LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM MỘT TRĂM PHẦN TRĂM

Ngày 10.06.2013, thi hành Nghị quyết Quốc hội số 35/2012/QH13 ngày 21.11.2012, Quốc hội Việt Nam đã lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hồ hởi cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự ‘Căn cứ quan trọng nhất để lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá của bản thân mỗi đại biểu Quốc hội, thay măt cử tri và đồng bào cả nước để thực hiện nhiệm vụ đánh giá tín nhiệm với các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước do chính Quốc hội mới bầu chưa được hai năm.’… ‘Đây là việc rất hệ trọng, đồng bào cử tri đang theo dõi để xem Quốc hội làm việc thế nào’. Ông nhấn mạnh : « Đây là lần đầu tiên trên thế giới việc này được tiến hành ở Quốc hội. Đề nghị đại biểu Quốc hội cân nhắc thận trọng khách quan công tâm và đặc biệt chính xác qua lá phiếu ».

Thật vậy, vì Việt Nam vừa theo chế độ độc đảng vừa không có ‘tam quyền phân lập’ như ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng, từng nói : « Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo Hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa. Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? » nên khi lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội phải dựa vào bốn căn cứ để đánh giá :

1. báo cáo tự đánh giá của các vị được lấy phiếu (không sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng để đánh giá mức độ tín nhiệm) ;

2. tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại từ đó soi trở lại bộ máy nhà nước nói chung và các vị được lấy phiếu. Từ tình hình này nói lên nỗ lực và những yếu kém tồn tại chưa khắc phục được. Đây cũng là căn cứ, là thông tin rộng khắp đồng bảo cử tri cả nước đều biết, là căn cứ để có được đánh giá toàn diện với hoạt động của nhà nước ;

3. kết quả hoạt động của Quốc hội thông qua chức năng nhiệm vụ của mình để nghe, xem xét, quyết định qua tổ chức tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, báo cáo giải trình ;

4. căn cứ quan trọng nhất là đánh giá của bản thân mỗi đại biểu Quốc hội, đảm bảo khách quan, thận trọng, chính xác và tính lịch sử. Sự công tâm khách quan sẽ quyết định chất lượng hoạt động hệ trọng này.

Về quy trình, Chủ tịch cho biết có bốn bước chính. Đầu tiên là biểu quyết thông qua danh sách các vị lấy phiếu, hai là tiến hành thảo luận ở các đoàn, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải trình báo cáo thảo luận này, từ đó sang bầu ban kiểm phiếu và bỏ phiếu. Cuối cùng, sáng 11.06.2013, kết quả sẽ được công bố và thông qua nghị quyết, nội dung này sẽ được công bố công khai và đương nhiên sẽ đến đồng bào cả nước.

Kết quả về danh sách cụ thể có 47 vị được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, có 483 đại biểu tham gia biểu quyết, tán thành 476 (95,58%), 6 vị không tán thành và 1 vị không biểu quyết.

Trước giờ đầu phiếu được dự trù lúc 16 giờ, Chủ tịch Quốc hội nhiều lần lưu ý các đại biểu không câu nệ thời gian, suy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ phiếu vì đây là cuộc ‘bỏ phiếu kép’ : Quốc hội đầu phiếu để đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt nhất của bộ máy Nhà nước, còn cử tri đánh giá về các đại biểu của mình về độ chính xác của lá phiếu. Ngoài ra, ông còn nhắc các vị đồng viện về sự công tâm khi kể : « Tôi từng có thời gian học tập nước ngoài và thấy rằng ở bên đó hai người có thể làm bạn rất thân, nhưng một người là công chức nhà nước mà không hoàn thành nhiệm vụ thì người bạn sẵn sàng nói ‘anh nên nghỉ’ (từ chức) ». Tuy được hướng dẫn cặn kẻ như vậy, vẫn có đến 101 phiếu bất hợp lệ.

Kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm 47 quan chức hàng đầu Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam được công bố vào sáng ngày 11.06.2013 bởi ông Đỗ Văn Chiến, đại diện Ban kiểm phiếu gồm 29 thành viên. Theo đó, người đạt tỷ lệ phiếu ‘tín nhiệm cao’ cao nhất là bà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân (74,70%), và người có tỷ lệ phiếu ‘tín nhiệm thấp’ cao nhất là ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (41,97%).

Trên tổng số 492 đại biểu hiện diện để lấy phiếu : Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được 330 phiếu tín nhiệm cao (67%), 133 phiếu tín nhiệm (27%) và 28 phiếu tín nhiệm thấp (5,70%) ; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận lần lượt được 328 (66,6%), 139 (26%) và 25 (5%) ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được 210 (42,7%), 122 (24,8%) và 160 (32,5%).

