Hiện diện tại thành Thánh Giêrusalem, đặc biệt trong Tuần Thánh, là một kinh nghiệm xúc động khôn tả đối với nhiều người.

Chúng ta có thể thấy những âm thanh, cảm xúc và hình ảnh không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Chẳng hạn, như buổi trưa ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta có thể thấy trên đường phố hàng mấy ngàn người đi Đàng Thánh Giá dọc theo Con Đường Thương Khó tiếng địa phương gọi là Via Dolorosa. Nhiều người hành hương đội những mão gai và một số người chung vai vác những thánh giá rất lớn và nặng lắm.

Có những phụ nữ, trang phục như Đức Mẹ và những thanh niên mình đầy máu đóng vai Chúa Giêsu vác thánh giá trong khi dân chúng theo sau đọc kinh, suy niệm những chặng Đàng Thánh Giá và hát vang bài The Divine Mercy (Lòng Thương Xót Chí Thánh) bằng Anh Ngữ và một số các ngôn ngữ khác.

Nhiều người hành hương vừa bước đi vừa khóc nức nở. Thật vậy, làm sao không khóc được khi bạn đi trên cùng một con đường Chúa đã đi qua trong cuộc thương khó của Ngài.

Quý vị và anh chị em đang theo dõi hình ảnh của cuộc rước truyền thống Ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm 17 tháng Tư năm ngoái 2011 với gần 15,000 người từ núi Ôliu đến cổ thành Giêrusalem ngang qua vườn Giệtsimani.

Đoàn rước được dẫn đầu bởi Đức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Giêrusalem là Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal.

Trong quá khứ, cuộc rước truyền thống này thường có 20,000 tín hữu tham dự. Tuy nhiên, từ sau cuộc cách mạng Intifada lần thứ hai kéo dài từ tháng Chín năm 2000 đến năm 2005, số lượng người tham dự đã sút giảm đáng kể và chỉ mới phục hồi lại trong những năm gần đây.

Cuộc rước năm ngoái 2011 được coi là cuộc rước đông đảo nhất từ sau cuộc cách mạng Intifada.

Trong thế kỷ thứ 19, các Kitô hữu chiếm đến ít nhất là 25% dân số trong vùng. Lúc đó, cuộc rước truyền thống này quy tụ cả hàng trăm ngàn người. Ngày nay, anh chị em tín hữu của mọi hệ phái Kitô chỉ còn chiếm 1.5% dân số. Số người tham dự trong các đoàn rước chủ yếu là anh chị em tín hữu đến từ các nơi khác trên thế giới.

Nhờ sự hiện diện đông đảo của các khách hành hương trên thế giới, không khí của ngày đại lễ có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên các đường phố của khu Kitô giáo trong cổ thành này vào buổi sáng Chúa Nhật Lễ Lá. Cùng với các khách hành hương trên khắp thế giới, các Kitô hữu địa phương cũng hăng hái chuẩn bị để mừng lễ, với đức tin và lòng sùng mộ, trong tuần lễ quan trọng nhất của năm, đó là Tuần Thánh.

Trong khi toàn thể Giáo Hội cử hành tuần này, các Kitô hữu địa phương đặc biệt kính nhớ những diễn biến lịch sử đã diễn ra ngay chính tại thành phố của mình. Thêm vào đó, họ có niềm vui được chào đón hàng triệu khách hành hương, những người sẽ tham gia với các anh chị em của họ tại đây để mừng Lễ Phục Sinh.

Đối với nhiều tín hữu hành hương, đây có lẽ là lần đầu họ được tham dự Tuần Thánh tại chính nơi Đức Kitô đã khải hoàn tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, và sau đó đã lo buồn sầu não tại vườn Giệtsimani, đã bị bắt ra trước Hội Đồng Công Tọa Do Thái, đã bị nộp cho quan Philatô, chịu đánh đòn, vác thánh giá và chịu đóng đinh trên đồi Golgotha.

