NGƯỜI VIỆT ĐANG SỐNG TRONG HÒA BÌNH ? (3)

(Tiếp theo)

V. LUẬT SƯ GIUSE LÊ QUỐC QUÂN.

Chiều ngày 18.02.2014, khi đọc bản tin BBC (Đài tiếng nói nước Anh) ‘Y án cho luật sư Lê Quốc Quân’, chúng tôi vô cùng thất vọng về cái ‘Tòa phi công lý’ do đảng cộng sản dựng nên và tự họ, lấy chủ nghĩa Mác–Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng để lãnh đạo Nhà nước và xã hội như họ tự ghi trong điều 4 Hiến pháp. Sự phẫn uất nơi chúng tôi càng gia tăng trước sự tàn bạo của người cộng sản để chống lại đồng bào có khả năng yêu nước hơn chúng khi thấy gương mặt Luật sư trở nên tiều tụy so với trước khi bị bắt và khi ông bị ngất sỉu, chúng đã dựng dậy để nghe tuyên án. Bất hạnh thay cho Việt Nam vẫn bị thế giới chỉ trích về những bản án ‘móc túi’ tuyên xử phạt tùy tiện những đồng bào can đảm đòi tự do và dân chủ cho Dân tộc. Trách nhiệm về ai ?

A. KÍNH CHÚA THƯƠNG NGƯỜI.

Đây là tóm tắc từ ‘10 điều răn Đức Chúa Trời’ hướng dẫn Kitô hữu sống đạo. Thực hiện điều đó, Luật sư Lê Quốc Quân đã cộng tác với Giám mục và Linh mục trong Ủy ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh (Quyết định số 17/10 QĐ.TGM ngày 08.12.2010) với nhiệm vụ đào sâu nghiên cứu và phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Qua đó góp phần để giáo huấn này được thực thi trong các lãnh vực : công lý, hòa bình và quyền con người.

Ngày 27.05.2011, tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài gòn, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra mắt Ban Điều hành sau khi tổ chức tọa đàm với chủ đề ‘Công Lý và Hòa Bình theo Giáo huấn Xã hội Công Giáo’. Ủy ban là một tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được thành lập trong Đại hội lần thứ XI tại Sài gòn vào tháng 10/2010, nhằm cổ vũ công lý và hòa bình tại Việt Nam theo đường hướng chung của Giáo Hội Công Giáo Toàn cầu.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục nói : « ‘Vì hoà bình là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho mọi người, nên để xây dựng hoà bình và cổ vũ công lý, chúng ta cần phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa’. Kế hoạch đó thể hiện rõ nét nơi hành động của Đức Giêsu. Suốt quãng đời tại thế, Đức Giêsu đã động lòng trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh: Ngài được sai đến để ‘loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho người bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa’ (x. Lc 4,18-19). Vì vậy ‘việc noi gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ sẽ là nguồn an ủi lớn lao cho mọi người, nhất là những người đang phải chịu nghịch cảnh trong cuộc sống’; và ‘cổ vũ một nền hoà bình và công lý cho xã hội hôm nay, trước hết là mang khuôn mặt yêu thương của Chúa Kitô đến với mọi người’ ».

Luật sư Lê Quốc Quân đã thuyết trình về ‘Công lý và Hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam’. Mở đầu bài, ông nói : Người Việt yêu chuộng hòa bình và lòng yêu nước của người Công Giáo thật rộng lớn được thể hiện qua 4 Đức Cha tiên khởi Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ trong điệp văn đến Đức Thánh Cha Piô XII để xin ủng hộ Việt Nam độc lập và chúc phúc, cầu nguyện cho nền độc lập non trẻ mới thu hồi.