Do đó, hãng tin Reuters (Anh quốc) ghi nhận : « Thủ tướng Việt Nam đã bị giáng một đòn công khai hiếm có khi chỉ được không đầy 50% đại biểu hoàn toàn ủng hộ (…), với 210 trên tổng số 498 dân biểu dành cho ông phiếu tín nhiệm cao, và 160 vị cho ông phiếu tín nhiệm thấp. Như vậy, ông chỉ khá hơn đôi chút so với người có kết quả kém nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, chỉ được 88 phiếu tín nhiệm cao và 206 tín nhiệm thấp.

Các đại biểu Quốc hội đã chọn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người được 330 phiếu tín nhiệm cao và chỉ có 28 phiếu tín nhiệm thấp. Kết quả kể trên đã củng cố thêm cho các lập luận theo đó đang có chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, giữa hai phái ủng hộ ông Sang hay ông Dũng ».

Trong bài ‘Một “phiếu tín nhiệm” cho lấy phiếu tín nhiệm’ đăng trên VnEconomy.vn ngày 11.06.2013, ký giả Anh Minh đã viết : « Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh rằng Quốc hội đã ‘hoàn thành trọng trách được nhân dân giao phó là đánh giá tín nhiệm bước đầu các chức danh chủ chốt’… Các số liệu về cuộc bỏ phiếu đã được công bố công khai, tự thân nó đã là thông tin vô giá cho cử tri đánh giá và cảm nhận đánh dấu ‘đời sống chính trị đã có một thay đổi căn bản kể từ kỳ họp quan trọng này’. Có thể nói chưa bao giờ, lá phiếu của đại biểu Quốc hội lại có ý nghĩa nhiều như thế trong vấn đề đánh giá các chức danh chủ chốt. Sự tín nhiệm cao hay thấp đã được ‘lượng hóa’ bằng lá phiếu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm với ba loại phiếu: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp luôn đưa đến kết quả là 100% tín nhiệm. Điều 7 Nghị quyết Quốc hội số 35/2012/QH13 qui định : « Quốc hội tổ chức lấy phiếu định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ ».

Trong thực tế, tất cả nhân sự các cấp trung ương hay địa phương tại Việt Nam đều được bổ nhiệm bởi đảng Cộng sản, ngay cả các đại biểu Quốc hội. Nếu không cần phải có sự ‘cử’ của Mặt trận Tổ quốc thì người dân đã ‘bầu’ cho những vị như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Quốc Quân,… thì Quốc hội đã có những đại biểu có khả năng lập pháp vượt xa các nghị ‘linh mục quốc doanh’ Trần Mạnh Cường, Lê Ngọc Hoàn… Thật là một lãng phí mà các đại biểu đang thảo luận tại Quốc hội và cho đó là một quốc nạn. Ngày 22.10.2012, ông Dũng nhận trách nhiệm trước Quốc hội, trước Đảng và trước Dân về những khuyết điểm trong quản lý, điều hành kinh tế, nhất là trong việc kiểm tra, giám sát các tập đoàn kinh tế gây ra những ‘tổn thất nghiêm trọng’ ở Vinashin và Vinalines. Do đó, ngày 14.11.2012, dại biểu Dương Trung Quốc đề nghị với ông Dũng từ chức. Thủ tướng trả lờiề Đảng đã hiểu rõ về tôi, cả ưu khuyết điểm, phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, sức khỏe cũng như thương tật, tâm tư nguyện vọng. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi, tôi nghiêm túc chấp hành quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất » và « Tôi sẽ tiếp tục công tác như tôi đã làm 51 năm qua ».

So sánh với các quốc gia có truyền thống dân chủ, chúng ta thấy :

1. Không có Quốc hội nào trong số các quốc gia này có việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm vì các vị dân cử có sự tín nhiệm lẫn nhau và tinh thần trách nhiệm cao. Nếu không, ngày bầu cử, nhờ có nhiều ứng cử viên thuộc các đảng khác nhau hay độc lập, cử tri có thể chọn người khác. Giới chuyên môn gọi đó là chế tài chính trị (sanction politique).

2. Những vi phạm về hình sự vẫn do Tòa án xét xử, nhưng với thủ tục đặc biệt. Thí dụ, hiện nay, bà Marine Le Pen, dân biểu Nghị viện Âu châu, bị chính quyền Pháp đưa ra Tòa vì đã tuyên bố ví những buổi đọc kinh giữa lòng đường của các tín đổ Hồi giáo như là Đất Pháp bị chiếm thời Đức quốc xã. Do dân biểu được hưởng quyền bất khả xâm phạm (immunité parlementaire), Pháp phải xin Nghị viện Âu châu thu hồi lại quyền này của bà Le Pen thì Tòa án Pháp mới có thể thụ lý vụ án.

3. Nhờ có Tam Quyền Phân Lập, tại Pháp quốc, Tổng thống dân cử chọn Thủ tướng cùng đảng đa số tại Quốc hội. Vị này chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tại Hoa kỳ, theo Tổng thống chế, trong đó, Tổng thống chọn cử các Bộ trưởng, nhưng cần phải được sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện Liên bang.