CÂU CHUYỆN VỀ MỘT TẤM HÌNH

Đáng lẽ ra hai cha con tôi đã bị giết chết vào ngày có tấm hình này. Để hiểu câu chuyện, xin mời quý vị độc giả đi ngược thời gian, đến cả giai đoạn khi tôi chưa được chào đời…

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tất cả những quốc gia trên thế giới còn đang bị chiếm làm thuộc địa bởi một số nước Châu Âu, đã vùng lên đòi độc lập. Vào thời kỳ đó, Việt Nam đang dưới sự đô hộ của người Pháp, do đó, gần như toàn dân đều vùng lên đấu tranh vì Tự Do và Độc Lập của dân tộc. Cha tôi, một nông dân hiền lành, chất phát, cũng tham gia và đã được phát một thanh kiếm (để chống lại quân đội Pháp với súng máy, đại bác, xe tăng và máy bay).

Để chống bị lụt mỗi khi cơn lũ về trên sông Đáy, quê nội tôi đã được bảo vệ bởi hệ thống đê điều khá kiên cố. Bên kia đê, trên một vùng đất khá cao nằm sát và uốn lượn gần như cả 90 độ bên bờ sông là quê mẹ tôi. Bên kia sông là Phủ Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây (cũ) mà thi nhân Quang Dũng đã nhắc tới trong hai bài thơ của ông: “Đôi Mắt người Sơn Tây” (Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc) và “Đôi Bờ” (Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ). Làng của cha tôi chỉ cách thị xã Hà Đông khoảng chín cấy số (ngày nay toàn tỉnh Hà Đông đã thuộc về thủ đô Hà Nội). Bọn lính Tây, đa số là đám lính đánh thuê, nguyên là những tay đầu trộm đuôi cướp, từ những nước thuộc địa khác của Pháp ở miền bắc của Châu Phi, chúng không đếm xỉa gì đến sinh mạng và tài sản của dân chúng. Thực tế chúng chỉ biết cướp bóc, tàn sát đàn ông, hãm hiếp phụ nữ và tiêu diệt những ngôi làng chưa chấp nhận "sự bảo vệ" của chính phủ Pháp. Thuở ấy gọi là “vào Tề”.

Một lần, cha tôi chỉ với một thanh kiếm trong tay, đã cố vượt qua bờ đê trước khi một đơn vị tuần tra của bọn Pháp đến với những xe bọc thép có bánh xe đằng trước và xích sắt ở sau (Half Tracks). Họ đã định bao vây và trừng phạt làng cha tôi một lần nữa. Thấy ông với thanh kiếm đang cố vượt qua đê không xa trước mặt, bọn chúng đã nã đại liên 30 caliber bắn đuổi theo nhưng rất may, ông không bị trúng đạn. Nếu chẳng may bị bắt chắc chắn chúng sẽ xử tử ông tại chỗ. Đạn tiếp tục đuổi theo và rít chung quanh sau khi ông đã chạy qua được mặt đê, khi đã cách chân đê khoảng trên 300 mét, ông đã nhào xuống một thuở ruộng, cố thu mình nằm bất động trên vũng bùn sát bên bờ ruộng mong manh chỉ cao chừng 3 tấc, thứ duy nhất có thể che chở cho ông. Bọn lính Pháp tiếp tục xả súng vào ông cho đến lúc chúng nghĩ rằng ông đã chết mới thôi và tiếp tục hành trình trên mặt đê. Đó là lần đầu tiên ông bị "ám sát" hụt.

Sau sự kiện đó, các bô lão trong làng đã nài nỉ cha tôi đại diện cho cả làng thương thuyết với người Pháp để tìm bình an cho dân chúng. Có vài lý do khiến cha tôi phải suy tính trước: Hầu hết các làng lân cận đã trở nên “thân thiện” (vào Tề) với Pháp trong khi làng của ông vẫn còn đang trong cảnh trên đe dưới búa, ban ngày thì Pháp lục soát, đêm về Việt Minh ra quấy phá. Nhà của ông bà để lại đã bị bọn Pháp đốt và phá hủy, cha tôi xây dựng lại nhưng một lần nữa nó lại bị phá hủy bởi những kẻ thù đó. Không thể tiếp tục như vậy mãi và quan trọng nhất là ông nhận ra được bản chất thực sự của chủ nghĩa cộng sản là vô thần và tàn bạo. Cuối cùng ông đồng ý trở thành làm “phó lý trưởng”, đại diện cho làng để đương đầu với Pháp. Quyết định này ngay lập tức dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ông trở thành một trong những mục tiêu chính và là kẻ thù quan trọng nhất của các du kích quân cộng sản trong vùng mà vào thời kỳ đó họ được gọi là Việt Minh.

