Tầm quan trọng của sự im lặng trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa

Trong buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư 7 tháng Ba, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đề cập với hàng ngàn khách hành hương về tầm quan trọng của sự im lặng. Ngài ghi nhận rằng ngay cả vào những lúc khó khăn, ta vẫn có thể tìm thấy Thiên Chúa trong sự im lặng.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, để kết thúc loạt bài giáo lý về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, tôi muốn nói về tầm quan trọng của sự im lặng trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Trong đời sống và trong lời cầu nguyện của Chúa Kitô, đặc biệt là khi Ngài bị treo trên Thánh Giá, chúng ta thấy một tác động qua lại thường xuyên giữa lời nói và sự im lặng. Sự im lặng thoi thóp của Chúa Giêsu trên thập giá là lời cuối cùng của Ngài với Chúa Cha, là lời cầu nguyện tối cao của Ngài.

Để nghe tiếng Chúa, ta cần phải biết tận dụng sự im lặng cả bên ngoài lẫn bên trong, để tiếng nói của Ngài có thể vang lên trong lòng chúng ta và định hình cuộc sống của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Thiên Chúa cũng nói với chúng ta, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn, thông qua sự im lặng của Ngài. Sự im lặng ấy chính là lời mời gọi chúng ta đến với đức tin sâu sắc hơn và đức cậy mạnh mẽ hơn vào những lời Chúa đã hứa. Chúa Giêsu là bậc thầy vĩ đại của chúng ta trong cách thế cầu nguyện. Từ lời cầu nguyện của Ngài, chúng ta học được cách nói chuyện với Cha chúng ta trên trời một cách tự tin với tư cách là những người con yêu quý của Ngài.

Trong cuộc đối thoại đầy hiếu thảo này, chúng ta cũng được dạy bảo để nhận ra những ân sủng của Thiên Chúa và học biết cách vâng theo thánh ý Ngài, là điều mang lại ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống của chúng ta.

Tôi hoan nghênh các nhóm sinh viên, có mặt tại trong buổi Triều Yết Chung hôm nay, gồm các sinh viên của Trung Tâm Huấn Luyện Tuần Duyên Hoa Kỳ, Đại học Công giáo Mỹ Châu, Đại Chủng viện Đức Maria và Đại học Thánh Phanxicô ở Steubenville. Tôi gởi lời chào và lời chúc tốt đẹp đến những tham dự viên của Công Nghị Quốc Tế về Phẫu Thuật và Chỉnh Hình. Với những người hành hương nói tiếng Anh và các du khách khác, bao gồm những người từ Anh, Đan Mạch và Hoa Kỳ, tôi cầu khẩn muôn ơn lành của Thiên Chúa trên anh chị em.

Đức Thánh Cha bế mạc tuần tĩnh tâm mùa chay

Sáng thứ Bẩy 3 tháng Ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và các vị lãnh đạo trong giáo triều Rôma đã bế mạc tuần tĩnh tâm mùa Chay.

Đức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn vị giảng tĩnh tâm là Đức Hồng Y Laurent Monsengwo, Tổng Giám Mục Kinshasa, Congo.

Ngài nói rằng: “Trong những ngày này, Đức Hồng Y đã dẫn chúng tôi, có thể nói là đi vào “mảnh vườn lớn” là thư thứ Nhất của thánh Gioan Tông Đồ, cũng như trong toàn Kinh Thánh, với khả năng rất chuyên môn về chú giải Kinh Thánh và với kinh nghiệm tu đức và mục vụ của Đức Hồng Y. Đức Hồng Y đã hướng dẫn với cái nhìn luôn hướng về Thiên Chúa và chính với cái nhìn ấy, chúng tôi đã học về tình yêu, về đức tin kiến tạo nên sự hiệp thông”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng Đức Hồng Y Monsengwo “đã thêm vào các bài suy niệm những câu chuyện hay, phần lớn lấy từ đất nước Phi châu yêu quí của Đức Hồng Y, mang lại vui mừng và hy vọng cho chúng tôi. Tôi đặc biệt có ấn tượng mạnh về câu chuyện mà Đức Hồng Y kể về một người bạn bị hôn mê, người ấy có cảm tượng đang ở trong một con đường hầm tăm tối, nhưng sau cùng đã thấy một chút ánh sáng, nhất là khi nghe được một bản nhạc hay. Tôi thấy điều này cũng có thể là một dụ ngôn về cuộc sống chúng ta: nhiều khi chúng ta ở trong một đường hầm tăm tối giữa đêm khuya, nhưng nhờ đức tin, sau cùng chúng ta thấy ánh sáng và nghe được bài ca hay, nhận thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa, của trời đất, của Đấng Tạo hóa. Quả thực là chúng ta được cứu độ nhờ hy vọng”.

