NỀN TẢNG THÁNH KINH & GIÁO HỘI HỌC CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN

I. MỤC ĐÍCH

1. Giúp các học viên hiểu rõ Cộng đoàn Giáo hội cơ bản được xây dựng trên nền tảng vững chắc của Thánh Kinh và Giáo hội học. Nền tảng đó là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần và Giáo hội là Mầu nhiệm Hiệp thông, là Cộng đoàn Dân Chúa, là Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô, là Cộng đoàn trong đó mọi người có phần và phải góp phần (Participatory Church).

2. Giúp các học viên có lòng tin mạnh mẽ vào hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản được hình thành và hoạt động trong các Giáo xứ nói riêng và trong Giáo hội hiện nay nói chung.

II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

Trong đời sống xã hội cũng như Giáo hội luôn xuất hiện những điều mới: tư tưởng mới, trào lưu mới, cơ chế và tổ chức mới. Nhưng không phải bất cứ cái mới nào cũng tồn tại vững chắc và lâu dài. Muốn tồn tại vững chắc và lâu dài, những cái mới cần phải có cơ sở, nền tảng vững chắc. Quy luật ấy cũng áp dụng cho trường hợp của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản ngày nay.

1. Vậy chúng ta có thể tự hỏi, dựa trên nền tảng vững chắc nào của Thánh Kinh và Thần học và Giáo hội học mà các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản đã có thể tồn tại, phát triển và được đánh giá cao bởi các cấp lãnh đạo cao nhất của Giáo hội là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các Nghị Phụ Thượng Hội đồng Giám mục về Châu Á?

2. Tại sao đại đa số giáo dân chúng ta không mấy quan tâm đến những nền tảng Thánh Kinh và Thần học hay Giáo hội học ấy trong đời sống và sinh hoạt Cộng đoàn Giáo xứ?

III. HỌC HỎI TÌM HIỂU

1. Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần

Nền tảng vững chắc và sâu xa nhất của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần của Kitô giáo. Diễn tả Mầu Nhiệm cao cả này, linh mục Peter Nemeshegyi, Dòng Tên, giáo sư thần học Đại học Sophia (Nhật Bản) và Giáo Hoàng Học viện Thánh PIO X Đà Lạt (Việt Nam) đã viết trong cuốn Ý NGHĨA KITÔ GIÁO (The Meaning of Christianity):

“Chân lý Mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi mang lại cho chúng ta một chiều kích mới trong sự hiểu biết về bản chất của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Một, nhưng Ngài không đơn độc. Bản chất đích thực của Thiên Chúa là một nguồn suối bất tận của yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha sinh ra Chúa Con, thông ban cho Chúa Con mọi sự. Chúa Con yêu thương Chúa Cha, đáp trả lại tất cả mọi sự. Chúa Thánh Thần là hoa quả của sự trao ban hỗ tương ấy giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần chính là Tình yêu của Thiên Chúa. Đó là Chân Lý được diễn tả trong Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Một, nhưng bản chất của Ngài là Tình Yêu hỗ tương giữa Ba Ngôi Vị. Ngôi thứ nhất là Cha, Nguồn Mạch của mọi sự. Ngôi thứ Hai là Con, Hình Anh đích thực của sự Thiện Hảo của Chúa Cha. Ngôi thứ Ba là Thánh Thần, Mối Tương Quan Yêu Thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ sự Nhập thể làm người của Chúa Con và sự sai phái Chúa Thánh thần, chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi. Chúng ta trở thành anh em của Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu sống trong chúng ta và Thánh Thần sinh động chúng ta bằng hơi thở của Chúa Giêsu. Thiên Chúa Cha chấp nhận chúng ta là dưỡng tử của Ngài. Nhờ Chúa Thần thúc đẩy, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha chúng ta” (1).

Từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà có Mầu Nhiệm Giáo hội.

2. Mầu Nhiệm Giáo hội

2.1 Giáo hội là Mầu Nhiệm Hiệp Thông

(1o) Nền tảng Thánh Kinh:

* “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, dế tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (2).

* “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm gía chuộc mọi người” (3).

* “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng; thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, Ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Chúa ban cho mỗi người” (4).

* “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (5).

* “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau…..Họ đồng tâm nhất trí…” (6); “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý…” (7).


(2o) Giáo huấn của Công đồng Vatican II:

* “Vì Giáo hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên dựa trên giáo huấn của các Công đồng trước, Giáo hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới…..