Đề cập đề tài này, Luật sư tiếp : « ‘Hòa bình đích thực là hoa trái của Công lý’. Việt Nam đã trải qua chiến tranh liên miên nên trước đây, chúng ta chỉ khát vọng ‘im tiếng súng’ chứ chưa đòi hỏi những điều cao siêu hơn như Công lý. Vượt qua những phức tạp thời cuộc, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, định hướng bởi Hội đồng Giám mục, luôn cố gắng ‘lắng nghe, nhận diện và phân định những thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng’ để biết: ‘cần phải sống và thể hiện mầu nhiệm Giáo Hội như thế nào trong hoàn cảnh ngày nay theo lời mời gọi của Chúa’. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn luôn tìm kiếm và học hỏi thêm kinh nghiệm, Ngài muốn có một nghiên cứu thấu đáo về thực tại xã hội và đề xuất các bài học để người Công Giáo ‘góp phần xây dựng đất nước và lành mạnh hóa đời sống dân tộc’.

Hòa bình là khát vọng của Con người như Thiên thần hoan ca trong đêm Chúa Giáng sinh ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm’, nhưng vì luôn có những kẻ muốn ngự trị đồng loại, nên lịch sử loài người được nối tiếp bằng các cuộc chiến tranh. Tại Việt Nam, Hòa bình là thời khắc rất hiếm hoi của dân tộc. Cha ông chúng ta đã phải đương đầu với biết bao cuộc chiến chống ngoại xâm và lũ lụt. Do phải bảo vệ tổ quốc và phòng chống thiên tai, nên quyền lợi và nghĩa vụ chung đã quện chặt lấy nhau : khái niệm ‘Công ích’ từ đó mà thành, là cơ sở để tạo nên quốc gia, dân tộc.

Hôm nay, khi đề cập đến Hòa bình ở Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến Công lý vì đó phải là căn gốc. Là người có Đức tin, chúng ta phải tìm hiểu Công lý không chỉ theo khía cạnh con người mà còn phải là của Thiên Chúa theo những góc độ sau:

1. Công lý phải là cái chung, cái phổ quát theo luật tự nhiên. Loài người đã chờ ‘Đấng Mêsia đến để thực thi công lý’ (Is 9,6; 11,4; Gr 23,5; Tv45,4.7). Tại Việt Nam, khái niệm ‘phép vua thua lệ làng’ khiến mất tính phổ quát ;

2. Công lý là phải gắn chặt với luật pháp và, theo Thánh Thomas D’aquin, ‘Luật pháp phải phù hợp với luật tự nhiên, khi xa lìa lẽ phải, nó không còn là luật nữa mà là một sự bất công’. Người ta cho rằng luật pháp Việt Nam hiện nay chỉ là ý chí của một số nhóm lợi ích.

3. Công lý phải bắt đầu từ đạo đức và gắn chặt với ý thức về bổn phận : ‘Tất cả đạo đức nếu không dựa trên bổn phận sẽ thiếu chắc chắn và nguy hiểm’ (Kant – Phê phán lý tính thuần túy, 1781). Hành động đạo đức là hành động theo tiếng gọi của Công lý nhắm đến người khác chứ không phải là tiếng gọi riêng của bản ngã ích kỷ. Con người phải sống trong tương quan với người khác chứ không thể đòi hành động như một cá nhân cô độc, không cần Công lý. Ngày nay trong xã hội chúng ta, tính vị kỷ đang lên ngôi, hầu hết chỉ loay hoay với vấn đề cơm áo, nghi lễ và tiểu tiết vụn vặt thì Công lý dễ bị bóp nghẹt. Rất nhiều người Việt hôm nay sử dụng cách nói nước đôi, khi mạnh thì ‘cưỡng từ đoạt lý’ khi yếu thì ‘rủ rê tình cảm’ ;

4. Công lý cần phải có sự Công bằng, phải được thể hiện trong hầu hết các khía cạnh đời sống, không thiên vị, không chênh lệch thì Công lý mới được tỏ hiện. Giáo huấn Xã hội Công Giáo nói nhiều về sự Công bằng tương ứng với vai trò và địa vị xã hội Con người, Công bằng trong lao động và thù lao, Công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ… Chúng ta không đảm bảo sự Công bằng thì sẽ dẫn đến bất công. Hiện nay xu hướng bất công đang lên, ‘Hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng hơn’ là một thách đố của Công lý.

