Nairobi – Các công ty Trung Quốc đang xây dựng nhà thờ ở châu Phi, cho nhiều Giáo hội Kitô giáo, giành công việc xây dựng trước đây của châu Âu, và của các công ty Mỹ gần đây. Chẳng hạn, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gia ở Nairobi, Công ty Xây dựng Zhongxing của Trung Quốc đang xây dựng một tòa nhà mới cho văn phòng của tổng giáo phận Nairobi.

Một giám chức của tổng giáo phận nói: “Chúng tôi đã làm việc với họ trước đây, và chúng tôi đã có một kinh nghiệm tích cực. Chúng tôi tổ chức đấu thầu công khai, và họ đã trình bày phương án tốt nhất". Trong quá khứ, thường các nước gửi các nhà truyền giáo đến châu Phi cũng lo xây dựng nhà thờ nữa.

Đức Giám mục Anh giáo ở Uganda, Stanley Ntagali, giáo phận Masindi-Kitara, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Các anh em của chúng tôi trong đức tin, cùng với các công ty của họ đã giúp xây dựng nhà thờ chúng tôi trước kia. Nhưng bây giờ Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thế giới, và cũng muốn bám víu vào Châu Phi”.

Tại Kenya, người Trung Quốc đang xây dựng tòa nhà làm việc của Tổng Giáo Phận Nairobi, cũng như đang xây dựng một nhà thờ giáo phái Ngũ Tuần quốc gia, gọi là Thừa tác viên Tin mừng của Đức tin. Một công ty khác, Fubeco Ltd (Funshin Trung Quốc), đang xây dựng nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Mân Côi, tại Kiambu gần Nairobi. Công ty này đã xây dựng Luther Plaza, trụ sở của Giáo Hội Lutherô của Kenya.

Hơn nữa, Trung Quốc là một đối tác hàng đầu trong thương mại với châu Phi, trong năm 2009, vượt cả Pháp và Anh. Và trong lĩnh vực xây dựng, các công ty Trung Quốc thường đánh bại các đối thủ cạnh tranh, do đưa ra chi phí thầu xây dựng thấp hơn.

Trung Quốc cũng đang in phần lớn các ấn bản Kinh Thánh được Kitô hữu sử dụng ở châu Phi, mặc dầu sự tự do tôn giáo ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với các giáo phái Kitô giáo không được chế độ công nhận, đã bị từ chối.

Công ty In ấn Hữu nghị (APC) đã tăng gấp đôi số lượng sách Kinh Thánh in trong năm 2007, từ sáu triệu lên đến 12 triệu cuốn. Và hầu hết các sách này tràn ra khắp thị trường châu Phi. Ông Jesse Mugambi, một giáo sư xã hội học về tôn giáo tại Đại học Nairobi, đã nói: “Các hợp đồng đều về tay các công tyTrung Quốc để in sách Kinh Thánh, bởi vì họ đưa ra giá in thấp hơn so với bất kỳ quốc gia nào ở phương Tây". (AsiaNews 24-9-2011)