Sau khi tất cả những ngôi làng nằm trong hệ thống đê trở thành "thân thiện" (Tề), quân đội Pháp xây dựng một bốt canh cho khoảng hai tiểu đội ở ngay khúc quanh của con đê, dọc theo sự uốn lượn của sông Đáy, cách làng tôi khoảng hơn cây số. Ban đêm họ tập trung tất cả lý trưởng và phó lý của những ngôi làng quanh đó vào một căn nhà trong làng cha tôi, trong khi việc giữ an ninh cho ngôi nhà thật lỏng lẻo. Nhận thức được sự nguy hiểm đó, cha tôi đã không ngủ trong ngôi nhà ấy. Chuyện gì phải đến đã đến, một đêm, du kích Việt Minh (sau này trong suốt thời kỳ chiến tranh từ đầu thập niên 60s đến giữa 70s, người ta gọi là họ Việt Cộng – Cộng Sản Việt Nam - viết tắt là V.C. và đọc theo tiếng Anh là Vi-Xi) trang bị súng trường và súng lục đã tới và giết chết nhiều người, trong đó có cả ông lý trưởng của làng cha tôi, bắt cóc những người khác, chỉ một số ít người trong số họ đã trốn thoát.

Sáng hôm sau, lính Pháp từ trên đồn xuống bắt cha tôi cùng những người đã sống sót từ vụ tấn công đêm hôm trước, trói quặt tay họ ra sau và giải họ về đồn trên đỉnh con đê. Họ tố cáo cha tôi và những người kia là thành phần hợp tác với Việt Minh, là những kẻ hai mang, làm việc với Pháp mà vẫn thân Cộng; nếu không, họ tiếp tục trói buộc, cha tôi và những người này đã phải bị giết hay bắt cóc như số phận của những người kia rồi. Tay vẫn bị trói sau lưng, nhóm của cha tôi phải ngồi suốt ngày dưới cái nắng gay gắt của mặt trời mùa hè mà không được ăn hay uống gì. Đến chiều bọn Pháp đã dẫn nhóm của cha tôi ra ngoài hàng rào đồn khoảng trăm mét, ở đó đã có sẵn năm người Việt Nam khác trong tư thế quỳ, tay cũng bị trói về phía sau. Không nói một lời, bọn lính Pháp thay phiên nhau chặt đầu năm người ấy, sau đó họ lạnh lùng nói với nhóm của cha tôi:

“Đây là sự cảnh cáo cho tụi bay, đừng để chúng tao chặt đầu tụi bay như những tên Việt Minh này!”

Việt Minh,viết tắt là V.M., phát âm theo tiếng Pháp là "Vê Em = VEM" mà những người Việt miền Nam đã gọi trại ra là VẸM.

Sau thử thách đó, cha tôi được đưa lên làm Tân Lý Trưởng, nhưng cũng từ đó ban đêm ông vẫn phải ở lại trong đồn Pháp, vì du kích Việt Minh rất lộng hành vào ban đêm. Thời gian đó, mẹ tôi đang mang thai đứa con thứ ba, là tôi, đã được khoảng năm, sáu tháng, mỗi đêm mẹ vẫn phải ẵm người chị thứ hai của tôi đến trú ẩn ở nhà họ hàng hay bạn bè. Đôi khi vì tránh né sự lùng sục của Việt Minh, mẹ tôi đã phải vừa bò, vừa che chở cho đứa con nhỏ, chui vào giữa bụi tre đầy gai. Những áp lực quá sức đó đã làm cho mẹ tôi suýt bị sẩy thai! Khi được chào đời, tôi đã nhỏ bé và ốm yếu như một đứa trẻ suy dinh dưỡng. Nhưng dù sao tôi vẫn là con trai đầu lòng của cha tôi và không điều gì có thể khiến ông tự hào hơn.

