SAIGÒN - Ban hợp xướng Trùng Dương vừa có hai đêm trình diễn thánh ca với chủ đề “Ngợi ca và nhớ ơn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” tại hội trường An Phong, dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, do cha Bề trên Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành kết hợp tổ chức vào ngày 07/11/2011. Và tại giáo xứ Mạc Ty Nho, cha chánh xứ Gioan Lê Quang Việt cũng kết hợp cùng ban hợp xướng tổ chức vào ngày thứ năm 10/11/2011.

Xem hình ảnh

Tại hai nơi, ban hợp xướng đều trình bày chín bài thánh ca, nhưng cách tổ chức có khác nhau một chút. Tại giáo xứ Mạc Ty Nho, sân khấu cũng là cung thánh của nhà thờ, tuy nhỏ hơn nhưng cách trang trí làm cho người dự thấy ấm cúng như đang ngồi trong một khán phòng mà thưởng thức âm nhạc. Ban hợp xướng Trùng Dương đã có quá trình sinh hoạt từ năm 1962, hôm nay nhiều thành viên cũ mới có mặt, đặc biệt là có sự tham gia của các thầy dòng Chúa Cứu Thế (Mai Thôn).

Mở đầu chương trình, sau lời giới thiệu quan khách là một phút thinh lặng để chiêu niệm Các Thánh Tử Đạo trong tiếng cồng chiêng. Tiếp theo là lời dẫn vào từng bài hát do MC nhà thơ Lê Đình Bảng trình bày. Đặc biệt, sau ba bài đầu tiên, cha chánh xứ Gioan Lê Quang Việt diễn giải về thời kỳ Tông Tòa 1659 – 1960 với mười phẩm chất oai hùng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đó là: không cuồng tín, không để liên lụy, không man trá, cuộc đời như một thánh lễ, tôn trọng pháp quyền, gắn kết cộng đoàn, tuyên xưng đức tin, trung tín đến cùng, lòng bao dung thứ tha và xác tín với niềm tin Phục Sinh.

Trước khi sang chương II, linh mục MC Giuse Tiến Lộc đã giới thiệu đoạn phim Quo Vadis trên màn hình, người dự được xem cảnh các Kitô hữu đầu tiên bị đưa ra hí trường La Mã với cái chết bi thảm trở thành trò chơi cho các vua chúa quan quyền trong tiếng reo hò vô cảm của dân chúng thời bấy giờ.

Có thể nói người đến tham dự đêm nhạc nhớ ơn các bậc tử đạo được dẫn vào từng bài ca rất hay:

• Bài VẾT TỬ HÙNG của Tâm Bảo & Văn Thi

Đây là một trong những bài thánh ca xuất hiện rất sớm ở buổi hừng đông của lịch sử thánh nhạc – thánh ca Việt Nam (1945), được in trong tuyển tập Cung Thánh I của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh.

Nay được vang lên với nghệ thuật hòa âm hừng hực lửa cháy của Hồ Đăng Tín, một nhạc sĩ chưa từng cúi đầu bên giếng thánh, nhưng chúng ta có thể tin rằng - trong hạnh ngộ của một trải nghiệm đức tin – ông đã được rửa tội bằng chính ngọn lửa Thánh Thần.

• Bài ĐỪNG BỎ TÔI và TÔI VẪN TRÔNG CẬY VÀO NGÀI

Giữa hang hùm miệng sói. Giữa dầu bỏng lửa sôi. Giữa bùa mê lầm lạc. Lạy Chúa, xin đừng bỏ tôi, đừng bỏ tôi một mình.

Trong âm điệu mênh mông của làn hơi dân ca Việt Nam, nhạc sĩ Viết Chung – qua trích đoạn từ Giáo trường ca Niềm Tin Đông Phương – mời gọi chúng ta đồng hành với ông trên đôi cánh bay cao của nghệ thuật lĩnh xướng và hợp xướng.