Cùng với những lời ứng khẩu trên đây, Đức Thánh Cha đã trao cho Đức Hồng Y Monsengwo một thư cám ơn chính thức về những bài suy niệm về tình hiệp thông với Thiên Chúa, qua việc chú giải một số đoạn trong thư thứ Nhất của thánh Gioan Tông Đồ, trong một hành trình tái khám phá mầu nhiệm hiệp thông mà chúng ta được tháp nhập vào nhờ bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng ngài vui mừng vì, qua sự hiện diện và cách thức diễn tả của Đức Hồng Y, ngài có thể đón nhận chứng tá đức tin đặc thù của Giáo Hội tin, yêu và hy vọng tại Phi châu: một gia sản tinh thần mang lại sự phong phú cho toàn thể Dân Chúa và thế giới, đặc biệt trong viễn tượng tái truyền giảng Tin Mừng. Trong tư cách là người con của Giáo Hội tại Phi châu, Đức Hồng Y đã làm cho chúng tôi cảm nghiệm sự trao đổi hồng ân là một trong những khía cạnh đẹp nhất của tình hiệp thông trong Giáo Hội, trong đó những xuất xứ khác nhau về địa lý và văn hóa được diễn tả hòa hợp trong sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 viếng thăm giáo xứ thánh Gioan Tẩy Giả de la Salle ở Rôma.

Hôm Chúa Nhật 4 tháng Ba, với tư cách Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha đã viếng thăm giáo xứ thánh Gioan Tẩy Giả de la Salle al Torrino. Giáo xứ này ở miền tây nam Rôma, có thánh đường vừa được thánh hiến năm 2009 và có 13 ngàn dân cư, phần lớn là các đôi vợ chồng trẻ.

Khi đến nơi vào lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Giám quản Vallini, Đức Cha Phụ tá khu vực Paolo Schiavon, và cha sở và 12 linh mục tiếp đón.

Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chào đón một số trẻ em trong giáo xứ.

Một nhóm đại diện cho các cầu thủ trẻ trong giáo xứ, đã đích thân trao cho Đức Giáo Hoàng một áo bóng đá. Sau đó, ít phút sau, một nhóm trẻ em khác đã tặng cho ngài một cuốn sách đầy các hình vẽ đã được thực hiện nhân chuyến thăm ngắn ngủi của Đức Giáo Hoàng tại giáo xứ các em.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi cảm ơn anh chị em vì bầu khí của một tình thân gia đình. Chúng ta thật sự là gia đình của Thiên Chúa và thực đáng khích lệ khi anh chị em xem Đức Giáo Hoàng như hình ảnh một người cha! Chúng ta phải nhớ rằng cuộc gặp gỡ không chỉ dừng lại nơi cá nhân Đức Giáo Hoàng này, nhưng cần phải vươn tới Chúa Giêsu. "

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha giải thích rằng thể theo lệnh truyền của Thiên Chúa, Abraham đã sẵn sàng sát tế chính con trai của mình. Trước thử thách này, đức tin chân thực và mạnh mẽ của Abraham đã tỏa sáng.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Thiên Chúa không muốn cái chết, Ngài muốn sự sống. Cái chết không mang lại sự hy sinh thật sự. Cuộc sống và sự vâng lời của Abraham đã trở thành một nguồn ân sủng lớn lao cho đến ngày nay. "

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc nhở anh chị em tín hữu rằng Thiên Chúa đã hy sinh chính Con Một của Ngài trên thập giá. Ngài nhấn mạnh rằng cuộc sống là một nghệ thuật. Chúa Giêsu đã là bậc thầy của nghệ thuật sống, để những người khác có thể theo gương của Ngài.

Trước khi cho anh chị em tín hữu rước lễ, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng giáo đường không chỉ là một nơi để cầu nguyện, nhưng còn là nơi nuôi dưỡng và thể hiện thật sự đức tin của mỗi người.