Tạ ơn Chúa! Mọi việc dần trở nên yên ổn hơn, cha tôi vẫn tiếp tục làm kẻ hòa giải giữa người dân trong làng và chính quyền Pháp. Một lần ông đã chống lại viên sĩ quan chỉ huy (đúng ra là một hạ sĩ quan cao cấp) ở cái đồn Tây đó vì những đòi hỏi phi lý của hắn ta, kết quả là tên này bị thuyên chuyển đi nơi khác. Nhiều lần cha tôi đã giúp mọi người giải quyết các bất công từ người Pháp. Sau này, ông vẫn tự hào kể lại với tôi rằng:

“Thầy (quê tôi gọi Cha mình là Thầy) chưa bao giờ nhận bất cứ thứ gì của người dân, ngay cả một con gà hay chai rượu đế.” (một loại rượu làm từ gạo của địa phương, với độ cồn ít nhất là 90 proof)

Có một lần, sau khi đã trở thành tiểu đội trưởng dân quân của địa phương, thuở ấy được gọi là Hương Dũng. Cha tôi đã cứu sống một anh Việt Minh! Anh du kích này đã bị bắt bởi lực lượng vũ trang Pháp và đưa về đồn của họ. Nếu không có gì thay đổi, anh này sẽ bị xử tử trong vòng vài giờ, bố mẹ anh ta đã vội vã đến gặp cha tôi và cầu xin giúp đỡ. Sau khi nghe chuyện, ông đã bảo họ mang đến hai con gà và một chai rượu, rồi ông dùng những thứ đó làm quà biếu viên sĩ quan chỉ huy đồn, và nói dối ông ta:

"Qua một trung gian, chàng trai này đã đồng ý với tôi là anh ta sẽ ra hàng. Sáng sớm nay, khi trên đường đến gặp tôi, anh ta đã bị người của các ông bắt. Anh ta thực sự đã đầu hàng chúng tôi".

Cuối cùng viên trưởng đồn Pháp, đã đồng ý cho cha tôi đưa anh du kích về đồn của ông để tiến hành thủ tục đầu hàng. Người thanh niên này không có sự lựa chọn nào khác mà phải làm theo ý cha tôi để bảo vệ mạng sống của anh ta. Ông ấy đã sống đến 1954 và nhiều năm sau nữa.

Trong một lần về thăm nhà, cha tôi đã tâm sự với tôi rằng, “Nghiêm túc mà nói thì người thanh niên đó là kẻ thù của thầy, nhưng anh ta vẫn là người Việt Nam, là con duy nhất trong gia đình mà thầy biết rất rõ về dòng họ của anh ấy”. Cũng có nhiều người bạn, ngoài đạo Công Giáo, của cha tôi, chấp nhận đi kháng chiến với Việt Minh vì họ không còn cách nào khác, đơn giản, họ chỉ muốn đấu tranh giành tự do, độc lập từ chủ nghĩa thực dân ác độc cho nhân dân họ. Và dĩ nhiên nhiều người trong số họ đã đau đớn nhận ra rằng giấc mơ về một Việt Nam mới của họ đã tiêu tan khi bản chất thực sự của Chủ Nghĩa Cộng Sản đã bộc lộ nguyên hình vào năm 1954, khi hiệp định Geneva có hiệu lực và Cộng Sản đã tiếp quản miền Bắc Việt Nam.

Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, cuối cùng Việt Minh vẫn thất bại trong việc bắt giữ mẹ tôi. Họ để lời nhắn lại rằng: "Họ sẽ không làm hại bà, nếu bà chỉ ở trong nhà". Về phần mẹ tôi, bà đã kiệt sức vì phải chạy trốn mỗi đêm nên cũng quyết định giữ vững lập trường và ở nhà đương đầu với họ. Một đêm kia, Việt Minh đến nhà tôi và cố chơi trò tâm lý để thuyết phục mẹ tôi rằng mục tiêu cha tôi đang theo đuổi là sai, là chống lại nhân dân (họ luôn tự đồng hóa đảng của họ với nhân dân) và mẹ tôi nên khuyến khích cha tôi trở về phía nhân dân. Mẹ tôi đã đơn giản trả lời rằng:

"Tôi chỉ là một thai phụ với hai con nhỏ, không biết gì về những việc các ông và chồng tôi làm, các ông hãy nói chuyện trực tiếp với chồng tôi và làm ơn để cho tôi và các con tôi được yên".