• MẸ VẪN Ở ĐẦU NON của Lê Đình Bảng & Hồ Đăng Tín

Cuộc vật lộn giữa lịch sử và đức tin – nói theo Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI – cũng chính là cuộc vật lộn cam go của con người với chính mình, với Thiên Chúa. Nó còn tiếp diễn mãi tới buổi hoàng hôn của lịch sử.

Họ đã chạy cùng đường. Và Mẹ Maria đã đoái thương hiện ra để cứu vớt tổ tiên chúng con giữa thời loạn ly cấm cách, khốn khổ trăm bề tại La Vang năm 1798.

• KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

- Lời Kinh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
- Nhạc của Vũ Văn Tuynh

Đây là lần thứ hai, chúng ta hát lời kinh bằng cung bậc âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Văn Tuynh. Đã một lần cách đây không lâu, từ Australia, nhạc sĩ lão thành gửi về Đại Hội La Vang lời “Kinh Thánh Mẫu La Vang”. Thế mới biết kinh là lời vàng, là tao phách của tiền nhân. Có thể nói, cơm nuôi phần xác, kinh nuôi phần hồn.

“ Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Là con thảo của Cha trên trời
Là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô
Là thành phần trung kiên của Hội Thánh…”

• LIỄU ĐẠO HÙNG CA (LES MARTYRS AUX ARÈNES)

- Laurent de Rilles
- Trần Văn Tín cải soạn 4 bè
- Lời Việt: Bùi Ngọc Lâm

Tác phẩm này đã từng đoạt giải khôi nguyên hợp xướng tại Pháp cách nay nửa thế kỷ. Cố nhạc sĩ Anrê Trần Văn Tín (1922- 1983), nguyên là Đại tá chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Quân Nhạc của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật về hợp xướng năm 1970.

• KINH CẦU THÁNH PHANXICÔ

- Nhạc: Sebastian Temple
- Hòa âm: James Whitbourn và DH
- Việt ngữ: Phạm Tất Hanh, Nguyễn Phước và Nguyễn Hanh

Bài kinh này rất phổ biến trên toàn thế giới vì là lời nguyện cầu của chính thánh Phanxicô Assisi thốt ra cửa miệng. Đêm nay, ban hợp xướng Trùng Dương xin gửi gắm một ước mơ bé bỏng: ai ơi, xin đem bình an đến cho mọi người, mọi nơi.

• CA NGUYỆN HÒA BÌNH

• KINH LẠY CHA của Linh mục GB. Nguyễn Văn Vinh (1912-1971)

Cha GB. Vinh là một linh mục, một nhạc sĩ tài hoa, một chứng nhân đức tin anh dũng. Sau sự kiện Noel 1958 ở Hà Nội, tác giả bị kết án 18 tháng tù. 12 năm biệt giam qua các nhà tù, để rồi lặng lẽ ra đi. Xin hiệp thông cầu nguyện cho Cha.

• ĐƯỜNG HY VỌNG của Cao Huy Hoàng

Cuối năm 1977, Đức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận đang ở tù rất xa. Ngài có gửi cho anh chị em ở giáo phận Nha Trang một bức thư, ân cần nhắn nhủ: “Các con hãy luôn sống trong niềm hy vọng. Con đường hy vọng là con đường phải đi qua thập giá, sẽ dẫn đến vinh quang”. Cảm xúc vì tâm tình ấy, nhạc sĩ Cao Huy Hoàng đã viết ra ca khúc lên đường này.

Sau tám bài thánh ca, cha chánh xứ Mạc Ty Nho đã nói lời cảm ơn và những người trong ban tổ chức cùng bước lên với ban hợp xướng hát bài Đường Hy Vọng. Một bó hoa tươi thắm của ai đó đã dành tặng nhạc trưởng Hoàng Hương. Sẽ còn một đêm diễn nữa tại Trung Tâm Mục Vụ GP Sài Gòn vào ngày thứ tư 16/11/2011.

Đêm nhạc khép lại. Hẳn là trong lòng người nghe còn trầm bổng dư âm hào hùng cũng như bi thương của những giai điệu ngợi ca Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.