên - nguồn gốc của mọi thảm hoạ. Trong tinh thần hướng về Ngày Môi Trường Thế Giới, chiều Thứ Bảy, ngày 28/05/2011, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện với đề tài: “HÃY CỨU LẤY MẸ ĐẤT!” do Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế thuyết trình với sự phụ họa của Cha Lê Quang Uy, DCCT.

Xem hình buổi thuyết trình

Trước khi đi vào chia sẻ vấn đề, cha Giám Tỉnh đã nói đến công trình tạo dựng. Những chương đầu của Sáng Thế Ký đã để lại cho nhân loại những hình ảnh tạo thành, trong đó có hai trình thuật: trình thuật một mô tả ngày thứ nhất, ngày thứ hai… Chúa tạo dựng nên cái gì; trình thuật thứ hai mô tả Thiên Chúa xây dựng một cái vườn có đầy đủ mọi thứ và sau đó Ngài lấy đất nặn nên con người đặt vào đó. Dù trình thuật nào thì nền tảng Thánh Kinh cho thấy sự tạo dựng nên vũ trụ, tạo dựng nên hành tinh này và tạo nên con người là ý định của Thiên Chúa. Thưở ban đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng, ngài đã khen mọi thứ là tốt đẹp. Trong mối tương quan giữa con người và trái đất, Thiên Chúa giao cho con người quản lý và làm cho nó mỗi ngày tốt đẹp hơn... Thiên Chúa dựng nên vũ trụ này để làm gì và Ngài muốn nó như thế nào? Con người chúng ta cần phải nhận biết ý định của Thiên Chúa qua việc đọc lại Thánh Kinh để thấy rằng Thiên Chúa dựng nên trời, đất, biển, trăng, sao, muôn thú, muôn loài, cây cỏ với lời khen tốt đẹp và cuối cùng dựng nên con người, Ngài khen là rất tốt đẹp. Thiên Chúa dựng nên và muốn muôn loài tồn tại, sinh sôi nảy nở đầy tràn mặt đất một cách phong phú.

Giáo Hội nghĩ gì về vấn đề môi trường? Hai tài liệu mà Giáo Hội nói một cách chính thức mà mỗi người Công Giáo nên đọc liên quan đến vấn đề môi trường là: (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo, chương 10, Bảo vệ Môi trường (từ số 451 đến số 487), trong đó Giáo Hội phân tích và dạy người Kitô hữu phải làm gì trước vấn đề môi trường; và Sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 43 ngày 01/01/2010 với chủ đề "Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Với thời lượng giới hạn của một buổi nói chuyện chuyên đề, cha Giám tỉnh cho hay ngài chỉ chia sẻ những điều mang tính cách cục bộ, gói gọn vào một số vấn đề rất cụ thể trong cuộc sống.

Trước hết là những sự kiện lớn trên thế giới: Thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/03/2011 với số người chết và mất tích hơn 10.000 người. Trước đó phải kể đến cơn sóng thần ở Sumatra, Indonesia vào ngày 26/12/2004 làm thiệt mạng hơn 225.000 người thuộc 11 quốc gia. Trận động đất ngày 11/03/2011 kéo theo thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima. Nói đến thảm họa hạt nhân cũng cần nhắc lại thảm họa Nhà máy Điện Hạt nhân Chernobyl Liên Xô tháng 4 năm 1986.

Một trong những thảm họa thiên nhiên do con người gây ra là thảm họa bùn đỏ vào ngày 04/10/2010 ở Hungary, cả một bể bùn đỏ đổ xuống và cuốn trôi hết mọi thứ, hóa chất gây tác hại khắp mọi nơi, cả một vùng lớn xem như bị tiêu diệt... Tiếp đến là trong hai năm vừa qua, Trung Quốc liên tiếp xảy ra động đất nhất là vụ động đất ngày 14/04/2010.

Thảm họa có thể thấy rõ nét bàn tay con người là Đập Tam Hiệp chặn dòng sông Dương Tử, Trung Quốc, với quy mô lớn nhất thế giới đã hoàn thành 2003. Khi chặn dòng nước toàn bộ hệ sinh thái bị thay đổi, chất gây ô nhiễm ở đầu nguồn được thải thẳng ra sông, dẫn đến tình trạng tảo độc sinh sôi nảy nở trên mặt nước. Bên cạnh đó là nước nhiễm độc trầm trọng, rác thải tích tụ thành những hòn đảo rác dày có thể đi bộ lên trên, đe dọa cuộc sống của gần 2 triệu dân nghèo (Đập Tam Hiệp: Những nguy cơ thảm họa, Báo Tuổi Trẻ 25/05/2011).

