CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG 2012 (4)

Cuộc tuyển cử Tổng thống là một sự gặp gỡ giữa một ứng cử viên với những cử tri. Nhân dịp này, mỗi cử tri trao phần quyền ‘làm chánh trị’ để điều hành quốc sự của mình cho ứng cử viên (chứ không là đảng) mình tự do lựa chọn để trao sự tín nhiệm thay mình thi hành những quyền hành và bổn phận hiến định dành cho chức vụ Tổng thống. Do đó, ứng cử viên phải có :

- một trương mục ngân hàng dành riêng cho việc vận động tranh cử ‘compte de campagne’ 12 tháng trước ngày bầu cử, khác với trương mục của mình hay của đảng, để thu nhâỉn những tài trợ từ ngân sách quốc gia hay tư nhân và thanh toán các kinh phí từ ngày 01.04.2011;
- một thụ ủy tài chính (mandataire financier), có thể là cá nhân hay một hiệp hội ‘financement électoral’ để nhận các tặng dữ tư nhân và trả các chi phí mà ứng cử viên bị cấm làm ;
- chính đảng mà ứng cử viên mang đảng tịch là pháp nhân được phép tài trợ
kinh phí tranh cử và không giới hạn ;
- kế toán minh bạch với các chứng từ chi thu rõ ràng sẽ được gửi trong vòng hai tháng sau cuộc bầu cử đến Ủy ban Quốc gia về Trương mục Tranh cử và tài trợ chính trị.

Cấu trúc này phải được giải thể sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

I.- TRỢ CẤP TÀI CHÁNH TRANH CỬ.

A. Chi phí tổ chức bầu cử Tổng thống.

Các số liệu trong các kỳ tuyển cử vừa qua, do Bộ Nội vụ thành lập, cho thấy những con số chi tiêu như sau :

- Chi phí vận động bầu cử chiếm phần lớn tổng số chi bầu cử (50%);
- 33% tổng số chi bầu cử được dùng vào việc tổ chức ngày bầu cử như việc thực hiện các bao thư gởi truyền đơn của ứng cử viên đến nhà cử tri, thiết lập phòng đầu phiếu;
- 17% những chi phí hành chánh và tổ chức đầu phiếu ở hải ngoại.

B. Mức chi tiêu tối đa để được ngân sách quốc gia hoàn trả.

Năm 2007, Tổng chi tối đa cho từng ứng cử viên vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống được định là 16,166 triệu Euros và hai ứng cử viên tranh cử vòng nhì là 21,594 triệu Euros.

Năm 2012, hai định mức đó lần luợt được tăng lên 16,851 và 22,509 triệu Euros (Nghị định ngày 30.12.2009).

Ngay từ ngày 19.03.2012, sau khi các ứng cử viên được Hội đồng Hiến pháp niêm yết danh sách, mỗi người sẽ nhận một số tiền tạm ứng bồi hoàn là 153.000 Euros.

C. Ba mức bồi hoàn.

Theo điều 3 luật ngày 06.11.1962 về tuyển cử Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu qui định về việc ngân sách quốc gia bồi hoàn chi phí tranh cử cho các ứng cử viên như sau :
- 1 phần 20 (hay 5%) tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu dưới 5% số phiếu hợp lệ trong vòng bầu thứ nhất;
- phân nửa (hay 50%) tổng số chi tối đa cho vòng 1 nếu ứng viên thu từ hay trên 5% số phiếu hợp lệ ở vòng bầu thứ 1;
- phân nửa (hay 50%) tổng số chi tối đa cho vòng 2 cho hai ứng cử viên tham dự vòng bầu này.

Năm 2007, thể thức này được áp dụng cho kỳ tuyển cử Tổng thống. Khi đó :

- 6 ứng cử viên thu dưới 5% số phiếu hợp lệ, mỗi vị được bồi hoàn: 1 phần 20 tổng số chi tối đa cho vòng bầu thứ nhất : 16.166.000 x 5% = 808.300 euros;
- 2 ứng cử viên thu từ 5% số phiếu hợp lệ, mỗi vị được bồi hoàn: phân nửa tổng số chi tối đa cho vòng bầu thứ nhất: 16.166.000 x 50% = 8.083.000 euros;
- 2 ứng cử viên tham gia vòng bầu cử thứ hai, mỗi vị được bồi hoàn: phân nửa tổng số chi tối đa cho vòng này: 21.594 000 x 50% = 10.797.000 euros.

Năm 2012, nhằm mục đích tái cân bằng tài chính công do Thủ tướng công bố ngày 07.11.2011, một trong các biện pháp để ‘giới hạn bồi hoàn chi phí các cuộc tranh cử, giảm chi tiêu 5% giới hạn thực hiện phí. Điều này áp dụng cho tất cả các cuộc bầu cử chính trị (Tổng thống, dân biểu Quốc hội và Nghị viện Âu châu,…) cho tới khi cân bằng Ngân sách quốc gia.

Do đó, theo điều 3 luật ngày 06.11.1962 về tuyển cử Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu qui định về việc ngân sách quốc gia bồi hoàn chi phí tranh cử cho các ứng cử viên được điều chỉnh như sau :
- Bậc 1, ứng cử viên chỉ được bồi hoàn 4,75% tổng số chi tối đa tức : 16.851.000 x 4,75% = 800.423 euros;
- Bậc 2, ứng cử viên chỉ được bồi hoàn 47,5% tổng số chi tối đa tức :
16.851.000 x 47,5% = 8.004.225 euros;
- Bậc 3, ứng cử viên chỉ được bồi hoàn 47,5% tổng số chi tối đa cho hai vòng tuyển cử, tức : 22.509.000 x 47,5% = 10.691.775 euros.

