Phá Bỏ Bức Tường Ngăn Cách Mở Đường Cho Sự Sống

Chúng ta có biết trên thế giới này có bao nhiêu bức tường thành vĩ đại? Nếu con người nhìn từ mặt trăng, thì có thể thấy được duy nhất “Đại Lý Trường Thành” – được gọi là kỳ quan của nhân loại. Nếu con người đọc từ tin tức, thì sẽ biết được trên thế giới này còn có những bức tường nổi tiếng khác nữa. Bức tường than khóc tại Israel. Rồi bức tường phân đôi thủ đô Berlin của Đức. Và còn rất nhiều bức tường vĩ đại đã và còn đang được xây dựng để bảo vệ những khu vực riêng tư của các cơ sở, tư gia cũng không kém tính kiên cố như những bức tường đã vang tiếng trên thế giới này.

Câu hỏi được đặt ra là – đâu là lý do sự hiện hữu của những “đại vạn lý tường thành đó?” Thưa, sự hiện hữu của những Đại Vạn Lý Tường Thành trên là hệ quả của chủ nghĩa cá nhân. Nó đã là nguyên nhân của hận thù, chiến tranh, chết chóc, tội lỗi, đau khổ, tai họa,v.v. Thật nực cười, kết quả của sự khốn nạn đó của nhân loại đã từng được tung hô là “Kỳ Quan” của nhân loại và của thế giới, ví dụ như Vạn Lý Trường Thành. Có Lẽ con người đã quá chú tâm đến sự vĩ đại về khối lượng của nó và họ quên đi lý do mà nó đã có để tồn tại. Thực sự, để có được tường thành vĩ đại chia cắt mối giao hảo giữa nhân loại đó, rất nhiều con người đã phải chịu khốn khố, chết đau đớn và nhục nhã. Nhìn lại lịch sử của việc xây dựng bức tường đó, chúng ta sẽ rõ hơn. Bức tường đó cũng là nơi tạo điều kiện cho rất nhiều tranh chấp, thù hằn, và cũng đã giết hại một số lượng người không hề nhỏ trong nhân loại. Cùng với lịch sử của Đại Vạn Lý Tường Thành này, có lẽ chúng ta không thể kể hết nổi, cho dù sự vĩ đại về khối lượng của chúng có thể bé hơn rất nhiều, nhưng hệ quả tang thương mà chúng đã gây ra cho nhân loại cũng không hề nhỏ.

Có lẽ chúng ta nên nói ngay rằng nền móng và lý do hiện hữu của những vạn lý tường thành mà chúng ta có thể thấy được là những vạn lý tường thành “vô hình, vô sắc, vô thanh,” đáng sợ, nham hiểm, chết chóc, tàn ác…hơn rất nhiều đã và đang ẩn sâu trong tâm trí của nhân loại. Đây mới thực sự là điều đáng sợ hơn cả, vì lẽ không chỉ những bức tường này không ước lượng được, nhưng nó là nguyên nhân cho những bức tường hữu hình. Chắc chắn, chúng dã man, nham hiểm và độc ác hơn rất nhiều.

Đến đây tôi có thể nói rằng tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm về rất nhiều bức tường ngăn cách trong cuộc sống đã ngăn cản chúng ta không thể đến với nhau hoặc xích lại gần nhau. Đây là một trong những kinh nghiệm đau đớn nhất trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng có thể nói rằng, có bao nhiêu khía cạnh trong cuộc đời, thì cũng có bấy nhiêu kiểu cách của những bức tường ngăn cách. Vì thế, không ai có thể kể hết được dạng, kiểu, và chất lượng của những thành trì này. Chúng ta thử nhìn vào một số đại tường thành mà những bài đọc hôm nay đang nhắc nhở chúng ta.