5. Sống Công lý, không nghĩa lúc nào cũng cãi lý xem ai đúng – ai sai, mà phải biết thỏa hiệp, hoà giải bao dung trong mọi việc. Khi đồng ý và chia sẻ với nhau những giá trị chung từ trong tâm khảm, chúng ta sẽ cảm nhận được Chân lý và như vậy Công lý sẽ được bộc lộ ra ngoài. Nhưng hiện tại ở Việt Nam, con người chúng ta ít có tinh thần đối thoại, lắng nghe và hiểu biết nhau để tìm đến một cái chung và tha thứ cho nhau. Điều làm chúng ta hy vọng là Công lý, tự trong bản chất, có sức mạnh vô song. Có thể bề ngoài họ vẫn biểu hiện thái độ trịch thượng, quát nạt để thị uy nhưng trong lương tâm, họ thừa nhận một lẽ phải, Sự thật và Công lý. Đó chính là lúc bắt đầu tiến trình hòa giải và canh tân.

6. Chúng ta phải ý thức rằng Giáo Hội tận lực đấu tranh cho Công lý nhưng không bao giờ dừng lại ở Công lý để luôn mời Con người đi xa hơn Công lý để vươn tới suối nguồn đích thực là lòng nhân ái, từ bi và tha thứ. Vì ‘Bình đẳng do Công lý chỉ giới hạn ở lĩnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn Nhân ái và lòng thương xót giúp chúng ta có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính Con người, với phẩm giá riêng của mỗi người’.

Tóm lại, Công lý theo nghĩa Con người trần thế vẫn còn xa vời khắp trái đất, phương chi Việt Nam. Nhưng như Chúa Giêsu xưa đã đứng lên ngó nhìn con cái, giờ đây chúng ta bắt đầu cùng chung tay quyết tâm làm và làm bằng Tình thương đích thực. ‘Thiên Chúa là Chúa nhân từ, tha thứ tội lỗi, chậm giận và giàu lòng thương xót’ (Tv 145,8). Chúng ta có cái nhìn siêu nhiên nhưng lại thực tiễn hơn nên phải vượt trên những khác biệt, chung tay nâng cao dân trí, học hỏi tính phổ quát, xây dựng nền pháp quyền, giáo dục về lẽ phải…. Chúng ta hy vọng rằng Giáo Hội Việt Nam: một mặt, với những ngôi nhà thờ lớn, tượng đài to, đối mặt với biển cả bao la, núi rừng sâu thẳm, bầu trời và các vì sao; mặt khác, có những nghi lễ sang trọng, sự tập hợp đông đảo của quần chúng và một ‘Người khác ở trong ta’ luôn thì thầm mách bảo ‘Hãy là những nhà điêu khắc tham gia vào quá trình làm cho khuôn mặt Công lý dần dần được tỏ hiện’.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn phát biểu kết thúc: « Ủy ban Công lý và Hòa bình là Ủy ban thứ 16 của HĐGMVN. Yêu nước, xây dựng và phát triển đất nước là quyền và nghĩa vụ của mọi người, trong đó có cả các Giám mục. Trước đây, sự bất công hết sức to lớn, nhà nước nắm trong tay tất cả các quyền hành, muốn gì phải xin. Nhưng do có sự đóng góp ý kiến, sự đối thoại thẳng thắn, ngày nay nhiều tiến bộ và nhiều vấn đề được mở ra như: Chủng sinh vào Chủng viện để đào tạo linh mục, thuyên chuyển linh mục không còn phải xin phép.

Sự đóng góp theo lẽ công lý là đúng, mà công lý là lẽ phải. Tự do yêu nước phải theo sự hiểu biết và theo giá trị của cuộc sống, không phương hại đến người khác. Công lý và hòa bình làm theo cách của mình, không những mến Chúa mà còn phải làm theo Lời Chúa dạy, đó là yêu người, làm cho mọi người yêu nước, xây dựng tình hiệp thông trong Giáo Hội, xây dụng Giáo Hội sự sống góp phần phát triển đất nước chúng ta. Chúc UBCLHB có những bước khởi đầu tốt đẹp, sẵn sàng đối thoại để Giáo Hội và nhà nước ngày càng hợp tác với nhau chặt chẽ hơn ».