Hiện nay, Việt Nam đang phản đối việc khởi công xây Đập Xayaburi chặn sông Mêkông, vùng Trung Lào, quy mô lớn nhất Đông Nam Á, đe dọa cuộc sống của 20 triệu dân của đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam và đồng bằng của Campuchia. Khi chặn con đập này, nước sẽ không chảy xuống được và nó sẽ làm hủy diệt tất cả sinh vật sống ở vùng hạ lưu. Dòng sông Mêkông còn đổ phù sa về nuôi vựa lúa lớn nhất của cả nước, vì thế nếu dòng sông bị chặn lại sẽ làm đất bị nhiễm mặn không thể trồng lúa.

Những chuyện xảy ra ở Việt Nam: Bauxite trên các vùng cao nguyên làm cho môi trường thay đổi và thảm họa bùn đỏ treo lửng lơ. Quy trình khai thác quặng là chặt rừng đi, đào đất lên đem đi chỗ khác, lấy lớp đất có quặng lên bóc tách rồi lấp đất lại, bón phân trồng rừng, quặng sau khi tách còn lại bùn đỏ được chứa trong những hồ được bảo vệ kỹ lưỡng. Xét về mặt kỹ thuật, đào đất lên lấy quặng rồi lấp lại trồng rừng là chuyện không dễ với diện tích hàng kilômét vuông khi mà chuyện đào đắp vẫn là chuyện dài nhiều tập ở các thành phố lớn.

Tàn phá rừng đầu nguồn, xây dựng thủy điện tràn lan, vô tội vạ là điều đáng báo động khi hệ thống sông ngòi Việt Nam hiện gánh 600 thủy điện và theo quy hoạch toàn quốc có 1.050 thủy điện làm tàn phá môi trường, lũ lụt, hạn hán. Trận lũ lụt miền Trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa vào tháng 10 năm 2010 và sau đó ở Phú Yên, Bình Thuận, các nhà khoa học và ngay cả chính quyền cũng kết luận lý do lớn nhất là do thủy điện. Khi làm thủy điện phải dọn rừng, không còn nơi chứa nước, hồ thủy điện chặn nước, khi mưa đầu nguồn lớn phải xả lũ, xả ồ ạt sẽ là hạ lưu lũ lụt, đó là một thực trạng nhân tai ngày nay.

Song song đó là nạn phá rừng phòng hộ làm mặn xâm nhập, nuôi tôm, đưa mặn vào làm mặn xâm nhập, đồng ruộng bị nước mặn xâm nhập, phải bỏ hoang, không còn có thể trồng lúa và hoa màu.

Ngành công nghiệp hiện tàn phá các dòng sông và bầu khí quyển, vụ Vedan chỉ là một thí dụ điển hình cho việc thả chất thải gây ô nhiễm cho các dòng sông: Sông Thị Vải, kênh Tham Lương, kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hủ, Bến Nghé tất cả đều ô nhiễm. Cải tạo kênh Nhiêu Lộc là một nỗ lực rất lớn của thành phố suốt 10 năm nhưng đến nay vẫn còn ô nhiễm.

Những hành động bất chấp hậu quả trong kinh doanh cũng ảnh hưởng đến môi trường như nhập khẩu các loại rác công nghiệp gây ô nhiễm: Màn hình máy vi tính, vỏ ô tô cũ, nhập hạt nix làm vệ sinh vỏ thân tàu, chân gà hôi thối…

Lơi lỏng về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng tiêu dùng không an toàn là một vấn nạn nguy hiểm cho sức khỏe con người: Trái cây, rau củ quả dùng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản, chế biến nước tương từ các loại xương bẩn… Ly của Trung Quốc nhiễm độc chì gấp vài ngàn lần, được phát hiện nhưng không có biện pháp, chẳng thu hồi, chẳng tiêu hủy, người dân cứ thế mà dùng, chỉ có ai theo dõi thông tin mới biết mà tránh.

Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và suy giảm trầm trọng gây ra hiện tượng lún và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác... Bên cạnh đó là giao thông hỗn loạn, gây ra quá nhiều tai nạn thảm khốc... Rác thải y tế không được xử lý chặt chẽ... Ô nhiễm đô thị: bụi, khói, rác, tiếng ồn, thiếu cây xanh, nước thải, kẹt xe, ngập nước, hiệu ứng nhà kiếng...