Họ đã khó chịu ra mặt khi không thuyết phục được mẹ tôi, lúc đó con chó của chúng tôi thấy người lạ đã sủa lớn tiếng. Họ nổi giận đứng lên và đe dọa theo lối côn đồ:

"Suỵt con chó cho nó im ngay, nếu không, chúng tôi sẽ bắn nó và chị phải đền tiền viên đạn đó". Đó không phải lần duy nhất họ đến thăm "xã giao" với mẹ tôi.

Trong khi đó, vào ban ngày cha tôi vẫn tiếp tục công việc thường nhật giữa nhà mình và đồn Pháp, nhưng phần lớn thời gian là ở ruộng hay làm những công việc hành chính cho dân làng. Một buổi xế chiều, cha tôi và một vị lý trưởng khác có việc về nhà ông ấy trên chiếc xe đạp của cha tôi. Họ chỉ mới rời khỏi đồn vài trăm thước trên con đường đất của mặt đê, thình lình có hai người đàn ông nhảy bổ ra và đạp vào xe của cha tôi! Họ ngã nhào xuống đất và vị trưởng làng kia lăn xuống tận chân đê, cách mặt đê ít nhất 10 mét. Hai tên đó lao theo ông ấy, con mồi dễ nuốt hơn, và liên tiếp đâm ông ta. Vẫn đứng trên mặt đê và không có tấc sắt trong tay, nhưng cha tôi đã nhanh trí, làm bộ để tay trong áo và hét lên:

"Tao sẽ ném lựu đạn"

Nghe vậy, hai người Việt Minh đã thả bạn của cha tôi ra và tẩu thoát. Dù bị đâm đến hơn mười nhát dao nhưng người bạn của cha tôi vẫn sống sót sau vụ tấn công đó. Lúc ấy những người Việt Minh không thể sử dụng vũ khí với bất kỳ tiếng nổ nào trên mặt đê hay dưới ruộng lúa, vì nó sẽ khích động người lính Pháp, đang canh đồn với khẩu đại liên 50 calibers, nã đạn vào tất cả bọn họ chẳng cần phân biệt bạn hay thù.

Vào một sáng sớm khác, cha tôi vừa từ đồn trở về và đưa bò ra ruộng cày. Trời mưa nhẹ, bỗng có hai người đàn ông xuất hiện ở sân nhà, họ cải trang như những nông dân với áo mưa (áo tơi, tự chế bằng những lá khô dài) nhưng mẹ tôi vẫn có thể nhìn rõ được những khẩu súng phía trong. Tuy nhiên, những người này đã không thể đuổi theo cha tôi vì ông đã đi ra đến đồng trống và họ sợ rằng tất cả mọi người sẽ bị quân Pháp bắn chết, nếu họ nã đạn vào ông.

Sau đó, đột nhiên "trò chơi" thay đổi khi chính phủ Pháp quyết định thiết lập lực lượng nhân dân tự vệ địa phương mà thời đó gọi là Hương Dũng. Họ đề nghị cha tôi thôi những công việc hành chính của lý trưởng để phụ trách một trong số hơn mười đồn mới sẽ được xây cất rải rác trong khu vực. Tất nhiên cha tôi sẽ được huấn luyện quân sự cần thiết cho nhiệm vụ mới nhiều phiêu lưu và "lý thú" này. Ít nhất nhờ cơ hội này, cha tôi và những người nông dân chất phát có cơ hội tự bảo vệ bản thân, gia đình và ngôi làng của họ.

Sau khi đảm nhận chức vụ Trưởng đồn của một đồn mới nằm phía bên kia của đồn Pháp và cách làng tôi khoảng một cây số, cũng trên con hương lộ dẫn đến thị xã của tỉnh Hà Đông. Ngay lập tức cha tôi nhận ra một vài điểm chiến lược:

Thứ nhất: hệ thống đê bao quanh nửa tỉnh Hà Đông đã là một thành lũy tự nhiên cho toàn khu vực. Kẻ thù từ phía bên kia sông Đáy có thể cố gắng để xâm nhập vào vùng này với một đơn vị lớn, nhưng nếu họ chậm trễ và phải rút quân sau khi trời sáng, đơn vị của họ sẽ dễ dàng bị tiêu diệt, vì họ phải băng qua một cánh đồng lúa rộng lớn trước khi họ tiếp cận với con đê. Băng qua đê cũng không phải là việc dễ dàng. Sau đó họ còn phải băng qua một đồng lúa khác trước khi đến được dòng sông. Cuối cùng họ phải vượt sông mới vào đến khu vực miền núi tương đối an toàn. Chỉ tương đối an toàn, vì có thể họ vẫn còn phải chịu đựng các cuộc tấn công từ trên không của Không Quân Pháp.