Cuộc rước long trọng kỷ niệm việc Đức Kitô khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem đã được Đức Thượng Phụ Latinh, Fouad Twal, chủ sự cùng với các tu sĩ dòng Phanxicô, các linh mục khác, và rất nhiều các tín hữu Kitô hữu địa phương và khách hành hương.

Sau khi đoàn rước vào trong nhà thờ Mộ Chúa, phụng vụ bắt đầu tại Mộ Chúa Kitô, nơi các nhành cọ và các nhánh ô liu được đặt trước mặt Đức Thượng Phụ để làm phép. Theo một truyền thống đã có từ lâu, Đức Thượng Phụ sẽ đích thân phát những nhành lá cho các vị đồng tế với mình, các tu sĩ, giáo sĩ khác và rồi từ đó đến anh chị em giáo dân, trong tiếng nhạc của bài ca nhập lễ, và Thánh Vịnh diễn tả chiến thắng của Chúa Kitô và niềm vui được hiện diện nơi thành Thánh Giê-ru-sa-lem, nơi Thiên Chúa hiện diện. Sau khi mọi người đã có lá trên tay, Đức Thượng Phụ và các vị đồng tế đi ba lần chung quanh Mộ Chúa trong khi vẫy những nhành lá để tung hô Hosanna, Vạn Tuế Con Thiên Chúa.

Đây được coi là thời điểm cao trào nhất và có ý nghĩa thần học sâu xa là dự báo chiến thắng sau cùng của Chúa Kitô là sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài.

Sau khi đi hết vòng thứ ba, Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện hồi lâu trước Mộ Chúa.

Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá sau đó được cử hành tại bàn thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna.

Ba vị tu sĩ dòng anh em hèn mọn quản thủ Thánh Địa đọc Bài Thương Khó.

Toàn bộ các nghi thức kéo dài trong vòng 3 giờ. Tuy thánh lễ kéo dài nhưng sự im lặng của những người hiện diện cho phép ta suy niệm sâu xa và xúc động trước cuộc Thương Khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Cuộc rước lá được coi là một khúc dạo đầu cho những nghi thức Phụng Vụ cảm động sẽ diễn ra tại Giê-ru-sa-lem trong vài ngày tới khi các linh mục, tu sĩ Phanxicô và các tín hữu hành hương di chuyển từ nơi thánh này sang nơi thánh khác để cầu nguyện và cử hành Tam Nhật Thánh.

Vào buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh, tại Đền Thờ Mộ Thánh tại Giê-ru-sa-lem, các cha Dòng Phanxicô và anh chị em tín hữu cử hành một Thánh Lễ kết hợp giữa Lễ Dầu (Chrism Mass) và Thánh Lễ Tiệc Ly. Thánh lễ này đánh dấu sự khởi đầu của Tam Nhật Thánh.

Năm vừa qua có 20 đài truyền hình đã truyền trực tiếp Giờ Thánh tại vườn Giệtsimani nơi Chúa đã cầu nguyện trước khi bị Giuđa phản bội giao nộp cho các thượng tế và kỳ lão Do Thái.

Vị linh mục chủ tế mà quý vị đang thấy là cha Pierbattista Pizzaballa, thủ lĩnh đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ. Ngày 15 tháng 4 năm 2004, cha đã được bề trên tổng quyền Dòng Anh Em hèn mọn cử vào chức vụ thủ lĩnh, thường được gọi là Custos, với sự chuẩn y của Tòa Thánh.

Ngài sinh ngày 21 tháng 4 năm 1965 tại Cologno al Serio và được thụ phong linh mục Dòng Phanxicô vào tháng 9 năm 1990.

Sau thánh lễ tại Đền Thờ Mộ Thánh và giờ cầu nguyện tại vườn Giệtsimani, các linh mục và anh chị em giáo dân kéo sang nhà thờ Thánh Phêrô tại Gallicatu để nhớ lại việc thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần trước khi gà gáy.

