Tầm nhìn về giáo dục nhân ngày 20/11

Ở mọi nơi và mọi thời, giáo dục luôn đóng một vai trò quan trọng. Khi bàn về lãnh vực này, chúng ta nhắc ngay đến những người thầy, vì họ - theo như cách nói của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Phụ tá Giáo Phận Xuân Lộc, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục HĐGM Việt Nam, trong thư gửi các thầy cô giáo nói chung và Công Giáo nói riêng - không những truyền đạt cho học trò một vốn kiến thức cần thiết mà còn truyền đạt cả một lý tưởng sống. Một đất nước phát triển hay không phụ thuộc sâu sắc vào công việc đào tạo thế hệ trẻ, những công dân cốt cán gánh trọng trách dân tộc trong tương lai. Các bậc cha ông cũng rất ý thức điều này khi nhấn mạnh rằng « hiền tài là nguyên khí của quốc gia ». Do đó, đầu tư cho giáo dục phải là đầu tư dài hạn vì nó luôn đem lại kết quả khả quan cho gia đình, xã hội, đất nước và nhân loại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa tạo nên sự trao đổi tích cực giữa các quốc gia, cần phải có tầm nhìn chiến lược về giáo dục.

Chìa khóa mở ra chân trời kiến thức

Trong lãnh vực quan hệ quốc tế, để hiểu biết lẫn nhau và cùng hợp tác, các đối tác buộc phải trao đổi với nhau. Nếu không trực tiếp nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của mình thì buộc hai bên phải sử dụng ngôn ngữ của nước thứ ba để biểu đạt với nhau. Vì thế, ngoại ngữ rất quan trọng trong vấn đề mở rộng mối quan hệ quốc tế. Ngoại ngữ mở ra tầm nhìn xa giúp tiếp cận một nền văn hóa văn minh của một dân tộc khác, hay của một quốc gia khác. Do đó, một người biết được nhiều ngoại ngữ sẽ am tường nhiều nền văn hóa. Cũng vậy, một quốc gia trong đó các công dân của mình biết được nhiều ngoại ngữ khác nhau sẽ giúp cho vấn đề trao đổi đa chiều với các quốc gia trên thế giới thêm phần dễ dàng.

Điều đòi hỏi bó buộc đối với người Việt định cư ở nước ngoài và sinh viên Việt Nam du học là thích nghi với cuộc sống tại môi trường mới. Thường thì phải vượt qua hai rào cản chính là ngôn ngữ và văn hóa. Đối với người đến từ Châu Phi, họ có lợi thế về ngoại ngữ do đã được học và sử dụng ngay từ nhỏ tại xứ sở của mình. Chính vì thế, họ mất ít thời gian hơn rất nhiều để hội nhập với người dân bản xứ và dễ dàng hơn nhiều khi theo học các trường đại học tại các nước Tây Phương và Mỹ.

Nhiều quốc gia đa ngôn ngữ

Do hoàn cảnh lịch sử, trên thế giới có nhiều nước sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Bỉ, Thụy Sĩ, Canada…Với số dân chỉ vài triệu người, Thụy sĩ chia thành vùng nói Tiếng Đức, Tiếng Pháp, Tiếng Ý và Tiếng Romanche. Điều này đòi buộc giới chức trách phải am tường được ngôn ngữ, văn hóa và phong tục của từng vùng. Đây là điều bó buộc trong việc điều hành hành chính cũng như trong các cuộc họp liên bang. Còn đối với người dân, sự khác biệt ngôn ngữ đòi buộc họ phải học hỏi để có thể trao đổi được với các vùng nói tiếng khác mình. Hơn thế nữa, khi vươn ra mối quan hệ quốc tế, quốc gia này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, vì đã sẵn có lợi thế về ngôn ngữ, phương tiện hữu hiệu, để thiết lập và trao đổi với các nước nói những thứ tiếng ấy. Điều này cũng còn một ưu thế khác nữa, đó là khi công dân nước này đi đến các nước nói Tiếng Pháp, Đức hay Ý họ sẽ xoay sở dễ dàng và không bị ngỡ ngàng do rào cản ngôn ngữ bất đồng tạo nên.

Chủ động ngoại ngữ hóa

Không kể đến một số nước Châu Phi do trước đây là thuộc địa của Anh hay Pháp cũng như Ấn Độ ở Châu Á từng là thuộc địa của Anh nên họ duy trì Tiếng Anh hay Tiếng Pháp làm ngôn ngữ chung giữa các sắc tộc khác nhau, nhiều nước khác trên thế giới do hiểu biết được tầm quan trọng của ngoại ngữ nên đã chủ động phổ cập ngay trong chương trình giáo dục tiểu học. Các bậc cha mẹ có thể chọn trường học giảng dạy bằng ngôn ngữ Tiếng Anh, Pháp…cho con em của mình. Chẳng hạn như quốc gia Liban, do đã học ở trường nên một người dân có thể nói được ba thứ tiếng khác nhau như Ả rập, Tiếng Pháp và Tiếng Anh.

Từ cái nhìn thực tiễn ấy áp dụng cho Việt Nam, có thể đem ngoại ngữ vào ngay trong chương trình phổ cập giáo dục từ bậc tiểu học, nghĩa là mặt bằng dân trí nói chung, chứ không phải là ưu tiên cho các gia đình có khả năng hay cho những người làm việc trong lãnh vực quan hệ quốc tế. Vấn đề là dùng ngoại ngữ để học hỏi cụ thể các kiến thức phổ thông cũng như chuyên ngành chứ không phải đơn thuần là học một ngôn ngữ mới. Việc đầu tư là cần thiết. Thay vì đầu tư cho du học vốn rất tốn kém và chỉ số ít mới có khả năng chi phí, các trường học trong nước có thể trao đổi hợp tác với các trường học khác trên thế giới trong vấn đề giáo viên giảng dậy. Với lợi thế dân số đông đảo, việc sử dụng một ngoại ngữ cố định để giảng dậy các môn học cho học sinh được đồng loạt áp dụng đối với các miền trên toàn quốc. Chẳng hạn, Miền Bắc sử dụng Tiếng Pháp, Miền Trung dùng Tiếng Tây Ban Nha, và Miền Nam nói Tiếng Anh... Các cha mẹ nào muốn cho con em mình theo học bằng ngoại ngữ thích hợp thì có thể gửi đến miền có giảng dạy bằng thứ tiếng đó. Sau này, khi một số học sinh ấy có điều kiện tiếp tục du học, họ sẽ không bị gặp rào cản của ngôn ngữ nữa. Chỉ sau một thời gian mươi năm, thế hệ được tiếp thu nền giáo dục này sẽ giúp cho đất nước thay da đổi thịt và thiết lập vị thế cho dân tộc trên trường quốc tế.

Thay lời kết

Với niềm tự hào dân tộc, ai cũng muốn quốc gia mình được nể phục trên thế giới. Muốn vậy, cần phải có tầm nhìn chiến lược về giáo dục, khâu chuẩn bị vững chãi nhất và không thể thiếu cho vấn đề nâng cao phẩm giá con người. Đây là nguyên lý tối quan trọng cho sự tồn tại và phồn thịnh của dân tộc. Đầu tư cho giáo dục không bao giờ sợ gặp rủi ro như chuyện làm ăn kinh tế. Muốn thành công phải có khát vọng. Muốn có một tương lai tương sáng bắt buộc phải bắt tay vào thực hiện chứ không phải thụ động chờ đợi từ phía bên ngoài. Không ai có thể quyết định thay và sống thay cho mình được. Điều này đúng trên cả phạm vi cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng