NGƯỜI VIỆT ĐANG SỐNG TRONG HÒA BÌNH ?

Thời gian trôi thật nhanh. Thắm thoát hai tháng đầu năm 2014 đã đi vào dĩ vãng. Tháng Giêng, tháng ăn chơi, âm lịch Giáp Ngọ cũng đã chấm dứt. Trong hai tháng đó, nhiều sự kiện đã xảy ra trên Quê Hương yêu dấu khiến chúng ta có thể đặt cho nhau câu hỏi này. Chúng tôi rất quan ngại khi đọc hai bản tin : ‘Tụt hậu so với Campuchia: Còn gì để nói?’ và ‘Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt ?’ đăng trên các mạng lưới Việtnamnet ngày 25.02.2014 và RFI ngày 27.02.2014. Cuối thập niên 1950, nền kinh tế Đại Hàn và Việt Nam Cộng hòa tương đương nhau, ngày nay, quốc gia bạn xuất cảng chiến đấu cơ cho Phi Luật Tân để bảo vệ Tổ quốc chống Tàu cộng.

I.- QUAN NIỆM Công Giáo VỀ HÒA BÌNH.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành Thông Điệp ‘Pacem in Terris’ (Hòa Bình trên Trái Đất, ban hành ngày 11.04.1963), trong đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đề nghị Hòa Bình phải được xây dựng trên sự thật, công lý, tình yêu và tự do, khi viết ‘Sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 01.01.2003’, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại và giải thích: « Điều kiện cần thiết của hòa bình, tức là bốn yêu sách chính xác của trí khôn con người: chân lý, công lý, tình yêu và tự do. Chân Lý làm nền tảng cho hòa bình nếu tất cả mọi người ý thức cách lương thiện rằng, ngoài những quyền lợi của mình, mình cũng có những bổn phận đối với kẻ khác. Công Lý sẽ xây dựng hoà bình nếu mỗi người tôn trọng cách cụ thể những quyền lợi kẻ khác và ra sức thực hiện trọn vẹn những bổn phận mình đối với kẻ khác. Tình Yêu sẽ là chất men hòa bình nếu những con người xem những nhu cầu kẻ khác như những nhu cầu mình và chia sẻ với kẻ khác những gì mình có, bắt đầu từ những giá trị tinh thần. Sau hết, sự Tự Do sẽ nuôi dưỡng hoà bình và làm cho hòa bình sinh hoa quả nếu, trong việc chọn những phương tiện để tới đó, các cá nhân theo lý trí và can đảm gánh lấy trách nhiệm những hành vi của mình ».

Trên Quê hương yêu dấu, tại Giáo phận Nha Trang, năm 1969, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’ năm 1969, đã xác định: « Người Công Giáo yêu chuộng Hòa bình, nhưng người Công Giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công Giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công Giáo:

- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.
- Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.
- Hòa bình chân chính không phải là Hòa bình chiến lược.
- Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.
- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.
- Hòa bình phải được xây dựng trên tinh thần mới: Kích động đời sống cộng đồng các dân tộc.
- Hòa bình phải được xây dựng trên não trạng mới: Tôn trọng mối bang giao giữa các quốc gia, quí trọng tình huynh đệ giữa các dân tộc, cộng tác giữa các sắc tộc vì tiến bộ chung; nhìn nhận và tin tưởng các tổ chức Hòa bình quốc tế.
- Hòa bình phải được xây dựng trên sự tôn trọng và nhìn nhận những quyền lợi của con người và nền độc lập của mỗi quốc gia. »

Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Thông điệp Hòa Bình 01.01.1968 đã hô hào: « Chúng ta hãy sẳn sàng võ trang thứ khí giới đặc biệt cho Hòa Bình: đó là Cầu Nguyện.» Ngài tin tưởng nhờ đó mà có những cuộc ‘canh tân thiêng liêng và chánh trị’.

II.- THÔNG ĐIỆP ĐẦU NĂM 2014.

Tại ngưỡng cửa tân niên 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ thông điệp đầu năm với bài viết mang tiêu đề: ‘Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững’ http://baodientu.chinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Thong-diep-nam-moi-cua-Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung/189949.vgp . Ông viết :

« Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp ‘song sinh’ trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết ‘Trăm điều phải có thần linh pháp quyền’. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch… khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trên tinh thần đó, năm 2014 phải tập trung sức cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Đồng thời rà soát bổ sung thể chế - cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng… ».