Sau đó, Đức Thánh Cha trở về Vatican để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.

Khác với vị tiền nhiệm, mỗi năm Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chỉ viếng thăm 2 giáo xứ ở Rôma, một vào mùa Vọng và một vào mùa Chay.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16: "Chúng ta cần ánh sáng của Chúa Kitô để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống".

Sau chuyến viếng thăm giáo xứ San Giovanni Battista de La Salle ở Rôma, Đức Thánh Cha đã trở lại Vatican để đọc kinh Truyền Tin với khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha đã trình bày bài suy niệm của ngài về biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor.

Ngài nói:

“Dung mạo Người và y phục Người tỏa ra một ánh sáng rạng ngời, trong khi xuất hiện bên cạnh Người là hai ông Môsê và Elia. Rồi có một đám mây bao phủ đỉnh núi và từ đó phát ra một tiếng nói ‘Này là Con Ta yêu dấu; hãy lắng nghe lời Người!’”

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ghi nhận rằng ngày hôm nay Biến Hình là lời đề nghị hãy leo lên núi cầu nguyện với Chúa Giêsu và qua đó xác nhận đức tin Kitô giáo trước cuộc Thương Khó.

Ngài nói tiếp:

"Anh chị em rất thân mến, tất cả chúng ta đều cần ánh sáng bên trong để vượt qua các thử thách trong cuộc sống. Ánh sáng này đến từ Thiên Chúa và chính Chúa Kitô đã mang ánh sáng ấy đến cho chúng ta. Đó chính là Đấng có sự viên mãn của thần tính. "

Đề cập đến mùa Chay đang diễn ra, Đức Thánh Cha khuyên anh chị em tín hữu một phương cách tốt để trải qua 40 ngày này là hãy "tìm một khoảng thời gian để cầu nguyện mỗi ngày".

Đại sứ của Liên Hiệp Âu Châu tại Tòa Thánh: "Cuộc khủng hoảng kinh tế buộc chúng ta phải đặt lại câu hỏi về mô hình tăng trưởng của mình"

Vào tháng Giêng năm 2012, Laurence Argimon Pistre là một phụ nữ Pháp, đã bắt đầu đảm nhận vai trò mới của mình trong tư cách là Đại sứ Châu Âu cạnh Tòa Thánh.

Tân Đại sứ Argimon nói: "Dự phần vào cuộc đối thoại là điều rất quan trọng. Vai trò của tôi là nhằm thiết lập cuộc đối thoại giữa Liên Hiệp Âu Châu và Tòa thánh”.

"Điều 17 của hiến chương Liên Hiệp Âu Châu đã quy định việc đối thoại với các giáo hội."

Cuộc đối thoại đó bao gồm các vấn đề kinh tế. Tất cả mọi thứ từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới việc sử dụng đồng Euro của Vatican. Tất nhiên, cũng có các cuộc đàm phán liên quan đến tự do tôn giáo và nhân quyền.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, bà Argimon nhận định rằng:

"Cuộc khủng hoảng này buộc chúng ta phải đặt lại câu hỏi về mô hình tăng trưởng của mình. Đó là một mô hình được dựa trên sự tăng trưởng kinh tế, nhắm vào chuyện có nhiều tiền hơn. Nhưng bây giờ chúng ta phải xét lại hệ thống và xem làm thế nào chúng ta có thể cung cấp cho người dân một mô hình có thể chấp nhận được về mặt môi trường và xã hội."

Trong tháng Hai, vị tân đại sứ đã có một cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Hai vị đã thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế và tác động của nó trên bình diện con người. Hai vị cũng đề cập đến những phương cách để giúp đỡ những người trẻ. Argimon cho biết bà đã trải qua nhiều ngạc nhiên trong cuộc nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Bà nói:

"Đó là một cuộc họp rất tốt đẹp và ấm áp. Tôi đã từng nghĩ rằng cuộc họp đó sẽ là một cái gì chỉ mang tính chất ngoại giao với tất cả các loại nghi lễ. Tuy nhiên, trên thực tế tôi thấy rằng Vatican là một nơi rất nồng nhiệt và duyên dáng khi chào đón những người mới. "

Vị tân đại sứ đã thay thế cho ông Luis Ritto, vị đại sứ đầu tiên của Liên Hiệp Âu Châu cạnh Tòa Thánh. Ông đã phục vụ từ năm 2006 đến tháng 12 năm 2011.