* “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài dã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Ađam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Chúa Kitô Đấng Cứu thế, là ‘hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật ‘ (8). Thực vậy, từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha ‘đã biết trước và đã tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa hầu người Con đó được trở nên trưởng tử trong nhiều anh em’ (9). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo hội”……

* “Như thế Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sư hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (10).


(3o) Khai triển của Tông huấn “Giáo hội tại châu Á”:

* “Vì Thiên Chúa đã muốn «toàn thể nhân loại trở thành một Dân của Thiên Chúa, làm nên một Thân Thể của Đức Kitô và được xây dựng thành một đền thờ của Chúa Thánh Thần nên trong thế giới này, Giáo Hội chính là «kế hoạch hữu hình của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại, là bí tích của ơn cứu độ» Bởi đó, không thể hiểu Giáo Hội như là một tổ chức xã hội hay cơ quan phúc lợi xã hội. Dù còn gồm chứa nhiều người tội lỗi, Giáo Hội vẫn phải được coi là môi trường ưu việt cho Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, cũng là nơi Thiên Chúa chọn mặc khải đời sống mầu nhiệm sâu xa của Ngài và thực hiện chương trình cứu độ thế giới.

* “Mầu nhiệm kế hoạch tình yêu ấy của Thiên Chúa đã hiện diện và hoạt động trong chính cộng đoàn những người đã từng nhờ phép Rửa mà cùng được mai táng trong cái chết với Đức Kitô, để rồi cũng như Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, họ cũng được bước đi trong cuộc sống mới (11). Trọng tâm của mầu nhiệm Giáo hội chính là mối hiệp thông nối kết Đức Kitô Lang Quân với mọi người đã lãnh nhận phép Rửa. Nhờ sự hiệp thông sống động và có khả năng đem lại sự sống ấy, «các Kitô hữu không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc hẳn về Chúa» Một khi kết hợp với Chúa Con trong mối dây yêu thương của Thánh Thần, các Kitô hữu cũng kết hợp với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này mà các Kitô hữu được hiệp thông với nhau qua Đức Kitô trong Thánh Thần” Nếu thế, mục tiêu trước tiên của Giáo Hội là phải sống bí tích biểu hiện sự kết hiệp thâm sâu của con người với Thiên Chúa và, vì sự hiệp thông giữa con người với nhau xuất phát từ sự hiệp thông của họ với Thiên Chúa nên Giáo hội cũng là bí tích của sự hiệp nhất của nhân loại. Nơi Giáo hội sự hiệp nhất ấy đã khởi sự. Nhưng Giáo hội cũng đồng thời «là dấu chỉ và là dụng cụ» của sự hiệp nhất sẽ được hoàn thành trong tương lai.

“Một đòi hỏi thiết yếu của đời sống trong Đức Kitô là bất cứ ai hiệp thông với Chúa thì phải sinh hoa kết quả: «Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái» (12). Như thế, cũng đúng khi bảo rằng ai không sinh hoa kết quả, thì người ấy đã không ở trong sự hiệp thông: «Cành nào không sinh hoa trái thì (Cha Thầy) sẽ tỉa đi» (13). Hiệp thông với Đức Giêsu, và từ đó phát sinh sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau, chính là điều kiện rất cần thiết để sinh hoa kết quả; và sự hiệp thông với người khác, một món quà của Đức Kitô và Thánh Thần, chính là hoa quả tuyệt vời mà cành cây có thể sinh ra. Hiểu như thế thì hiệp thông và truyền giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thấm nhập và bao hàm lẫn nhau đến nỗi «hiệp thông vừa là gốc vừa là hoa quả của truyền giáo: hiệp thông phát sinh truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong hiệp thông» (14).


2.2 Giáo hội là Cộng đoàn Dân Chúa

(1o) Nền tảng Thánh Kinh:

“Này đây sẽ tới ngày Ta ký Giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa…Ta sẽ ban luật Ta trong lòng chúng và khắc ghi luật ấy vào trái tim chúng và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ trở thành dân Ta….Tất cả những người từ nhỏ chí lớn đều nhận biết Ta. Đó là Lời Chúa phán” (15).

(2o) Giáo huấn của Công Đồng Vatican II:

“Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế Ngài đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử ấy, và Ngài đã thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và hình bóng của Giao ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Đức Kitô, và là chuẩn bị cho mạc khải trọn vẹn hơn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến…..

“Chúa Kitô đã thiết lập minh ước mới trong máu Người (16), Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa”
(17).