Chiều hôm ra mắt Ban Điều hành UBCLHB/HĐGM, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch, đã yêu cầu các đại biểu thảo luận 3 câu hỏi, trong đó có câu : - Trong huấn từ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong buổi triều yết ngày 27/6/2009 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, có nói: Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt. Bạn nghĩ thế nào về cụm từ: Là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt? Sau 60 phút góp ý, đúc kết nội dung chính được trình bày như sau: « Người Công Giáo tốt là người mến Chúa yêu người bằng hành động cụ thể, thực hiện luật pháp nhà nước, phải biết đấu tranh với những bất công và những bất hợp lý trong xã hội. Có thể nói: Người Công Giáo tốt chắc chắn là người công dân tốt ».

Với Luật sư Quân, lời nói luôn đi với hành động. Đó là nhận định chúng tôi dành cho ông từ hôm 25.01.2008 khi ông leo hàng rào Toà Khâm sứ để mưu cứu một em bé mang hoa dâng Đức Mẹ Sầu Bi và bị công an vây đánh trong buổi cầu nguyện tập thể với sự tham dự của khoảng 100 linh mục và nhiều ngàn tín hữu Công Giáo tại Toà Khâm sứ ở Hà nội để yêu cầu nhà nứơc trả lại đất đai chiếm dụng của Giáo Hội. Sau đó, với khả năng và sự dũng cảm, ông được các thành viên bầu làm Trưởng ban liên lạc Cộng đoàn Doanh nhân-Trí thức Công Giáo và là Ủy viên Ban Công lý-Hòa bình Giáo phận Vinh.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà nội, Luật sư Quân đi dạy tại Đại học Giao thông Vận tải và cố vấn cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát triển Liên hiệp quốc (United Nations Development Programme, UNDP) tại Việt Nam. Ông đã được hai tổ chức này ca ngợi vì dám lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo và đề nghị thể chế chính trị đa nguyên. Ông được Nhà nước cho sang Hoa kỳ theo chương trình nghiên cứu sinh của Tổ chức Hỗ trợ Dân chủ tại Washington. Sau khi hoàn tất việc nghiên cứu, trở về Hà nội ngày 06.03.2007, ông đã bị bắt giữ từ hôm 08.03.2007 và giam tại trại của bộ Công an vì vi phạm điều 79 bộ luật hình sự ‘tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Họ nghi ông muốn làm luật sư cho người nghèo và bảo vệ lợi ích của các công nhân. Nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, ông được trở về nhà ngày 13.07.2007. Ngày 10.04.2011, ông lại bị đánh và bắt cùng với Phạm Hồng Sơn khi định tới quan sát vụ án xử Cù Huy Hà Vũ. Tối ngày 13.04.2011, hai ông Quân và Sơn đã rời trại giam Hỏa Lò và đến Giáo xứ Thái hà để chào cộng đoàn đang tham dự Thánh Lễ nhân dịp tĩnh tâm mùa Chay. Cha Bề trên Mátthêu Vũ khởi Phụng, quý Cha, quý Thầy và giáo dân đã đón tiếp hai anh trong vui mừng và xúc động. Hai người vợ yêu quý của hai anh cũng đến chia sẻ niềm vui lớn lao này. Luật sư Quân chia sẻ rằng khi bị đưa về trại giam chung với các tù hình sự, nhưng trong phòng anh có một biểu tượng hình Thánh Giá và anh lấy làm hạnh phúc. Khi các cán bộ quét vôi lại toàn bộ tường phòng giam, anh đã nhất quyết không cho xóa đi hình ảnh này. Hàng ngày, anh siêng năng đọc kinh cầu nguyện sáng, trưa, chiều tối để Đức Tin trợ giúp anh chiến thắng.

Tháng 07.2012, báo Independent Catholic News tường thuật là ông đã bị đe dọa bởi báo chí nhà nước vì những hoạt động của ông cho Giáo phận Vinh. Công an đã lục xét văn phòng ông và định mang ông về đồn công an, nhưng bị ngăn chặn bởi những người ủng hộ ông.