Bài đọc một cho chúng ta thấy phán quyết của Thiên Chúa với vận mệnh của nhân loại, đó là, mọi dân tộc, đều được vào trong thánh điện của Ngài. Nghĩa là họ cũng được lãnh nhận ơn nghĩa tử và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nghe có vẻ bình thường, nhưng nếu chúng ta nhìn lại quan niệm xưa của người Do Thái về tôn giáo, Thiên Chúa, dân tộc, dân riêng – chúng ta sẽ thấy cuộc cách mạng và sự quan trọng của lời phán quyết này của Thiên Chúa. Với người do thái, Thiên Chúa là của riêng dân tộc họ. Dĩ nhiên, tôn giáo cũng thế - chỉ phục vụ cho dòng giống và dân tộc của họ mà thôi. Với quan niệm này, tất cả những ai không thuộc “dòng giống được tuyển chọn” sẽ không được phép bước vào đền thờ của họ. Những người ngoại bang thậm chí còn không được thờ phượng Thiên Chúa của dân được tuyển chọn. Đây là “bức tường ngăn cách vĩ đại” giữa “dân riêng” và “dân ngoại” không chỉ trong niềm tin mà còn được diễn tả trang trọng trong luật pháp. Cho dù, Lời Chúa có khẳng định một cách rõ ràng: “ Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc,” thì trong thực hành, họ cũng không lấy tuyên bố này của Thiên Chúa để làm tiêu chuẩn cho lối sống đạo của họ. Đây là những gì đã xảy ra mấy ngàn năm trước. Có chăng, quan niệm này vẫn còn hiện diện nơi tâm trí và cách thực hành đạo của con người hôm nay? Còn chăng sự hiện hữu của những quan niệm về cá nhân, đẳng cấp, giới, giáo thuyết, tôn giáo, phe cánh, chủng tộc, trường phái….chủ nghĩa đang là nguyên nhân và mầm mống của sự chết trong nhân loại?

Trong bài đọc hai, chúng ta cũng thấy rất rõ kinh nghiệm đau thương về sự kỳ thị mà vị “Tông Đồ Dân Ngoại” đã trải nghiệm cũng như chứng kiến đang diễn ra giữa “dân thánh” và “dân ngoại,” kể cả đối với những người mới được tuyển chọn. Đứng trước trải nghiệm đau thương này, thánh Phao-lô muốn khẳng định rõ ràng rằng, không phải những nhà lãnh đạo tôn giáo có quyền tuyển chọn và quyết định cho những người mới theo đạo được gia nhập, nhưng là chính Thiên Chúa đầy yêu thương mới là người có quyền và đã làm việc đó. Ngài đã quyết định, và Ngài đã không hề hối tiếc về việc làm của mình. Lý do, Ngài là Đấng đầy long thương xót. Ngài không muốn để một ai trong con cái của Ngài là nhân loại mất đi Ơn cứu độ mà Ngài đã thực hiện cho họ. Vẫn là những bức tường vô hình của chủ nghĩa cá nhân đó. Chúng đã tồn tại và vẫn đang còn tồn tại. Chắc chắn Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài lớn hơn rất nhiều những gì con người có thể nghĩ hoặc tưởng tượng về Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay càng làm sáng tỏ lý do phải phá tan đi những đại tường thành ngăn cách trong nhân loại. Mặc dù phần lớn của Bài Tin Mừng dường như muốn diễn tả cái quan niệm tôn giáo hạn hẹp của người Do Thái qua cách đối thoại của Đức Giêsu với người phụ nữ. Thế nhưng tất cả đã bị đảo ngược qua sự phán quyết của Đức Giêsu: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao được vậy.” Làm sao một người ngoại đạo lại có thể có lòng tin? Đây là một câu hỏi đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Có lẽ ngay cả trong thế kỷ 21 này chúng ta cũng không thể nghĩ ra một người có thể biết về đạo của mình. Như thế làm sao chúng ta có thể nghĩ được rằng – họ có niềm tin? Hơn thế nữa, họ lại có niềm tin mạnh mẽ!

Thành quách, thành trì, ngay cả Vạn Lý Tường Thành cho muôn thế hệ là sản phẩm của nhân loại. Dù tường thành nào, hữu hình hay vô hình, thành đó vẫn là sản phẩm của nhân loại. Thiên Chúa không xây thành. Ngài cũng chẳng xây tường lũy. Thiên Chúa cũng chẳng đặt rào cản cho bất kỳ ai muốn đến với Ngài và muốn thờ phượng Ngài. Không những thế, Ngài còn tạo mọi điều kiện để tất cả mọi người đều có thể đến với Ngài. Tôi nghĩ rằng, dù bất cứ ai, dù họ ở trong trạng thái nào của cuộc sống, đều được mời gọi để lãnh nhận Ơn Cứu Độ. Và nếu như họ không được đón nhận bởi đồng loại của họ, thì có một điều chúng ta có thể tin rằng, họ luôn nhận được dồi dào ân sủng của Thiên Chúa đầy yêu thương – nếu như họ có lòng tin. Chúng ta nghĩ gì với câu khẳng định của Chúa Giêsu với người phụ nữ dân ngoại này: “ này bà, bà có lòng tin mạnh mẽ. Bà muốn sao thì được như vậy.” “?”

Lm. Joseph Đinh Công Phúc