2.3 Giáo hội là Cộng đoàn mà trong đó mọi người có phần và phải góp phần (Participatory Church)

(1o) Nền tảng Thánh Kinh:

a.- Dụ ngôn những nén bạc:

Quả thế, cũng như người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ong cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc cuả chủ…..” (18).

b.- Một Thân Thể, một Thần Khí, một Phép Rửa…. nhiều ân sủng:

Chỉ có một Thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người. Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho…” (19).

c.- Đặc sủng tuy nhiều, nhưng chung một gốc:

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung…….” (20).

(2o) Giáo huấn của Công Đồng Vatican II:

Giáo hữu được qui tụ trong Dân Thiên Chúa và cấu thành Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô dưới quyền của một Đầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi dùng hết sức lực đã nhận lãnh do lòng từ ái của Đấng Tạo Hóa và do ân huệ Đấng Cứu Thế để như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Giáo hội không ngừng(21).

(3o) Triển khai tại các Giáo hội Á châu:

Khái niệm Giáo hội là Cộng đoàn mà trong đó mọi người có phần và góp phần (cũng được gọi là Giáo hội tham gia hay dự phần) được Liên Hội đồng Giám mục Á châu và các Giáo hội tại Châu Á rất coi trọng và triển khai trong việc thiết lập các cơ cấu mục vụ (Hội đồng Linh mục giáo phận, Hội đồng Mục vụ Giáo phận và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ) và xây dựng các cộng đoàn (Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, Cộng đoàn nhân sinh cơ bản). Khi triển khai “tính tham gia” hay “dự phần” của mọi thành phần Dân Chúa vào việc thực thi sứ mạng của Giáo hội, Giáo hội vừa sống tính hiệp thông và tính cộng đoàn Dân Chúa của Giáo hội vừa áp dụng tính dân chủ - là một trong những đặc trưng của xã hội văn minh - vào sinh hoạt của Giáo hội (22).

IV. ÁP DỤNG

1. Nếu Giáo xứ của các bạn thể hiện rõ nét những tính chất hiệp thông, đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, tích cực tìm kiếm Chúa và Thánh Ý Người, hăng say phục vụ việc mở mang Nước Trời (là những tính chất căn bản của Cộng đoàn Giáo hội) thì điều gì sẽ xẩy ra?

2. Lúc đó các Cộng đoàn Giáo hội căn bản có cần thiết nữa không? Tại sao?

V. CHIA SẺ

1. Theo các bạn thì các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản đặt trên nền tảng nào? nền tảng ấy có vững chắc không? Vì sao? Nền tảng ấy có khác với các nền tảng của Cộng đoàn Giáo hội không?

2. Trong đời sống thường ngày, người ta thấy rõ tính ích kỷ, hẹp hòi của một số giáo dân cũng như người ta thấy rõ tình trạng chia rẽ năm bè bẩy mối của một số cộng đoàn. Những biểu hiện ích kỷ và chia rẽ của người hay cộng đoàn Kitô giáo có phù hợp với bản chất của Giáo hội Công giáo không? Tại sao? Làm thế nào để giúp người giáo dân thể hiện rõ nét hơn tính hiệp thông, yêu thương, đoàn kết, chia sẻ của Cộng đoàn Giáo hội.

Chú thích:

(1) Peter Nemeshegyi, SJ, The Meaning of Christianity, bản dịch tiếng Anh của Stephen Békési SJ và Dr Bernard Gilligan, Paulist Press, New York/Ramsey, 1982, trang 30-31.

(2) Ga 17,20-21.

(3) 1 Tm 2,5-6.

(4) Rm 12, 4-6.

(5) Rm 15, 5-6.

(6) Cv 2,44-45.

(7) Cv 4,32.

(8) Cl 1,15.

(9) Rm 8,29.

(10) Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 1.2.4.

(11) x. Rm 6,4.

(12) Ga 15,5.

(13) Ga 15,2.

(14) Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 24.

(15) Gr 31, 32-34, được Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 9 trích lại.

(16) x. 1 Cr 11,25.

(17) Hiến chế tín lý về Giáo hội, 9.

(18) Mt 25,14-30.

(19) Ep 4, 4-7.

(20) 1 Cr 12,4-30.

(21) Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 33.

(22) Nên đọc thêm các đoạn văn Thánh Kinh sau đây: Cv 2,42-47; Cv 4,32-37; Rm 12,3-13; 1 Cr 12,12-30; Ep 4,1-16; Cl 3,12-17.