Thứ hai: Vì cuộc tấn công bởi một đơn vị lớn hầu như không thể xảy ra trong khu vực cha tôi đảm nhiệm, nên tất cả công việc ông phải làm sẽ là đối phó với lực lượng du kích địa phương. Do đó, ông đã dành cả ngày và đêm để tuần tra khu vực với số quân đầy đủ của đơn vị, một tiểu đội (12 người). Đôi khi họ cùng hành quân với lực lượng của các đồn khác, hay ngay cả binh lính từ đồn Pháp. Các du kích Việt Minh không thể tập hợp được một lực lượng mạnh hơn để đương đầu với quân Hương Dũng vì vậy họ đã chọn cách tránh né.

Thứ ba, ngay cả trước khi thành lập lưc lượng Hương Dũng, Việt Minh cũng chỉ xuất hiện vào ban đêm, nên câu hỏi ở đây là: "Vậy ban ngày họ đã ở đâu?" Cha tôi sớm phát hiện ra nơi ẩn nấp nấp bí mật của họ. Chủ yếu là ở hai nơi: một đường hầm ở bờ ao, khi có sự cố họ sẽ trượt xuống nước, thở bằng một ống hút hay một ống tre nhỏ đục rỗng bên trong. Nơi khác là một đường hầm cạnh bụi tre, tương tự nơi trước đây không lâu mẹ tôi đã phải ẩn nấp, với những lỗ thông hơi đặt trong giữa bụi rậm.

Sau khi một vài hầm bí mật bị phát hiện, phần lớn các lực lượng du kích trong toàn khu vực đã buộc phải rút lui về phía bên kia sông Đáy. Tinh thế đã hoàn toàn thay đổi mà phần lợi nghiêng về phía Hương Dũng. Thời gian này tương đối bình yên, các làng lại tiếp tục những hoạt động lễ hội truyền thống có từ hàng trăm hay ngàn năm trước đây của họ.

Tuy vậy, điều này vẫn không có nghĩa là cha tôi đã thoát khỏi nguy hiểm. Một buổi sáng, trên đường từ đồn về nhà, ông đã bị phục kích bởi một anh du kích núp trên đống rơm trong vườn nhà người hàng xóm. Nhưng vì cha tôi đã đạp xe quá nhanh (tính ông vốn thế) và anh du kích lại bị dao động mạnh, run tay không nổ súng kịp (sau này anh ta đã nhận như vậy). Một khi cha tôi về tới cửa nhà thì cơ hội thành công của anh Việt Minh chỉ còn được 50 phần trăm vì lúc đó cha tôi có thể đã trang bị (ông thường dắt một khẩu súng ngắn, Colt 12, trong áo). Cuối cùng, anh Việt Minh đã chọn cách im lặng trượt xuống khỏi đống rơm và lẩn mất.

Khi tôi lớn đủ, cha tôi đã tự hào đưa tôi đi nhiều nơi bằng xe đạp, ông luôn để tôi ngồi phía trước vì sợ rằng tôi không đủ sức để ôm lưng ông. Theo phong tục của người Việt Nam, chúng tôi không tổ chức sinh nhật riêng cho từng người nhưng mừng chung vào những ngày Tết âm lịch. Tuy nhiên, vào khoảng sinh nhật lần thứ năm của tôi, cha tôi quyết định là hai bố con xuống thị xã Hà Đông để cùng nhau chụp hình. Không biết rằng nguy hiểm chết người đang rình rập, cha tôi vừa huýt sáo, vừa nhẹ nhàng đạp xe và cố tránh những ổ gà, vì sợ xóc quá sẽ làm con trai trưởng của ông khó chịu trên con đường đất gồ ghề. Giữa đường đến thị xã, trong một căn nhà đổ nát, hai người du kích Việt Minh đang đợi với súng trường đã lên đạn và đang nhắm về hướng chúng tôi. Khi chúng tôi tiếp cận càng lúc càng gần vị trí của của họ, đến khoảng một trăm mét, một người đã sẵn sàng để siết cò. Đột nhiên người Việt Minh lớn tuổi hơn thì thầm:

"Đừng bắn! Chúng ta có thể giết oan thằng bé".