Vì đây là một thông điệp được báo chí lề phải cho là quan trọng, nên chúng tôi đi vào ‘xa lộ thông tin’ để tìm đọc những góp ý của những trí thức độc lập để rộng đường hiểu biết và rút ra kết luận cho chính mình.

Ngày 04.01.2014, tại cuộc gặp mặt đầu năm do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) phát biểu : « Thủ tướng nhận định động lực cải cách không còn phát huy tác dụng, không đủ mạnh nên cần đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó nêu lên cần phải mở rộng quyền của người dân được tham gia xây dựng chính sách, thực hiện quyền của dân để bầu cử trực tiếp. Thủ tướng cũng xác quyết dân chủ đi đôi với nhà nước pháp quyền nên người dân có quyền tiếp cận thông tin, giám sát, có tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện công lý, lẽ phải. Thủ tướng cho rằng, phải thực hiện cơ chế thị trường, Nhà nước không làm thay mà phải kiến tạo sự phát triển. Điều đó tức là Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và xã hội thực hiện những chức năng mà xã hội có thể làm tốt hơn Nhà nước. Và thông điệp của Thủ tướng đặt yêu cầu phải có cạnh tranh bình đẳng, xóa độc quyền doanh nghiệp. Cuối cùng, Thủ tướng kết luận khó khăn là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ hơn ». Sau đó, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, bình luận: « Thủ tướng đã tuyên bố với toàn dân tinh thần cốt lõi của pháp luật: Người dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Pháp luật không thể ngăn cấm những gì đã được ghi trong Hiến pháp. Vậy thì người dân phải được thực thi ngay các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội... mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia, không phải đợi các luật cứ bị treo mãi nữa. Đồng thời, dân cũng sẽ có ý thức hơn trong việc vượt qua nỗi sợ hãi tố cáo người của công quyền làm trái quy định của luật pháp ».
Ngày 02.01.2014, trả lời phỏng vấn từ Đài BBC, nhà báo Phạm Chí Dũng, Ts kinh tế, người đã gởi tâm thư từ bỏ Đảng ngày 05.12.2013, nói: « Thông điệp lần này mang sắc thái tương đối khác lạ. Nó khác lạ ở chỗ là một nửa của nó là nghị quyết của đảng, của chính phủ, và một nửa còn lại là những sắc tố khác… Có ba điều có thể ghi nhận : ‘Thứ nhất là cụm từ đổi mới thể chế, thứ hai là cụm từ xóa độc quyền và thứ ba là một cụm từ khác là 'ngọn cờ dân chủ', chính xác hơn là 'nắm chắc ngọn cờ dân chủ'… Một khái niệm 'mới' lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam và được đưa vào một thông điệp của một nguyên thủ quốc gia. Đó là khái niệm 'nhà nước kiến tạo phát triển' ».

Có thể đây là lần đầu chúng tôi được nghe đến ‘Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh’, nên tự hỏi trên thế giới (hay ‘xã hội loài người’, chữ trong thông điệp), kể cả Trung cộng và Bắc hàn, có bao nhiêu quốc gia áp dụng để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Theo Tổng thư ký Nguyễn Phú Trọng thì đến cuối thế kỷ, chưa chắc chúng ta đã đạt tới. Như vậy, những đồng chí

Trong những năm học Trung học Đệ nhị cấp thời Việt Nam Cộng hòa, chúng tôi chỉ được biết ‘Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Văn tự này xuất hiện tại Hy Lạp với cụm từ ‘dimokratia’ (quyền lực của nhân dân) vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 trước Công nguyên để chỉ hệ thống chính trị tồn tại ở một số thành bang Hy Lạp, như Anthena sau cuộc nổi dậy của dân chúng vào năm 508 TCN. Dân chủ còn mô tả cho một số ít hình thức nhà nước và cũng là một loại triết học chính trị. Có hai nguyên tắc để định nghĩa dân chủ cho một chế độ chánh trị : tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi. Cứ nhìn vào thể chế chính trị đang được thi hành tại Quê hương thì chúng ta biết Việt Nam có là quốc gia dân chủ hay không ?