Khi lượt qua một phần thực trạng bức tranh bi thảm về môi trường, vấn đề đặt ra là mỗi người phải làm thế nào để bảo vệ môi trường trong tầm tay của mình? Làm thế nào để cứu Mẹ Đất và làm cho cuộc sống đúng như là Đấng Sáng Tạo mong muốn là làm cho sinh sôi nảy nở mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Hãy góp phần bảo vệ môi trường bằng những hành vi nhỏ, thiết thực nhất, những chuyện nhỏ cần làm ngay:

Các biện pháp, hành động thụ động: Nỗ lực vận động không hút thuốc, không đốt pháo, không đốt vàng mã những thứ làm thiệt hại môi trường, làm thiệt hại tài sản, nói không với bao xốp, túi nylon, thu gom và xử lý rác kỹ lưỡng...

Đối với ý thức cộng đồng, vệ sinh đường phố nơi công cộng: Không xả rác, phóng uế, đổ nước thải, thả chó rong... không chặt cây xanh, săn bắn chim, không phóng sinh rùa tai đỏ, khổng nuôi đỉa làm hại môi trường vì hậu quả ốc bưu vàng vẫn còn đang phải gánh chịu. Không nhậu nhẹt, ăn thịt thú rừng, cần xóa bỏ nhận thức nhậu thú rừng là thời thượng

Giảm tiếng ồn, không lạm dụng còi xe, tôn trọng sự yên tĩnh cần thiết tại các khu vực có nhà thờ, trường học, bệnh viện… tiết kiệm điện, nước, xăng, không mở máy lạnh khi không cần thiết, dạy cho con cái, học trò cách sử dụng mọi thứ có trách nhiệm

Các biện pháp, hành động chủ động, tích cực: Tìm mọi cách phủ xanh thành phố bằng cách trồng cây xanh, trồng chậu kiểng, dây leo xanh, vườn treo trên ban công nhà. Thu giữ nước mưa sạch để bổ sung cho nguồn nước sinh hoạt, giảm lượng nước thải khi có mưa, nếu mọi người cùng thực hiện thì đó là một cách để tránh ngập lụt. Ủng hộ các sáng kiến bảo vệ môi trường, các sáng kiến tạo ra hàng tiêu dùng xanh, thực phẩm sạch, kiến trúc xanh, đưa thiên nhiên vào nội thất bằng những loại cây không chịu nắng... Cần hiểu rằng bảo vệ môi trường là bảo vệ hòa bình.

Kết thúc bài thuyết trình cha Giám tỉnh DCCT ước mong rằng mỗi người làm một việc nhỏ để góp phần vào việc bảo vệ môi trường, góp phần vào việc nâng cao cuộc sống và điều quan trọng nhất là cộng tác với Chúa trong công việc tạo thành vũ trụ như Chúa đã trao phó là làm sinh sôi nảy nở và đầy tràn mặt đất.

Sau bài thuyết trình, Cha Giuse Lê Quang Uy, DCCT đã mời gọi cộng đoàn xếp thành vòng tròn tượng trưng cho sự liên đới với nhau để thắp nến cầu nguyện cho Mẹ Đất. Tâm tình cầu nguyện là một nỗi niềm sám hối về những gì con người bạc đãi thiên nhiên, ứng xử thiếu tình thương đối với tha nhân, với thiên nhiên xung quanh. Kế đến là tâm nguyện xin cho tâm hồn con người không bị ô nhiễm bởi sự nhẫn tâm độc ác, lòng vị kỷ hẹp hòi, tính tham lam vô độ...

Những ngọn nến đã toả sáng với lời kinh tiếng hát nơi một cộng đoàn dù nhỏ nhoi vào một buổi chiều để tạ tội cùng Chúa và xin Chúa bảo vệ quả đất mà Chúa đã dựng nên cho con người: “Con xin dâng lên Chúa hai hai ngàn năm đã qua, bao lao đao vấp ngã, bao tổn thương xót xa. Nguyện thế giới xin hồi tâm, khát khao xin ngài thứ tha… Con xin dâng lên Chúa đây ngàn năm thứ ba, yêu thương như men muối, mau dậy lên thiết tha. Nguyện thế giới xin thành tâm, ước ao xin ngài đỡ nâng...”

Sàigòn, ngày 05 tháng Sáu năm 2011,

Tạ Ân Phúc