Thánh lễ tưởng nhớ Luigi Giussani, người sáng lập Phong trào Hiệp thông và Giải phóng

Thấm thoát đã 30 năm trôi qua kể từ khi phong trào giáo dân mang tên Hiệp Thông và Giải Phóng được Giáo Hội Công Giáo chấp thuận. Hôm Chúa nhật 04 Tháng 3, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã cử hành Thánh Lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để đánh dấu sự kiện này.

Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng đã được chính thức công nhận bởi Tòa Thánh vào ngày 11 Tháng Hai năm 1982. Giờ đây, hàng ngàn thành viên phong trào đã có mặt tại hơn 70 quốc gia.

Thánh lễ cũng nhằm vinh danh cuộc sống chứng tá của người sáng lập phong trào, là cha Luigi Giussani, người đã qua đời cách đây bảy năm. Vừa qua, Đức Tổng Giám mục tổng giáo phận Milan, Ý Đại Lợi, đã được yêu cầu tiến hành quá trình điều tra ở cấp giáo phận cho án phong chân phước của cha Giussani. Giai đoạn điều tra tại cấp giáo phận sẽ bao gồm một loạt các lời khai và xác nhận rằng một phép lạ đã được thực hiện nhờ sự cầu bầu của ngài.

Vatican hội nghị về điều trị vô sinh thúc đẩy việc sử dụng công nghệ NaPro

Học viện Giáo Hoàng về sự sống đã tổ chức tại Vatican một cuộc họp ba ngày với sự tham dự của các chuyên gia y tế và đại diện Giáo Hội về việc chẩn đoán và điều trị vô sinh.

Tưởng cũng nên biết, một phương pháp điều trị vô sinh đang được nhiều cặp vợ chồng sử dụng đã bị Giáo Hội cực lực lên án đó là việc thụ tinh trong ống nghiệm. Đức Thánh Cha đã gọi kỹ thuật điều trị vô sinh này là “ngạo mạn và muốn thay quyền tạo hóa”. Các nhà thần học Công Giáo cũng cảnh cáo rằng trẻ con không phải là cái gì đó có thể “sản xuất” được.

Tiến sĩ Thomas Hilgers là một bác sĩ sản khoa và phụ khoa và là thành viên của học viện từ năm 1994. Ông là người cổ vũ mạnh mẽ cho công nghệ sinh sản tự nhiên, được biết đến là "Công nghệ NaPro” nhằm dạy cho phụ nữ cách theo dõi các dấu hiệu của khả năng sinh sản.

Tiến sĩ Thomas Hilgers, hiện là giám đốc Viện Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục tại Hoa Kỳ cho biết:

"Phương thức hoạt động của kỹ thuật sinh sản tự nhiên là phối hợp chu kỳ kinh nguyệt và các giai đoạn sinh sản của phụ nữ.”

Ông nói rằng việc thụ tinh trong ống nghiệm không có hiệu quả cao khi so sánh với tỷ lệ thành công của công nghệ NaPro.

"NaPro nhìn thẳng vào những nguyên nhân gốc rễ của vô sinh và xử lý chúng một cách hiệu quả, và tỷ lệ thành công của chúng tôi ở bất cứ nơi nào cũng cao hơn từ 2 đến 3 lần việc thụ tinh trong ống nghiệm. Thêm vào đó, người phụ nữ có cơ hội được chẩn đoán bệnh tật và được điều trị hiệu quả."

Các thành viên của hội nghị này ước tính rằng 20% các phụ nữ có một số hình thức rối loạn nội tiết tố nữ, khiến cho việc thụ thai khó khăn. Mục đích của hội nghị này là cung cấp một giải pháp tự nhiên khác bảo đảm an toàn tối đa cho cả mẹ và con.

Các tài liệu từ văn khố mật của Tòa Thánh được trưng bày lần đầu tiên trong lịch sử

Hơn 100 tài liệu gốc đã từng được bảo vệ chặt chẽ tại Vatican đang được trưng bày cho công chúng lần đầu tiên trong một cuộc triển lãm tại Rôma có tên gọi là “Lux in Arcana”.