Vậy đó, chỉ cần vài lời ngắn ngủi, họ đã tha và vĩnh viễn thay đổi cuộc sống của hai mạng người. Sau chiến tranh, người du kích này trở về quê và kể lại câu chuyện với người em họ của cha tôi. Trong khi đó hai bố con tôi chẳng biết gì và vẫn vui vẻ tiếp tục hành trình xuống thị xã, chụp chung tấm hình đầu tiên trong đời.

Tại sao người Việt Minh đó đã nghĩ vậy? Chỉ vì tôi hay còn những lý do nào khác? Có thể ông ta cũng đã nghĩ về những sự phi lý trong cuộc chiến này, khi những người anh em giết hại lẫn nhau, bạn chặt đầu bạn. Có lẽ ông ta cũng mệt mỏi với những vụ chém giết hay kết thúc thêm mạng sống của một người nữa, một người bạn đã từng chơi chung khi họ còn là những đứa trẻ, ở trước nhà thờ hay trong sân đình làng. Có thể là tất cả những gì đã nêu trên. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng. Với tôi, đây là đặc ân Thiên Chúa đã ban cho hai bố con tôi được sống thêm hơn sáu mươi năm nữa trong cuộc đời này, cho tới hôm nay.

Còn với cha tôi, ông cũng có vài điều hối tiếc trong những năm sôi động của đời ông. Đầu tiên, ông hối tiếc vì đã không cứu sống được một anh Việt Minh, bị Pháp bắt ngay tại cổng làng tôi và bị bắn chết giữa đường trở về đồn của họ. Thứ hai, một lần có hai người du kích Cộng Sản tái xâm nhập vùng này và trốn trong ngôi đình của làng họ. Không may, đám trẻ đã nhìn thấy họ và báo cho chính quyền. Các lực lượng kết hợp gồm đồn của cha tôi và đồn của Pháp đã nhanh chóng bao vây ngôi đình. Chống lại các lực lượng áp đảo của phe đối lập, họ vẫn từ chối đầu hàng và đã chiến đấu dũng cảm. Cuối cùng, người đàn ông đã hy sinh trong chiến đấu, người phụ nữ trẻ, em họ của người đàn ông, đã trườn mình xuống một cái ao gần đó và cố gắng để thở bằng một cái ống. Khi những anh lính Hương Dũng kéo cô ta lên khỏi mặt nước, cô ấy đã sắp chết đuối. Binh lính Pháp đưa cô ta về đồn của họ, nhưng cô ta đã không vượt qua được cơn thử thách.

Hối tiếc lớn nhất của cha tôi là về môt người trong gia đình, em trai của mẹ tôi! Khi người dân cả nước vùng lên chống Pháp, cha tôi và hai người em trai của mẹ tôi cũng tham gia. Sau đó ít lâu, cha tôi rời phong trào Cộng Sản, nhưng hai cậu tôi vẫn ở lại, nhiều khả năng vì làng họ nằm ngoài khu vực bảo vệ của người Pháp, do đó, họ không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải ở lại. Sau khi cha tôi trở thành đồn trưởng của Hương Dũng, cậu thứ hai của tôi đã bị lực lượng Pháp, không phải những binh sĩ từ đồn Pháp gần nhà, bắt và đưa thẳng xuống thị xã Hà Đông vào một buổi tối. Khi cha tôi biết tin thì đã khuya, không thể có bất kỳ nỗ lực đàm phán nào. Cha tôi dự định sớm hôm sau, sẽ xuống thị xã và cố tìm cách để cứu cậu. Nhưng thật đáng tiếc, người Pháp đã đi trước cha tôi một bước, họ đã đua cậu đến chỗ ông bị bắt và hành hình.

Nhiều năm qua, tôi đã nghe đi, nghe lại câu nói của cha tôi đến hàng nghìn lần, mỗi lần nhắc lại ông đều nghẹn ngào, với giọng nói đầy cảm xúc và đôi mắt đẫm lệ:

"Thầy có thể cứu được người khác, nhưng lại không thể cứu được chính em trai mình!"

TUYÊN ÚY NGUYỄN và BẢO PHƯƠNG