Đi tìm hiểu xa hơn, chúng tôi tìm lại trong tài liệu lưu trữ và biết : ề Ngày 22.10.2012, ông Dũng đã ‘nhận trách nhiệm’ trước Quốc hội, trước Đảng và trước Dân về những khuyết điểm trong quản lý, điều hành kinh tế, nhất là trong việc kiểm tra, giám sát các tập đoàn kinh tế gây ra những ‘tổn thất nghiêm trọng’ ở Vinashin và Vinalines. Do đó, ngày 14.11.2012, dại biểu Dương Trung Quốc đề nghị với ông Dũng : Thủ tướng có lời xin lỗi trước Quốc hội là một điều đáng ghi nhận. Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật, chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức như quan chức các quốc gia tiên tiến vẫn làm? Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Dũng kể hôm nay chỉ còn 3 ngày nữa tròn 51 năm tôi theo Đảng. ‘Đảng đã hiểu rõ về tôi, cả ưu khuyết điểm, phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, sức khỏe cũng như thương tật, tâm tư nguyện vọng. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi, tôi nghiêm túc chấp hành quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất’ và ‘Tôi sẽ tiếp tục công tác như tôi đã làm 51 năm qua’.

Ngày 10.06.2013, thi hành Nghị quyết Quốc hội số 35/2012/QH13 ngày 21.11.2012, Quốc hội Việt Nam đã lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được 210 phiếu tín nhiệm cao (42.7%), 122 phiếu tín nhiệm (24.8%) và 160 phiếu tín nhiệm thấp (32.5%).

Thủ tướng giữ một vai trò quan trọng trong việc điều hành đời sống quốc gia để đưa Đất Nước đêán sự hưng thịnh hay sự suy vong. Hiến pháp Việt Nam hiện hành qui định tại Điều 95 khoản 2. ‘Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước’. Ngoài ra, Điều 94 qui định ‘ Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước’.

Thử nhìn chức vụ Thủ tướng tại hai quốc gia có sự tổ chức công quyền dân chủ hàng đầu thế giới là Vương quốc Anh và Cộng hòa Pháp. Hoa kỳ là Liên bang theo Tổng thống chế.

1./ Thủ tướng tại Vương quốc Anh. Chữ ‘Vương quốc’ cho chúng ta biết đây là một liên bang theo chế độ Quân chủ lập hiến, tức có vua, Nữ hoàng Elizabeth đang trị vì. ‘Lập hiến’ tức Nữ hoàng có trọn quyền như các Vua Việt Nam thời xưa. Thế rồi, nước Anh lại có một Hiến pháp bất thành văn, tức thực thi Dân chủ Pháp trị theo những Tục Lệ từ lâu đời. Sau cuộc tuyển cử dân biểu Viện Thứ dân, Nữ hoàng ủy nhiệm lãnh tụ đảng đa số thành lập Chính phủ mà vị này là Thủ tướng.

2./ Thủ tướng tại Cộng hòa Pháp. Sau cuộc tuyển cử dân biểu Quốc hội, Tổng thống mời một nhân vật chắc chắn được sự tín nhiệm (thường là lãnh tụ đảng đa số tại Viện này) là Thủ tướng thành lập Chính phủ. Tiếng Pháp rất rõ rệt : Chính phủ (Gouvernement) là chủ từ động từ ‘Gouverner’ (cai trị), chứ không là đảng.

Tất cả các thành viên Chính phủ (Thủ tướng, Tổng trưởng, Thứ trưởng và Bộ trưởng) đều là các vị công cử (tức được cử vào chức vụ do khả năng, trái với ‘dân cử’.

Tại Việt Nam, người cộng sản dịch khác chăng khi dịch Bộ trưởng là Ministre. Thật ra, Ministre là Tổng trưởng, trong Chính phủ do Thủ tướng điều hành. Bộ trưởng được dịch ra là Secrétaire d’Etat, thường thấy trong Tổng thống chế như tại Hoa kỳ. Khi về nhậm chức Thủ tướng, ông Ngô Đình Nhiệm bổ nhiệm các Tổng trưởng, nhưng khi trở thành Tổng thống, với Hiến pháp ngày 26.10.1956, ông làm việc với các Bộ trưởng. Tại Pháp, Ministre đứng đầu các Bộ, rồi đến Ministre délégué và, sau cùng là Secrétaire d’Etat, nếu có.

(Còn tiếp)