Alessandra Gonzato, một thành viên trong ban tổ chức “Lux in Arcana” cho biết:

"Mục tiêu là giúp công chúng có thể tiếp cận với các tài liệu mà thường là rất khó hiểu bởi vì chúng được viết bằng các ngôn ngữ khác, hoặc bằng tiếng Latinh, với những hình vẽ phức tạp."

Một thành viên khác trong ban tổ chức “Lux in Arcana” là Pier Paolo Piergentili cho biết thêm:

"Có nhiều tài liệu chắc sẽ thu hút nhiều người truy cập, chẳng hạn như các bức thư được viết bởi các dân biểu của Quốc hội Anh yêu cầu Đức Giáo Hoàng Clêmentô Đệ Thất bãi bỏ hôn nhân của Vua Henry Đệ Bát. Đó là một cuộn giấy dài cả thước với 83 con dấu."

Dự án này đã tốn một năm chuẩn bị, với khoảng 150 người làm việc để trình bày 100 tài liệu cho công chúng. Tầm quan trọng của chúng không chỉ giới hạn đối với Giáo Hội, nhưng là đối với toàn bộ lịch sử của hầu hết xã hội phương Tây.

Ông Pier Paolo Piergentili nói thêm:

"Trong cuộc trưng bày còn có những hồ sơ khác như văn kiện truất phế Nữ hoàng Thụy Điển Christina với con dấu và chữ ký của gần 300 thành viên của quốc hội."

Trong số các tài liệu cũng có một lá thư của Thánh Têrêsa Thành Avila về việc cải cách Luật Dòng Carmêlô. Ngoài ra còn có bức thư của các vị hồng y đã thiết lập các quy tắc của mật nghị Hồng Y, và một bản sao sắc lệnh 'Lunario Novo, chính thức bãi bỏ mười ngày trong dương lịch nhằm thích ứng với chu kỳ mặt trăng.

Bên cạnh những tài liệu rất gây ấn tượng vì dài đến 200 feet tức là đến 61 mét, có nhiều tài liệu lịch sử mà người xem có thể đi ngang không để ý đến, chẳng hạn như sắc chỉ “Ineffabilis Deus” trong đó thiết định tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Được hỏi về tài liệu dài 61 mét, ông Pier Paolo Piergentili giải thích:

“Nó chứa các lời khai của 231 hiệp sĩ Templar, những người đã bị thẩm vấn bởi các ủy viên tông đồ của Đức Giáo Hoàng. Hai năm trước đó, họ đã bị bắt giữ theo lệnh của vua Pháp Philip Đệ Tứ. Ông muốn đồn thổi sự giàu có của nhà Dòng. Để làm rõ vấn đề, Đức Thánh Cha bổ nhiệm một ủy ban để điều tra nhà Dòng”.

Triển lãm kết thúc với một chuyến viếng thăm cái gọi là "Thời kỳ Bí Mật", với các tài liệu từ triều đại giáo hoàng của Đức Piô thứ 12, được viết trong Thế chiến II. Nó được gọi là "Bí Mật" vì các báo cáo trong khoảng thời gian này đến nay vẫn chưa được công bố công khai cho công chúng.

Một bức tượng của Đức Mẹ Czestochowa cũng được trưng này. Bức tượng này đã được một nhóm phụ nữ tù nhân của một trại tập trung trao cho Đức Giáo Hoàng. Bức tượng đã được thực hiện từ các tấm đồng mỏng và đã được bọc trong những miếng giấy trắng và đỏ, màu sắc của quốc kỳ Ba Lan. Bên cạnh đó là một lá thư từ sứ thần Tòa Thánh ở Hà Lan gởi Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh về cái chết của Edith Stein và em gái của bà là Rosa.

Bạn cũng có thể thấy sắc chỉ phong thánh cho Thánh Phanxicô Xavier và các hồ sơ từ vụ xử nhà thiên văn Galileô.

Văn khố mật của Bộ Truyền Giáo

Đằng sau mỗi một tài liệu này là một câu chuyện độc đáo. Đằng sau những con dấu, những mảnh gỗ hay cả đến những bản vẽ này là cả một lịch sử hấp dẫn. Tất cả các kho báu này được lưu trữ ở đây, trong kho lưu trữ văn khố mật của Bộ Truyền Giáo, nơi lưu trữ các hồ sơ quan trọng nhất về truyền giáo của Giáo Hội.