Sáng ngày 27.12.2012, Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt khẩn cấp (?) khi đang trên đường đưa con đi học. Sau đó, một đội công an đưa con anh trở lại gia đình và khám xét nhà, sau khi đọc lệnh khám xét văn phòng và nhà riêng của anh vì liên quan đến tội ‘trốn thuế’ vi phạm Điều 161 Bộ luật Hình sự. Hai tiếng đồng hồ sau, họ ra đi mang theo toàn bộ máy tính, đồ đạc gia đình và một số giấy tờ liên quan.

‘Điều 4. Thảo kính Cha Mẹ’ còn dạy chúng ta phải có nhiệm vụ đối với Quê Tổ. Thật vậy, nếu các bảo vật cha mẹ trao, chúng ta có cố gìn giữ chúng không ? Ngày nay, Quê hương Tổ tiên, ông bà và cha mẹ đã bồi đấp và trao cho các thế hệ kế tiếp… Đến nay, ý thức điều đó, Luật sư Quân đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung cộng chiếm biển đảo, đất đai và đánh giết ngư dân Việt Nam.

Do đó, chúng ta có thể kết luận Luật sư Lê Quốc Quân đáng được gọi là ‘người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt’.

B. GIÁO SĨ TỐT, GIÁO DÂN TỐT ?

Trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba ứng cử viên là linh mục : Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu). Hai Linh mục Cường và Hoàn đã là đại biểu khóa 12 (2007-2011). Kết quả : Phan khắc Từ thất cử và mất luôn chức Chánh xứ.

Cả ba đều là thành viên Ủy ban Đoàn Kết Công Giáo, một tổ chức đảng cộng sản, vi phạm Giáo luật điều 287.2 : « Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy ». Nếu là đại biểu Quốc hội, các vị này vi phạm thêm điều 285.3 Giáo luật : « Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự ».

Trong khi đó, ngày 30.03.2011, Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị để bỏ phiếu tín nhiệm (hay không) ông Lê quốc Quân, ứng cử độc lập tại Hà nội. Cuộc cử tri đặt câu hỏi đã biến thành cuộc đấu tố ông Quân khi người chủ tọa nêu ra việc ông Quân bị công an Việt Nam bắt giam 100 ngày năm 2007 vì tội ‘tạm giữ hình sự vì hành vi tham gia tổ chức phản động, chống chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Hành vi này của ‘người chủ tọa’ vi phạm Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều 72 : « Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật ». Trái lại, trước đó, tại nơi ông làm việc là Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, ngày 26.02.2011, 14/14 nhân viên cử tri đã ký Biên bản Hội nghị để nhận xét đối với ứng viên Lê Quốc Quân như sau :

1. Là người có phẩm chất đạo đức tốt : có năng lực, ý thức và trách nhiệm cao.

2. Có huyết tâm, nhiệt quyết và lòng đam mê trong công việc.

3. Lý lịch đầy đủ, rõ ràng.

4. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Do đó, chúng tôi có thể đoan chắc nếu các người ứng cử độc lập như Luật sư Công Giáo Lê quốc Quân (Giáo Hội khuyên giáo dân tham gia chính trường để đem ‘Công ích và Công bằng cho Xã hội’ và yêu cầu các Linh mục chăm lo làm mục vụ như Giáo luật qui định) được tham dự tranh cử thì cử tri có Tự do chọn và bầu đại biểu xứng đáng tại Quốc hội thì Việt Nam đã không phải ở trong tình trạng, ngày 28.11.2013, khi 97,59% đại biểu đồng tình thông qua Hiến pháp tức chỉ có 2 ‘vị’ không biểu quyết. Ước mong tuy không hy vọng lắm đó là hành vi của các đại biểu gốc ‘linh mục’. Như vậy, họ hoàn thành nhiệm vụ ‘làm tôi hai chủ’, tức không bác bỏ hay đồng tình với Góp Ý của Hội đồng Giám mục và Dự thảo Hiến pháp, thể hiện được ý đảng.

Hà Minh Thảo