Hơn tất cả mọi ngày trong năm, Đền Thờ Mộ Thánh là trung tâm của Kitô giáo Giê-ru-sa-lem trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Kể từ lúc rạng đông, khách hành hương đã tụ tập trong sân, chờ đợi để tham gia trong phụng vụ Thương Khó tại bàn thờ Golgotha, bên cạnh tảng đá, nơi Chúa Kitô đã từng bị đóng đinh vào thánh giá.

Vào đúng ngọ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thủ lĩnh đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ hướng dẫn các linh mục, tu sĩ và anh chị em trên những chặng đàng thánh giá ngay chính trên con đường Chúa đã đi qua để ra pháp trường gọi là Via Dolorosa. Đàng thánh giá bắt đầu từ trường dạy kinh Koran của người Hồi Giáo, nơi được gọi là chặng thứ Nhất đến Mộ Thánh là chặng cuối cùng.

Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Nhiều người cho rằng việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Rất thường là lễ Vượt Qua của người Do Thái Giáo và Lễ Phục Sinh của các Kitô hữu trùng vào cùng một thời điểm. Năm 2011 là một thí dụ. Trong những dịp như thế, Giê-ru-sa-lem lại đông hẳn lên vì có nhiều khách hành hương Do Thái ở Giê-ru-sa-lem vào lúc này. Họ tập trung ở đây để ăn mừng lễ Pesach, hoặc lễ Vượt Qua. Với Cha David Neuhaus, lễ Vượt Qua và Lễ Phục Sinh trong Thành Thánh là hai ngày lễ đa dạng nhưng tương tự.

Nhiều Kitô hữu địa phương, cũng như khách hành hương, cử hành ngày Thứ Hai Phục Sinh tại nhà thờ Dòng Phanxicô tại Emmaus. Ngôi nhà thờ này được xây dựng trong làng mà hai môn đệ đang tan nát trong lòng bởi các sự kiện tại Giê-ru-sa-lem đã đi bộ khi gặp Chúa Giêsu trên đường đi.

Hôm 1 tháng Ba, Vatican đã xuất bản một báo cáo liên quan đến số tiền thu được trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011, trong đó nêu bật việc khôi phục và bảo trì các đền thờ, các nhà thờ và tu viện ở những nơi như Bethlehem, Giê-ru-sa-lem, núi Tabor, và Ghết-sê-ma-ni và Đền Thờ nơi Chúa chịu đánh đòn. Báo cáo cho thấy có sự sút giảm mức đóng góp chủ yếu là vì cuộc khủng hoảng tài chính.

Hội nghị của các Đấng Bản Quyền tại Trung Đông vừa kết thúc hôm 16 tháng Ba cũng chỉ ra một vấn nạn khác là trong năm qua Trung Đông đã rung chuyển bởi cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập, những cuộc biểu tình, và những thay đổi chế độ ở nhiều quốc gia. Tình trạng lan tràn bạo lực và bất ổn cũng đã khiến một số lượng lớn các Kitô hữu vội vã chạy trốn khỏi Thánh Địa Giêrusalem.

Duy trì sự hiện diện Kitô Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem là một điều mong ước mà Giáo Hội Công Giáo đã cố gắng thực hiện trong nhiều năm.

Đó là lý do tại sao các vị Giáo Hoàng đã kêu gọi toàn thế giới Công Giáo đóng góp cho Thánh Địa Giêrusalem vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong một bức thư gần đây được viết bởi Đức Hồng Y Sandri, tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông Phương, tất cả các giám mục đã được lưu ý về sự cần thiết hỗ trợ cho Giáo Hội tại Thánh Địa Giêrusalem.

Các khoản đóng góp sẽ được dùng để hỗ trợ cho các giáo xứ Công Giáo trong vùng, cung cấp học bổng cho các sinh viên, giúp các gia đình Công Giáo sống được với các doanh nghiệp nhỏ, cũng như xây dựng nhà ở, trường học và các khu vực cho trẻ em.

Xin quý vị và anh chị em quảng đại giúp đỡ cho Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh sắp đến.