Đức ông Luis Cuña Ramos, chuyên viên lưu trữ văn khố của Bộ Truyền Giáo cho biết:

"Văn khố này bao gồm 12,500 hồ sơ với trung bình là 800 hoặc 900 tài liệu trong mỗi hồ sơ. Vì vậy, tôi sẽ ước tính khoảng 10 hoặc 11 triệu tài liệu, gồm tất cả các loại ngôn ngữ. Có cả nhiều ngôn ngữ phương Đông như Ả Rập, Coptic, tiếng Armenia, và Tây Tạng. Các tài liệu được viết trên giấy thường, giấy gạo, lá cọ, lụa trắng, lụa đỏ, và giấy da, da động vật như dê, thịt cừu, hay bê"

Bộ Truyền Giáo là cơ quan của Tòa Thánh phụ trách việc truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Trong văn khố của mình, bộ lưu trữ tất cả các tài liệu đã gửi đi hay nhận được từ các nhà truyền giáo trong thời gian từ năm 1622 đến 1959.

Đức Ông Luis Cuña Ramos cho biết thêm:

"Ở đây, chúng tôi có những lá thư được viết bởi các vị sứ thần Tòa Thánh, các giám mục, các nhà truyền giáo, và những thư trả lời từ khắp các quốc gia Á Châu, Phi Châu, Đại Dương Châu, Mỹ Châu, Canada, Bắc Âu và Đông Âu. "

Các bài viết không phải lúc nào cũng trên giấy. Một số cũng được lưu giữ trên các vật dụng hàng ngày. Trên miếng gỗ này ta thấy có khắc một dòng chữ bằng tiếng Ả Rập và nó đã thực sự được sử dụng để in các bản Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Ả Rập và tiếng Latinh. Còn bức thư này được viết trên lụa đỏ. Trong đó, giáo dân từ một giáo xứ xa xôi ở Trung Quốc đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng gởi các linh mục đến giáo xứ của họ. Còn con dấu ngọc bích này thì thu tóm một câu chuyện độc đáo.

Đức Ông Luis Cuña Ramos nói tiếp:

"Con dấu đó được sử dụng bởi một hoàng đế để ký vào án tử hình các Kitô hữu. Nó được bảo quản bởi các Kitô hữu sống trong triều đại đó như là một di tích và sau đó đã được trao cho chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Trên con dấu có khắc câu nói nổi tiếng của Tertullian: "Máu các vị tử đạo, là hạt giống sản sinh các Kitô hữu."

Vatican yêu cầu người Công giáo dâng tặng cho các Kitô hữu ở Thánh Địa Giêrusalem

Trong năm qua Trung Đông đã rung chuyển bởi cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập, những cuộc biểu tình, và những thay đổi chế độ ở nhiều quốc gia. Tình trạng lan tràn bạo lực và bất ổn cũng đã khiến một số lượng lớn các Kitô hữu vội vã chạy trốn khỏi Thánh Địa Giêrusalem.

Duy trì sự hiện diện Kitô Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem là một điều mong ước mà Giáo Hội Công Giáo đã cố gắng thực hiện trong nhiều năm.

Đó là lý do tại sao các vị Giáo Hoàng đã kêu gọi toàn thế giới Công Giáo đóng góp cho Thánh Địa Giêrusalem vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong một bức thư gần đây được viết bởi Đức Hồng Y Sandri, tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông Phương, tất cả các giám mục đã được lưu ý về sự cần thiết hỗ trợ cho Giáo Hội tại Thánh Địa Giêrusalem.

Các khoản đóng góp sẽ được dùng để hỗ trợ cho các giáo xứ Công Giáo trong vùng, cung cấp học bổng cho các sinh viên, giúp các gia đình Công Giáo sống được với các doanh nghiệp nhỏ, cũng như xây dựng nhà ở, trường học và các khu vực cho trẻ em.

Hôm 1 tháng Ba, Vatican cũng đã xuất bản một báo cáo liên quan đến số tiền thu được trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011, trong đó nêu bật việc khôi phục và bảo trì các đền thờ, các nhà thờ và tu viện ở những nơi như Bethlehem, Giê-ru-sa-lem, núi Tabor, và Ghết-sê-ma-nê và Đền Thờ nơi Chúa chịu đánh đòn.