Lúc 17 giờ 30 ngày 19.03.2012, Hội đồng Hiến pháp đã long trọng tuyên bố danh sách 10 ứng cử viên gồm : ông Nicolas Sarkozy (UMP, đương kiêm Tổng thống), ông François Hollande (PS, đảng Xã hội), bà Marine Le Pen (FN, Mặt trận quốc gia), ông François Bayrou (Modem, Phong trào Dân chủ), ông Jean-Luc Mélenchon (Front de gauche, Mặt trận tả phái), bà Eva Joly (EELV, Môi trường Xanh Âu châu), Nicolas Dupont-Aignan (Debout la République, Nền Cộng hòa, đứng lên), Nathalie Arthaud (Lutte ouvrière, Tranh đấu thợ thuyền), ông Philippe Poutou (Nouveau Parti anticapitaliste, Tân đảng chống tư bản) và ông Jacques Cheminade (tự cho là ‘gaulliste de gauche’, người theo ông Charles De Gaulle tả phái, đã ứng cử năm 1995 và thu được 0,28% tổng số phiếu hợp lệ).

Ngày 09.04.2012, cuộc vận động tranh cử chính thức bắt đầu.

II.- CUỘC TRANH CỬ TẠM ĐÌNH HOÃN.

Khoảng 8 giờ thứ hai ngày 19.03.2012, một người dùng súng bắn chết một giáo sư tôn giáo 30 tuổi, ông Jonathan Sandler, hai con của ông 3 và 6 tuổi cùng một học sinh 10 tuổi tại tư thục Do thái Ozar Hatorah ở Toulouse. Một em khác 17 tuổi bị thương trong tình trạng nghiêm trọng.

Các chuyên viên điều tra hình sự sớm nhận định mối liên hệ với hai vụ sát hại một Trung sĩ Nhảy Dù Imad Ibn Ziaten, 30 tuổi, tại Toulouse ngày 15.03.2012 và hai quân nhân Dù, Hạ sĩ Abel Chennouf, 25 tuổi và Binh nhất Mohamed Legouad, khác cùng một Hạ sĩ khác, Loic Liber, bị thương nặng tại Montauban ngày 15.03.2012.

Trong ngày, trả lời ký giả của Zenit.org về cuộc tấn công ở Toulouse, Linh mục Federico Lombardi, s.j, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: « Cuộc tấn công tại Toulouse nhằm vào một giáo viên và ba trẻ em Do thái là một hành động khủng khiếp và nhục nhã, chưa kể các hành vi khác đầy bạo lực và vô nghĩa gần đây làm tổn thương nước Pháp ». Cha lên án hành đồng này: « Việc này gây nên một sự phẫn nộ sâu sắc và khủng hoảng tinh thần cần phải lên án mạnh mẽ và ghê tởm vì tuổi tác và sự vô tội của nạn nhân trẻ và đã được thực hiện trong một cơ sở giáo dục hòa bình ».

Cha Lombardi kết luận bằng nhắc lại lời Đức Tổng giám mục của Toulouse về sự liên đới : « Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với những tang gia và Cộng đồng Do thái và mối quan tâm của chúng tôi trước sự kiện khủng khiếp cùng sự liên đới tinh thần sâu xa nhất của chúng tôi ».

Chiều hôm đó, Hội đồng thượng cấp Tuyền thông (CSA, Conseil Supérieur de l’Audiovisuel) tuyên bố những phát biểu của các ứng cử viên không được tính giờ cho sự Công bằng thời gian Tuyền thông giữa của các ứng cử viên cho đến ngày 21.03.2012.

Vào lúc 3 giờ 10 sáng ngày 21.03.2012, các cảnh sát viên tinh nhuệ của đơn vị RAID (recherche, assistance, intervention, dissuation, truy tầm, hỗ trợ, can thiệp) đã bắt đầu cuộc hành quân để bắt nghi can các vụ nổ súng nói trên. Sau nhiều lần hứa hẹn ‘đầu hàng’ nhưng không thực hiện của tử thủ Mohamed Merah, lực lượng cảnh sát mở cuộc tấn công và bắt nghi đã chết, súng cầm tay lúc 11 giờ 44 ngày 22.03.2012.

III. THĂM DÒ DÂN Ý.

Từ một năm qua, lần đầu tiên trong kỳ tuyển cử Tổng thống 2012, cuộc thăm dò dân ý của viện Ifop-Fiducial cho thấy ông Nicolas Sarkozy dẫn đầu số phiếu bầu trước ông Francois Hollande, 40 ngày trước ngày đầu phiếu vòng đầu.

Kết quả cuộc thăm dò dân ý là : Sarkozy được sự tín nhiệm của 28,5% số người được phỏng vấn (tăng 1,5% so với 2 tuần trước), trong khi Hollande thu 27% (-1,5%), trước Le Pen nhận được 16% (-1%), Bayrou 13% (0.5%) và Melenchon với 10% (1,5%) tiến bộ đáng kể. Kết quả vòng hai, Hollande thắng với 54,5% ý định bầu (-2%) trước Sarkozy được 45,5% (2%).

Cuộc khảo sát này được tiến hành từ ngày 11 (18 giờ, sau phiên họp vận động của Sarkozy tại Villepinte, Seine-Saint-Denis) đến 12.03.2012, trên một mẫu số 1638 người có tên trên danh sách cử tri và trích xuất một mẫu của 1.692 người, đại diện của dân số Pháp từ 18 tuổi trở hơn, theo yêu cầu của truyền thanh ‘Europe 1’, tuần báo ‘Paris-Match’ và truyền hình ‘Public Sénat’, được công bố ngày 13.03.2012.